Đặc điểm và ý nghĩa của quyền an tử

Một phần của tài liệu Quyền an tử những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 33 - 38)

Chương 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN CỦA QUYỀN AN TỬ

1.3. Đặc điểm và ý nghĩa của quyền an tử

1.3.1. Đặc điểm

- Quyền an tử là một quyền nhân thân

Quyền an tử cần được định nghĩa như một nhân thân bởi về bản chất: + Quyền an tử gắn liền với một chủ thể nhất định và không thể chuyển giao được cho chủ thể khác. Một chủ thể chỉ có quyền và có khả năng hưởng thụ quyền an tử khi đó là chủ thể sống, trong khi sống và quyền sống là tài sản thuộc sở hữu riêng của mỗi người. Hay nói cách khác một cá nhân không thể áp đặt quyền an tử lên một chủ thể nào khác ngoài chính bản thân mình, đơn giản bởi sự sống của chủ thể đó không thuộc phạm vi có thể quyết định rằng chấm dứt hay không của họ. Ngay cả trong trường hợp người bệnh có chúc thư y tế và trao quyền quyết định vào tay một người khác trước khi mất khả năng tự quyết thì cũng không thể coi là người bệnh đã chuyển giao quyền an tử của họ cho người này. Bởi việc người được trao quyền sau đó sẽ quyết định như thế nào đều đã nằm trong dự tính của người bệnh, nên khi người bệnh thực hiện các thủ tục trên thì đồng nghĩa với việc họ đã quyết định chấp nhận thực hiện quyền an tử của mình trong trường hợp lâm vào tình trạng bệnh lý không thể cứu chữa và nhằm mục đích duy nhất là thoát khỏi đau đớn, khổ sở.

+ Quyền an tử mang tính chất phi tài sản. Quyền an tử không thể đem ra mua bán, cầm cố, thế chấp…bởi chủ thể khác không thể đặt mình vào vị thế của người có quyền để hưởng thụ quyền này

- Quyền an từ là đặc quyền

nghĩa quyền an tử chỉ thuộc về một nhóm chủ thể cá biệt trong xã hội, mà đặc quyền có nghĩa quyền an tử chỉ phát sinh khi chủ thể hưởng thụ quyền ở trong tình trạng đặc biệt, khi rơi vào trạng thái bệnh lý không còn khả năng cứu chữa. Đây là đặc điểm quan trọng giúp phân biệt giữa hành vi hưởng thụ quyền an tử và hành vi tự tử, cũng như phân biệt giữa hành vi thực hiện an tử và hành vi trợ giúp, xúi giục người khác tự tử. Nếu như quyền an tử và thực hiện an tử chỉ áp dụng đối với những bệnh nhân mắc bệnh nan y, không có hy vọng chữa trị, và trong luật pháp một số quốc gia còn quy định thêm rằng thời hạn sống không còn dài, thì tự tử và hành vi xúi giục, trợ giúp người khác tự tử có thể được thực hiện bởi các chủ thể không mắc bệnh hoặc đối với các chủ thể không mắc bệnh, vì thế bị coi là hành vi có hại cho xã hội, và bị luật pháp nhiều quốc gia quy định là tội hình sự.

Hiện nay hầu hết các quốc gia quy định chủ thể của quyền an tử là người thành niên, có đủ năng lực hành vi để tự ý thức về tình trạng của bản thân cũng như đưa ra quyết định về cuộc sống của mình một các chính chắn nhất. Tuy nhiên xu hướng trẻ hóa chủ thể của quyền an tử đã và đang phát triển, nhận được sự ủng hộ. Theo quan điểm của người viết, quyền an tử chỉ nên bị chi phối bởi yếu tố tình trạng bệnh lý, không nên dựa trên yếu tố độ tuổi để đảm bảo tính khách quan của quyền.

- Quyền an tử là quyền thực hiện được khi có sự hỗ trợ của chủ thể có thẩm quyền

Quyền an tử không giống như các quyền khác là chủ thể có thể tự do hưởng thụ quyền bằng khả năng của mình. Một chủ thể khi hội tụ đủ các điều kiện chỉ có thể hưởng thụ quyền thông qua sự trợ giúp của người khác. Sự trợ giúp này có thể biểu hiện bằng hành vi hành động (tiêm thuốc gây chết người trong an tử chủ động) hoặc không hành động (không tiếp tục các hỗ trợ y tế trong an tử bị động). Ngay cả trong trường hợp trợ tử, khi người bệnh tự thực

hiện việc đưa thuốc gây chết vào cơ thể hoặc uống thuốc gây chết, họ vẫn cần đến sự trợ giúp của bác sĩ trong việc kê đơn và có được các loại thuốc mình cần một cách hợp pháp. Mọi hành vi chấm dứt sự sống không có sự hỗ trợ của chủ thể có thẩm quyền đều mang tính chất chủ quan, bộc phát và đây chính là đặc điểm nữa giúp phân biệt giữa việc hưởng thụ quyền an tử và tự tử dù chủ thể có ở trong cùng một tình trạng bệnh lý không thể cứu chữa.

Ngoài ra, chủ thể hỗ trợ cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật. Họ phải là những bác sĩ có bằng cấp, đủ thẩm quyền thực hiện chứng nhận tình trạng của bệnh nhân cũnng như có đủ kiế thức, kĩ năng và kinh nghiệm để thực hiện an tử trong trường hợp bệnh nhân không thể hoặc không muốn tự thực hiện.

- Quyền an tử là quyền được thực hiện theo quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt của pháp luật.

