Chỉ biết rằng, từ đó đến giờ cái truyện ngắn này vẫn mãi gây “khó chịu” với người đọc bởi sự kín đáo trong câu chữ của một bậc văn tài.
Nếu tôi không nhớ lầm, đề thi tuyển sinh Đại học môn Văn, khối D, năm 2009, từng có một câu hỏi về tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa. Sách giáo viên thì xếp nó vào loại tình huống nhận thức “chủ yếu cắt nghĩa giây phút “giác ngộ” chân lý của nhân vật”. Thế nhưng, nếu có dịp đọc kỹ lại văn bản nghệ thuật bạn sẽ thấy, cho đến chữ cuối cùng của truyện, hình như cái sự “ngộ” ra của Phùng vẫn…chưa tới. Chẳng lẽ, đánh đồng cái chân lý đời sống mà chánh án Đẩu đã vỡ vạc ra (trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo?) với chân lý nghệ thuật của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng ư? Như thế, khác nào bảo Nguyễn Minh Châu cũng làm nghệ thuật theo kiểu minh hoạ.
Ngẫm lại mới thấy Phùng của Nguyễn Minh Châu hay ở chỗ, anh là một nhân vật ham hành động nhưng thật ra lại rất… thụ động. Tạm chia truyện làm hai phần. Phần một từ đầu cho đến khi Phùng chụp xong bức ảnh cuối cùng và toan nhảy tàu về Hà Nội. Phần hai chính là tình huống nhận thức với những bí mật liên tục được phơi bày, vỡ lẽ. Từ người nghệ sĩ Phùng ra tay ngăn chặn bạo hành. Phùng có mặt bên Đẩu trong một “phiên toà” chất vấn lương tâm mà cuối cùng chính người đàn bà làng chài - tưởng như người bị hại - lại tự thú mình là thủ phạm sâu xa - rồi lại tự phán quyết cho cảnh đời của mình: “Các chú đừng bắt tôi bỏ nó!”. Nhưng nếu để ý kỹ, gác lại câu chuyện của người đàn bà làng chài, gác lại sự khó xử của Đẩu, ta lại thấy chuyện chụp ảnh của Phùng mới là cái “đáng ngờ” nhất. Tất thảy những gì anh làm (gồm cả sự đổ máu khi ra tay trượng nghĩa) cũng chỉ là sứ mệnh của một gã đàn ông, một công dân khẳng khái. Thế còn, về phần con người nghệ thuật thì sao? Từ dạo ông trưởng phòng đề ra cái sáng kiến “bộ sưu tập chuyên đề thuyền và biển” cho đến kết thúc truyện, anh vẫn trung thành phụng sự cái lối làm nghệ thuật đó. Thậm chí, ở những dòng chữ cuối cùng người đọc còn thấy cái bức ảnh thuyền và biển của anh “vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật”. Nghĩa là, anh vẫn yên tâm với tác phẩm của mình. Chỉ trừ một chi tiết có vẻ vu vơ thay cho lời kết:
“Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kỹ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông”. Hiển ngôn, thì nó là một kỷ niệm. Tác giả vẫn nhớ như in cả màu hồng hồng của sương mai, cả hình ảnh người đàn bà vùng biển gặp hôm ấy dù trước mắt đang là bức ảnh đen trắng chụp tĩnh vật. Nhưng ngẫm đến nghĩa hàm ẩn mới thấy nó có lý đến lạ. Với cách chỉ đạo làm nghệ thuật của trưởng phòng và với ống kính máy ảnh, lăng kính chủ quan của Phùng thì chuyện đen trắng hoá ửng hồng hay rực hồng cũng đâu có gì lạ. Vẫn là cái quan niệm về ranh giới tuyệt đối, bất biến của thời chiến theo kiểu bên ta, bên địch được bê nguyên vào làm nghệ
thuật thành đen-trắng. Trong khi cuộc sống đa sự, đa sắc màu mà lắm khi màu sáng còn bị khuất lấp bởi màu xám xịt, màu tro than… đáng ra phải cáo chung ở những quan niệm cũ kỹ. Bởi thế màu hồng kia là một sự đồng điệu tất yếu cho cách làm nghệ thuật ấy.
