Cuối thập niên 80, do ảnh hưởng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, những khác biệt và bất ổn chính trị giữa khối Tây Âu, Trung và Đông Âu, nền kinh tế châu Âu nói chung theo đó cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu. Đầu thập niên 90, kinh tế châu Âu đối mặt với khủng hoảng tiền tệ, đồng bảng Anh sụt giá, kéo theo đó là sự mất cân bằng tỷ giá hối đoái và ảnh hưởng đến cơ chế tỷ giá của các nước châu Âu. Theo sau đó là cuộc khủng hoảng kinh tế của các nước châu Âu với GDP sụt giảm mạnh, tình hình lạm phát và thất nghiệp tăng cao.
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình trệ, doanh nghiệp phá sản, dẫn đến nợ xấu của các Ngân hàng tăng cao, hệ thống Ngân hàng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề thanh khoản, lãi suất thực âm và xảy ra hàng loạt vụ sụp đổ tín dụng như ở Tiệp Khắc, Ba Lan,… Để vực dậy nên kinh tế đang gặp khủng hoảng, một trong những biện pháp hàng đầu được các nhà kinh tế quan tâm đó là việc tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng – bước đi đầu tiên để ổn định dòng vốn lưu thông trong nền kinh tế. Vấn đề này đặc biệt được quan tâm đối với các nước theo nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở Trung và Đông Âu (Central and Eastern Europe – CEE), nơi là tâm điểm của sự khủng hoảng do tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài.
Đứng trước yêu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, mỗi quốc gia có những hướng đi khác nhau phù hợp với tình hình của mình. Mặc dù đều đứng trước những khó khăn về kinh tế nhưng nguyên nhân và bản chất của những khó khăn kinh tế đó là khác nhau giữa 2 khu vực. Do đó có 2 xu hướng chính ở 2 khu vực chính ở châu Âu lúc bấy giờ, cụ thể như sau:
Đối với các nước tư bản ở khu vực Tây Âu, nền kinh tế tự do đã khiến nền kinh tế gặp một số thất bại do thiếu kiểm soát của Nhà nước. Nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái nguyên nhân một phần do chính sách tự do hóa của các Ngân hàng thương mại. Do đó, đối mặt với tình hình nợ xấu, đa số các quốc gia Tây Âu chọn con đường thắt chặt sự giám sát của Nhà nước đối với lĩnh vực Ngân hàng, tiến hành quốc hữu hóa, sáp nhập các Ngân hàng để giải quyết vấn đề nợ xấu.
Đối với các quốc gia ở khu vực Trung và Đông Âu, đa số theo nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, từ năm 1989 bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường thông qua các chính sách tái cấu trúc và tư nhân hóa các tổ chức kinh tế. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (European Bank for Reconstruction and Development - EBRD) được thành lập năm 1990 nhằm mục đích giúp các nước Đông Âu và Trung Âu nhanh chóng chuyển sang kinh tế thị trường bằng các dự án tài trợ và tư vấn định hướng phát triển kinh tế cho các nước này. Chính phủ mới tại các nước CEE cũng sớm nhận ra vai trò quan trọng của việc tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng quốc gia trong vấn đề vực dậy nền kinh tế đang trì trệ, bị cô lập và đóng cửa. Do đó, đa số các quốc gia này chọn đi theo con đường tư nhân hóa hệ thống Ngân hàng thương mại, nhằm sử dụng các nguồn lực bên ngoài để tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng hầu hết đang nằm trong tay Chính phủ. Ví dụ điển hình ở các nước Hungary, Ba Lan, CH Séc, Bun-ga-ri, Rumani,…