Quá trình tổng hợp các metyleste từ mỡ cá tra để điều chế biodiesel sử dụng xúc tác dị thể là một quá trình mang tính ứng dụng cao, đang là hướng nghiên cứu mới hiện nay. Từ các kết quả thực nghiệm của quá trình nghiên cứu đã chứng minh rằng xúc tác KOH/γ - Al2O3 là một trong những xúc tác có hiệu quả chuyển hoá rất tốt và phù hợp với yếu tố kinh tế và chi phí của quá trình điều chế biodiesel với nhiều ưu điểm:
- Hiệu suất phản ứng ở điều kiện tối ưu đạt tới 92.8 %, với hàm lượng metyleste trong sản phẩm cuối cùng đạt tới 98.92 %.
- Sản phẩm sau phản ứng tách lớp dễ dàng. - Thời gian phản ứng ngắn.
- Xúc tác này không tan trong sản phẩm metyleste, và dễ phân tách ra khỏi hỗn hợp sản phẩm sau phản ứng.
- Quá trình rửa sản phẩm sau phản ứng không cần sử dụng hoá chất nên rất thân thiện với môi trường.
Điểm mạnh nhất của xúc tác KOH/γ - Al2O3 là khả năng tái sử dụng lại, có thể đạt đến 3 lần mà không cần phải thêm vào đó cấu tử hoạt động xúc tác. Đặc biệt, khi xúc tác gần như mất hoạt tính sau nhiều lần tái sử dụng thì chỉ cần thực hiện việc cấy tẩm lại các cấu tử hoạt động xúc tác lên chất mang trơ còn lại của xúc tác, là có thể sử dụng lại được với hoạt tính xúc tác đạt gần như lúc ban đầu. Đây là một trong những lợi thế để làm giảm giá thành của biodiesel mà các xúc tác đồng thể, thậm chí nhiều xúc tác dị thể khác, không có được. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ thu hồi xúc tác trong phòng thí nghiệm khá cao (hơn 85 %) nên có khả năng thu hồi lại xúc tác là rất lớn.
Quá trình tối ưu các nhân tố nghiên cứu bằng phương pháp bề mặt đáp ứng cho ta các điều kiện để phản ứng đạt hiệu suất biodiesel cao nhất và tính chất của sản phẩm tốt nhất là: - Khối lượng mỡ cá: 42.86 g. - Tỷ lệ mol metanol/mỡ: 8.27:1. - Hàm lượng xúc tác: 5.79 %. - Thời gian phản ứng: 96 phút. - Nhiệt độ phản ứng: 59.6 oC.