Thế còn khi nhìn lâu bức ảnh tĩnh vật Phùng lại thấy người đàn bà ấy bước ra…? Vậy thì nghệ thuật không tách rời được cuộc sống hay là cuộc sống không chấp nhận cái kiểu nghệ thuật đóng khung, ép phẳng mọi chuyện đây? Đọc lại ở phần trên ta thấy, khi mới đến làng chài này, Phùng vẫn còn yên tâm với cảm hứng ngợi ca. Vẫn nhìn thấy sức sống của số đông ở khắp những nơi anh để mắt tới: từ cậu bé lên năm khoẻ khoắn ném phoi bào, đến cảnh người ta xếp hàng dọc ghé vai hạ thuỷ những con thuyền mới đóng. Rồi sau đó, chẳng biết cơ duyên nào mới khiến cho anh lạc vào một số phận riêng của một con thuyền, một gia đình, một cảnh ngộ người đàn bà miền biển… Có điều, đến đoạn hồi tưởng cuối truyện ngắn này anh cho số phận oái oăm ấy “bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông”. Hai chữ “hoà lẫn” ấy mới đáng sợ làm sao. Mụ đã tái hoà nhập được vào cái cuộc sống của đám đông đầy vui tươi vừa nhắc đến ở trên hay số phận ấy bị lẫn, bị lấp vào đám đông như một sự bỏ rơi. Hiểu thế nào cũng đúng khi bài toán với những dữ kiện: con thuyền bé nhỏ, một đàn con và ông chồng (đáng tội) không biết uống rượu mà chỉ biết xả cái cơ cực ấy lên thân xác vợ… chưa có lời giải. Nếu khi “ngắm kỹ”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng thấy mù màu thực sự vì cứ quẩn quanh từ đen, trắng đến hồng mà không nhìn ra được cuộc đời đa sắc diện. Thì đến đây, hình ảnh người đàn bà “hoà lẫn” vào đám đông cũng đủ nói lên rằng, đôi mắt của anh đã mờ nhoè. Một đôi mắt đáng bỏ đi. Phùng từ nghệ sĩ có bức ảnh đáng giá đến một người thưởng thức có ý nghĩ quái gở.
Cùng với Nhĩ trong Bến quê, hoạ sĩ trong Bức tranh, nghệ sĩ nhiếp ảnh trong Chiếc thuyền ngoài xa đã góp thành một kiểu nhân vật hay “nghĩ quẩn” của Nguyễn Minh Châu. Họ sống chỉn chu mà cứ thấy day dứt. Cứ thấy cuộc đời mình đáng ra đã gói lại được rồi mà liệu có nên mở ra làm lại không? Chỉ biết rằng, với cái ý nghĩ quái gở ấy đã giúp cho Phùng thoát tội vô tâm với nghệ thuật. Cứ cho là một gợi ý đến một nhận thức về cách làm nghệ thuật khác, tuy mơ hồ, muộn màng nhưng vẫn đủ sức phá đi lối làm nghệ thuật cũ bằng một tuyên ngôn còn kín đáo như thế.
**************************
Mấy suy nghĩ về cái cá biệt trong Chiếc Thuyền Ngoài Xa của Nguyễn Minh Châu
Trong văn học 1945 - 1975, cái cá biệt hầu như bị loại trừ. Văn học là tiếng nói nhân danh dân tộc, đại diện cho nhân dân. Nó ưu tiên trước hết cho cái tiêu biểu, cái đại diện. Sau 1975, văn học làm một hành trình ngược lại. Cái riêng, cái cá biệt xuất hiện và trở thành tâm điểm để nhà văn nhận thức, soi chiếu đời sống. Với ý nghĩa đó, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu tiêu biểu cho sự thể nghiệm này của nền văn học mới.
Chiếc thuyền ngoài xa trước hết dẫn người đọc đến với những con người cá biệt. Hai nhân vật chính của tác phẩm, người đàn ông và người đàn bà đều không tên. Một người đàn ông không tên, một người đàn bà không tên với “thân hình quen thuộc của một người đàn bà vùng biển”, trên một bãi biển vô danh… Tất cả như một sự hướng đạo: họ có thể là riêng mà cũng có thể là bất cứ ai ta gặp trên đất nước có chiều dài xuyên dọc bờ biển này. Không phải vô cớ mà mỗi khi nhìn tấm ảnh, người nghệ sỹ luôn có cái cảm giác: “Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hoà lẫn trong đám đông…”. Nhân vật cá biệt, nhưng trong họ có gương mặt của đám đông.
