Mặc dù Hoa Kỳ mới được thành lập hơn 200 năm nhưng người Mỹ có tinh thần yêu nước rất cao. Khi giao dịch thương mại họ thường nghĩ thẳng, nói thẳng và rất có tinh thần cạnh tranh.
Nguyên tắc tự do tín ngưỡng được quy định rõ ràng trong bản sửa đổi hiến pháp đầu tiên của nước Mỹ, nhằm bảo vệ quyền tự do lựa chọn và từ bỏ tín ngưỡng. Phần lớn người Mỹ coi tín ngưỡng là một vấn đề riêng tư, họ có trình độ tin theo và thực hành tôn giáo rất cao. Trong số những người Mỹ theo các đạo, 80%
theo đạo Thiên Chúa (kể cả Tin Lành và Công giáo), số ít hơn theo đạo Do thái, đạo Chính thống phương Đông, đạo ấn Độ, đạo Hồi. đạo Phật, có người không theo đạo nào. Các thương gia nước ngoài đến Mỹ tìm kiếm cơ hội làm ăn, có một số tham gia các ngày lễ tôn giáo phù hợp với mình, có một số người thường tránh. Mặc dù tôn giáo không có vai trò tích cực trong việc quyết định các phương án kinh doanh, nhưng đức tin của mỗi cá nhân đôi khi ảnh hưởng đến việc ra quyết định. Đây là một vấn đề nhạy cảm cần lưu ý trong giao dịch thương mại.
Trung thành với nước Mỹ, một đặc điểm thống nhất của cộng đồng người Mỹ. Họ nói rằng, cho dù họ có chỉ trích Chính phủ hoặc các chính sách của Chính phủ ban hành, họ vẫn xem nước Mỹ là một chỗ tốt, nếu khong muốn nói là tốt nhất để sinh sống. Nếu chỉ trích đất nước mình, chẳng qua họ muốn so sánh với hình ảnh lý tưởng tốt đẹp chứ không phải một quốc gia nào khác. Họ không sợ chỉ trích, vì họ đã có Hiến pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận, và họ thực hiện quyền đó với hy vọng Chính phủ cần có trách nhiệm hơn với các nhu cầu xã hội, chứ không nhằm lật đổ Chính phủ. Điều này giải thích tại sao các thất bại và các vụ bê bối trong Chính phủ và khu vực tư nhân thường bị phát hiện và đưa ra công luận. Nó đồng thời cũng là sự cố gắng của người Mỹ trước các mối đe doạ với đất nước và bản thân cuộc sống của họ.
Trong ứng xử, người Mỹ thường bộc lộ tính cách thẳng thắn, chân thực, họ luôn có ý kiến về những vấn đề mà họ quan tâm: tự nhận mình là những người có tham vọng, lao động chăm chỉ, có nghị lực và tự hào về mức sống cao của mình. Về vai trò quan trọng của nước Mỹ trên thế giới, dù còn nhiều mâu thuẫn, căng thẳng về vấn đề chủng tộc, nòi giống giữa các nhóm sắc tộc trong xã hội, người Mỹ vẫn cố gắng biểu hiến sự thân thiện, sẵn sàng kết bạn và dường như tạo ra mức độ quen thân rất nhanh. Theo người Mỹ sự thân thiện là một cử chỉ lịch sự. Tuy nhiên mức độ thân thiện còn tuỳ thuộc vào từng mối quan hệ cụ thể và đều được thực hiện có suy xét ở người Mỹ.Theo Joel Wallace và Gale Metcalf (1995) thì tư duy
đặc trưng theo phong cách Mỹ là tư duy logic tuyến tính, theo đó tất cả mọi thứ trên đời đều có nguyên nhân có thể khám phá ra được. Nói cách khác, mọi thứ không tự nhiên xảy ra mà đều là kết quả của một cái gì đó, từ A gây ra B dẫn đến C, và những thứ này phải được minh chứng bằng các cơ sở con số, dữ liệu cụ thể.
