ĐẤT KHI LY HÔN
1.3.1. Cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở Trên tinh thần tôn trọng thỏa thuận của các bên đương sự trong BLDS năm 2005 và quy định của Luật HN&GĐ năm 2000, BLTTDS năm 2004 thì có thể giải quyết tranh chấp về nhà ở, quyền sử dụng đất khi ly hôn bằng hai
cách: Giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải và trong trường hợp các bên không tự hòa giải được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trong đó, hòa giải gồm các bên tự hòa giải với nhau hoặc thông qua tổ hòa giải được gọi là hòa giải ở cơ sở. Theo Điều 2 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải quy định: "Hòa giải ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của tổ hoà giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân" [38].
Như vậy, hoạt động hòa giải ở cơ sở không phải do cơ quan nhà nước hay tổ chức chuyên môn nghề nghiệp thực hiện mà do Tổ hòa giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân (như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân Việt Nam), ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư thực hiện. Trong đó, tổ hòa giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân, do nhân dân bầu ra theo từng tổ dân phố, cụm dân cư. Công tác hòa giải ở cơ sở chủ yếu là "hướng dẫn, thuyết phục, dàn xếp, giúp đỡ" chứ không phải bằng phán xét, bằng quyết định, bằng quyền lực của các cơ quan nhà nước, không do cơ quan nhà nước thực hiện. Bản chất của công tác hòa giải là một hình thức tự quản của nhân dân" [38].
Tổ hòa giải là một tổ chức quần chúng của nhân dân, do dân bầu ra và được thành lập ở cơ sở thôn, xóm, bản ấp, tổ dân phố hoặc cụm dân cư theo Điều 7 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Về bản chất tổ hòa giải là tổ chức quần chúng, không phải là tổ chức chính quyền, được thành lập để hòa giải tại chỗ, thường xuyên, kịp thời các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân cơ sở, nhằm chủ động ngăn ngừa vi phạm pháp luật, hạn chế các vụ việc phải đưa ra Tòa án giải quyết.
Tại Điều 86 Luật HN&GĐ năm 2000 có quy định: "Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở" [20].
Như vậy khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn, nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở. Bởi lẽ, trong việc giải quyết yêu cầu ly hôn thì vấn đề trọng tâm là quan hệ nhân thân. Nếu vợ chồng hàn gắn được quan hệ nhân thân, không còn yêu cầu ly hôn nữa thì quan hệ về tài sản sẽ không phải giải quyết. Trừ trường hợp quan hệ nhân thân không giải quyết được, hai bên vẫn mong muốn ly hôn thì khi này mới xem xét đến vấn đề có tranh chấp tài sản hay không. Đây chính là điểm khác biệt của vụ án ly hôn với các vụ án dân sự khác.
Nếu vợ chồng không hòa giải được và vẫn có yêu cầu ly hôn, trong đó có tranh chấp tài sản thì theo khoản 1 Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: "Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết" [20].
Riêng đối với tranh chấp tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất thì tại Khoản 1, Điều 147 Luật Nhà ở năm 2005 có quy định: "Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp về nhà ở thông qua hòa giải" [26] và tại Điều 135 LĐĐ năm 2003 quy định: "1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở" [23].
Như vậy, theo quy định này thì Nhà nước khuyến khích giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở chứ không xem hòa giải cơ sở là thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện ra Tòa án. Thế nhưng, theo quy định tại
Khoản 1 Điều 136 LĐĐ năm 2003 thì tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại
UBND xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí
sẽ được giải quyết như sau: "Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết" [23]. Quy định này dẫn tới cách hiểu trong thực tiễn tố tụng tại Tòa án là mọi tranh chấp đất đai đều bắt buộc phải thông qua con đường hòa giải cơ sở.
Công văn số 116 của TANDTC ngày 22/7/2004 quy định: Theo tinh thần quy định tại Điều 135 và Điều 136 LĐĐ năm 2003 thì tranh chấp đất đai nhất thiết phải qua hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp… Do vậy, kể từ ngày 01/07/2004 trở đi, Tòa án chỉ thụ lý, giải quyết tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí và khởi kiện đến Tòa án.
Quan niệm này lại được khẳng định một lần nữa trong bản tham luận của Tòa Dân sự TANDTC ngày 3/01/2005. Theo đó, quyền sử dụng đất bao gồm hai loại nhóm quyền:
- Nhóm quyền chung của người sử dụng đất theo Điều 105 LĐĐ năm 2003: Quyền khai thác công dụng và hiệu quả của đất, được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; được bảo hộ quyền sử dụng đất khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình.
- Nhóm quyền thứ hai theo Điều 106 của Luật này: Được thực hiện các hành vi dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình đó là quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Tòa Dân sự TANDTC cho rằng, khi có tranh chấp về những quyền này thì đó là tranh chấp về quyền sử dụng đất và tất cả các loại tranh chấp về quyền sử dụng đất nói trên đều phải qua hòa giải cơ sở tại UBND xã, phường, thị trấn. Quan điểm này dựa trên lập luận rằng, việc tranh chấp quyền sử dụng đất xuất phát từ nội bộ nhân dân, nội bộ gia đình, họ hàng, làng xóm. Mặt khác, loại tranh chấp này ngày một nhiều và rất phức tạp. Do vậy, hòa giải ở cơ sở có kết quả vừa tăng cường đoàn kết trong nội bộ nhân dân, vừa giảm nhẹ một phần công việc của Tòa án. Hòa giải cơ sở còn là một cơ hội để đương sự chuẩn bị chứng cứ chứng minh ra Tòa án nếu hòa giải không thành.
Như vậy, tranh chấp đất đai khi ly hôn cũng được xem là tranh chấp đất đai và bắt buộc phải thông qua hòa giải ở cấp cơ sở thì Tòa án mới thụ lý.
