Trong chương 1, với đề tài đảm bảo thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, luận văn đã làm rõ khái niệm, đặc điểm, nội dung, vai trò của pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Khái niệm, đặc điểm thực hiện và đảm bảo thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan từ đó đưa ra các yêu cầu và các yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo thực hiện pháp luật đó để làm cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu thực trạng cũng như luận chứng các giải pháp đảm bảo thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan tại chương 2, cụ thể:
Pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là một bộ phận của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, và là tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh do có hành vi vi phạm hành chính về hải quan, bao gồm các quy phạm quy định hình thức xử phạt vi phạm và một số biện pháp xử lý hành chính khác trong lĩnh vực hải quan.
Pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan gồm ba nội dung chính: các quy phạm pháp luật xử lý vi phạm hành chính về thủ tục hải quan; các quy phạm pháp luật xử lý vi phạm hành chính về kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, các quy phạm pháp luật xử lý vi phạm hành chính xuất khẩu nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải.
Thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy phạm pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan trở thành hiện thực trong cuộc sống, tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động thực tế của các chủ thể tham gia hoạt động hải quan nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực hải quan đảm bảo ổn định an ninh kinh tế, chính trị và xã hội cho đất nước.
Về đặc điểm, luận văn nhấn mạnh thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan ngoài các đặc điểm chung của thực hiện pháp luật còn có các đặc điểm riêng đó là: về hình thức thực hiện; về phạm vi thực hiện và về chủ thể thực hiện.
Vậy, đảm bảo thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là việc cơ quan hải quan sử dụng hệ thống công cụ, biện pháp, các hình thức, phương pháp tác động nhằm làm cho các đối tượng tham gia hoạt động hải quan phải thực hiện các hành vi đúng với các quy tắc xử sự mà pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định, làm cho
pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan được thực hiện một cách nghiêm minh, giữ vững kỷ cương pháp chế trong quản lý nhà nước về lĩnh vực hải quan.
Để đảm bảo thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan cần phải đáp ứng các yêu cầu sau: ngăn chặn phòng ngừa; xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng vi phạm; xử lý công bằng, công khai, minh bạch; tôn trọng, bảo vệ pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Và cần phải xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đó là: yếu tố chất lượng pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; ý thức pháp luật của các đối tượng tham gia hoạt động hải quan;mức độ hoàn thiện của tổ chức bộ máy hải quan; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hải quan; cơ chế phối hợp giữa lực lượng hải quan với các lực lượng khác; sự tác động của cơ chế kinh tế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như yếu tố điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật.
Chương 2