Nhà kinh doanh Mỹ ngồi bên đối tác thường coi đối phương là ông thầy ra dữ kiện để họ tự giải bài toán. Những bài toán có dữ liệu bằng cảm giác, linh cảm, thiếu cơ sở xác thực là những bài toán vô lý, hay ít ra cũng là vô nghiệm đối với các nhà kinh doanh Mỹ. Nhà kinh doanh Mỹ thường cảm thấy khó chịu trước những tư duy mà họ cho là rối rắm, mông lung, không tập trung vào vấn đề cần giải quyết mà tản mạn, có khi lạc đề. Như một học sinh độc lập làm bài, nhà kinh doanh Mỹ muốn có cơ sở dữ kiện đầy đủ, suy nghĩ những dữ kiện đó, tự mình tìm ra đáp số của bài toán và quyết định hạ bút, đóng khung kết quả trong ký kết hợp đồng.
Cùng với chủ nghĩa cá nhân, độc lập, tự do, dân chủ là sự cạnh tranh. Người Mỹ hiểu rõ điều này qua bản chất những cuộc đọ sức giữa họ. Các thành ngữ bắt nguồn từ lĩnh vực thể thao, chiến tranh như:"chiến trường" "cạnh tranh" "thắng" "thua", đều được người Mỹ vận dụng một cách triệt để trong lĩnh vực kinh doanh, thậm chí cả với cuộc sống. Đó là cuộc chạy đua mang tính cạnh tranh quyết liệt giữa các đối thủ để giành chiến thắng. Nhưng thực tế, kết quả của cạnh tranh chỉ có thể thắng hoặc bại, chứ ít khi cho phép hoà hoặc tình huống mọi người đều thắng. Bởi vậy, yếu tố cạnh tranh được phát huy mạnh ở Mỹ, và người mỹ rất coi trọng sự cạnh tranh, vì nó là nhân tố của sự phát triển.
ở Mỹ còn một hiện tượng nghịch lý, khi các bậc phụ huynh dạy con cái họ rằng: sự công bằng trong thể thao quan trọng hơn việc thắng thua. Phong cách chơi quan trọng hơn kết quả chơi. Với ý tưởng đó, kết quả của cuộc điều tra các doanh nhân Mỹ gần đây cho thấy, họ không xếp mục tiêu chiến thắng lên hàng đầu. Họ có thể chấp nhận sự nhân nhượng, nhưng không đề cao và cũng không cho nhân nhượng là một kết quả thành công. Mục tiêu chính của các doanh nhân Mỹ vẫn là
dành chiến thắng ở các cuộc đàm phán thương mại. Và khi việc giành thắng lợi trở lên thật sự quan trọng với họ, thì sự cạnh tranh có thể quyết liệt và không thể nhân nhượng. Các doanh nhân Mỹ cho rằng cái nói thẳng trong tính cách Mỹ cũng có nguồn gốc của nó: đó là bản chất thích cạnh tranh của người Mỹ. Cạnh tranh hiển nhiên có khía cạnh tốt của nó trong thúc đẩy và khích lệ mọi người cố gắng hết sức mình trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống. Nhưng khát vọng muốn vượt lên người khác (bằng mọi giá) dễ xô đẩy, tổn hại người ta là tiêu cực. Do đó hiện nay trong kinh doanh thường có khẩu hiệu "Cạnh tranh lành mạnh".
Các doanh nhân Mỹ rất quí trọng thời gian. Tiersky (1990) đã viết về tính đúng giờ, tính quý thời gian của người Mỹ dưới một tiêu đề khá hấp dẫn "Nhanh lên! Nhanh lên! Nhanh lên!". "Hãy đúng giờ", "Thời gian là vàng bạc", "Đừng lãng phí thời gian", "Thời gian không chờ đợi ai". Đây là những cụm từ người Mỹ yêu thích, phản ánh tính sát sao về thời gian và hiệu quả thành công của người Mỹ. Với những đức tính như vậy họ tạo ra cho mình một bầu không khí và nhịp độ làm việc khẩn trương, vào việc ngay, giải quyết vấn đề nhanh. “Tuy vậy, những nghiên cứu so sánh phong cách làm việc Đông - Tây cũng chỉ ra người Mỹ ra quyết định nhanh nhưng thực hiện quyết định, nghĩa là triển khai dự án chậm. Ngược lại, người Nhật chậm trong ra quyết định nhưng một khi đã ra quyết định thì việc triển khai dự án lại nhanh” 10.Tại các cuộc giao thương, người Mỹ hay có bữa ăn công việc, có thể là sáng (7-9 giờ sáng), hoặc trưa ( 12- 13 giờ) hoặc tối (19 - 21 giờ). Các bữa ăn công (bussiness meals) đó thường tổ chức ở khách sạn hoặc nhà hàng phù hợp và người ta có thể thảo luận công việc khi ăn. Trong khi thảo luận kinh doanh, có thể lan man vài câu sang các vấn đề xã hội ngoài lề. Vấn đề là khi được mời, khách nên đến đúng giờ.
