Tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân và quá trình hồi sinh của nhân vật Mị.

Một phần của tài liệu Ôn tập một số Tác phẩm văn học 12 (Trang 126)

- Những hình ảnh thơ độc đáo mới mẻ

1.Tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân và quá trình hồi sinh của nhân vật Mị.

Bị bắt làm dâu gạt nợ, cuộc sống của Mị trong nhà thống lí Pá Tra không khác gì địa ngục. Mị từng nghĩ đến cái chết nhưng vì thương cha, cũng vì nghĩ “nó đã bắt ta về trình ma nàh nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi…” nên cứ âm thầm mà sống trong sự chịu đựng. Nhưng trong đêm tình mùa xuân, cùng với không khí nhộn nhịp ngày tết, men rượu nồng nàn, tiếng sáo góp phần đáng kể trong việc khơi gợi sức sống và khát vọng mãnh liệt của nhân vật. Quá trình tâm lí nhân vật chuyển biến phức tạp được miêu tả theo những sắc điệu muôn màu của tiếng sáo gọi bạn tình. Tác giả đã để tiếng sáo ấy xuất hiện nhiều lần nhằm chiếu ứng với sự chuyển biến ấy.

Đầu tiên, tiếng sáo xuất hiện trong cảnh mùa xuân rực rỡ của bản làng: những chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá như những con bướm sặc sỡ, đám trẻ con chơi quay, cười đùa trước sân nhà. Mị nghe tiếng sáo gọi bạn chơi của ai đó từ đầu núi vọng lại. Cô cảm nhận được âm điệu “thiết tha, bổi hổi” trong tiếng sáo. Cô nhẩm theo lời bài hát người ta đang thổi. Lần đầu tiên, sau bao năm trời “lùi lũi” như cái xác không hồn, Mị đã xúc cảm được với xung quanh. Cho nên, nếu mùa xuân là giá đỡ, điện nguồn cho cây đại dương cầm thì tiếng sáo là những ngón tay thon thả, dịu dàng đệm lên những nốt nhạc lòng đã tắt lịm từ lâu trong Mị. Và phím đàn ấy đang so dây, sắp tấu lên bản giao hưởng trữ tình của giai điệu tình yêu – hạnh phúc.

Lần thứ hai, tiếng sáo gọi bạn đã ở đầu làng, vẳng lại bên tai Mị. Lúc này, sau khi “uống ừng ực” từng bát rượu, bao nỗi căm hờn tủi nhục đã nuốt trôi, Mị đang “sống về ngày trước”. Mị đang cố tìm lại tất cả hình bóng ngày xưa. Hồi ấy Mị biết thổi sáo và thổi rất hay. Hồi ấy Mị cũng uống rượu ngày xuân. Hồi ấy có biết bao người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Mị không say rượu. Mị chỉ say trong kỉ niệm quá khứ! Cho nên rượu chỉ là nước còn tiếng sáo mới là men nồng.

Cuộc rượu đã tan, “người về, người đi chơi đã vãn cả”. Nhưng Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà nhấm nháp dư âm ngày xưa vọng lại. Mị cũng trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng của phòng giam đời mình như mọi ngày nhưng không phải để nghĩ đến cái chết. Lòng Mị đã “phơi phới” và giờ đây đang rộn rã một niềm vui sướng, đang cháy bỏng khát khao yêu đương tuổi trẻ. Nàng không thèm nghĩ đến hiện tại của mình. Tiếng sáo lại xuất hiện lần thứ ba trong trạng thái xúc cảm như vậy. Đó là “tiếng sáo gọi bạn yêu”, nó “lơ lửng ngoài đường”. Tiếng sáo ấy như hòa điệu với tâm hồn phơi phới của Mị. Tiếng sáo ấy như muốn nâng chở khát khao bay bổng của Mị đến với những cuộc chơi.

Rồi Mị muốn đi chơi. Mị chuẩn bị đi chơi. Mị quấn lại tóc, lấy váy hoa, rút thêm áo ra mặc. Vì lúc này đầu Mị đang “rập rờn tiếng sáo”. Vậy là tiếng sáo lần thứ tư đã trở nên

giòn giã, thúc giục và choáng cả tâm trí Mị. Cho nên A Sử về tự lúc nào mà nàng vẫn không hay biết. Mị đã bị trói theo kiểu trung cổ vì dám “quên thân phận”.

Nhưng tâm hồn con người ta một khi đã cất cánh thì dễ gì trói lại được. Bởi thế, hơi men vẫn còn nồng nàn, Mị vẫn còn nghe tiếng sáo. Và lần thứ năm, tiếng sáo xuất hiện để đưa tâm hồn cô “đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. Nó kéo cả bước chân Mị đi theo, dầu đang bị trói chặt!

