Các phương pháp tiêu nước cho xoài

Một phần của tài liệu Giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn mô đun trồng và chăm sóc xoài (Trang 55)

3. Tiêu nước cho vườn cây xoài

3.2.Các phương pháp tiêu nước cho xoài

Có hai hệ thống tiêu chính:

- Hệ thống tiêu mặt: Áp dụng để tiêu thoát nước khi có lượng mưa quá lớn hoặc lũ/triều tràn sông gây úng ngập trên mặt vườn. Thông thường áp dụng biện pháp tiêu theo trọng lực, nước sẽ tự chảy đi theo hướng chảy từ nơi cao xuống nơi thấp (mương thoát nước). Nếu nước nguồn quá lớn phải có đê bao và dùng bơm để thoát nước.

Hình 2.2.29. Hệ thống tiêu mặt

- Hệ thống tiêu ngầm: Khi mực nước ngầm dâng cao (do mưa, lũ, triều) gây úng bộ rễ cây trồng. Đối với hệ thống tiêu ngầm, phổ biến là hình thức dùng các ống cống chôn ngầm dưới lớp rễ cây và cho nước tập trung vào đường ống rồi dẫn ra ngoài bằng bơm hoặc tự chảy. Tiêu ngầm có thể có lợi thế là ít bị xói mòn hơn tiêu mặt nhưng chi phí đầu tư và bảo trì sẽ lớn hơn.

Hình 2.2.30. Hệ thống tiêu ngầm Một số lưu ý khi bố trí kênh tiêu:

+ Tuyến kênh tiêu phải nằm ở vị trí địa hình thấp để có thể dễ tập trung nước bằng hình thức tự chảy theo trọng lực;

+ Tuyến kênh tiêu phải ngắn để nhanh chóng thoát nước ra khỏi khu vực cần tiêu và giảm khối lượng thi công;

+ Tránh để đường kênh tiêu đi qua các vùng đất nhiều chứng ngại vật, công trình và khu vực có nền đất không ổn định.

+ Triệt để lợi dụng các sông rạnh tự nhiên để làm kênh tiêu; nếu cần có thể nạo vét các mương rạch để làm nơi nhận nước tiêu;

+ Có thể kết hợp kênh tiêu nước với kênh – rạch giao thông.

Tiêu nước trong mùa mưa

Phương châm tiêu nước là sự tổng hợp của “Rải nước – Chôn nước – Tháo nước”: - Rải nước: Chia nhỏ các khu tiêu nước riêng biệt nhằm phân tán lượng nước cần tiêu theo yếu tố địa hình. Nghĩa là, nước ở tiểu vùng nào thì tiêu ngay ở chỗ đó.

- Chôn nước: Cho nước lắng rút xuống tại chỗ ở những nơi trũng hoặc trữ tạm ở các ao, đìa, kênh tiêu để trữ tạm thời.

- Tháo nước: Dùng biện pháp tiêu thoát nhanh tại những nơi có thể rút tháo nước thuận lợi. Đôi khi tháo nước cần có những biện pháp hỗ trợ như dùng bơm để bơm nước ra ngoài khu vườn.

Tóm lại, khai rãnh ở mặt liếp, thoát nước trong mương (dựa vào triều kém hoặc bơm thoát nước) ngay để hạ nhanh mực thuỷ cấp trong liếp, giúp đất nhanh thông thoáng hơn và rễ nhanh hồi phục hơn.

Phục hồi vườn cây sau ngập lụt

Sau mùa lũ nếu chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật sẽ rất dễ ảnh hưởng đến năng suất của những vụ sau. Do đó cần áp dụng các biện pháp khắc phục:

Hình 2.2.31. Cuốc răng

- Xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (dài 8 - 10 cm) để phá váng, giúp đất được thông thoáng.

- Đào mương để nước rút nhanh ra khỏi vườn cây.

- Nên sử dụng phân bón lá có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cây trồng như: N, P, K, Ca, Mg, S, Fe... để phun trên lá, thân cây. Cắt tỉa cành non, lá non ra trong giai đoạn vườn cây bị ngập úng.

- Có thể sử dụng tổ hợp phân DAP (dạng công nghiệp) cộng với Sulphat kali với tỉ lệ: 2 phần DAP, 1 phần Sulphat kali trộn đều, sau đó lấy từ 100 – 150g hoà tan trong một bình 10 lít và phun đều lên trên lá.

- Cần cung cấp thêm chất vôi cho vườn cây ăn quả trong giai đoạn này với liều lượng từ 0,5 - 1 kg cho mỗi gốc (khoảng 500 kg – 1.000 kg/ha).

Chú ý trị các loại bệnh do nấm tấn công ở vùng gốc và rễ cây bằng các loại thuốc thích hợp.

Một phần của tài liệu Giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn mô đun trồng và chăm sóc xoài (Trang 55)