i) Chức năng của thiết chế ba bên trong QHLĐ ở cấp quốc gia
Ủy ban QHLĐ có chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng QHLĐ lành mạnh; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan, tổ chức liên quan trong việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động. Chức năng này được thể hiện thông qua các nhiệm vụ:
* Tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, cơ chế, chính sách liên quan đến QHLĐ; những biện pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện chủ trương, chính sách về QHLĐ:
- Hàng năm Ủy ban QHLĐ xem xét và đề xuất với Chính phủ ban hành mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho các lại hình doanh nghiệp, bảo đảm quan hệ hài hòa về lợi ích của các bên khi thực hiện mức lương tối thiểu;
- Đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ trong điều kiện suy thoái kinh tế thế giới tác động ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam (năm 2008 và 2009);
* Phối hợp hoạt động giữa các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực hiện QHLĐ lành mạnh, minh bạch.
- Phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản) triển khai chương trình xây dựng QHLĐ công bằng trong các doanh nghiệp.
- Phối hợp với các thành viên Ủy ban xây dựng phương án và trình Chính phủ ban hành các Nghị định về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.
- Tổ chức các cuộc hội thảo liên quan đến QHLĐ làm cơ sở để hoạch định các chính sách và giải pháp phát triển QHLĐ cho từng thời kỳ, như: Hội thảo về thương lượng tập thể đa doanh nghiệp; Nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức của Ủy ban quan hệ ba lao động quốc gia; Định hướng chiến lược thúc đẩy QHLĐ hài hòa; Tham vấn định hướng chiến lược phát triển QHLĐ ở Việt Nam đến năm 2020.
* Hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về QHLĐ; xây dựng đề án phát triển QHLĐ lành mạnh, phòng
ngừa tranh chấp lao động và đình công không đúng trình tự pháp luật quy định.
- Hỗ trợ thành lập thiết chế quan hệ ba bên tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là ở các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp FDI.
- Hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đối tác trong QHLĐ, trong đó VCCI kiện toàn, củng cố tổ chức đại diện của NSDLĐ ở các địa phương; Tổng LĐLĐ Việt Nam tập trung chỉ đạo việc thành lập tổ chức công đoàn ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, nhất là những doanh nghiệp FDI.
- Hỗ trợ các địa phương giải quyết tranh chấp lao động và đình công. * Định kỳ và đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện cơ chế, chính sách, xu hướng phát triển và những vấn đề cấp thiết nảy sinh trong QHLĐ như tình hình tranh chấp lao động và đình công tại các địa phương.
ii) Chức năng của thiết chế ba bên trong QHLĐ ở cấp địa phương
Ban QHLĐ cấp tỉnh có chức năng tư vấn cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh đề ra các chính sách và giải pháp xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; tham vấn cho các đối tác trong quan hệ hai bên ở cấp ngành và doanh nghiệp về những vấn đề thuộc QHLĐ. Chức năng này được thể hiện thông qua các nhiệm vụ:
* Tư vấn cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh những biện pháp và chính sách phát triển QHLĐ trên địa bàn tỉnh/thành phố, gồm:
- Đề xuất kế hoạch, chương trình, biện pháp triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động; các giải pháp cải thiện, xây dựng
QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ, phòng ngừa và hạn chế tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn;
- Đề xuất các giải pháp thúc đẩy thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp; các giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đối tác trong QHLĐ (đại diện NLĐ, đại diện NSDLĐ) tại địa phương;
* Đề xuất với Ủy ban QHLĐ những vấn đề về chính sách pháp luật liên quan đến QHLĐ;
* Tư vấn cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh những biện pháp chỉ đạo kịp thời để giải quyết các cuộc đình công xảy ra không đúng trình tự pháp luật quy định; tổ chức tiếp xúc đối thoại thường xuyên với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư về những vấn đề có liên quan đến pháp luật lao động và QHLĐ;
* Nghiên cứu, tham vấn cho các đối tác xây dựng cơ chế đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp;
* Thực hiện chế độ báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban QHLĐ.