Xuất phát từ tính chất nhân thân và đặc quyền, quyền an tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện và theo quy trình chặt chẽ do pháp luật các quốc gia quy định. Hiện nay ở nhiều quốc gia, thủ tục đê tiến hành việc an tử cũng như để hưởng thụ quyền an tử hết sức chặt chẽ và ngặt nghèo nhằm mục đích tránh mọi trường hợp lạm dụng, bởi hậu quả của một vụ việc sai phạm là không thể cứ chữa bằng mọi biện pháp. Việc không tuân thủ đúng theo các quy định này có thể làm phát sinh trách nhiệm hình sự hoặc dân sự hoặc kỷ luật nghề nghiệp đối với người thực hiện an tử cho bệnh nhân.

1.3.2. Ý nghĩa

1.3.2.1. Ý nghĩa pháp lý

Thứ nhất, quyền an tử là sự khẳng định rằng pháp luật tôn trọng giá trị tự do và quyền tự quyết của con người. Rõ ràng, pháp luật các quốc gia, khu vực và quốc tế ngày càng đề cao các giá trị này, trong khi quyết định về giá trị

cuộc sống của chính bản thân mình lại là quyết định căn bản và gắn liền với mỗi chủ thể nhất.

Thứ hai, quyền an tử sẽ là công cụ pháp lý giúp cho việc quản lý hoạt động an tử. Vì bị cấm đoán hoặc không được cho phép nên những người có nguyện vọng được hưởng thụ quyền an tử cũng như những bác sĩ có ý định thực hiện an tử cho người bệnh luôn phải sống một cuộc sống ngầm với những hành vi mà họ cố tình che giấu không để cho người khác biết. Những hành vi này có thể có tác động tiêu cực đến xã hội nên rất cần được quản lý bởi nhà nước để hạn chế những tác động tiêu cực đó. Do vậy, công nhận quyền an tử sẽ góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội với những đối tượng này từ đó họ sẽ dần dần không muốn che giấu và công khai hóa hành vi của mình. Sự công khai hành vi của họ là một điều kiện rất thuận lợi để nhà nước có thể quản lý một hiệu quả.

Thứ ba, việc công nhận quyền an tử sẽ giải quyết được tình trạng pháp lý bế tắc cũng như những cuộc chiến pháp lý không lối thoát khi mà nhu cầu được an tử ngày càng cao và việc thực hiện an tử vẫn diễn ra trên thực tế. Hợp pháp hóa quyền an tử không những sẽ giúp việc quản lý hoạt động này một cách công khai, minh bạch vàdễ dàng hơn mà còn hạn chế những trường hợp xét xử sai bản chất vụ việc hoặc sử dụng an tử vào mục đích khác thay vì nhân đạo.

1.3.2.2. Ý nghĩa xã hội

Thứ nhất, sự không công nhận quyền an tử đã và đang gây ra nhiều tranh cãi cũng như bức xúc trong cộng đồng những người hành nghề y, những người hành nghề luật cũng như những bệnh nhân mắc bệnh nan y. Thời kì trước đây, những bức xúc đó còn chưa đáng kể vì nhiều nguyên nhân: số lượng người có nhu cầu hưởng thụ quyền còn thấp, tư tưởng tôn giáo mang đậm thành kiến với hành vi tự nguyện chấm dứt cuộc sống khiến phong trào

đấu tranh đòi quyền an tử còn manh nha, chưa mạnh mẽ. Nhưng trải qua thời gian, số lượng người có mong muốn hưởng thụ quyền đã tăng lên, hơn nữa, sự giao lưu văn hóa, tư tưởng mang đến thay đổi đáng kể trong nhận thức của cộng đồng, nhiều vấn đề trước đây bị cho là trái với thuần phong thậm chí là tội lỗi (như hành vi tự tử) đã được nhìn nhận thoáng hơn, trở thành một hiện tượng xã hội không còn bị cấm đoán hay điều chỉnh bởi pháp luật hình sự. Vấn đề an tử cũng vậy, với sự đồng tình, ủng hộ ngày càng lớn, đến một thời điểm nào đó, cộng đồng những người có mong muốn hưởng thụ quyền an tử chắc chắn sẽ đấu tranh đòi quyền lợi cho mình và hậu quả có thể nhìn thấy là những bất ổn về an ninh, kinh tế, chính trị... Như vậy, các quốc gia cần giải quyết vấn đề này kịp thời để đảm bảo cho sự ổn định. Và giải pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề này là công nhận quyền an tử.

Thứ hai, hiện nay, nhìn chung cả xã hội vẫn chưa có những hiểu biết đầy đủ về hành vi an tử và quyền an tử nên tất nhiên sự e dè của xã hội đối với quyền này còn phổ biến. Sự e dè này khiến cho đa số những người có mong muốn hưởng thụ quyền cảm thấy lạc lõng, không được chấp nhận thậm chí có thể là thù hận xã hội bất công. Đó là những tác động tiêu cực có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đối với xã hội. Như vậy, việc giáo dục, tuyên truyền làm thay đổi cách nhìn nhận của xã hội đối an tử và quyền an tử là rất cần thiết để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực nêu trên. Một biện pháp có thể áp dụng chính là công nhận quyền an tử. Cùng với việc tuyên truyền, vận động thì việc công nhận quyền an tử có vai trò khẳng định thái độ đồng tình và trân trọng của nhà nước đối với những đối tượng hưởng thụ quyền. Qua sự cho phép của pháp luật, xã hội cũng nhận thức được sự cần thiết phải có cái nhìn bao dung đối với hoạt động an tử và những người có mong muốn hoặc thực hiện an tử.

Một phần của tài liệu Quyền an tử những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)