Các quan điểm, chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố nói trên đã được cụ thể hóa trong Quyết định số 1493/QĐ-UBND ngày 21/10/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2008 đến năm 2012. Theo Quyết định này, việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính trên địa bàn thành phố được vạch ra khá cụ thể, bao gồm các nội dung sau đây:
- Về yêu cầu của việc giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức hành chính: + Giúp cho cán bộ, công chức hành chính nắm vững lý luận cơ bản về nhà nước - pháp luật nói chung và những kiến thức về pháp luật hành chính - dân sự - kinh tế nói riêng;
+ Cập nhật những quy định của pháp luật mới ban hành và những văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh của từng cán bộ, công chức;
+ Nâng cao năng lực vận dụng thực thi pháp luật trên cương vị công tác của từng cán bộ, công chức, góp phần giữ gìn kỷ cương phép nước, bảo vệ lợi ích của nhà nước và của công dân.
Về nội dung giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, tùy thuộc vào từng đối tượng:
+ Đối với cán bộ chính quyền cơ sở:
* Những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước và pháp luật. * Pháp luật về hành chính, kinh tế, dân sự...
* Pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân, quy chế tiếp dân và việc giải quyết các công việc của công dân và tổ chức.
* Mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội. * Một số quy định của pháp luật có liên quan đến việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
+ Đối với cán bộ, công chức nhà nước:
* Một số vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật.
* Pháp luật về hành chính, Hiến pháp, chế độ công vụ, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
* Mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp.
* Pháp luật về quản lý kinh tế, thương mại, dân sự và các điều ước quốc tế giữa Việt Nam với các nước.
+ Đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật: Ngoài các nội dung của hai đối tượng trên, cán bộ, công chức của đối tượng này phải được trang bị những kiến thức về tố tụng, trình tự thanh tra, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...
- Về biện pháp thực hiện việc giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, kế hoạch đề ra mấy biện pháp sau:
+ Mỗi cơ quan đơn vị cần xây dựng cho mình một tủ sách pháp luật và có kế hoạch khai thác tốt tủ sách pháp luật;
+ Ban Tổ chức chính quyền và các cơ quan chức năng, các cơ sở đào tạo tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật theo chuyên đề, chủ yếu cho cán bộ cơ sở;
+ Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức theo chương trình, nội dung của Trung ương quy định.
Trong những năm gần đây, công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức ở thành phố Hà Nội có những chuyển biến đáng kể và đã đạt được những thành quả nhất định.
2.1.2.1. Phổ biến pháp luật thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề
Phổ biến thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề là những dạng thức của hình thức tuyên truyền miệng về pháp luật. Đó là một hình thức tuyên truyền mà người nói trực tiếp nói với người nghe về lĩnh vực pháp luật trong đó chủ yếu là phổ biến, giới thiệu các quy định pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người nghe, hướng cho người nghe hành động theo các chuẩn mực pháp luật.
Tuyên truyền miệng pháp luật có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhiều hình thức tuyên truyền khác; lồng ghép với các hình thức tuyên truyền khác và là một bộ phận quan trọng trong tổng thể các hình thức tuyên truyền pháp luật.
Hình thức này có những lợi thế sau:
- Tuyên truyền miệng là một công đoạn không thể thiếu trong phần lớn các hình thức tuyên truyền pháp luật. Ví dụ: Tuyên truyền pháp luật thông qua công tác hòa giải ở cơ sở thì hòa giải viên vẫn phải trực tiếp nói cho người được hòa giải về các nội dung pháp luật có liên quan.
- Tuyên truyền miệng pháp luật là hình thức chủ yếu được thực hiện thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật; là biện pháp chủ yếu của phổ biến, phổ biến pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo nói, báo hình, qua mạng lưới truyền thanh cơ sở.
- Trong việc thực hiện tuyên truyền miệng pháp luật, báo cáo viên phải sử dụng lồng ghép với các hình thức tuyên truyền pháp luật khác, ví dụ như: trước khi tuyên truyền, báo cáo viên cần phải biên soạn đề cương mà giá trị của nó được coi như là tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật; trong khi tuyên truyền miệng, báo cáo viên sử dụng các hình ảnh minh họa có giá trị như là tuyên truyền thông qua tranh ảnh trực quan.
