MINH LÚA NƯỚC VÀ VĂN HÓA LÀNG XÃ
Từ góc nhìn văn hóa, chúng ta có thể thấy rất rõ các nhân vật Chèo đều có thể coi như là những chứng tích của cuộc sống xã hội ngày xưa, nó thực sự là sản phẩm của nền văn minh lúa nước, văn hóa làng xã.
Cho đến những năm trước Cách mạng tháng Tám, Chèo vẫn là một thứ nghệ thuật của người nông dân, nó cũng là một dạng thái sinh hoạt tinh thần của những cư dân của nền kinh tế nông nghiệp. Mặc dầu có mầm mống từ rất lâu trong lịch sử và cũng đã có sự tham gia trực tiếp của những trí thức phong kiến, nhưng nghệ thuật này vẫn chưa cho ta biết một soạn giả nào của nó, ngay đến một tác phẩm mang tên một tác giả hẳn hoi cũng không có. Người ta nói nhiều đến vai trò của "bác thơ" đối với thân trò. Thật ra, biểu hiện của dấu ấn nhà nho trong đó không nhiều. Thế nhưng, những triết lý nho giáo như: hiếu, nghĩa, tiết, hạnh…; những câu như: "quan quan thư cưu", "sắt cầm tịnh hảo"… đối với một số người ngày nay, nhất là giới trẻ là xa lạ và khó hiểu, nhưng đối với những người dân làng xưa thì lại là những hiểu biết thông thường và ngay cả những người ít chữ nghĩa nhất cũng có khả năng sử dụng thường xuyên được. Phật giáo và Nho giáo được cấy vào Việt Nam từ lâu, thậm chí có những thời gian dài được coi là quốc giáo, những giáo lý của nó những người dân Việt Nam đều có biết, đều có theo. Nhưng thực ra những
cái cốt lõi, cái nổi lên hàng đầu vẫn là tình làng nghĩa nước, vẫn là sự đồng cam cộng khổ trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên, chống quân thù, vẫn là niềm ước ao chung về mưa thuận gió hòa, vẫn là niềm vui chung sau mùa gặt hái… Trong những dịp hội hè đình đám, trong những dịp thư nhàn vui vẻ, Chèo được cần đến như là một phương tiện để góp vui cho dân làng, nó là một hình thức sinh hoạt tinh thần và cũng là một sản phẩm của một cơ sở kinh tế mang nhiều tính chất tự cung tự cấp.
Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe tiếng trống Chèo bế bụng đi xem
Người ta đến với nghệ thuật có thể nói là một cách quá dễ dãi. Vẫn trong bộ quần áo xốc xếch như ở nhà, chân đi đất, họ men theo bờ ao quen thuộc, qua bụi tre quen thuộc, đến con đường làng quen thuộc và chỉ vài bước là họ tới sân đình cũng rất đỗi quen thuộc. Trên sân đình rất đông đúc, nhộn nhịp không có ai là xa lạ đối với họ, toàn là anh em, họ hàng, chí ít cũng là "người làng mình". Và người diễn viên đang hát múa nói năng trước công chúng kia họ cũng biết rất rõ. Có thể đấy là người hàng xóm cũng trồng lúa dệt vải, nuôi tằm như họ, có thể đấy là người xã bên cách đây ít hôm còn sang xin cấy thuê và cũng có thể là người ở một nơi nào đó xa hơn, năm ngoái năm kia cũng đã theo phường đến biểu diễn ở trên cái sân này. "Khán giả" chen vào "nhà hát" người xem và người biểu diễn nhận ra nhau. Người diễn có một cuộc sống và nếp nghĩ không khác gì nhiều so với người xem của họ. Chỉ có điều họ giàu vốn kiến thức văn nghệ dân gian hơn và họ biết biểu hiện nó một cách tinh xảo và thành thục hơn, nghệ thuật biểu diễn của họ được xây dựng và phát triển nên nhờ cái vốn nghệ thuật dân gian của cộng đồng, của các vùng quê mà họ tiếp thu được.
Nhân vật trên sân khấu Chèo có một mối giao lưu đặc biệt đến kỳ lạ với khán giả qua tiếng đế, tạo nên một nét thật sự độc đáo của nhân vật Chèo.
Chèo. Tiếng đế là tiếng nói bình thường của khán giả xen vào quá trình thể hiện nhân vật của người diễn viên.
