- Văn phòng Hội Nhà báo Tỉnh: Tổng biên chế 7 người, trong đó 5 ngườ
3.2.1. Nhóm giải pháp tổng thể
Chiến lược cán bộ bao gồm nhiều vấn đề như thống nhất quan điểm, chủ trương tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn chức danh, phân công, bố trí cán bộ... Hiện nay, các cơ quan báo chí tỉnh Thanh Hóa cần tập trung làm tốt một số mặt công tác cán bộ, như nâng cao phẩm chất chính trị của nhà báo; nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà báo.
3.2.1.1. Giải pháp nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của nhà báo
Là những người làm báo cách mạng, tất yếu hoạt động báo chí phải phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết, nhà báo cần phải quán triệt, nâng cao phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng. Kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc, đó là trung thành với Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và trung thành với đường lối quan điểm của Đảng ta. Phải thấm nhuần sâu sắc những quan điểm cơ bản đó là:
- Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của Đảng, của nhân dân ta.
- Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng.
- Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối cách mạng Việt Nam. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
- Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức sinh hoạt của Đảng. Từ nhận thức chính trị vững vàng, các nhà báo dùng vũ khí của mình góp phần khẳng định đường lối đúng đắn của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng
Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng ta. Chống lại mọi âm mưu nhằm hạ uy tín của Đảng ta, hạ uy tín của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Tuyên truyền, kiến giải lý luận Mác-xít, khẳng định chế độ XHCN và công cuộc đổi mới của Đảng, của nhân dân ta. Đồng thời nêu cao bản lĩnh của người cầm bút, chống lại các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng; không bị chao đảo trước “cơn lốc” thị trường; tuyên truyền cho cái đúng, công bằng và dân chủ; luôn đứng về phía chính nghĩa, bênh vực lẽ phải.
Mỗi nhà báo cần phải thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị, bám sát yêu cầu công tác tư tưởng, bám sát thực tiễn cuộc sống để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Bởi vì, thực hiện cuộc sống được báo chí phản ánh như thế nào? chân thật đến đâu? với mục đích gì? có nhiều hay ít lượng thông tin, có đáp ứng được yêu cầu bạn đọc, có phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị không? là do vai trò chủ quan của người làm báo trực tiếp quyết định thông qua khả năng nhận thức khách quan, sự nhạy bén chính trị, kinh nghiệm, trình độ và tính cẩn trọng trong nghề nghiệp của họ. Điều đó thể hiện không chỉ ở chỗ lựa chọn, cân nhắc vấn đề nào cần thông tin, phản ánh, mà còn ở cách thể hiện những dung lượng cần thiết, chính xác về chi tiết, số liệu, thậm chí cả câu chữ nêu ra trong từng tin bài. Độ nhạy bén nghề nghiệp, nói chính xác hơn là độ nhạy bén chính trị của người làm báo đòi hỏi nhà báo phải “bắt” được mạch sống chủ đạo của xã hội để phát hiện vấn đề và chọn thời điểm cũng như tìm cách thức thông tin phù hợp. Một hiện tượng tiêu cực trong xã hội đang bị phê phán nhưng vấn đề là ở chỗ, nếu thông tin vào thời điểm không thích hợp, thông tin quá “liều lượng” cần thiết thì chẳng những không có tác dụng phê bình, giáo dục mà trái lại làm cho tình hình thực tế cơ sở ấy càng trầm trọng hơn, thậm chí vô tình lại kích thích hiện tượng tiêu cực đó nảy sinh nhiều hơn.
Tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng và sự tinh thông nghề nghiệp là nguồn gốc làm sục sôi bầu máu nóng trong tim, làm cho khối óc lúc nào cũng trong sáng, tỉnh táo để các nhà báo tạo nên những tác phẩm báo chí xứng đáng.
Người làm báo ngoài đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ cao, dũng cảm và say mê nghề còn phải có phẩm chất dạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Đó là biết đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân. Có ý thức tổ chức, chấp hành kỷ luật Đảng, phục tùng tổ chức. Nếu có đạo đức cách mạng thì người cán bộ nói chung và người làm báo nói riêng sẽ không bao giờ quản ngại khó khăn gian khổ, lời nói đi đôi với việc làm. Đó là nền tảng, là cơ sở vững chắc để mỗi nhà báo thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao và có ý chí phấn đấu vươn lên phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói:
“Sức có khỏe mới gánh được nặng, đi được xa, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”
[22, tr.236].
Trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực tác động đến con người ở nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Nhà báo là người luôn luôn phải bám sát thực tiễn để thông tin cho nên nhà báo cũng chịu sự tác động từ nhiều phía, nhất là vấn đề đấu tranh chống tiêu cực, nếu nhà báo không có đạo đức nghề nghiệp sẽ dễ bị lợi dụng mua chuộc, lôi kéo, dễ dẫn đến thông tin sai sự thật, không khách quan. Quy ước đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam, có ghi:
“Nhà báo luôn luôn giữ phẩm chất trong sáng, không vụ lợi. Tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân mà cố tình công bố hoặc bỏ qua không công bố một thông tin. Nhà báo không được dùng uy tín nghề nghiệp của mình để trục lợi”
[35, tr.10].
Trong thực tế, người cầm bút tâm có sáng thì những sản phẩm báo chí mới trong sáng, không vẩn đục. Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi nhà báo phải có cái nhìn khách quan, công tâm, trung thực trước sự vật, hiện tượng mà nhà báo phản ánh. Không tô hồng hoặc bôi đen, lạm dụng nghề nghiệp để phục vụ những mục đích ích kỷ, thực dụng, cá nhân. Những vấn đề nhà báo viết ra, tung lên sóng phải giúp cho bạn đọc hiểu đúng bản chất và hiểu đầy đủ vấn đề. Khi
định viết tin, bài phản ánh, trước tiên phải nghĩ đến tính hiệu quả xã hội của báo chí. Không đưa tin, bài có hại cho Đảng, cho nhân dân và phương hại đến những chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuyệt đối không làm bồi bút viết tin, bài giật gân câu khách rẻ tiền, không thương mại hóa báo chí, không để vật chất cám dỗ, không lợi dụng uy thế nghề nghiệp để biến thành kẻ đi tống tiền, ép đưa quảng cáo, xin mua đất, xin người vào làm việc trong cơ quan Nhà nước... gây phiền nhiễu cho các cơ quan, đơn vị.
Nhà báo là người hướng dẫn dư luận, chống việc làm xấu nhưng thử hỏi nếu nhà báo lại tầm thường, cũng ăn nhậu tràn lan, bia ôm, karaoke ôm... thì ai còn tôn trọng nhà báo, tôn trọng tác phẩm của nhà báo? Người làm báo sống và làm việc như vậy sẽ gây hậu quả xấu cho xã hội, cho các lớp đồng nghiệp đi sau. Tai hại nhất là nhân dân mất niềm tin, không còn là nơi tin tưởng để nhân dân gửi gắm tâm tư, tình cảm, trách nhiệm đến với Đảng, chính quyền nữa.
Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các nhà báo:
“ Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” [24, tr.616].
3.2.1.2. Giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo
Luật Báo chí, ban hành ngày 28-12-1989, khẳng định: “Báo chí ở nước
Cộng hòa XHCN Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân” [35, tr.7].
Như vậy, vai trò xã hội của báo chí là rất to lớn, cho nên trách nhiệm xã hội của nó cũng rất to lớn và đương nhiên trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm báo cũng hết sức nặng nề và vẻ vang.
Do vậy, muốn làm tròn trách nhiệm xã hội, nhà báo trước hết phải là một công dân, hơn nữa là một công dân gương mẫu. Trong hành lang pháp lý, nhà báo - công dân thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, làm đúng chức năng, nghề nghiệp, đóng góp một cách tốt nhất cho nhân dân, cho đất nước.
Trách nhiệm xã hội của nhà báo là nhận nhiệm vụ được giao, bằng nghề nghiệp của mình thông tin trung thực, khách quan vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc.
Vậy, những người làm báo ở Thanh Hóa nói riêng và những người làm báo cả nước nói chung đều phải đặt mình là người trong cuộc, cùng với nhân dân cả tỉnh, tận tâm, tận lực phấn đấu cho sự nghiệp chung. Người làm báo chân chính có trách nhiệm với xã hội là người vui với niềm vui của toàn Đảng, toàn dân trước mỗi thành tựu của đất nước, của quê hương; lo với nỗi lo chung trước mọi thử thách, khó khăn của toàn xã hội.
