Gắn liền với quá trình cách mạng của đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, báo chí cách mạng Thanh Hóa và đội ngũ người làm báo tỉnh Thanh Hóa
đã phát huy tốt vai trò là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong suốt chặng đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, báo chí Thanh Hóa đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, phổ biến hướng dẫn các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Nội dung các tờ báo, các chương trình phát thanh trong giai đoạn cách mạng hào hùng này là hình ảnh sinh động phản ánh cuộc sống, chiến đấu vào xây dựng quê hương, đất nước. Khi cả nước thống nhất đi lên CNXH và tiếp đó là thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp quan trọng, từng bước mở rộng thông tin, đa dạng hóa thông tin bằng nhiều loại hình nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trên cơ sở đó chuyển tải kịp thời những vấn đề thiết thực về chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao dân trí, củng cố và khơi dậy niềm tin trong cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giải trí lành mạnh của các tầng lớp xã hội.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XVI tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, khẳng định:
“Hoạt động báo chí, PTTH được đổi mới về nội dung và hình thức, tăng ấn
phẩm, thời lượng và mở rộng phạm vi phát sóng đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Thực hiện tốt việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; góp phần đấu tranh chống tiêu cực, chống các luận điệu sai trái và phản động; cung cấp thông tin kịp thời, góp phần nâng cao kiến thức và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân” [15, tr.20).
Cùng với việc củng cố, phát triển tổ chức, Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cố gắng và đóng góp tích cực vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ
chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các hội viên, góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng các tờ báo, tạp chí trong tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ hội vẫn còn nhiều bất cập, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt cho hội viên vẫn chưa cao. Do đó, bản thân Hội Nhà báo tỉnh cũng phải đặt vẫn đề nâng cao chất lượng hội viên Hội Nhà báo tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.
Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, Báo Thanh Hóa trong những năm qua đã có nhiều đổi mới, tiến bộ cả về nội dung và hình thức, tăng ấn phẩm, đa dạng loại hình, từng bước mở rộng thông tin, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, quyền được thông tin và tiếp nhận thông tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh. Trên cơ sở đó, chuyển tải kịp thời những vấn đề thiết thực về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội… đến bạn đọc, góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh theo đường lối đổi mới của Đảng, ổn định tình hình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và sự nghiệp đổi mới.
Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, từ nhiều năm qua, Báo Thanh Hóa đã liên tục phấn đấu, từng bước nâng cao chất lượng, tăng kỳ xuất bản, thêm ấn phẩm mới và tăng số lượng phát hành.
Báo Thanh Hóa thời kỳ đầu xuất bản 2 kỳ/tuần, khổ nhỏ (27 x 39cm) phát hành vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần, sau đó tăng lên 3 kỳ/tuần rồi 4 kỳ/tuần. Từ 1-1-2008, Báo Thanh Hóa xuất bản 6 kỳ/tuần (khổ 41x58cm). Hiện nay, cùng với 6 số báo thường kỳ phát hành trong tuần, Thanh Hóa điện tử và Thanh Hóa
hằng tháng cũng đã phát huy tối đa hiệu quả của mình.
Số lượng báo phát hành từng bước được tăng lên. Báo đã phát hành đến hầu hết các chi bộ xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Các xã, phường, thị trấn thuộc các
huyện, thị xã, thành phố và một số xã miền núi thấp đã có báo Thanh Hóa ngay trong ngày phát hành.
Báo Thanh Hóa thường kỳ xuất bản 6 kỳ/tuần, phát hành vào các ngày thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6 và thứ 7, gồm 4 trang: trang 1- 4 in 4 màu, trang 2-3 in 2 màu; số lượng phát hành trên 11.000 tờ/kỳ.
Báo Thanh Hóa hằng tháng xuất bản số đầu tiên vào tháng 8-2006, phát hành vào ngày 20 hằng tháng. Nhiều trang in 4 màu, số lượng phát hành từ 10.000 đến hơn 11.000 tờ/kỳ.
Báo Thanh Hóa điện tử chính thức hòa mạng Internet từ tháng 12-2005, được cập nhật thông tin nhiều lần trong ngày; số lượng người truy cập ngày một tăng. Chất lượng giao diện liên tục được đổi mới, nâng cấp, tạo hình thức hấp dẫn độc giả.