Nhân vật Thị Mầu đang bày tỏ tình yêu nồng nhiệt với Thị Kính thì tiếng đế nói xen vào: "Sao lẳng lơ thế cô Mầu ơi!". Thị Mầu trên chiếu Chèo tức thì quay ra khán giả, hướng về phía người đế thành thực trả lời: "Mặc kệ tao!". Sự liều lĩnh đến bất chấp tất cả trong tính cách của Thị Mầu được bộc lộ. Nhiều khi tiếng đế và nhân vật nói qua, nói lại trở thành cuộc đối thoại đầy tính ngẫu hứng, tiếng đế tham gia vào một tình huống mà nhân vật đang diễn tả: trong lớp diễn Tuần Ty - Đào Huế, trong khi nhân vật Tuần Ty đang phân bua với Đào Huế rằng mình không có "bồ bịch" nào cả, thì khán giả chỉ vào nhân vật Thiệt Thê đang nấp ở sau lưng Tuần Ty và đế xen vào: "Thế cái gì lù lù như đống rạ ở đằng sau lưng kia". Tuần Ty trợn mắt chỉ vào mặt người vừa nói để đe dọa: "Còn nói gì nữa thì choa đốt nhà đấy !".
Nhân vật Cả Sứt (vở Kim Nham) kể lể với khán giả về cuộc đi chơi chợ của mình:
- Tôi gặp hai ba chiếc con gái, chị em thấy tôi tất hữu ý tứ….
Đế: Ý tứ làm sao?
- Ái chà, cô thì nấp, cô thì nom, cô thì quăng cái này, cô thì ném cái nọ…
Đế: Quăng tiền, quăng bạc à?
- Làm gì có tiền bạc? Các cô ấy thích quá, cầm hòn đá ném toạc môi tôi ra, ấy thế mà các chị em đều phải lòng tôi.
Trong chuyên luận Bản sắc độc đáo của ngôn ngữ Chèo, PGS. Tất Thắng đã cho rằng:
Có thể lý giải tiếng đế của Chèo trên nhiều khía cạnh. Chẳng hạn, đế để làm cái cầu giao lưu giữa người thưởng thức với sân khấu; đế để "thay mặt" tác giả (vô danh hoặc hữu danh) bình luận về hành động của nhân vật
để đánh giá phê phán, châm biếm hoặc để đính chính những lời nói sai về văn chương chữ nghĩa mà các nhân vật Chèo, nhất là những vai có tính chất hề, cố tình nói sai để gây cười cho khán giả (1).
Giáo sư Trần Bảng trong chuyên luận Chèo một hình thức sân khấu dân gian Việt Nam cũng đã đưa ra nhận xét sâu sắc:
Người xem và sân khấu có một sự thân mật kỳ lạ. Người ta có cảm giác như những diễn viên Chèo và người xem đã quen biết từ lâu. Đôi khi đùa rỡn suồng sã mà vẫn không làm mất lòng nhau. Vai Nguyệt Lão trong vở Từ Thức sau khi xe duyên Từ Thức với Giáng Hương đã láu lỉnh chỉ vào một cô gái đẹp trong làng đang ngồi xem bên cạnh mà se luôn mình vào: "Se anh này mà lấy cô này, se anh này (chỉ vào mình) mà lấy cô kia". Người xem cười rộ.
Những nhân vật của Chèo không còn đứng trong khuôn khổ của tích trò. Bằng hình thức giao lưu đó những nhân vật đã đi thẳng vào quần chúng thành con người bằng xương bằng thịt trong quần chúng. Cậu con trai làng nào mà không say mê Thị Mầu khi đôi mắt tình tứ của người con gái đang tơ ấy không chỉ chăm chú vào thầy tiểu mà còn đi tìm chuyện trò với bao đôi mắt khác trong đám người xem (2).
Như thế cách dùng tiếng đế để phụ trợ cho sự diễn tả nhân vật của Chèo là một đặc điểm độc đáo trong xây dựng nhân vật Chèo mà không một loại hình sân khấu nào có được. Nó còn chứng tỏ ở sân khấu Chèo người xem Chèo (khán giả) và người diễn trò (diễn viên thể hiện nhân vật) hội nhập với nhau trong một trò chơi: diễn Chèo. Khán giả (qua tiếng đế) không chỉ giữ vai trò hát đồng ca, bày tỏ sự đồng tình cảm thông mà còn tranh cãi, đấu tranh với nhân vật.
(1) Lời giới thiệu tuyển tập Chèo cổ, Nxb Sân khấu, H Nà ội, 1999, tr. 25.
