Chính sách pháp luật là sự biểu hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng pháp luật với tính cách là công cụ quan trọng để quản lý nhà nước, quản lý xã hội; là nguyên tắc và khuynh hướng cơ bản mang tính chỉ đạo trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật; là phương pháp và biện pháp giúp cho việc hình thành ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật của các tầng lớp nhân dân.
Ở mỗi một nhà nước, nội dung cơ bản của chính sách pháp luật biểu hiện trước hết trong việc xác định các loại quan hệ xã hội cần được pháp luật điều chỉnh; xác định phương pháp điều chỉnh pháp luật đối với các loại quan hệ xã hội đó; kế hoạch hóa và dự báo hoạt động xây dựng pháp luật; nghiên cứu và tổ chức hệ thống các cơ quan xây dựng, áp dụng và bảo vệ pháp luật cũng như phương thức giáo dục pháp luật, nâng cao văn hóa pháp luật và phát triển khoa học pháp lý.
Như vậy, chính sách pháp luật là một khái niệm có nội dung khá rộng lớn, bao quát mọi lĩnh vực hoạt động pháp luật nói riêng và đời sống pháp luật nói chung. Bất kỳ nhà nước nào cũng có một chính sách pháp luật của mình. Vấn đề khác nhau giữa các nhà nước hay giữa các giai đoạn lịch sử
phát triển của một nhà nước chính là ở "chất lượng" của chính sách đó thể hiện như thế nào. Có thể tồn tại chính sách pháp luật tiến bộ và chính sách pháp luật phản động; chính sách pháp luật khoa học và chính sách pháp luật phản khoa học; chính sách pháp luật phù hợp với lòng dân, với các yêu cầu khách quan của đời sống xã hội, của các quan hệ xã hội và chính sách pháp luật chủ quan, duy ý chí…
Chính sách pháp luật không phải là quy phạm pháp luật hay văn bản pháp luật mặc dù mục đích cuối cùng của nó là tác động lên hành vi của con người, tuy nhiên chính sách pháp luật thực hiện sự tác động đó thông qua pháp luật và các công cụ khác. Trong quan hệ với hệ thống pháp luật, chính sách pháp luật vừa là mục tiêu, vừa là phương hướng, vừa là phương pháp và cơ sở cho việc xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật. Mặc dù vậy chính sách pháp luật cũng có thể được "chuyển hóa " thành pháp luật. Điều đó thể hiện tập trung trong các văn bản pháp luật có tính khái quát và giá trị pháp lý cao, mang tính chất tuyên ngôn, cương lĩnh như hiến pháp, một số bộ luật, đạo luật. Khi một bản hiến pháp có quy phạm: Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa hay khi trong một bộ luật hình sự có quy định: Nhà nước đặc biệt nghiêm trị các tội tham nhũng và vi phạm quyền con người, thì trong những trường hợp này chính sách pháp luật đã được chuyển hóa thành pháp luật một cách trọn vẹn và cô đọng dưới dạng một quy phạm pháp luật và có giá trị trực tiếp.
Như vậy chính sách pháp luật có tác động rất lớn đến hệ thống pháp luật. Cả chính sách pháp luật lẫn các quy định pháp luật đều tác động đến hành vi của con người, tác động suy nghĩ, nhận thức của con người. Ý thức pháp luật của công chức hành chính bị tác động rất lớn bởi chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước. Khi những chủ trương, chính sách, pháp luật còn có những điểm chưa rõ ràng, chưa đồng bộ thì dẫn đến hoạt động giáo dục pháp luật gặp nhiều khó khăn dẫn đến cán bộ, công chức hành chính có thể khó nắm bắt được những thông tin cần thiết trong hoạt động công vụ, có thể
dẫn đến việc hiểu chưa đúng những quy định pháp luật, từ đó dẫn đến có thể có những sai lầm hay chưa hợp lý trong hoạt động áp dụng pháp luật vào thực tiễn cuộc sống. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật càng đầy đủ, hoàn