1. Phong cách chung của doanh nhân Mỹ
Với người nước ngoài, văn hoá Mỹ trong kinh doanh dường như không ổn định và dễ nhầm lẫn. Một mặt doanh nhân Mỹ muốn xúc tiến kinh doanh ở mọi nơi, tại các bữa tiệc, trên máy bay, ngoài phố, với những người xa lạ. Bởi vậy, họ dễ dàng kết hợp mối quan hệ giữa kinh doanh với quan hệ xã hội. Họ có thể thu thập thông tin, lập kế hoạch buôn bán với các doanh nhân nước ngoài, và đôi khi cả với các nhà sản xuất một cách không chính thức. Mặt khác, khi chuẩn bị đi đến quyết định,trên cơ sở tạo lập được quan hệ với bạn hàng, họ lại muốn thực hiện ngay, và công việc đó phải nhằm mục tiêu hiệu quả.
Phong cách nói chung của doanh nhân Mỹ là thích đi thẳng vào vấn đề (phong cách trực tiếp). Họ chỉ có thể trả lời "có" hoặc "không" với mọi câu hỏi hiếm khi họ nói "có lẽ". Thành ngữ chỉ quan điểm của người Mỹ là "Mọi thứ trên đời hoặc là trắng, hoặc là đen, chứ không thể xen vào đó một màu xám". Phong cách trực tiếp được đánh giá cao trong thương trường Mỹ ở mọi lúc, bất kể hoàn cảnh nào. Sự trực tiếp này là "di sản" của tiếng Anh, một ngôn ngữ được coi là chứa "ít ẩn ý" nhất, nghĩa là nội dung các ngôn từ ít thay đổi nghĩa của nó khi nói.
Người Mỹ tự hào về sự thẳng thắn và làm rõ nghĩa những gì họ nói, và họ muốn người khác cũng vậy. Nhưng kết quả nhầm lẫn có thể xảy ra nếu một người Mỹ gặp phải người có ngôn ngữ "nhiều ẩn ý".
Người Mỹ rất lạc quan và có vẻ ưa thích vật chất, mặc dù hầu hết mọi người đều cho rằng, việc theo đuổi công khai chủ nghĩa vật chất là sai trái, thậm chí đáng xấu hổ. Trong kinh doanh, dù thực dụng và phải cạnh tranh, song họ vẫn tỏ thái độ thân mật, khách quan khi giao tiếp. Họ sẵn sàng ủng hộ người khác, nếu sự ủng hộ đó đang là mối quan tâm hàng đầu đến công việc của họ. Nhưng khi xong việc, họ sẵn sàng quên đi và tìm đến đối tác khác. Với người nước ngoài, điều đó duờng như là một sự vi phạm nhỏ về đạo đức. Chẳng hạn ở Mỹ, mọi người đều nhận thấy rằng hành vi hối lộ và làm ăn lén lút bị coi là không đứng đắn và ngược với pháp luật của Mỹ. Nhưng nạn tham nhũng liên quan đến những khoản lại quả, quà tặng hoặc tiền trả ngầm vẫn thực sự tồn tại, tuy việc này không thường xuyên, nhưng vẫn không được chấp nhận về mặt văn hoá. Nếu bị phát hiện, những người liên quan sẽ bị mất cơ hội làm ăn, thậm chí gây ra các vụ bê bối phải ra tào.
Tuy nhiên, các doanh nhân Mỹ đánh giá cao kiến thức kinh doanh. Họ luôn có mặt tại các cuộc hội thảo, các khoá học do công ty tài trợ hoặc cá nhân tự túc, để nâng cao nghiệp vụ và nâng cao mức sống trực tiếp cho chính họ có đặc điểm phục hồi rất nhanh sau khi tụt hậu, và cho rằng, đó là kinh nghiệm thực tế, một bài học tốt chứ không phải thất bại. Họ có thể cùng một lúc thực hiện nhiều phương án khác nhau, cho dù có phải đối mặt với hàng loạt các thất bại. Chính sự linh hoạt và kiên định đó đã đưa nước Mỹ đứng đầu thế giới về các phát minh, sáng chế.
2. Phong cách làm việc của các Doanh nhân Mỹ
Như trên đã nói người Mỹ rất quí thời gian, các doanh nhân Mỹ có một phương châm trong giới kinh doanh là “Thời gian là tiền bạc". Hoặc nói một cách khác, ở Mỹ "Tiết kiệm thời gian cũng như tiết kiệm tiền bạc". Họ vẫn chi tiêu, đầu
tư, lãng phí, mất, giành lại và tạo ra thời gian. Với họ, thời gian là hàng hoá như mọi thứ hàng hoá khác, và có thể được đo bằng sự giàu sang.