Mối giao lưu giữa nhân vật Chèo với khán giả qua tiếng đế phải chăng là do nguyên nhân xã hội lịch sử, do nhân vật không tiện nói ra mà để cho người xem bổ sung vào? Điều đó cũng có phần đúng, nhưng chúng tôi cho rằng còn là vì ý chí chủ quan của người nghệ sĩ xưa, bắt nguồn từ thói quen tâm lý của cuộc sống cộng đồng: Cùng làm, cùng vui chơi, cùng hưởng thụ kiểu "con chấy cắn đôi". Và, từ thói quen ấy dẫn đến thói quen cộng đồng trong sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật.
Xưa, người xem Chèo và người diễn thân thiết với nhau tới mức có thể kể chuyện tiếu lâm cho nhau nghe mà không sượng sùng. Nó phản ánh sự giao kết của khán giả Chèo ở xóm làng. Mối giao lưu thân thiết độc đáo Việt Nam này ngày nay dường như bị cắt đứt, có lẽ vì những người làm Chèo hôm nay chưa ý thức được một cách sâu sắc nét độc đáo này khi xây dựng nhân vật.
Có thể nói, trong khi không có một văn bản nào định ra phép tắc, tục lệ thì Chèo cổ trở thành một cuốn sách giáo khoa vừa dạy các thành viên về cách ứng xử trong họ ngoài làng sao cho phải đạo. Chính vì thế, ở mỗi vở Chèo luôn luôn đề cao cái "nghĩa", cái "đạo" làm con, làm em, làm chồng, làm vợ... đó là cái nghĩa của Châu Long trong vở Lưu Bình - Dương Lễ, của Trinh Nguyên trong vở Tôn Mạnh - Tôn Trọng, là cái tình của Thị Phương trong vở Trương Viên...
Chèo cổ còn khiến người ta xúc động bởi một lễ vu quy tưng bừng giữa đôi trai tài gái sắc chỉ bằng một điệu hát múa duyên phận phải chiều, phối hợp với sự diễn tấu của dàn đế và dàn nhạc; bởi một hạnh phúc lứa đôi bình dị chan hòa ánh sáng, ngập tràn yêu thương với hình ảnh chàng "đèn sách văn chương", còn nàng "tần tảo vá may", trong điệu hát trữ tình da diết "nam sử nữ chuyện"...
Chèo cổ còn hấp dẫn người ta bởi lẽ xây dựng được nhiều những nhân vật "lạ" - Một bà mẹ Trương Viên, một bà lão nông dân đặc sệt nhưng hài hước, hóm hỉnh đi bên cạnh người con dâu khuê các; một ông tiên với bầu rượu túi thơ đi hái thuốc, hái mây, hái gió; một quỷ cái dắt đầy con quanh thắt lưng nom bề ngoài đáng sợ nhưng lại có tấm lòng tiên, hát bài hát của tiên...
Những nhân vật trên chiếu Chèo cổ thực sự là tấm gương phản chiếu những sinh hoạt cộng đồng của nền văn hóa làng xã Việt Nam. Xem vở Quan Âm Thị Kính thì thấy rất rõ cả một xã hội nông thôn Việt Nam: Một mẹ chồng hồ đồ ác nghiệt, một bố chồng bạc nhược, một cô gái lẳng lơ ghẹo trai ngay trước cửa chùa, một cuộc họp làng quan trọng với những kẻ đứng đầu chính quyền nhưng thực chất toàn câm, điếc, mù và mục đích chính là: "Đập mõ không tày gõ thớt, việc đình trung chính cốt việc ăn".
Cũng như thế, dừng lại ở tấn bi kịch của nhân vật Súy Vân, ta cũng có thể thấy rất rõ điều này. Chính qua sự phê phán người con gái phụ chồng của tích trò ta có thể rút ra một điều là khi tác phẩm ra đời, hiện tượng phụ chồng đã không phải là ít, nó đã là một vấn đề xã hội vì thế người ta mới phải đặt truyện ra để phê phán và ngăn ngừa. Mặc dầu chưa tìm được dấu vết của nó trong các tập sưu tầm truyện kể dân gian xưa, nhưng ta cũng có thể nghĩ chuyện Súy Vân có một cơ sở xã hội rất chắc chắn. Rất có thể trong làng này xã khác, người ta đã kể cho nhau nghe chuyện về những người con gái dại dột kiểu như vậy, cái dại dột ấy cũng xếp vào loại "khôn ba năm, dại một giờ" của tục giữ dâu con và tập tục làng xã, luật lệ nhà nước đã có lối đối xử tàn bạo đối với những người như thế.
