An tử là một vấn đề có lịch sử phát triển lâu dài, nhưng chủ yếu ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, với châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đây là một vấn đề còn khá mới mẻ. Tuy đã từng được nhìn nhận và đưa vào dự thảo của một số văn bản pháp luật, về cơ bản, việc xem xét, bàn và tranh luận về vấn đề quyền an tử còn diễn ra một cách đơn lẻ, phạm vi nhỏ hẹp và không gây nên tiếng vang lớn trong cộng đồng. Vì vậy, không ngạc nhiên khi nhiều ý kiến nhận định còn quá sớm để công nhận quyền an tử tại Việt Nam, điều
này không chỉ dựa trên tính chất của quyền mà còn dựa trên đặc trưng của Việt Nam, trong đó có thể kể đến:
- Về kinh tế, Việt Nam còn là một nước đang phát triển, điều kiện về cơ sở vật chất cũng như khả năng, chăm sóc khám chữa bệnh còn thấp. Hoàn cảnh này rất dễ dẫn đến hệ quả quyền an tử bị lạm dụng, làm sai lệch bản chất và mục đích nhân đạo của quyền. Thứ nhất, khả năng y học thấp là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chẩn đoán sai người, sai bệnh. Thứ hai, khoa học kỹ thuật chưa phát triển sẽ không cung cấp cho người bệnh được những lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ đau đớn, hay nói cách khác, nếu thông qua quyền an tử sẽ khiến cho đây trở thành một lựa chọn không phải cuối cùng nhưng là duy nhất. Cuối cùng, lo ngại các chủ thể có liên quan sẽ vì mục đích kinh tế mà lợi dụng các chính sách của nhà nước để ép buộc an tử, hoặc tiến hành an tử cho những đối tượng yếu thế như người già, trẻ khuyết tật, dị dạng, thậm chí người không có năng lực pháp luật dân sự sẽ không còn là vô căn cứ. Vì vậy, cho đến khi đất nước phát triển hơn về kinh tế cũng như các điều kiện vật chất khác, an tử vẫn còn là một vấn đề của tương lai.
- Về văn hóa, Việt Nam là một đất nước truyền thống, quan niệm phương Đông coi trọng sự sống đã bám sâu vào nền văn hóa cũng như tư tưởng của nhiều thế hệ con người Việt Nam. Thực tế cho thấy ở nước ta gia đình người bệnh vẫn luôn giữ quan niệm "còn nước còn tát" hay "có bệnh vái tứ phương" dù cho đã có kết luận về tình trạng y tế không lối thoát hay người bệnh đang phải sống trong hoàn cảnh đau đớn kéo dài. Tuy nhiên, nếu cho rằng truyền thống không chấp nhận là một lý do để phủ định sạch trơn khả năng hợp pháp hóa quyền an tử là một sai lầm. Nhiều quan niệm truyền thống thay đổi theo thời gian và dưới tác động của điều kiện xã hội thực tế, sau khi đã xem xét và chấp nhận bản chất của vấn đề. Vì vậy, với quyền an tử, một quyền nhân thân cần thiết và hoàn toàn vì mục đích nhân đạo, được đánh giá có khả năng công nhận cao tại Việt Nam, điều cần thiết là thời gian.
- Về xã hội, số lượng bệnh nhân có nguyện vọng hưởng thụ quyền tại Việt Nam chưa nhiều. Tình trạng này đến từ nhiều nguyên nhân. Không phải Việt Nam là một đất nước ít bệnh tật, không phải Việt Nam là một đất nước với trình độ y khoa phát triển chữa trị được hầu hết những căn bệnh khiến giới y học thế giới đầu hàng, mà bởi tại Việt Nam vấn đề an tử còn mới mẻ, nếu chưa từng được nghe đến, biết đến thì sẽ không phát sinh nhu cầu thụ hưởng.
- Về các yếu tố cấu trúc thượng tầng, Việt Nam còn chưa phát triển nếu không muốn nói là yếu kém. Một mặt, kỹ thuật lập pháp của Việt Nam còn thấp. Rất nhiều văn bản ra đời, nếu không chồng chéo, mâu thuẫn thậm chí vi hiến về nội dung, sai phạm về hình thức thì ban hành không đúng thủ tục. Dù không mắc phải những sai phạm trên nhưng nhiều văn bản thiếu minh bạch, rõ ràng, không hợp lý cũng như thực tế dẫn đến việc khó áp dụng, trong khi các văn bản hướng dẫn ban hành rất chậm hoặc hướng dẫn bỏ sót. Đây là một hạn chế rất lớn khi xem xét đến việc hợp pháp hóa quyền an tử, bởi tính chất nhạy cảm, dễ lạm dụng và hậu quả nặng nề nếu việc quy định không chặt chẽ, rõ ràng.
Mặt khác hệ thống pháp luật của Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế, lỏng lẻo, không đồng bộ. Trong khi để kiểm soát vấn đề an tử yêu cầu sự phối kết hợp chặt chẽ, không chỉ giữa các cơ quan liên quan, mà còn giữa trung ương và địa phương. Thiếu đi sự thống nhất quản lý này, sớm muộn hệ thống thi hành luật an tử cũng sẽ để lộ lỗ hổng và dễ dang bị lợi dụng.
Cuối cùng không thể không nhắc đế yếu tố tinh thần tự giác tuân thủ pháp luật của người dân. Là một đất nước pháp quyền, nơi mọi mối quan hệ trong xã hội đều được điều chỉnh bằng pháp luật nhưng ý thức, tư duy, thói quen pháp luật của người dân Việt Nam chưa được tốt. Nhiều người thậm chí cả đời không đọc qua một văn bản pháp lý. Và ngược lại, cũng có những cá
nhân rất hiểu biết pháp luật nhưng lại dùng kiến thức của mình để “lách” luật. Trong một môi trường như vậy, hợp pháp hóa quyền an tử sẽ không đem lại hiệu quả mong muốn.