5. Nhân vật nữ pha (đào pha) Súy Vân, Thiệt Thê khát vọng nhân bản về cuộc sống hạnh phúc lứa đô
2.3. BI HÀI VỚI GIÁ TRỊ MỸ HỌC TRONG XÂY DỰNG NHÂN VẬT CHÈO TRUYỀN THỐNG
CHÈO TRUYỀN THỐNG
Dân tộc Việt Nam Vốn là một dân tộc ưa chuộng tiếng cười. Mỹ học dân tộc Việt dường như không có sự tồn tại đơn độc của cái bi, nhưng cái hài
được diễn ra rất rõ nét qua một hệ thống đồ sộ của truyện tiếu lâm, truyện cười dân gian...
Nếu tuồng là nền sân khấu truyền thống tiêu biểu cho cái bi - hùng thì Chèo tiêu biểu cho cái bi - hài.
2.3.1. Trong nghệ thuật Chèo truyền thống, yếu tố hài (kết hợp yếu tố bi) đậm đặc đến nỗi có hẳn một thuyết cho rằng chữ Chèo là do chữ trào (trào lộng) mà ra. Thực tế thì sự đan xen giữa bi và hài trong các vở Chèo gần giống như cách chơi màu tương phản trong tranh dân gian. Cứ một chuyện đau lòng đến rơi nước mắt thì lại đến một truyện cười cũng tới mức hả hê. Tìm hiểu cấu trúc của vở Quan Âm Thị Kính thì thấy rất rõ điều đó: Sau lớp giáo trò giới thiệu câu chuyện xảy ra nội dung vở là màn Thiện Sĩ đến nhà
Mãng Ông hỏi Thị Kính về làm vợ. Âm hưởng vui trong câu chuyện "hỏi vợ" của chàng thư sinh với một lão nông yêu đời vui tính kéo dài cho đến sau lễ "vu quy", chàng đọc sách, nàng chăm chỉ vá may. Đêm khuya học đã mệt chàng mượn gối nàng nằm nghỉ. Nàng âu yếm quạt cho chồng, bỗng thấy chiếc râu mọc ngược nên cầm dao định xén đi - không khí ngột ngạt bi thảm ập đến khi Thiện Sĩ chợt tỉnh thấy dao kề cổ bèn hô hoán cha mẹ. Sùng Bà chạy đến buộc Thị Kính tội giết chồng và đuổi ra khỏi nhà, không được thanh minh một câu ngoài tiếng kêu yếu ớt "oan con lắm mẹ ơi" và nỗi niềm cay đắng gửi trong bốn trổ sử rầu và điệu hát ba than khiến khán giả không khỏi rơi nước mắt. Nhưng tiếp ngay sau đó là tiếng Thị Mầu cất lên trong trẻo gọi: "Chị em ơi! Người ta lên chùa từ bao giờ nhỉ (Đế: Mười tư, rằm). Ấy thế mà Mầu tôi mang tiếng lẳng lơ... Đò đưa cấm giá tôi lên chùa từ mười ba...". Nghe giọng nói và tiếng hát đong đưa tươi tắn của Thị Mầu, bao nỗi chua xót về số phận mà thị Kính vừa gieo vào lòng khán giả bỗng bị xua tan... Khán giả lại cười vui theo dõi Thị Mầu với màn Lên chùa đầy cuốn hút. Không được "Thầy Tiểu" đáp lại tình cảm của mình, Thị Mầu buồn, thất vọng về "hát đúm" với anh Nô. Phú Ông đi việc làng say rượu về gọi cổng, Thị Mầu đang ở trong buồng với Nô bèn cuống quít tìm cách che giấu tội lỗi. Ả bỗng nghĩ ra một mẹo, lấy thúng úp lên đầu Nô rồi phủ vải đỏ lên giả làm tiếng trống của làng gửi, tạo ra một trận cười nôn ruột trong câu chuyện Phú Ông say rượu thử chiêng thử trống.
Lý trưởng ra gọi mẹ Mõ đi rao về việc làng bắt khoán Phú Ông vì Thị Mầu "hoang thai". Lại thêm một trận cười nổ phá giữa Lý trưởng ỡm ờ và mẹ Mõ khôn ngoan, đáo để.