Ghi nhận những thành tích đó của Báo Thanh Hóa suốt chặng đường 50 năm qua Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Báo Thanh Hóa nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2012, Báo Thanh Hóa được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Đài PTTH Thanh Hóa luôn bám sát định hướng, chỉ đạo của Tỉnh ủy,
UBND tỉnh, phục vụ tận tụy, đời sống muôn mặt của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trở thành người bạn thân thiết của mọi người, mọi nhà. Từ một đài truyền thanh chủ yếu làm nhiệm vụ thông tin và tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên phạm vi nhỏ hẹp, đến nay Đài PTTH Thanh Hóa với thời lượng và chất lượng phát sóng được xếp vào danh sách những đài địa phương mạnh trong cả nước. Diện phủ sóng PTTH ngày được mở rộng, với phát thanh là 97% dân số và truyền hình 85% dân số trong tỉnh, đồng thời còn phủ sóng truyền hình toàn quốc thông qua vệ tinh.
Đặc biệt trong thời gian 10 năm qua (từ 2002 đến 2012), Đài PTTH Thanh Hóa đã tập trung cao độ mọi nguồn lực, vật lực và công tác tổ chức bộ máy để nâng cao chất lượng, kể cả nội dung và hình thức chương trình. Mở rộng thời lượng theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa, đáp ứng ngày một tốt hơn sự điều hành của lãnh đạo tỉnh và nhu cầu thông tin giải trí, hưởng thụ văn hóa
tinh thần của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đến thời điểm hiện nay thời lượng phát sóng truyền hình đã đạt 19 giờ/ngày và thời lượng sóng phát thanh là 14 giờ/ngày. Các chuyên đề, chuyên mục được mở ra ngày một nhiều, đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí của nhân dân trong tỉnh. Hiện nay chương trình truyền hình đã có cả chương trình truyền hình tiếng dân tộc Mông và dân tộc Thái với thời lượng 30 phút mỗi ngày. Có 50 chuyên mục, chuyên đề cập nhật, phản ánh khá đa dạng phong phú, toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội trong tỉnh, trong nước và thế giới. Nhiều chuyên mục, chuyên đề đã ăn sâu bám rễ vào đời sống của nhân dân và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của khán thính giả hàng ngày. Việc tiếp sóng các đài truyền hình cũng được mở rộng, nhất là của Đài THVN, Đài TNVN. Chương trình truyền hình trực tiếp gắn với các sự kiện chính trị, kinh tế xã hội trong tỉnh cũng đã được Đài PTTH Thanh Hóa thực hiện thường xuyên, chất lượng tốt.
Để đạt được kết quả đó, Đài PTTH Thanh Hóa đã hết sức quan tâm đến công tác tổ chức bộ máy. Liên tục hoàn chỉnh bộ máy, tăng cường lực lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên trẻ, có trình độ chuyên môn giỏi, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhiệt huyết và năng động, sáng tạo, lăn lộn với nghề. Mặt khác lãnh đạo Đài PTTH Thanh Hóa còn chú trọng đến việc thường xuyên động viên khuyến khích, tôn trọng tính phát hiện của mọi người, từ đó đã tạo ra một phong cách riêng, mới trong các chương trình cả phát thanh và truyền hình.
Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng Đài PTTH Thanh Hóa vẫn còn có những chương trình phát thanh cũng như phát hình chưa đi vào cuộc sống, tính thuyết phục chưa cao, tin lễ tân còn nhiều. Chất lượng biên tập chương trình còn yếu. Năng lực đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên còn nhiều bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Sau 22 năm hoạt động, Báo Văn hóa & Đời sống luôn phấn đấu vươn lên tự hoàn thiện mình. Hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh
Thanh Hóa. Thông tin kịp thời chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh, gắn với chức năng của ngành Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, góp phần đáng kể cùng các cơ quan báo chí trong tỉnh bảo vệ và gìn giữ, phát huy vốn văn hóa truyền thống của tỉnh Thanh Hóa, xây dựng con người văn hóa, khu dân cư văn hóa... Góp phần tích cực trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tạp chí Xứ Thanh xuất bản mỗi tháng 1 kỳ. Bằng việc giới thiệu các tác
phẩm sáng tác, phê bình văn học, tạp chí đã phản ánh cuộc sống lao động sản xuất chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh. Có thể khẳng định tạp chí có nhiều khởi sắc trong những năm đổi mới, bám sát được mục tiêu chính trị của tỉnh để bằng cách tuyên truyền có tính đặc thù góp phần cùng báo chí cả tỉnh phục vụ mục tiêu chính trị của địa phương.