5. Nhân vật nữ pha (đào pha) Súy Vân, Thiệt Thê khát vọng nhân bản về cuộc sống hạnh phúc lứa đô
3.2.3.2. Hình tượng nhân vật con người mới tham gia trực tiếp vào công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa
Vở Mối tình Điện Biên của tác giả Lưu Quang Thuận như một bài thơ trữ tình nói về Điện Biên sau ngày giải phóng mà nổi lên là mối tình trong sáng của Minh và Ban. Tại chiến dịch Điện Biên, tình cờ anh bộ đội Minh đã cứu Ban - cô gái người Thái - thoát khỏi tay giặc. Lòng đầy biết ơn, cô thầm yêu người bộ đội ấy tuy chưa có một lời hẹn ước. Anh bộ đội Minh cũng đã khắc ghi trong tim hình bóng của cô gái.
Bộ đội giúp dân xây dựng nông trường Điện Biên giàu đẹp. Những cô gái như Ban, Hạ, Cang, Dọ đều đem hết sức trẻ đi xây dựng quê hương. Cuối cùng Ban tìm lại được Minh, giờ là chiến sĩ công binh phá mìn để giúp bà con xây dựng bản làng. Chính sự gắn bó giữa quân và dân, chính vì nhiệm vụ cách mạng mà họ tìm được nhau. Niềm mơ ước hạnh phúc trở thành hiện thực trong niềm vui chung phơi phới của sự đổi mới hàng ngày, hàng giờ ở quê hương.
Sự đổi mới của nông thôn Việt Nam trên con đường hợp tác hóa được thể hiện qua hàng loạt các nhân vật: Duyên, Phởn, ông Lợi, bà Lợi, bà Còm... (trong vở Đường đi đôi ngả của Trần Bảng); cô Xoan, bà Thảo, anh Thông, chị Cài, anh Vinh (trong vở Vẹn cả đôi đường của Xuân Bình); anh Cần, cô Ngoan, cô Nhài, anh Hoạt, lão Xuyền (trong vở Trăng lên hoa nở của Phan Tất Quang); cô Mến, anh Thao, bà Thao, ông Thời, ông Cổn... (vở Mười chín tuổi thơ của Hàn Thế Du), cô Lụa, cô Vân, anh Hồng, anh Vui, bà cả Lợi, Hai Cua... (vở Sợi tơ vàng của Việt Dung)...
Các nhân vật này không dừng lại ở tâm lý của người nông dân băn khoăn đứng trước hai con đường tư hữu và xã hội chủ nghĩa, bị giằng co giữa phẩm chất lao động và đầu óc tư lợi mà còn đi sâu vào những chuyển biến bên trong phức tạp của nhân vật với những quan niệm về tình yêu, tình chồng vợ, tình quê hương, quan hệ giữa đời tư với đời công, ý nghĩa của lao động, lý tưởng của con người mới.
Trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, Chèo còn có nhiều vở đề cập đến những con người ở hậu phương có chồng hoặc người yêu đi chiến đấu. Các tác giả thường ca ngợi những con người đang gánh lấy cuộc chiến tranh ấy một cách tự giác và dũng cảm, khiêm tốn và bình tĩnh đến lạ lùng. Nhân vật Xoan trong vở Tiếng sáo quê hương của Trần Đình Ngôn có một sự chủ động lạ thường, cô biết người yêu thiết tha ra trận nhưng lo mẹ già ở nhà nên chủ động nói với bố sang dàn xếp để người yêu yên tâm ra trận. Ở nhà cô đảm đang tần tảo mọi bề, chăm lo cho mẹ cho cha, tham gia du kích, lại còn lấy thân mình chắn bom cho mẹ của người yêu, rồi cô bị mù, cô dùng tiếng sáo quê hương để góp phần chiến đấu. Tiếng sáo hay chính tiếng lòng Xoan đầy ắp nghĩa tình. Và khi Điền, người yêu cô từ mặt trận trở về. Anh nâng cây sáo diệu kỳ ấy thổi lên một khúc ca ngọt ngào thì đôi mắt Xoan bỗng sáng trở lại. Những nhân vật và mối tình như huyền thoại ấy ta còn bắt gặp ở nhiều những vở Chèo khác. Theo các tác giả thì cái đáng nói nhất, cái cần làm nổi bật nhất trong cuộc chiến tranh này chính là chuyện cuộc sống, bất chấp tất cả, vẫn tiếp tục nảy nở, sinh sôi, chính là vẻ đẹp của tâm hồn vượt qua thử thách càng ngời sáng và quyến rũ.
Như thế, từ yêu cầu của cuộc sống mới, của nền văn hóa mới... sân khấu Chèo đã sản sinh ra cả một thế hệ nhân vật mới: Anh bộ đội, chị dân quân, những nữ cán bộ cách mạng, những người nông dân bám xã, bám làng, những người công nhân trong nhà máy, rồi lính Mỹ, lính ngụy...
Những nhân vật Chèo mới này buổi ban đầu chưa phải là những nhân vật có tính cách độc lập, cá tính riêng biệt. Nhưng rồi sự xuất hiện của hàng trăm, hàng nghìn anh bộ đội, hàng nghìn chị dân quân... trên sân khấu Chèo đã không những đóng góp trực tiếp vào cuộc chiến đấu mà còn là cơ sở để sau này Chèo xây dựng nên các mô hình nhân vật mới về anh bộ đội, chị dân quân, nữ cán bộ cách mạng...