Cảnh Việc làng là trận cười lớn thứ ba trong vở Quan Âm Thị Kính, có bốn vị chức sắc trong làng: Hương Cầm, Đồ Điếc, Thầy Mù, Lý trưởng ngồi xử việc Thị Mầu "hoang thai". Vì "làng" dỗ dành Thị Mầu cứ khai ra ai là người ăn nằm với thị, "làng sẽ cho đoàn tụ vợ chồng" nên thị vội khai cho
Tiểu Kính. Lại thêm một lần oan khuất, tiểu Kính Tâm bị làng đánh đòn - bị đuổi ra ở ngoài mái Tam quan.
Thị Mầu ôm con đến mái Tam quan trả cho Thị Kính để về tái giá. Thị Kính bế đứa trẻ đi xin sữa hát bài ru kệ đầy tình nhân ái bao la. Ba năm sau kiệt sức, nàng "ra đi" để lại một bức tâm thư.
Sư cụ nghe ra Thiện Nam đọc thư hiểu rõ tình đầu, thương xót cho nỗi oan của nàng, lập đàn chay cúng. Kết thúc ở bằng lớp chạy đàn ròn rã.
Như thế câu chuyện đầy tính bi của cuộc đời Thị Kính được diễn kể xen lẫn tính hài ngay từ trong tích truyện (kịch bản) đã làm cơ sở tạo nên nhiều trò diễn phong phú đầy màu sắc, khiến Quan Âm Thị Kính trở thành một vở Chèo truyền thống mẫu mực.
Sự kết hợp xen kẽ bi - hài ngay từ tích truyện rồi phát triển lên ở các trò diễn như thế ta còn có thể tìm thấy ở nhiều vở Chèo truyền thống khác như: Trương Viên, Lưu Bình - Dương Lễ, Kim Nham, Từ Thức...
Nàng Thị Phương trong vở Chèo Trương Viên là hiện thân của người vợ thủy chung nhất, một nàng dâu hiền thảo hiếm có. Cuộc đời 18 năm dắt mẹ chồng đi lưu lạc của nàng gặp biết bao thử thách (lạc vào động quỷ, hổ đòi ăn thịt...), nhưng tấm lòng hiếu thảo của nàng đã cảm hóa được cả quỷ thần. Và sự động lòng, sự chuyển hóa của quỷ thần trong trường hợp Thị Phương, xét trên một phương diện nào đó, cũng là sự động lòng, sự chuyển hóa mang tính hài. Chính điều đó làm cho tính bi trong cuộc đời Thị Phương dường như nhẹ nhàng hơn. Hơn nữa, ngay cả sự gian nan, sự bi thảm mà các nhân vật Chèo mắc phải cũng không ít trường hợp có tính chất "đánh lừa", một sự đánh lừa hoặc "thử" được báo trước cho khán giả và các nhân vật khác, trừ đương sự... do đó là sự đánh lừa có tính hài kịch. Như trường hợp Dương Lễ vờ bạc đãi Lưu Bình và cho người vợ bé Châu Long giả làm người tình cờ gặp gỡ để nuôi Lưu Bình ăn học... Hay trường hợp thần linh khoét mắt Thị Phương,
nhưng đã báo trước rằng, đó chỉ là hành động tạm thời: "Khen Thị Phương, con người có nghĩa lại có nhân. Thương mẹ chồng khoét mắt dâng thần. Tai nạn ấy sau này ắt khỏi".
2.3.2. Nội dung văn hóa đầy tính nhân văn trong việc thể hiện bằng bi hài của Chèo không chỉ đề cao lý giải những nhân vật lý tưởng mà Chèo gọi là nữ chín như Thị Kính, Thị Phương, Trinh Nguyên, Cúc Hoa, Châu Long... đã khiến cho chiếu Chèo sân đình trở nên một hệ thống gương soi về đạo lý, một trường học làm người, một nơi đáng tin cậy sẽ giải đáp một cách dễ hiểu nhất và cảm động nhất cho những ai muốn biết mình phải sống như thế nào để xứng đáng với đạo lý của làng nước... mà còn có một cái nhìn đầy nhân bản ấm áp đối với ngay những nhân vật được gọi là lệch:
Cô Thị Mầu lên chùa ghẹo tiểu, cô tiến ra sân khấu bắt đầu từ cái nhún chân, áo tứ thân màu cánh sen tươi rói, chiếc yếm thắm chói lên màu lửa, thắt lưng một màu xanh hoa lý, váy đen dài, canh hoa trắng cài lên mái tóc vấn đuôi gà,... cô diễn tả cơn say mê về tình yêu đôi lứa ngay trước cửa chùa với một "chú tiểu" giả trai chẳng đáng cười lắm sao. Nhưng đằng sau cái cười ấy lại là sự cảm thông đến xót thương cái bi kịch của một người con gái phơi phới xuân xanh, khát khao hạnh phúc mà luôn luôn bị cấm đoán, cản trở. Thị Mầu chẳng đã nói thẳng với Phú ông: "... Tại cha cả đấy... Ai đến hỏi, cha cứ bảo: cháu nó còn bé, còn bé lắm...".