Nhìn vào thực tế cuộc sống thời đó cũng như kho tàng văn học dân gian ta dễ dàng nhận thấy:
Truyện dân gian Cái Kiến mày kiện củ khoai có cái cốt lõi là một cuộc tình duyên trắc trở, ở đấy cô gái nhà giàu tên là Kiến mưu toan xóa bỏ ngăn cách đẳng cấp xã hội trong tình yêu đã bị thất bại. Truyện nôm bình dân Chúa Thao từng say sưa kể về Chúa Kim con gái thứ ba của Trịnh Tráng dám yêu và nhất quyết đòi lấy bằng được người tri nhân trẻ tuổi đẹp trai con trai của Mạc Kính Khoan. Từ lâu trong nhân dân đã lưu hành những câu ca dao ngỗ ngược như thế này:
- Vua chúa cấm đoán làm chi
Để đôi con dì chẳng lấy được nhau - Dẫu mà cha đóng ngõ đình.
Mẹ ngăn ngõ chợ hai đứa mình cũng đừng xa Dẫu mà cha đánh mẹ la
Cũng cam bụng chịu cho hòa nợ duyên
Thậm chí có cả niềm thích thú "hưởng lạc" quá táo bạo:
- Chơi cho thủng trống long bồng Rồi ra ta sẽ lấy chồng lập nghiêm Chơi cho thủng trống long chiêng Rồi ra ta sẽ lập nghiêm lấy chồng - Trăm năm trăm tuổi trăm chồng
Hễ ai có bạc thì bồng trên tay
Phải duyên thì lấy, chẳng ông tơ hồng nào xe.
Đình chùa, nơi tôn nghiêm thờ cúng tế lễ của người xưa đã để lại cho chúng ta ngày nay nhiều bức chạm khắc diễn tả sức sống mạnh mẽ của con người, niềm hạnh phúc trong gặp gỡ giữa những người con gái và con trai. Mặc dầu sự cấm đoán của bố mẹ, mặc dầu sự ngự trị của những quan niệm lễ
giáo "nam nữ thụ thụ bất thân"… mặc dầu sự đe dọa của những luật lệ làng nước, tình yêu vẫn nảy nở trong các làng quê xưa. Bất kỳ dịp gặp gỡ nào cũng có thể là một dịp bày tỏ tình yêu một cách công khai hay thầm kín của những đôi nam nữ, đặc biệt là trong những hội hè đình đám. Các cuộc hội hè đầu tiên chỉ mang tính chất nghi lễ, tôn giáo, càng ngày càng trở thành nơi vui chơi giải trí giao lưu tình cảm của cộng đồng người, đồng thời cũng là miếng đất rất màu mỡ cho những tình yêu đôi lứa được tự do nảy nở. Nhưng dù sao thì vẫn còn nhiều cách ngăn, vướng trở. Theo Ph. Ăngghen: "Trước thời Trung cổ không thể có vấn đề tình yêu cá nhân giữa trai gái. Dĩ nhiên, vẻ đẹp con người, tính thân mật, những thị dục giống nhau v.v… bao giờ cũng làm nảy nở trong lòng nam nữ sự thèm muốn có quan hệ tính giao với nhau và cả đàn ông lẫn đàn bà đều không phải là hoàn toàn không quan tâm đến mối quan hệ mật thiết nhất ấy. Nhưng từ đó đến tình yêu nam nữ như chúng ta thấy ngày nay, thì còn rất xa. Trong suốt thời Trung cổ các cuộc hôn nhân đều do cha mẹ quyết định thay cho con cái và con cái đều yên tâm vâng theo. Nếu người ta thấy có đôi chút tình yêu giữa vợ chồng thời Trung cổ, thì tình yêu đó không phải là sự thương yêu chủ quan mà là một nghĩa vụ khách quan, nó không phải là cơ sở của hôn nhân…"(1).
Chỉ khi nào trật tự xã hội áp bức cũ bị lung lay thì tình yêu mới đỡ bị bóp nghẹt và chỉ khi nào con người biết yêu bản thân mình, biết tin ở sức lực của mình thì mới dám đứng lên chống đối lại mọi sự đè nén, bảo vệ cho tình yêu của mình. Không phải ngẫu nhiên mà tình yêu của những đôi lứa như Rômêô và Juyliét, Trixtăng và Idơn… đã trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng tình cảm con người, được gắn liền với trào lưu nhân đạo chủ nghĩa ở phương Tây trong thời đại Phục Hưng. ở Việt Nam cũng có thời kỳ mà người ta có thể cho rằng, một trào lưu như thế đã diễn ra trong khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX. Đấy là thời kỳ khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam, đó cũng là thời kỳ của khởi nghĩa nông dân rầm rộ.