- Tuyên truyền miệng là hình thức tuyên truyền linh hoạt, có nhiều ưu thế, có thể tiến hành ở bất cứ nơi nào, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào với số lượng người nghe không bị hạn chế. Khi thực hiện việc tuyên truyền miệng, người nói có đủ điều kiện thuận lợi để giải thích, phân tích, sáng tỏ nội dung cần tuyên truyền.
Xác định đúng những lợi thế của hình thức phổ biến pháp luật này, Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức 12 Hội nghị quán triệt các văn bản của Trung ương và thành phố về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và chỉ thị, kế hoạch triển khai tuyên truyền thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung tập huấn có thể là một văn bản pháp luật quan trọng kèm theo văn bản hướng dẫn thi hành hoặc nhiều văn bản pháp luật độc lập. Những văn bản pháp luật này có thể là văn bản tuyên truyền lần đầu hoặc là văn bản được tuyên truyền lặp lại. Học viên của lớp tập huấn là những báo cáo viên, biên tập viên, phóng viên, cán bộ thi hành pháp luật, cán bộ quản lý trong lĩnh vực văn bản điều chỉnh.
Ở các lớp tập huấn, giảng viên không chỉ giới thiệu về các nội dung cơ bản của văn bản mà phải đi sâu vào những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực nghiệp vụ nhất định: thẩm quyền của các chủ thể, các biện pháp quản lý, thủ
tục tiến hành các công việc. Chú trọng đổi mới phương pháp tập huấn, kết hợp phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại, lấy người học là trung tâm, áp dụng phương pháp tích cực, mọi người cùng tham gia, có sự trao đổi qua lại giữa học viên và giảng viên, huy động tính tích cực tham gia của học viên, giảng viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho học viên vừa học lý thuyết vừa thực hành; kết hợp với các phương tiện hỗ trợ như tranh ảnh, băng hình để buổi tập huấn sinh động, người học dễ tiếp thu, thuộc bài ngay tại lớp và biết vận dụng thành thạo trong thực tiễn.
Hình thức nói chuyện chuyên đề cũng được chú trọng trong phổ biến pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội. Một buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật thường là một buổi nói về một lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quản lý... gắn với một số chế định, ngành luật. Một buổi nói chuyện chuyên đề thường không đóng khung trong phạm vi pháp luật, trong khuôn khổ một vấn đề khép kín mà mở ra nhiều lĩnh vực có liên quan, nhiều hướng suy nghĩ. Chính vì thế, các buổi nói chuyện chuyên đề thường thu hút được đông đảo báo cáo viên pháp luật, cán bộ nghiên cứu, cán bộ xây dựng pháp luật, cán bộ tuyên truyền pháp luật, hòa giải viên, thành viên các Câu lạc bộ pháp luật... tham gia.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2008, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp trên địa bàn thành phố đã tổ chức 11.327 hội nghị, tập huấn giới thiệu pháp luật hoặc lồng ghép giới thiệu pháp luật cho gần 02 triệu lượt người nghe. Riêng các quận, huyện, xã phường, thị trấn tổ chức hơn 9.000 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hơn 1.100.000 lượt cán bộ, nhân dân tham dự.
2.1.2.2. Phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng
Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, báo chí ở Việt Nam gồm: báo in (báo, tạp chí, bản tin thời sự, bản tin thông tấn), báo nói (chương trình phát thanh), báo hình (chương trình truyền
hình, chương trình nghe - nhìn thời sự được thực hiện bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau), báo điện tử (được thực hiện trên mạng thông tin máy tính), bằng các ngôn ngữ.
Với chức năng là phương tiện thông tin đại chúng, báo chí Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo quần chúng nhân dân thành phố Hà Nội là nơi có có các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn nhiều nhất cả nước với hàng trăm cơ quan báo đài, bản tin của Trung ương và Hà Nội. Hệ thống này cùng với các dài truyền thanh quận, huyện, thị, xã, phường, thị trấn đã góp phần tích cực vào hoạt động phổ biến pháp luật trên địa bàn thành phố.