Có lẽ trong Chèo nhân vật Súy Vân (vở Kim Nham) là nhân vật có tính bi đậm đặc nhất. Tấn bi kịch về hạnh phúc lứa đôi, về lòng khát khao một tình yêu được giải phóng của nàng Súy Vân khiến ta liên tưởng đến những tấn bi kịch lớn trong văn học thế giới về đề tài cũ: Annakarênia của Tôn-xtôi. Giông tố của Ốt-xtơrốp-xki. Vì khát vọng tình duyên đôi lứa mà một cô gái tốt đẹp, một phụ nữ như Súy Vân phải giả điên, và từ giả điên đến điên thật thì quả là một tấn bi kịch - cái bi thể hiện ra là sự giả: giả điên. Trong sự giả này, Súy Vân bộc lộ nhiều tâm trạng của mình và những tâm trạng ấy khiến nàng
không chịu đựng nổi và điên thật. Cái thật cái giả cài răng lược trong tấn kịch Súy Vân. Ở đây cái thật mang màu sắc bi, còn cái giả mang màu sắc hài. Trường hợp Súy Vân là trường hợp tiêu biểu của hiện tượng bi hài xen kẽ, là trường hợp bi có pha hài, đúng hơn là bi bị kèo vào hài, bi mà vẫn có xu thế hài hóa. Với cung cách bi - hài vai trò của người nghệ sĩ biểu diễn trong xây dựng hình tượng Súy Vân con người "bạc dạ" không được nhớ nhiều bằng Súy Vân con người mang nhiều tâm trạng chứa chất. Bằng sự cảm thông cao độ, các nghệ nhân đã gia công sáng tạo, trau chuốt cho hình tượng Súy Vân trở thành những viên ngọc quý trong nghệ thuật Chèo với bao làn hát hay, điệu múa đẹp nhất.
2.3.3. Các tác giả Chèo còn quan tâm đến cả một hệ thống nhân vật mang đậm tính hài hước.
Trước hết, phải kể đến nhân vật hề. Hề là một loại nhân vật đặc biệt không thể thiếu được của nghệ thuật Chèo. Quần chúng lao động mượn vai hề để bộc bạch tâm trạng của mình. Khi đả kích chế giễu thói hư tật xấu của tầng lớp quan lại, khi thể hiện những ước mơ về cuộc sống công bằng hạnh phúc về sự mẫn tiệp của nhân dân. Nhìn chung, xưa nay các nhà nghiên cứu thường chia hề ra làm hai loại: Hề áo ngắn và hề áo dài.
Tiếp đến những nhân vật mang tính hài, đó là những tính cách vốn mang trong bản thân nó những yếu tố gây cười, mà ta gặp rất nhiều: những thày bói, thày lang, bà mối, ông tư hồng, thày đồ, lão say, xã trưởng, khán thủ, mõ... những nhân vật này bước vào sân khấu Chèo với tất cả tính cách đa dạng của mình, mang trong lòng nó những mâu thuẫn, như nội dung - hình thức, hiện tượng - bản chất, để tự bộc lộ những thói quen, cá tính và bản chất của mình. Những nhân vật này tham gia vào tích Chèo với tư cách là nhân vật của câu chuyện, tham gia vào các tình tiết của câu chuyện có số phận và vận mệnh của mình như những nhân vật khác. Đồng thời, những nhân vật này vào sân khấu Chèo mang lại những cung bậc khác cho Chèo, mang yếu tố hài này
tạo nên không khí trào lộng sâu sắc cho Chèo, ngay cả đối với những vở mang tính bi kịch - ví như màn Việc làng (vở Quan Âm Thị Kính), điều lý thú là những viên quan chức của cái "tòa án" khệnh khạng vô trách nhiệm nơi thôn dã này bỗng chốc bị biến thành đối tượng để cho kẻ bị cáo là Thị Mầu lên án, và để cho kẻ bị coi là hèn kém (mẹ Đốp) trêu chọc, bôi nhọ. Khi Thị Mầu trỏ tay vào trán suốt lượt những ông Lý, ông Đồ, ông Hương... mà nói "Tôi chửa với ông này, ông này..." thì tiếng cười vỡ tung ra, và cả hệ thống quan tòa nhũng tệ ấy bỗng bị đẩy vào một tình cảnh bẽ bàng "Chân mình những cứt mê mê - Lại còn đốt đuốc đi rê chân người".