Đội ngũ những người làm báo cách mạng nói chung và báo chí Thanh Hóa nói riêng đã có biết bao tấm gương đầy tinh thần trách nhiệm xã hội, trước nhân dân, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp trong sáng. Họ là những nhà báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có bộ óc phân tích và tổng hợp sự kiện, sự việc đúng đắn, sâu sắc. Viết trung thực và tâm huyết nghề nghiệp. Họ đã hành nghề đúng với danh sự của nghề, vun đắp uy tín cho giới báo chỉ tỉnh Thanh thêm sâu đậm trong lòng dân. Cái tâm, cái đức của họ đã giúp cho ngòi bút không chệch choạc trước sự biến động của thế giới, trước sự cám dỗ của tiền bạc, danh lợi. Nhiều nhà báo với tinh thần trách nhiệm cao trước xã hội, trước nhân dân đang tìm thấy trong thực tiễn phong phú, sinh động, hào hùng của công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Bằng các tác phẩm báo chí của mình đã cổ vũ, động viên, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế năng động, sáng tạo và hiệu quả trong địa bàn cả tỉnh; nhân rộng những cái mới, cái đẹp, cái tiêu biểu để toàn xã hội tôn vinh và noi theo. Ngay cả những bài đấu tranh chống tiêu cực cũng vẫn đem đến cho công chúng một niềm tin ở sự thật, sự nghiêm minh của pháp luật, tin vào sự
lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tin vào truyền thống cách mạng nhân văn của dân tộc, của quê hương. Tuy nhiên, bên cạnh sự trong sáng, trung thực đó vẫn còn một vài nhà báo bàng quan, thiếu trách nhiệm với cuộc sống sôi động của quê hương, đất nước. Có nhà báo còn cho mình là tất cả, tự cho mình có quyền phán quyết, chê bai mọi điều, chỉ có những nhà báo không có hoặc không có ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội cao cả của mình mới đem đến cho công chúng những bài viết, những hình ảnh chứa đựng thông tin sai lạc, không phản ánh đúng bản chất sự việc, sự kiện, gây hoang mang, chán nản, hoặc làm rối thêm tình hình.
Ai cũng cũng biết thông tin là chức năng cơ bản của báo chí, trách nhiệm của nhà báo là đáp ứng quyền được thông tin của các tầng lớp nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, thông tin càng nhanh nhạy, cùng phong phú càng tốt. Nhưng thông tin phải trung thực, chính xác. Thông tin toàn diện chứ không phiến diện, không thổi phồng hoặc bôi đen. Nghĩa là thông tin phải chính xác, nói đúng sự thật tức là nói đúng bản chất sự việc, hiện tượng, thông tin phải có cân nhắc hiệu quả xã hội, vì lợi ích chung, vì sự nghiệp chung; không giật gân, câu khách rẻ tiền, không để lộ bí mật quốc gia, cũng không mơ hồ mất cảnh giác.
Bác Hồ kính yêu đã từng dạy: “Vì ai mà mình viết? Mục đích viết làm gì?
Đó là viết cho đa số công - nông - binh. Viết để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng” [23, tr.167].
Trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt cũng như tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống tiêu cực trên công luận, trước hết mỗi nhà báo phải xác định rõ là góp phần xây dựng, củng cố niềm tin trong quần chúng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo ra bầu không khí hồ hởi, phấn khởi, nỗ lực tham gia xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Tác phẩm nào đi ngược lại mục đích đó đều là có hại và tác giả của nó không hoàn thành trách nhiệm xã hội của mình.
Đương nhiên, muốn làm tròn trách nhiệm xã hội, nhà báo phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân của mình. Phải am hiểu pháp luật, gương mẫu chấp hành pháp luật, cả trong cuộc sống cũng như trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Trong thực tế, đại đa số các nhà báo đang công tác ở các cơ quan báo chí Thanh Hóa đã nêu gương tốt trong việc thi hành pháp luật, lấy pháp luật làm cơ sở pháp lý cho các tác phẩm báo chí của mình để phân biệt đúng sai, phải trái, góp phần bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật. Bản thân các nhà báo sống và làm việc tại cơ quan cũng như địa bàn nơi cư trú đều gương mẫu trong sinh hoạt, nếp sống, thực hiện tốt mọi nội quy quy định của cơ quan, đơn vị cũng như địa bàn nơi cư trú, được mọi người vị nể, tin yêu.
Nghĩa vụ công dân không chỉ đòi hỏi nhà báo tuân thủ hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp, mà còn phải luôn luôn tâm niệm mục tiêu: mình phục vụ ai, viết cho ai, viết để làm gì, và viết như thế nào như Bác Hồ đã từng nói, để không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước, không gây ảnh hưởng bất lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Nghĩa vụ công dân đòi hỏi mỗi nhà báo bên cạnh việc biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, phải tích cực tham gia chống tiêu cực, chống tham nhũng, buôn lậu, bài trừ các tệ nạn xã hội, góp phần làm nước thịnh, dân yên. Biểu dương nhân tố mới gắn liền với phê phán những hành vi tiêu cực cản trở xã hội - đó là hai nhiệm vụ cao quý của báo chí XHCN, đều nhằm mục đích thúc đẩy xã hội tiến lên.
Trong xã hội ta hiện nay, bên cạnh mặt tốt, mặt tích cực vẫn còn không ít những tiêu cực, phản văn hóa, phản thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, nhất là nạn tham nhũng, hối lộ, tha hóa biến chất của một số cán bộ, đảng viên làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Do đó báo chí, mà