Một biểu hiên nổi bật của cái cá biệt trong tác phẩm là sự cá biệt đến quái đản của tình thế. Nó dị biệt, khác thường đến mức “không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được” - Đẩu và tôi cùng thốt lên”. Sự khác thường được đẩy lên với hai cấp độ. Thứ nhất, ấy là sự thật đáng kinh ngạc sau bức tranh thiên nhiên diễm lệ: người đàn bà nhẫn nhục chịu đựng sự hành hạ của chồng, không
hề có sự phản ứng. Người chồng đánh đập vợ tàn nhẫn đến mức trở thành một thói quen, vô cảm và bản năng. Những đứa con bất lực nhìn cảnh bạo lực diễn ra ở chính cha mẹ chúng. Tất cả diễn ra đều đặn, câm lặng đằng sau cái vẻ đẹp tuyệt mỹ và toàn bích của thiên nhiên. Một hiện thực quái đản không thể lý giải được. Thứ hai, còn đáng ngạc nhiên hơn nữa, khi bi kịch gia đình tưởng có thể giả quyết theo cách thông thường, tưởng như là lối giải thoát hợp lý nhất trong tư duy của “tôi” và người bạn - vị quan toà đại diện cho công lý thì hoàn toàn ngược lại. Người vợ đứng trước sự che chở của công lý đã từ chối sự bảo trợ của nó với lý lẽ đáng ngạc nhiên và không ngờ nhất: “Quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó…”. Lòng tốt và cả công lý nữa không thể thấu triệt được với tình thế bất ngờ này.
Rõ ràng, Nguyễn Minh Châu đã đưa ra một câu chuyện trái ngược nhận thức thông thường bằng chính sự cá biệt của nó. Ông muốn đối thoại với cách viết về con người số đông trước kia. Trong văn học 1954 - 1975, con người trước khi là mình, dù rất ít khi nó được là mình, nó phải là con người của giai cấp, của “phe ta”, đại diện cho sức mạnh và khát vọng của cả dân tộc. Lấy điểm tựa là số đông, nó mạnh mẽ và đầy lý tính. Chân lý đối với nó phải là cái đúng, cái hợp lý. Nó ít khi chấp nhận sự cá biệt, trong khi chỉ có cái cá biệt mới dung hợp được cái éo le, bất thường. Ngược lại, ở đây, con người trước hết là đại diện cho chính nó, là con người cá nhân - đời tư trong tất cả sự riêng tư, éo le. Bởi thế, hiện thực được nói đến, trước hết là cuộc sống hiện tồn của cá nhân - hiện thực đa đoan trong cái nhân sinh nhiều vẻ của nó - hiện thực dung hợp trong nó tất cả những cái eo le dị thường nhưng có lý của cuộc sống. Bài học được rút ra ở đây là: hiện thực nhiều khi bất khả tri, nhiều khi tàn nhẫn đến phi lý nhưng nó là hiện tồn, hiện sinh không chối cãi. Để sống, để tồn tại, con người ta không có cách nào hơn là chấp nhận sự phi lý, tàn nhẫn đôi khi đến bất thường của nó. Đến đây, cái cá biệt trong tác phẩm gợi ra cái nhìn không đơn nghĩa về cuộc đời. Nó cá biệt nhưng không đơn trị. Nó chạm vào cái quy luật nghiệt ngã nhưng thẳm sâu và có lý vô cùng của tồn tại.
Một phương diện khác cũng được tác phẩm khẳng đinh là cái nhìn cá biệt, cá nhân hoá cùng kinh nghiệm cá nhân về cuộc đời. Ở Chiếc thuyền ngoài xa, người kể chuyện được nhân vật hoá: là một nhân vật trong truyện. Trước hết, Phùng xuất hiện trong tác phẩm với tư cách người làm chứng - chứng kiến câu chuyện xảy ra với tư cách một người ngoài cuộc theo đúng nghĩa của từ này: “Chắc chắn họ không trông thấy tôi”. Anh đứng đằng sau chứng kiến màn đánh vợ kỳ lạ của người đàn ông, chứng kiến bi kịch gia đình, rồi lại ngồi giấu mặt đằng sau bức màn vải hoa chứng kiến cuộc nói chuyện giữa người đàn bà và vị quan toà trẻ tuổi. Ngay cả khi tưởng như đã nhảy vào câu chuyện rồi, người kể chuyện cũng không hề tạo nên bước ngoặt mới nào cho câu chuyện, nghĩa là anh ta