V. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phân đạm và cách sử dụng
1.3.2. Amôn sunphat (NH4)2SO4
Còn gọi là phân SA. Sunphat đạm có chứa 20 – 21% N nguyên chất. Trong phân này còn có 29% lưu huỳnh (S). Trên thế giới loại phân này chiếm 8% tổng lượng phân hóa học sản xuất hàng năm.
1.3.2.1. Đặc điểm
Dạng tinh thể, mịn, màu trắng ngà hoặc xám xanh. Phân này có mùi nước tiểu (mùi amôniac), vị mặn và hơi chua. Cho nên nhiều nơi gọi là phân muối diêm. Khi bón vào đất, tan nhanh, ion NH4+ được keo đất hấp phụ.
Là loại phân chua hóa học và chua sinh lý và khi bón liên tục nhiều năm sẽ gây ra phản ứng chua cho đất.
1.3.2.2. Sử dụng
Sunphat amôn là loại phân bón tốt vì có cả N và lưu huỳnh là hai chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây.
Có thể đem bón cho tất cả các loại cây trồng, trên nhiều loại đất khác nhau, miễn là đất không bị phèn, bị chua. Nếu đất chua cần bón thêm vôi, lân. Phân sunphat amôn dùng tốt cho cây trồng trên đất đồi, trên các loại đất bạc màu (thiếu S).
Đối với cây trồng: đạm sunphat amôn được dùng chuyên để bón cho các loài cây cần nhiều S và ít N như đậu đỗ, lạc v.v.. và các loại cây vừa cần nhiều S vừa cần nhiều N như ngô.
Tuy nhiên hiện nay loại phân này ít được sử dụng hơn so với urê.
Cần lưu ý đạm sunphat amôn là loại phân có tác dụng nhanh, rất chóng phát huy tác dụng đối với cây trồng, cho nên thường được dùng để bón thúc và bón thành nhiều lần để tránh mất đạm.
Khi bón cho cây con cần chú ý là phân này dễ gây cháy lá.
Không nên sử dụng phân đạm sunphat để bón trên đất phèn, đất lầy thụt vì phân dễ làm chua thêm đất. Nên bón phân kết hợp với phân chuồng, nâng cao tính đệm của đất, giảm tác hại của loại phân này.
Sau một số năm sử dụng cần bón vôi cho đất để cải tạo chua. Tác dụng của vôi trong trường hợp này thể hiện ở chỗ ion Ca2+ kết hợp với ion SO42- tạo thành muối CaSO4 kết tủa, không tạo thành H2SO4.
[KĐ]Ca++ + (NH4)2SO4 ---> [KĐ]2NH4+ + CaSO4.