Với đặc tính cơ bản của báo chí là tính phổ cập, nhanh chóng, kịp thời và rộng khắp, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, phổ biến pháp luật, báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến với cán bộ, nhân dân, giúp cho đông đảo cán bộ, nhân dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật. Báo chí góp phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật, vào công lý trong mọi tầng lớp nhân dân. Trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, báo chí còn đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, báo chí còn là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Báo chí phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật.
Đặc biệt, ngày nay với sự phát triển đa dạng của các loại hình báo chí và việc phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã góp phần ngày
càng nâng cao hiệu quả và chất lượng của thông tin trong đó có các thông tin về pháp luật.
Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật thành phố đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa thông tin, Báo Hà Nội mới, Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, Báo Kinh tế Đô thị, Báo Pháp luật và Xã hội tiến hành nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật. Ban Tuyên giáo Thành ủy duy trì giao ban báo chí hàng tuần, chỉ đạo các báo, đài xây dựng chuyên mục tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp cán bộ và nhân dân, đồng thời định hướng kịp thời công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy được thế mạnh của báo chí Thủ đô. Các cơ quan thông tấn, báo chí như Báo Hà Nội mới, Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội, An ninh Thủ đô, Phụ nữ Thủ đô, Báo Kinh tế Đô thị đã duy trì tốt các chuyên mục phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân. Từ tháng 6/2006, Báo Pháp luật và Xã hội thuộc Sở Tư pháp đã cho ra đời bản tin pháp luật Thủ đô nhằm tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn Hà Nội.
2.1.2.3. Hoạt động phổ biến pháp luật thông qua các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật
Thi tìm hiểu pháp luật là hình thức thi do cơ quan nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp tổ chức nhằm động viên, khuyến khích đối tượng tìm đọc, nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đối tượng và nâng cao dân trí pháp lý.
Thi tìm hiểu pháp luật là một trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, phổ biến pháp luật, là cầu nối chuyển tải những nội dung pháp luật vào cuộc sống, là hình thức sinh hoạt văn hóa pháp lý có sức hấp dẫn và hiệu quả.
Thi tìm hiểu pháp luật có ưu thế là dễ dàng mở rộng được phạm vi đối tượng tuyên truyền (bao gồm cả người dự thi và người theo dõi cuộc thi); đáp ứng được yêu cầu phổ cập pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, phát huy được tính tích cực, chủ động của đối tượng dự thi và giúp họ nhận thức sâu sắc hơn nội dung pháp luật cần tìm hiểu, từ đó nâng cao ý thức pháp luật cho họ.
Một lợi thế khác của thi tìm hiểu pháp luật là có thể sử dụng được nhiều loại phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức khác nhau và do đó có thể tổ chức được ở nhiều nơi, nhiều lúc, với phạm vi, mức độ khác nhau tùy theo yêu cầu và tình hình đặc điểm cụ thể.
Thông qua các hình thức thi, những nội dung pháp luật được chuyển tải đến các đối tượng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ hơn, sinh động hơn, tránh được sự cứng nhắc, khô khan; đối tượng tiếp nhận các kiến thức pháp luật một cách thoải mái và hoàn toàn chủ động, hiểu biết về pháp luật và khả năng áp dụng pháp luật của đối tượng được nâng cao hơn. Bên cạnh đó, kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền pháp luật của người tổ chức cũng được gọt giũa, được tôi luyện, trở nên tinh hơn, hiệu quả hơn. Nhờ vậy, pháp luật có điều kiện lan tỏa, dễ đi vào cuộc sống hơn, phát huy hiệu quả tốt hơn.
Xác định được những lợi thế của hình thức phổ biến pháp luật thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật thành phố và các ngành, đoàn thể như Công an, Liên đoàn lao động thành phố, Sở Giáo dục - Đào tạo… đã tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi (thi viết, thi sân khấu hóa) như: Thi tìm hiểu về Bộ luật Lao động, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Điều tra hình sự, Luật phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS;… thu hút đông đảo cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân tham gia. Các quận, huyện đã tổ chức hơn 300 cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật hoặc gắn với chủ đề pháp luật.
2.1.2.4. Hoạt động phổ biến pháp luật thông qua các tài liệu, sách báo, khai thác tủ sách pháp luật