chưa phải là một nhân vật thực thụ tham gia vào tiến trình câu chuyện. Cả người đàn ông, người đàn bà và thằng bé Phác đều coi như không có anh ta, bi kịch gia đình diễn ra như không hề có sự có mặt của người kể chuyện: “Chỉ có tôi và thằng bé đứng trơ giữa bãi xe tăng hỏng, trên tay thằng nhỏ vẫn cầm chiếc thắt lưng, hai chúng tôi đưa mắt ngơ ngác nhìn ra một quãng bờ phá vừa ban nãi chiếc thuyền đậu. Như trong truyện cổ đầy quái đản, chiếc thuyền lưới vó đã biến mất” . Khi quá bất ngờ và bức xúc trước thái độ của người phụ nữ, Phùng từ bỏ vai trò người đứng ngoài, lộ diện và tham gia vào câu chuyện của chị. Nhưng rút cuộc, cái mà anh nhận được lại là sự chấp nhận, nghĩa là thừa nhận sự bất lực cũng như sự đứng ngoài hoàn toàn của mình với câu chuyện của họ. Thái độ này có hai ý nghĩa. Thứ nhất, nó tô đậm tư tưởng của tác phẩm: cuộc sống dẫu đôi khi tàn nhẫn nhưng có cái lý của nó và con người dù muốn, dù không cũng phải chấp nhận. Mặt khác, nó khiến ta phải suy nghĩ về vai trò của nhân vật “tôi”. Điều mà nhà văn muốn nhấn mạnh ở nhân vật này không phải là hành động cứu thế mà là ở khả năng của một “nhà tư tưởng”. Sức nặng nằm ở chính sự trải nghiệm của nhân vật: trước câu chuyện ấy, nhân vật nghĩ gì và rút ra được trải nghiệm gì. Vai trò của nhân vật có thể gói lại trong khái niệm: tự nhận thức, một hành động cá nhân, riêng tư nhất của con người ngay từ khởi thuỷ.
Như thế, xuất phát điểm của câu chuyện rõ ràng là sự trải nghiệm cá nhân. Người kể chuyện như muốn khẳng định: đây là câu chuyện của riêng “tôi”, là một cuộc gặp gỡ ngoài dự kiến, một
câu chuyện lạ lùng đối với bản thân tôi nữa. Tôi cũng hoàn toàn bất ngờ, thậm chí là bị động trước nó. Trong truyện có hai mạch vận động. Trên bề nổi là mạch vận động của câu chuyện - ba lần gặp gỡ của “tôi” với người phụ nữ. Ở bề chìm hơn, là mạch vận động trong sự nhận thức của nhân vật “tôi", đi từ sửng sốt, căm giận, phản đối quyết liệt đến thấu hiểu và chấp nhận. Trọng tâm câu chuyện rơi vào mạch thứ hai. Nhân vật không biết trước, biết hết mà lớn lên cùng câu chuyện, là kiểu nhân vật “do đời dạy dỗ”. Ý nghĩa của nhân vật nằm ở chính hành trình này. Nhìn từ phương diện khác, nó chính là hành trình đi từ cái cá biệt đến cái không đơn nghĩa: tìm ra chân dung đời sống trong vẻ đầy nghịch lý, nhiều mặt phía sau. Cho nên, có thể nói rằng, ngay trong “tôi”- người kể chuyện - cũng có một nghịch lý trở thành thuận lý: ban đầu là cuộc gặp gỡ tưởng cá biệt, ngẫu nhiên, là suy nghĩ tưởng như riêng tư, nhưng rồi nó đã khơi gợi những suy nghĩ phổ quát về bản chất cuộc đời. Ý nghĩa mà cuộc đời khơi gợi, vang động trong lòng nhân vật đã vượt lên tình thế cụ thể của đời sống mở ra một cách ngẫu nhiên trước mắt.
Người ta luôn khẳng định rằng, một tác phẩm có giá trị đích thực phải mang một cái nhìn mới cho cuộc đời. Suy cho cùng, gốc rễ của nó phải thuộc về cái nhìn, mà sâu xa hơn nữa, phải thuộc về cái nhìn cá nhân. Chỉ có cái nhìn cá nhân bứt phá, dám chấp nhận sự vênh lệch với cái nhìn cộng đồng mới đủ bản lĩnh xuyên thấu những vấn đề mà nhận thức thông thường không thể. Nói cách khác, chỉ có cái nhìn cá nhân mới chấp nhận được cái cá biệt, có đủ bản lĩnh soi rọi nó bằng sự trải nghiệm riêng. Nhưng, nói như Nguyễn Khải: “Đám đông thường cho ta cảm giác sai vì họ không thể giữ được tính độc lập trong tình cảm và phán xét. Còn cá nhân thì cái thân phận riêng