Song theo quan điểm của cá nhân, cần lưu ý rằng đặc điểm của việc giải quyết các tranh chấp về tài sản khi ly hôn khác với giải quyết các tranh chấp về tài sản, bất động sản trong các vụ án dân sự khác. Bởi khi giải quyết ly hôn thì cần giải quyết hai quan hệ gồm quan hệ về nhân thân và quan hệ tài sản. Trong đó, quan hệ nhân thân là quan hệ chính, quan hệ tài sản trong ly hôn chỉ là hệ quả của việc giải quyết chấm dứt quan hệ nhân thân trong hôn nhân. Với lý do đó, không nên đánh đồng tranh chấp nhà ở, quyền sử dụng đất của vợ chồng trong các vụ án ly hôn với các vụ án dân sự có tranh chấp đất đai khác.
Ngoài ra hòa giải ở cơ sở là một truyền thống, một đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Mục đích chính của công tác hòa giải ở cơ sở nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, tập thể, hàn gắn, vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình. Hòa giải có khả năng hàn gắn quan hệ vợ chồng, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Do đó trong vấn đề giải quyết ly hôn thì nhà nước cần ban hành quy định rõ ràng quy trình giải quyết trong đó nhấn mạnh các bên phải thông qua hòa giải ở cơ sở nhằm hàn gắn lại tình cảm, bỏ qua lỗi lầm cho nhau. Thực tiễn cuộc sống cho thấy rất nhiều gia đình đã đoàn tụ sau khi tiền hành hòa giải ở cơ sở. Như vậy, tất cả các vụ án ly hôn đều phải thông qua hòa giải ở cơ sở, chứ không phải chỉ có những vụ án có tranh chấp đất đai khi ly hôn mới phải hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp các bên mâu thuẫn quá sâu sắc và không thể hòa giải được thì có thể yêu cầu Tòa án nhân dân (TAND) giải quyết theo luật định.
1.3.2. Cơ chế giải quyết tranh chấp về nhà ở và quyền sử dụng đất khi ly hôn thông qua Tòa án
Khi vợ, chồng không thể hòa giải với nhau thì theo Điều 85 Luật HN&GĐ năm 2000 và Điều 42 BLDS năm 2005 có quy định: "Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn".
Như vậy, ly hôn có thể được thực hiện theo yêu cầu của cả hai vợ chồng (thuận tình ly hôn) hoặc chỉ có một bên vợ hoặc bên chồng xin ly hôn. Song, để đảm bảo quyền lợi của trẻ em và phụ nữ - là những người yếu thế trong xã hội - tại Khoản 2 Điều 85 Luật HN&GĐ năm 2000 có quy định về hạn chế quyền ly hôn của người chồng, trong trường hợp người vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.
Theo quy định tại Điều 87 Luật HN&GĐ năm 2000: "Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự" [20] và Điều 27 BLTTDS năm 2004 đã quy định Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình, gồm: "Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; Tranh chấp về cấp dưỡng; Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân..." [24].
Cụ thể, trong trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm việc ly hôn là TAND cấp huyện nơi một trong các bên ly hôn cư trú, làm việc theo quy định tại Điều 33 và điểm h khoản 2 Điều 35 BLTTDS năm 2004. Trường hợp có đơn yêu cầu ly hôn của một bên thì TAND cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc theo điểm a, khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004. Đối với những trường hợp có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án ly hôn thuộc về TAND cấp tỉnh.
Trong vụ án ly hôn có ba quan hệ cần giải quyết là: quan hệ nhân thân giữa vợ chồng, quan hệ tài sản và quan hệ về con cái.
Theo đó, quan hệ về nhân thân là quan hệ cốt lõi phải giải quyết trong các vụ án ly hôn, còn quan hệ tái sản và quan hệ về con cái tòa án chỉ xem xét giải quyết khi các bên có yêu cầu.
Thời hạn giải quyết vụ án về ly hôn theo quy định tại Điều 179 BLTTDS năm 2004 là bốn tháng kể từ ngày được thụ lý.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án (Điều 180 BLTTDS năm 2004). Qua đó, các vấn đề mà đương sự yêu cầu sẽ được hòa giải tại phiên hòa giải. Tại phiên hòa giải, những vấn đề mà vợ chồng thỏa thuận được và những vấn đề không thỏa thuận được giữa các bên sẽ được thư ký tòa án ghi nhận trong biên bản hòa giải. Trong trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 7 ngày làm việc tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự theo Điều 187 BLTTDS năm 2004.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án nếu các bên tự thỏa thuận được và không yêu cầu tòa án tiếp tục giải quyết vụ án thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án theo điểm đ Điều 192 BLTTDS năm 2004.
Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, yếu tố cốt lõi là vấn đề tình cảm giữa vợ chồng, nếu hai bên thỏa thuận được và không yêu cầu ly hôn nữa thì các yêu cầu về con cái và tài sản không đặt ra. Nhưng nếu vợ chồng không hàn gắn được với nhau về tình cảm thì vụ án được đưa ra xét xử và các yêu cầu về con cái và tài sản mới được xem xét (nếu có tranh chấp). Trong trường hợp các bên có tranh chấp về tài sản khi ly hôn, thì theo quy định của BLTTDS năm 2004 thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về các bên đương sự. Do đó, để chứng minh nhà ở, quyền sử dụng đất đó là tài sản chung hay tài sản riêng thì vợ chồng phải kê khai tài sản và xuất trình các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình. Căn cứ vào chứng cứ các bên cung cấp, áp dụng quy định của pháp luật, Tòa án sẽ có phán quyết phân chia tài sản cho mỗi bên vợ và chồng trong bản án ly hôn.