Nghiên cứu lựa chọn loại tường chắn cho Quốc Lộ 15.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU LỰA CHỌN CÔNG TRÌNH PHÒNG HỘ NỀN ĐƯỜNG CHO QUỐC LỘ 15 ĐOẠN HÒA BÌNH – THANH HÓA (Trang 72)

Theo văn bản duyệt quyết định số 2358/QĐ-CĐBVN ngày 29/10/2009 của Cục Đường bộ Việt Nam về việc phê duyệt dự án đầu tư Tiểu dự án 2 – Đoạn tránh ngập thủy điện Hồi Xuân thuộc dự án Nâng cấp QL15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa; tuyến được thiết kế với quy mô kỹ thuật chủ yếu như sau :

- Cấp kỹ thuật: Cấp III có châm chước (Tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4054 - 2005)

+ Tốc độ thiết kế : 60 km / h. + Bnền = 9.0 m,

+ Bmặt = 6.0 m (Lề gia cố giống kết cấu mặt đường B = 2x1m) + R min = 125 m, châm chước R = 60 m.

+ Imax = 7% châm chước 9% . + RLồi Min=2500m.

+ RLõm Min=1000m.

Bình diện tuyến cố gắng bám địa hình để hạn chế khối lượng đào, đắp trong những điều kiện có thể cho phép. Do tuyến đi qua vùng có địa hình khó khăn, nhiều núi cao vì thế để đảm bảo kinh tế và kỹ thuật, trên tuyến phải xây dựng rất nhiều công trình phòng hộ. Tuyến có nhiều vị trí tận dụng nền đường cũ, cải tạo hướng tuyến và mở rộng nền đường cho phù hợp với tiêu chuẩn cấp đường hiện tại. Với đặc điểm dự án như trên, mặt cắt ngang ở những vị trí tuyến cần phải bố trí công trình phòng hộ thường là: Một bên taluy dương với vách núi cao dựng đứng, một bên là taluy âm là vực sâu từ 6-12m. Bài toán đặt ra là sử dụng loại công trình phòng hộ nào phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất khu vực tuyến đi qua. Hiện nay công trình phòng hộ có nhiều loại khác nhau, mỗi loại chỉ nên sử dụng trong một số điều kiện cụ thể mới đem lại hiệu quả cao về kỹ thuật cũng như kinh tế. Trong các loại công trình phòng hộ đã phân tích ở chương I thì tường chắn trọng lực, tường chắn rọ đá và tường chắn bằng bê tông cốt thép (BTCT) là phù hợp hơn cả.

+ Tường chắn rọ đá được dùng trong trường hợp công trình làm ở bờ sông, trên đất có thể dễ bị xói lở. Thích hợp sử dụng cho tuyến QL15. Tuy nhiên cần phải xem xét đến nhược điểm của tường chắn rọ đá. Đó là tuổi

thọ của loại công trình này không cao, hư hỏng khi thép đan rọ bị gỉ. Đối với trường hợp tường chắn chiều cao thấp (dưới 6m), nhược điểm này tương đối không quan trọng, vì thông thường công trình có thể làm lại không mấy khó khăn, nếu thấy cần thiết. Ngược lại trong trường hợp taluy có chiều cao lớn như ở tuyến đường QL15 thì sử dụng tường chắn rọ đá không còn đảm bảo về tính kỹ thuật cũng như kinh tế.

+ Tường chắn trọng lực bằng đá xây hoặc bê tông xi măng chỉ dùng với các loại tường cao dưới 6m, điều kiện nền móng tốt, ở các vùng không bị động đất, các đoạn sông không thông thuyền hoặc không bị nước xói mòn.

+ So với các loại tường thì tường mỏng bằng bê tông cốt thép (BTCT) có hiệu quả kinh tế cao hơn so với tường trọng lực, xi măng dùng cho tường bản mỏng ít hơn hai lần, cốt thép nhiều hơn một lượng không đáng kể. Khả năng chịu lực của tường chắn BTCT cũng cao hơn nhiều so với tường chắn bê tông thông thường do phát huy được khả năng cùng làm việc của bê tông và cốt thép.

+ Tường chắn BTCT móng cọc khoan nhồi ngày nay được sử dụng rất rộng rãi, có khả năng chịu lực rất lớn, đảm bảo ổn định đường. Được sử dụng trong các công trình vĩnh cửu có thời gian khai thác lớn.

+ Đặc điểm địa hình, địa chất, thủy văn hướng tuyến đi qua: Tuyến đi qua vùng núi với điều kiện địa hình phức tạp, các lớp địa chất ổn định, các lớp đá chỉ cách mặt đất tự nhiên từ 5-6m, với cường độ chịu lực cao. Nhiều vị trí tuyến đi gần sông Mã.

Sau khi phân tích đặc điểm dự án, ưu nhược điểm và phạm vi áp dụng của các loại tường chắn. Tác giả kiến nghị sử dụng tường chắn BTCT móng nông với điều kiện tường chắn đặt trực tiếp trên nền đá có cường độ chịu lực lớn. Và tường chắn BTCT móng cọc khoan nhồi trong điều kiện các lớp đá nằm sâu trong lòng đất.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU LỰA CHỌN CÔNG TRÌNH PHÒNG HỘ NỀN ĐƯỜNG CHO QUỐC LỘ 15 ĐOẠN HÒA BÌNH – THANH HÓA (Trang 72)