Khái niệm về thời gian của người Mỹ thường làm cho các cuộc giao dịch trở nên ngắn gọn, trực tiếp và có trọng tâm. Mở đầu cuộc giao dịch, họ hỏi những câu ngắn gọn, sau đó bàn luôn vào nội dung công việc. Như vậy không có nghĩa họ thiếu tôn trọng đối tác mà ngược lại họ cố gắng không lãng phí thời gian của người khác.
Các buổi giao dịch lẫn cuộc sống hàng ngày, đều diễn ra rất nhanh. Trong khi nói chuyện, họ thường ngắt lời nhau bằng các câu hỏi, và cũng trả lời nhanh gọn. Kiểu nói chuyện này rất được đề cao ở Mỹ (theo cách nói của dân cowboy là "bắn ngay sau khi chưa rút súng ra khỏi bao").
Đúng giờ là quan trọng, và sự chậm trễ là điều tối kỵ nếu không muốn nói là thiếu sót về tư cách. Các doanh Mỹ thường được cung cấp thường xuyên các chi tiết công việc từ đối tác nước ngoài về tiến độ thực hiện ở mức độ nào, trên kế hoạch, hay phải đàm phán tiếp, hoặc đang thực hiện v.v… kể cả sự chậm trễ phải chờ đợi. Phía đối tác nước ngoài sẽ cảm thấy những đòi hỏi này như một sự can thiệp quá đáng hoặc có thể bị mất uy tín nếu như phía Mỹ muốn kiểm tra các phương thức hoạt động kinh doanh của đơn vị mình. Tuy nhiên, với phía Mỹ chỉ là vấn đề thủ tục cần thiết trong quan hệ làm ăn, họ không có hàm ý thiếu thiện chí với đối tác nước ngoài. Điều quan trọng là hai phía cần thông báo cho nhau kết qua công việc hợp tác, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn để đạt mục tiêu của cả hai bên. Doanh nhân Mỹ rất tránh sự bất ngờ xảy ra, họ cần lắm thông tin kịp thời ở bất cứ tình huống nào dù tốt hay xấu.
3. Thương mại với cuộc sống riêng tư
Quan hệ giữa những vấn đề riêng tư và công việc kinh doanh thường không biểu hiện rõ ràng trong giới kinh doanh Mỹ. Một số cảm thấy khó chịu khi vấn đề cá nhân xen vào công việc, nhưng một số khác lại thấy thoải mái khi kết hợp kinh
doanh với những quan hệ xã hội ngoài công sở. Họ có thể chủ động mời bạn hàng về nhà ăn cơm, hoặc mời đi nghỉ cuối tuần ở ngoại ô, tham gia vào các hoạt động thể thao như xem bóng đá, câu cá, đi săn, chơi golf, trượt tuyết hoặc chèo thuyền. Chuyện làm ăn có thể được phát sinh và việc đàm phán sẽ diễn ra trong không khí thân mật, không khách sáo. Người Mỹ có thể bàn bạc công việc với các thành viên trong gia đình, thậm chí với bạn bè, đôi khi họ cần cả những lời khuyên hoặc nhận xét của những người không liên quan.
Giải trí trong kinh doanh là vấn đề thông thường với bất kỳ nền văn hoá nào, nó tạo dựng niềm tin và chuẩn bị cho những mối quan hệ kinh doanh lâu dài. ở một số nước châu á, các đồng nghiệp tốn nhiều đêm vui chơi giải trí với nhau hoặc khách hàng, nhưng các thương vụ hiếm khi bắt đầu hoặc kết thúc vào lúc đó. Như vậy, họ phân tách rõ ràng cuộc sống riêng tư với công việc. Với các doanh nhân Mỹ, họ tìm cách phân loại và sắp xếp các yếu tố để phân biệt những khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Cảm giác chung là vấn đề cá nhân không nên xen lẫn vào môi trường kinh doanh, vì nó dễ dàng xoa dịu quan hệ buôn bán, vì sự cạnh tranh gay gắt có thể xảy ra, và việc tìm kiếm đồng minh trở nên không cần thiết nữa.
Thời gian ngoài công sở được coi trọng, và họ không có nghĩa vụ cống hiến. Bởi vậy, để làm ăn thành công với một đối tác điển hình ở Mỹ, các doanh nhân nước ngoài cần phát hiện những tính cách để phân biệt một người Mỹ "luôn vì công việc", với một người Mỹ "muốn nghỉ ngơi ngoài công sở".
4. Sự thân mật, không nghi thức
Ở một số nước, văn hoá còn mang nặng các thủ tục, nghi thức và tuân thủ các hệ thống cấp bậc, quyền lực, địa vị của cá nhân. ở Mỹ, người ta quan tâm chủ yếu đến người có trình độ chuyên môn và khả năng ra quyết định. Họ có thể cử một kỹ thuật viên cấp thấp đến dự cuộc họp với nhiều lãnh đạo cao cấp nước ngoài. Hành vi đó không phải là coi nhẹ đối tác, mà nhân viên kỹ thuật đó có chuyên môn để giải quyết tốt nhất vấn đề có liên quan. Ngược lại, họ cũng rất lúng túng khi
thành viên cấp cao của họ gặp phải đối tác cấp thấp mà thiếu thẩm quyền cam kết hoặc ra quyết định.
