II. VĂN HÓA TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC ĐẾN CÁCH THỨC ĐÀM PHÁN
5. Vai trò của các phương tiện truyền thông
Các phương tiện truyền thông của Mỹ đóng một vai trò tác động lớn đến việc định ra chương trình nghị sự cho chính sách đối ngoại nói chung và cho các cuộc đàm phán nói riêng. Trong những năm gần đây người ta chú ý đến "hiệu ứng CNN", qua đó các phương tiện truyền thông có thể tạo ra áp lực chính trị đại chúng tới chính quyền Mỹ. Chúng đòi hỏi chính phủ phải có hành động phản hồi trước một thiên tai hay khủng hoảng ở nước ngoài bằng cách phát đi hình ảnh minh hoạ về những nỗi khổ đau con người phải chịu trong những biến cố đó. Những hình ảnh đó đưa ra yêu cầu từ phía công luận muốn chính phủ phải hành động để xoá bỏ những khổ đau đó một cách trực tiếp thông qua viện trợ, hoặc bằng cách gián tiếp tham gia đàm phán với các nước hoặc các bên liên quan. Hiệu ứng CNN có thể có sức mạnh, song nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Một ảnh hưởng khác có tác
động lâu bền hơn xuất hiện khi một vấn đề trong chính sách đối ngoại được chính trị hoá- thường thông qua hoạt động của những nhóm lợi ích cụ thể, chẳng hạn đại diện của nhóm cộng đồng người Do Thái thiểu số- và phương tiện truyền thông tạo nên các tham số trong những cuộc tranh luận của công chúng thông qua những quyết định được đăng tải về những gì cần đưa vào chương trình nghị sự, cần đưa vào trong bao lâu, và cần tranh thủ ý kiến của những người nào.
Các nhà đàm phán Mỹ nói chung không sử dụng phương tiện truyền thông để định hình kết quả của các cuộc đàm phán đang tiến hành. Nói cách khác, ít khi họ xếp đặt một chiến dịch nhằm gây áp lực đối với các đối tác đàm phán của họ thông qua những câu chuyện thêu dệt hay thông tin rò rỉ từ giới truyền thông Mỹ hoặc nước ngoài. Vì họ cho rằng nước Mỹ đã đủ mạnh để buộc phía bên kia phải chấp nhận yêu cầu của mình.