Đôi khi khách được mời đến nhà riêng, thường là vào bữa tối, kéo dài từ quãng 19 đến 22 giờ. Khách nên đến sớm hơn thời gian trong giấy mời từ 5 đến 10
phút. Nếu đến chậm hơn thời gian trong giấy mời, nên điện thoại thông báo trước cho chủ nhà khi nào thì khách có thể đến. Thời gian ra về hoàn toàn do khách nhưng nên là sau khi đã ăn uống, uống cà phê và nói chuyện đôi chút. Khi thấy một vài người khách
đứng nên chuẩn bị ra về, nếu ta trong đám thực khách thì nên nhân cơ hội đó mà rút theo nếu ta muốn. Đừng làm người đầu tiên, cũng đừng làm người cuối cùng khi rời bữa tiệc. Tiệc đứng là hình thức tiệc tương đối phổ biến trong giao tiếp kinh doanh Mỹ. Mục đích của nó là tạo điều kiện co thực khách gặp gỡ, nói chuyện, làm quen với nhau và với nhiều người. Thực khách đi vòng quanh, theo nguyên tắc "hoạt động mạng". Quy tắc cơ bản là tìm và nói chuyện với người ta có cảm giác thích nói chuyện với. Ai ai cũng có thể nói chuyện với bất kỳ ai. Thực khách có thể quây vào một nhóm hoặc rời ra chỗ khác tìm người nói chuyện. Chủ đề câu chuyện thường là nhẹ nhàng, nằm trong quan tâm chung của mọi người (gia đình, nghề nghiệp, thể thao) hoặc các vấn đề thời sự (kinh tế, chính trị).
Một vấn đề quan trọng khác cần biết trong giao thương với người Mỹ là “quà cáp”. Không có quy định cụ thể nào về quà cáp trong thông lệ văn hoá Mỹ, nhưng nhìn chung thì người Mỹ ít tặng quà cho nhau hơn người á. Phần lớn quà tặng, trong cuộc sống là giành cho bạn thân họ hàng. Trong quà tặng không có thông lệ có đi có lại. Đừng buồn nếu khi ta tặng quà mà không được tặng lại. Khi nhận quà, người Mỹ thường mở ngay và phát biểu cảm tưởng về món quà kèm theo cảm theo cảm ơn, hoặc nếu ở xa họ cũng thường có mấy lời qua thư. Người á thường hay tặng quà để tăng cường mối quan hệ. Người Mỹ không có thông lệ đó, họ tặng quà chỉ đơn thuần là vì thấy món quà ấy nằm trong sở thích của một người mà họ quan tâm. Khi được mời đến nhà riêng, người Mỹ thường mang theo một món quà, ví dụ, chai rượu hoặc một bó hoa hoặc một chút bánh kẹo, tuỳ từng đối tượng. Giới kinh doanh Mỹ đôi khi tặng quà không vì cái gì ngoài để quảng cáo. Họ không quan niệm quà cáp là thứ vật chất nhằm giúp thắt chặt quan hệ. Ngược lại, họ cho
rằng không cần có quan hệ khăng khít về tình cảm người ta vẫn có thể làm ăn thuận buồm xuôi gió với nhau, cần gì phải thường xuyên quà cáp? Nhiều công ty Mỹ có chính sách rõ ràng cấm tặng hoặc nhận những món quà vượt quá những hạn mức giá trị nhất định. Những món quà có giá trị lớn thường bị nghi ngờ là phương tiện để đút lót bạn hàng hoặc đối tác kinh doanh. ý thức về điều này sẽ giúp tránh những điều hiểu lầm không cần thiết có thể xẩy ra trong khi trao tặng hoặc nhận quà.