Luật pháp Mỹ quy định mọi người được bình đẳng trước pháp luật, bởi vậy quan hệ giữa các người Mỹ với nhau bớt trịnh trọng, nghi thức. Sự khác biệt về địa vị xã hội ít được nhấn mạnh. Các viên chức cao cấp luôn tự hào về quan hệ của họ với cấp dưới, cho mình là "một trong cả bọn".
Nhiều người Mỹ cho nghi thức là giả tạo, là phiền toái, và không cần thiết trong thương trường Mỹ. Không nghi thức là cắt bỏ nhưng căng thẳng để đạt kết quả mong muốn. Tuy nhiên, cũng cần cảnh giác với một số doanh nhân Mỹ sử dụng sự thân mật, không nghi thức làm chiến lược cho đối tác nước ngoài bối rối trong cam kết.
Nói chung, người Mỹ thích sự chân tình, cởi mở trong các cuộc giao dịch, họ luôn hy vọng sẽ tạo cho bạn hàng của mình không khí thoải mái và hợp tác loại bỏ những thủ tục rườm rà để đi đến mục tiêu cuối cung là hiệu quả cho cả hai phía.
Lạc quan: "Cốc đầy một nửa"!
Các doanh nhân Mỹ rất lạc quan. Họ thường nói "Cốc đầy một nửa" chứ không nói "Cốc vơi một nửa". Điều này có nghĩa rằng, yếu tố tích cực bao giờ cũng mạnh hơn tiêu cực. Sự lạc quan tạo cho người mỹ niềm tin có thể điều khiển được số phận của chính mình, bởi vậy, họ rất năng động khi giải quyết mọi vấn đề. Họ năng động để đạt mục tiêu chứ không theo thuyết định mệnh. Quan điểm làm việc tích cực cho tương lai tốt đẹp nói chung làm cho người Mỹ có vẻ ít thời gian hơn để làm những bài học của quá khứ. Với họ, sự thành đạt chỉ có thể bằng cách làm việc chăm chỉ và tuân theo luật lệ. Thiên hướng này dường như thiếu sự cảm thông với những người thất bại, vì nếu thành công dựa trên sự nỗ lực của bản thân và hành vi phục tùng luật lệ, thì thất bại chẳng qua là do những yếu điểm của cá nhân, và số phận không may mắn là đương nhiên.
Những năm gần đây, chủ nghĩa lạc quan trong xã hội Mỹ có chiều hướng suy giảm do sự thay đổi cơ cấu kinh tế trong hầu hết các ngành (giao thông vận tải quốc tế (tự do hoá các dịch vụ hàng không), công nghệ sinh học nông nghiệp...). Trong khi những người có thu nhập thấp thường ít lạc quan hơn về tương lai, thì hiện nay, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, mọi người ở mọi mức thu nhập đều cảm thấy không yên tâm về tương lai của mình. Việc hạn chế quy mô hoạt động cuả các công ty đã chứng minh sự trung thành, nỗ lực và tuân thủ luật pháp chưa hẳn đã đảm bảo cho mỗi con người được làm việc và hưởng thụ, thậm chí cả với các giám đốc và viên chức cao cấp ở Mỹ. Thế hệ trẻ ngày nay lo lắng, liệu mức sống của họ có bằng, hoặc hơn chút ít mức sống của cha mẹ họ hay không? Những công nhân cao tuổi nhiều kinh nghiệm ngày càng không chắc chắn về việc duy trì những gì mà họ đang có. Sự thiếu lạc quan trong xã hội Mỹ đang tạo ra sự bức bối và bất ổn, khiến các doanh nhân Mỹ rất lo ngại trong quan hệ buôn bán quốc tế hiện tại và tương lai.
Mặc dù nước Mỹ ngày nay đang có những dấu hiệu yếu kém, nhưng nó vẫn là một thị trường đồng nhất về lĩnh vực văn hoá cũng như về kinh tế, mà tất cả các nhà sản xuất, kinh doanh trên thế giới đều muốn đặt chân đến đó. Mặt khác, tiềm lực kinh tế to lớn đã cho Mỹ một vị thế hiện tại khá vững vàng, nhiều doanh nghiệp Mỹ có vị trí đứng đầu thế giới, các công ty đa quốc gia Mỹ giữ vai trò quan trọng và tích cực nhất trên thương trường quốc tế, đặc biệt về lĩnh vực tài chính. Vì vậy, Mỹ vẫn là một nước mở cửa rộng nhất hành tinh, và đủ sức duy trì vị trí nổi bật mà nó đã từng giữ cho mình một cách thành công.