Mối quan hệ giữa giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức và các dạng giáo dục khác

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức cơ quan hành chính ở thành phố Hà Nội hiện nay (Trang 25)

tưởng, giáo dục đạo đức và các dạng giáo dục khác

Giáo dục pháp luật tuy có những nét đặc thù riêng, nhưng phải được đặt trong mối quan hệ chung được coi như một dạng giáo dục trong hệ thống giáo dục. Giáo dục pháp luật khi đặt trong tổng thể của hệ thống giáo dục thì giáo dục pháp luật có mối quan hệ khá mật thiết với các dạng giáo dục khác như: giáo dục chính trị, đạo đức, lao động, kinh tế...

- Giáo dục pháp luật tác động tương hỗ một cách sâu sắc với giáo dục chính trị tư tưởng. V.I. Lênin đã chỉ rõ rằng: "Luật là biện pháp chính trị, là chính trị" [29, tr. 99]. Hiện nay, đường lối chính trị của Đảng ta - chỗ dựa của đổi mới mọi mặt về chính trị, kinh tế, xã hội đã đi vào tất cả các mặt hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Có thể nói rằng, mỗi một quy phạm pháp luật đều là phương tiện để củng cố, ghi nhận, một quy tắc mà xã hội cần, xã hội ủng hộ nhằm bảo vệ không những lợi ích của Nhà nước mà còn là của mỗi công dân. Bởi vậy, khi thực hiện giáo dục pháp luật sẽ tạo ra khả năng cho việc giáo dục chính trị tư tưởng, góp phần hình thành ở đối tượng giáo dục những quan hệ giá trị xác định với chính trị tư tưởng. Ngược lại, trong giáo dục chính trị tư tưởng có chức năng đan xen trong nội dung của mình những hiện tượng của pháp luật, củng cố những quan hệ tích cực đối với những đòi hỏi của pháp luật, kích thích lợi ích điều chỉnh bằng pháp luật. Mối quan hệ mật thiết qua lại chặt chẽ giữa giáo dục pháp luật và giáo dục chính trị tư tưởng đòi hỏi các chủ thể giáo dục pháp luật phải biết kết hợp và bổ sung cho nhau trong quá trình giáo dục.

- Giáo dục pháp luật có quan hệ chặt chẽ với giáo dục đạo đức, Đảng ta đã nhận thức rõ điều đó, nên trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: "Tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục nâng cao đạo đức" [12, tr. 45]. Giữa pháp luật và đạo đức không có sự đối lập nhau, pháp luật là chỗ dựa và là cơ sở của việc hình thành đạo đức; các nguyên tắc căn bản của đạo đức được thể chế hòa thành các quy phạm pháp luật. Do đó, pháp luật bảo vệ và phát triển đạo đức, bảo vệ tính công bằng, nhân đạo, tự do, lòng tin và lương tâm con người. Vì vậy, giáo dục đạo đức tạo nên những tiền đề cần thiết để hình thành ở công dân sự tôn trọng sâu sắc đối với pháp luật. Ngược lại, giáo dục pháp luật tạo ra khả năng thiết lập trên thực tế những nguyên tắc đạo đức mới. Quy phạm pháp luật và quy phạm đạo đức đều hướng tới điều chỉnh

hành vi của con người, giữa chúng có một số điểm chung là cùng tác động lên con người, những điểm chung đó là:

+ Tạo ra lòng tin và giá trị xã hội của pháp luật;

+ Tạo ra thói quen xử sự trong các hoàn cảnh cụ thể theo các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Như vậy, sự thống nhất giữa giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức thể hiện ở hành vi của con người. Sự thống nhất đó đòi hỏi sự tác động tổng hợp của cả hai dạng giáo dục. Do đó, trong hoạt động thực tiễn, các tổ chức chính trị, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội phải sử dụng đồng bộ các hình thức, các biện pháp của cả hai dạng giáo dục để bổ sung cho nhau, tác động lẫn nhau với mục đích hình thành các hành vi hợp pháp, hợp đạo đức ở các đối tượng được giáo dục.

- Hiện nay, "Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa" [16, tr. 23]. Để thực hiện đường lối kinh tế nói trên của Đảng và Nhà nước, cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục kinh tế trong mối quan hệ với sự nghiệp đổi mới. Tất nhiên, giáo dục kinh tế trong giai đoạn hiện nay là những tư duy và phương pháp của "cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Các quan hệ kinh tế ở nước ta ở mức độ này hay mức độ khác được thể hiện thành các hình thức pháp lý. Thiếu các hình thức pháp lý thích hợp, các quan hệ kinh tế khó lòng thực hiện. Điều đó có nghĩa rằng, bên cạnh giáo dục kinh tế, cần phải tiến hành giáo dục pháp luật bao gồm việc giải thích, phổ biến, học tập, nghiên cứu những văn kiện liên quan trực tiếp đến việc điều chỉnh các quan hệ kinh tế.

Ngoài những dạng giáo dục có mối quan hệ mật thiết với giáo dục pháp luật như đã nêu trên, còn nhiều dạng giáo dục khác. Trong điều kiện đổi mới hiện nay, việc nghiên cứu mối quan hệ tổ hợp, đan xen giữa các dạng

giáo dục có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách. Việc giáo dục pháp luật chỉ có thể đạt được mục đích và hiệu quả trong mối quan hệ thống nhất, tổ hợp của cả hệ thống các hình thức giáo dục. Tất cả các dạng giáo dục phải được phối hợp và tiến hành thường xuyên trong mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau.

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức cơ quan hành chính ở thành phố Hà Nội hiện nay (Trang 25)