Hoặc như vở Chèo Từ Thức mô tả người lấy vợ tiên mà vẫn nhớ cõi trần - một câu chuyện hoàn toàn nghiêm chỉnh. Nhưng với những nhân vật mang tính hài như vị Khán Thủ, các chủ Tiểu, ông tơ hồng... trong vở, đã biến vở Chèo này thành hài từ đầu đến cuối. Câu chuyện Từ Thức lấy vợ tiên trở thành một câu chuyện trào lộng, trào lộng cảnh chùa và mục đích đi tu của những chú tiểu, những vãi... Và trào lộng vì cuộc đời còn vương nặng bụi trần, trốn đi đâu được, đi tu được? Vào động tiên được? Cuối cùng cũng vẫn là cuộc đời mà thôi. Chính tiếng cười của những nhân vật hề, nhân vật mang tính hài của tích truyện đã làm nổi rõ chủ đề tư tưởng của vở Chèo, làm nổi rõ tính nhân văn sâu sắc mà các tác giả Chèo muốn đề cập tới.
Có thể nói, tiếng cười (cái hài) trong Chèo là một yếu tố "tẩy rửa" quan trọng. Tiếng cười làm dịu nỗi bi thương của nhân vật chính (nữ chín), tiếng cười rộng lượng và tha thứ rất phải chăng đối với nhân vật nữ lệch. Tiếng cười là lớp lớp đợt sóng những lời bình phẩm mà nghệ sĩ dân gian dùng sức kích động tài giỏi của mình, làm cho chính công chúng tự họ "nói" lên một cách hồn nhiên và táo tợn nhất, ngay giữa những sân đình ngày hội.
Nhưng ở Chèo truyền thống không phải chỉ có tiếng cười, cái khắc nghiệt của gia đình phụ quyền làm người xem tức giận và ái ngại, sân đình hủ bại với những kẻ điêu hào làm khán giả vừa bật cười vừa áy náy, lo âu. Tình
thương bao la, sự hy sinh quên mình vì người khác làm khán giả xúc động và chiêm ngưỡng.
Cái tinh tế mà các tác giả Chèo xưa đạt được là ở chỗ làm cho tồn tại sóng đôi hai luồng không khí gần như xung khắc nhau: buồn thương và tức cười, thành kính và náo động, bi và hài. Hai cái đó ước chế nhau nhưng đồng thời không loại bỏ nhau mà bổ sung cho nhau... Có thể nói mỗi tích Chèo là một câu chuyện kể về một (hoặc nhiều) thân phận con người mặc dù mỗi câu chuyện đều có một nội dung triết lý rõ ràng như vấn đề thân phận con người
luôn là một đề tài nổi lên hàng đầu. Ở mỗi vở đều có một nhân vật ở vị trí trung tâm trong các mối quan hệ với nhân vật khác và dường như vấn đề mấu chốt của vở là phải giải quyết số phận của nhân vật này, số phận được giải quyết thì tích trò mới có thể kết thúc được: Thị Kính cuối cùng được thành Phật; Thị Phương được đoàn tụ với chồng, đôi mắt sáng lại; Súy Vân nhảy xuống sông tự tử; nàng Phi Nga giả trai dấn thân vào chốn quan trường thi đỗ đến Tú tài chỉ để tìm cơ hội minh oan cho cha mình, trải qua bao sóng gió cuộc đời, đã tìm lại được hạnh phúc...
Chương 3