Dĩ nhiên Mị không thể bước đi được, sợi dây hiện thực đã kéo chân cô, kéo cả hồn cô xa dần tiếng sáo! Sợi chỉ hồng, ngón tay đệm, men say … nối Mị với quá khứ, tình yêu và khát vọng tuổi trẻ giờ đã tiêu tan! “Mị không nghe tiếng sáo nữa”. Mị chỉ nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Cô thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa. Cô nín khóc, cô lại bồi hồi! Nhưng có lẽ sự thổn thức, bồi hồi giờ đây không như lúc đầu nữa. Suy nghĩ “mình không bằng con ngựa” lúc này cũng vậy. Khi trước Mị nghĩ thế để mà chấp nhận số phận an bài: “…con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa…”. Còn bây giờ ý thức đã sống dậy. Mị thổn thức, bồi hồi là nuối tiếc quá khứ vàng son không bao giờ gặp lại nữa. Đó là trạng thái tâm lí khi đang mơ bị người khác đánh thức. Mị nhận ra thân phận trâu ngựa của mình, tức là đã ý thức được bi kịch. Quy luật tâm lí con người vốn thế. Người ta có thể dễ dàng trượt dài xuống bờ vực thẳm của sự tha hóa, và chấp nhận. Muốn quay lại đương nhiên rất khó. Nhưng một khi người ta đã ý thức muốn trở về, nhất là khi đã có dấu hiệu của sự trở về thì dẫu bắt chết cũng khó lòng khiến người ta khuất phục. Mị đã sống lại ý thức và cảm giác, tạm thời nàng chưa đủ khả năng giải phóng nên vẫn đắng cay chấp nhận thực tại nhưng bắt Mị mãi mãi cam tâm là trâu ngựa như trước e không thể được nữa.

Tô Hoài đã rất tinh tế khi để Mị khắp người bị dây trói thít chặt lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu tỏa. Tiếng sáo, tiếng chó sủa xa xa. Mị lúc mê lúc tỉnh cho tới khi trời tang tảng rồi không biết sáng từ bao giờ…

Nhưng những gì xảy ra đêm qua quyết không phải là giấc mơ. Có điều nó chưa đủ sức vượt qua sức mạnh phũ phàng của thực tại. Cho nên dù ưu ái nhân vật đến đâu, với ngòi bút hiện thực, Tô Hoài cũng đành gạt nước mắt để Mị tiếp tục khổ sở một thời gian nữa trong nhà thống lí.

Sáng hôm sau, mọi việc trở lại bình thường. Cái bình thường ở đây giống như sự phẳng lặng của biển cả trước hoặc sau cơn giông tố. Nhưng nó không tuần hoàn và dễ tiên đoán như quy luật tự nhiên bởi đây là thế giới nội tâm của con người. Sóng lòng khác sóng biển ở sự bất chợt. Ta có thể gọi đợt sóng vừa rồi trong lòng Mị là “cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất” như cách nói của các sử gia.

Như vậy, tiếng sáo có can hệ rất lớn đối với diễn biến tâm lí nhân vật Mị. Nhà văn Tô Hoài đã tỏ ra rất tinh tế trong việc miêu tả các cung bậc của nó: lúc gần, lúc xa; lúc vọng, lúc vẳng; lúc bổi hổi thiết tha, lúc lơ lửng, lúc lại rập rờn; lúc khơi gợi, mời mọc, quyến rũ, mơn trớn, có lúc trở thành tác nhân đưa đẩy… Thật linh diệu vô cùng!

2. Hình tượng ánh lửa trong đêm mùa đông và diễn biến tâm lí dẫn đến hành động cắt dây trói cho A Phủ của nhân vật Mị.

Lửa thông thường dùng để sưởi ấm con người những khi giá lạnh. Vì thế nó cũng có tác dụng tương tự đối với tâm hồn mỗi khi có cảm giác trống vắng, cô đơn. Lửa càng rực sáng lòng người càng ấm, càng vui hơn. Nhưng ở đoạn miêu tả diễn biến tâm lí, hành động nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói cho A Phủ không như vậy.

“Thường đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu thì các chị em trong nhà mới bắt đầu dậy ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn”… “Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết còn ở với ngọn lửa”. Tô Hoài kể ra điều này có nhiều dụng ý. Thứ nhất, tác giả cố ý sắp đặt để Mị có dịp gặp A Phủ, người cùng cảnh ngộ, giúp khơi gợi lòng trắc ẩn trong cô vốn đã bị vùi lấp trong tro tàn của nghịch cảnh phũ phàng. Thứ hai, Mị hay dậy sớm một mình, có nghĩa nàng có đời sống nội tâm đặc biệt (có nhiều tâm sự, suy tư khiến người ta khó ngủ). Thứ ba, Mị cô đơn, không có ai bầu bạn, chia sẻ tâm sự, ngọn lửa trở thành chỗ dựa tinh thần duy nhất để cô có thể sống trong những tháng ngày vật vờ ở nhà thống lí Pá Tra... Cho nên khi lửa còn sáng thì chỗ dựa tinh thần (dù chỉ là ảo tưởng) còn vững, Mị có cớ để tiếp tục chấp nhận sự an bài của số phận. Nhưng khi ánh lửa mờ dần và tối hẳn, cũng có nghĩa Mị đang hướng tới vùng sáng khác trong tâm hồn và trong tương lai cuộc đời mình. Nhà văn Tô Hoài đã tỏ ra khá tinh tế khi phát hiện ra điều ấy. Trong tình huống trên, nhà văn đã miêu tả qua trình mờ dần của ánh lửa ở bốn cấp độ:

Lần thứ nhất, khi bắt gặp cái nhìn “trừng trừng” của A Phủ, biết anh ta còn sống, mà dù anh ta có chết đi rồi thì Mị vẫn thế, “vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay”. Lúc ấy “ngọn lửa sưởi bùng lên”, nhưng tâm hồn Mị thì vẫn nguội lạnh, vô cảm.

