Sự tôn trọng học sinh

Một phần của tài liệu học toán và dạy toán như thế nào (Trang 105)

3 Thảo luận với các giảng viên trẻ

3.6 Sự tôn trọng học sinh

Có những người có thói quen sỉ vả xúc phạm học sinh, tỏ ra thiếu tôn trọng học sinh (một cách vô tình hay cố ý). Kể ra đây một số ví dụ cụ thể mà tôi biết để minh họa:

- Một người viết lên trên bài kiểm tra của một sinh viên làm bài kém là: “Anh là một hiểm họa cho xã hội”. Trên bài kiểm tra khác thì viết: “Chị đi học làm gì cho tốn tiền nhà nước”.

- Một người mắng học sinh là: “ngu như bò ... nói thế oan cho bò, bò cũng không ngu đến vậy”.

- Một giáo viên đến lớp muộn 10-15 phút mấy lần không thấy làm sao, nhưng học sinh đi muộn 5 phút do nhỡ xe cũng đuổi ra khỏi lớp. - Một giáo viên chỉ vào một học sinh từ nơi khác mới chuyển về Hà Nội (do bố mẹ chuyển công tác) nói với giọng miệt thị: “Sao bây giờ có lắm bọn về Hà Nội thế”, v.v.

Ai đã từng đi học hay đi dạy lâu chắc đã đều chứng kiến những trường hợp miệt thị như vậy. Sự miệt thị, thiếu tôn trọng học sinh có nhiều nguyên nhân. Có thể là do sự ác cảm của giáo viên đối với học

sinh. Nhưng có những giáo viên yêu trò, quan tâm đến trò, nhưng vẫn có thói quen sỉ nhục trò. Điều này cũng tương tự như bố mẹ đánh đập sỉ nhục con cái vậy. Đó là một thói quen “gia trưởng”, coi mình như là người có “quyền sinh quyền sát”, không đếm xỉa đến tinh thần, tâm lý của học sinh.

Dù là lý do gì đi nữa, thì việc sỉ nhục, thiếu tôn trọng học sinh cũng là phản giáo dục, không có lợi mà chỉ có hại cho học sinh, cần đặc biệt tránh.

Khi học sinh nhận thấy bị xúc phạm, không được tôn trọng, thì học sinh có thể “sợ” giáo viên, nhưng không “phục”. Học sinh sẽ bị ức chế trong quan hệ với giáo viên, thái độ trò với thầy trở thành thái độ đối kháng, lớp học trở thành “nơi đầy đọa” chứ không còn mang lại niềm vui. Khi bị ức chế thì không còn hứng thú học tập, học không vào, khó có thể học tốt được. Người thầy nào tạo ra ức chế ở học sinh, qua thái độ không tôn trọng học sinh, thì đã vô tình hay cố ý làm giảm giá trị của mình đi.

Kể cả học sinh dốt, học sinh hư, cũng cần được tôn trọng, ít ra như là một con người. Nhìn từ quan điểm thần kinh học, một học sinh “dốt”, “hư” không phải vì bản thân học sinh đó muốn vậy, mà là do những hoàn cảnh khó khăn tạo ra thành như vậy. Người thầy tốt, thay vì sỉ nhục học sinh là “mày dốt lắm, mày hư lắm”, cần thông cảm hơn với học sinh, tạo ra môi trường tốt giúp học sinh có điều kiện học tốt lên, ngoan lên.

Một phần của tài liệu học toán và dạy toán như thế nào (Trang 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)