Lần thứ hai, thấy A Phủ “nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má…”, Mị chợt nghĩ và thương cho mình, rồi Mị lại nghĩ và lo cho người ta, “cơ chừng này chỉ đêm mài là người kia (A Phủ) chết, chết đói, chết rét, phải chết.” Mị cũng ý thức rõ tội ác của bọn chúa đất, kẻ đã gây ra bi kịch cho cuộc đời mình và bao người cùng cảnh ngộ. Mị cũng mơ hồ nghĩ rằng “người kia” việc gì mà phải chết thế. Lúc này: “ngọn lửa bập bùng sáng lên”, ngọn lửa của lòng trắc ẩn và ý thức về cuộc sống trong Mị cũng được nhen nhóm.

Lần thứ ba, nhớ lại đời mình, Mị lo sợ “một lúc nào đó, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cới trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy”. “Cùng tắc biến”, con người ta khi đã tự đặt mình vào tình thế xấu nhất là cái chết thì còn gì đáng sợ nữa. Trong cảnh ấy, Mị “cũng không thấy sợ nữa” là vì vậy. Nhưng điểm sáng trong tâm hồn Mị là nàng không chỉ nghĩ cho mình. Cứu A Phủ hay để A Phủ tự trốn, đằng nào Mị cũng bị chết thay nên Mị không cần phải tính toán nhiều, cứ hành động theo sự mách bảo của lương tri. Lần này “đám than đã vạc hẳn lửa”, Mị không cần sưởi ấm cho mình mà đang nghĩ cách giải cứu người khác.

Nhưng dù gì Mị cũng là cô gái yếu đuối, bị đày đọa triền miên nên lúc nào cùng lơ sợ. Vì vậy, khi “trong nhà đã tối bưng” (lần thứ bốn), Mị “rón rén bước lại …, rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây” giải cứu cho A Phủ. Hành động xong, Mị “cũng hốt hoảng”, chỉ thì thào được một tiếng “đi ngay”, rồi “nghẹn lại”. Cô cũng không biết phải làm gì tiếp theo nên chỉ “đứng lặng trong bóng tối”. Như vậy hành động của Mị vừa có tính tự giác (xuất phát từ động cơ muốn cứu người), vừa có tính tự phác (không có kế hoạch, tính toán cụ thể), nói cách khác là vì lòng thương người mà cũng là vì “liều”. Việc Mị và A Phủ chạy khỏi chốn tăm tối trong đêm tối lạnh buốt còn có ý nghĩa sâu xa: họ đã được giải phóng, họ sắp tìm đến ánh sáng cuộc đời mới.

Tóm lại, nếu ánh lửa đã từng là cứu cánh cho cuộc đời tối tăm của Mị trong nhà thống lí Pá Tra thì bóng tối trở thành “đồng lõa” cho hành động cứu người, cứu mình rất có ý nghĩa của nhân vật. Từ đây, hình tượng ánh lửa trong văn học có thêm nhiều ý nghĩa sâu sắc mới. Điều đó khẳng định sự già dặn của một cây bút hiện thực, sự nhạy cảm, tinh tế của một nhà văn từng gắn bó nghĩa tình với miền Tây Bắc.

những nét riêng của con người miền núi. Có thể hình ảnh con người trong cuộc đời thật ở miền núi trong chế độ cũ không còn mấy người tường tận. Nhưng ngày nay, những cô gái cao nguyên trong lao động, sinh hoạt thật chẳng khác Mị của Tô Hoài. Có cái gì đó giống như lầm lầm lũi lũi, cặm cụi, chịu đựng mà cũng rất sôi nổi, mạnh mẽ, bốc men. Phải chăng cái “chất” của con người miền núi là vậy!...

Chủ đề: Qua việc miêu tả cuộc đời, số phận của Mị và A Phủ, nhà văn đã làm sống lại quãng đời tăm tối, cơ cực của người dân miền núi dưới ách thống trị dã man của bọn chúa đất phong kiến, đồng thời khẳng định sức sống tiềm tàng, mãnh liệt không gì hủy diệt được của những kiếp nô lệ, khẳng định chỉ có sự vùng dậy của chính họ, được ánh sáng cách mạng soi đường sẽ dẫn tới cuộc đời tươi sáng.

Một số nét đặc sắc nghệ thuật :

Một phần của tài liệu Ôn tập một số Tác phẩm văn học 12 (Trang 126)