Nhằm tôn trọng thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết, phê chuẩn, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình mà điểm nổi
bật trong đó là xây dựng các qui định bảo đảm cho quyền con người, quyền công dân của người phạm tội không bị xâm hại trái pháp luật.
Đối với quá trình xét xử, pháp luật có các qui định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Các nguyên tắc xét xử nêu trên không nằm ngoài mục đích đó. Bên cạnh đó, pháp luật còn ghi nhận các quyền cụ thể của bị cáo và bảo đảm cho các quyền đó được thực hiện.
Qua việc phân tích các nguyên tắc xét xử, thấy rằng, thực chất đó là những qui định nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo. Bởi lẽ, các nguyên tắc đó là nghĩa vụ của Toà án cho nên tự nó cũng đã hàm chứa quyền của bị cáo. Các quyền đó có thể khái quát chung lại như là quyền được bảo vệ và xét xử công bằng của bị cáo.
Ngoài việc có các quyền được pháp luật qui định đối với mọi công dân nói chung, trong quá trình tham gia tố tụng (xét xử), bị cáo còn có một số quyền như sau:
2.3.1.1. Quyền được coi là vô tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Đây là quyền quan trọng của bị cáo được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc giải quyết vụ án được khách quan và cũng là cơ sở pháp lý taọ ra mặt bằng chung hay sự bình đẳng của bị cáo với các bên tham gia, tiến hành tố tụng, tránh định kiến, phân biệt, đối xử. Quyền này của bị cáo cũng có thể được coi là điểm xuất phát của nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự. Nó ngăn ngừa việc định kiến, khả năng tiên liệu trước trong quá trình giải quyết vụ án.
Điều này cũng khẳng định rằng, chỉ có Toà án nhân danh Nhà nước mới có quyền phán quyết một công dân có tội hay không có tội. Và như Điều 41 Hiến pháp Nga tuyên bố "chỉ với bản án kết tội của Toà án có hiệu lực pháp luật thì công dân mới coi là có tội". Theo lô gíc này đương nhiên bị cáo
sẽ được bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự nếu trước đó quyền lợi ích của họ bị xâm hại.
2.3.1.2. Quyền được đưa ra xét xử theo đúng trình tự, thủ tục được pháp luật qui định
Việc xem xét tội trạng của bị cáo phải được tiến hành theo đúng qui định của pháp luật. Pháp luật qui định chặt chẽ các bước phải thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án tại Toà án mà không được cơ quan, tổ chức, cá nhân nào can thiệp, làm trái pháp luật. Các trình tự, thủ tục đó là những khả năng, điều kiện cho bị cáo thực hiện các quyền bảo vệ, bào chữa, kháng cáo, khiếu nại... của mình.
2.3.1.3. Quyền được giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử
Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo để họ nắm được những thông tin cần thiết (mà nội dung theo Bộ luật tố tụng hình sự qui định) để chuẩn bị cho việc tham gia phiên toà. Là chủ thể tham gia phiên toà, bị cáo được pháp luật tạo cho mọi khả năng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc giao nhận quyết định tạo điều kiện cho bị cáo chủ động tham gia phiên toà.
Trên cơ sở quyết định đưa vụ án ra xét xử, với những căn cứ cho rằng những người tiến hành tố tụng được ghi trong quyết định đó không vô tư trong khi làm nhiệm vụ thì bị cáo có quyền đề nghị thay đổi họ. Cũng từ đó, bị cáo có thể kịp thời đề xuất việc triệu tập thêm người làm chứng hoặc chuẩn bị thêm vật chứng để đưa ra xem xét tại phiên toà.
2.3.1.4. Quyền được tham gia phiên toà
Việc tham gia phiên toà của bị cáo và các bên là một bảo đảm cho vụ án được xét xử trực tiếp và là điều kiện thuận lợi để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, qua đó xác định được sự thật của vụ án.
Hơn nữa, xét xử là khâu trung tâm của quá trình tố tụng, có tác dụng quyết định đến quyền và lợi ích của bị cáo. Cho nên, sự có mặt tại phiên toà
của bị cáo là bảo đảm quan trọng, cần thiết cho họ thực hiện quyền bào chữa của mình. Thực tiễn xét xử cho thấy rằng chính trong điều kiện công khai, dân chủ tại phiên toà, có nhiều trường hợp bị cáo đã khai báo hoàn toàn khác so với những gì đã khai báo tại cơ quan điều tra. Và, lời khai tại Toà án đúng đắn hơn, khách quan hơn. Bằng chính những lời nói của mình qua việc trả lời, tranh tụng tại phiên toà, bị cáo có điều kiện thuận lợi nhất để bảo vệ mình. Do vậy mà pháp luật qui định nếu bị cáo vắng mặt tại phiên toà thì Toà án phải hoãn hoặc tạm đình chỉ phiên toà.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, pháp luật cũng qui định những trường hợp đặc biệt có thể xét xử vắng mặt bị cáo (khoản 2, Điều 162 BLTTHS). Nhưng dù sao đi nữa thì trong những trường hợp này, quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo vẫn không bị tước bỏ trái pháp luật.
2.3.1.5. Quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng
Là chủ thể đặc biệt tham gia phiên toà, bị cáo có quyền đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, thư ký phiên toà, người phiên dịch nếu xét thấy có căn cứ cho rằng họ không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo. Những căn cứ đó có thể do pháp luật qui định cụ thể tại Điều 28, 30, 31 BLTTHS hoặc cũng có thể là các căn cứ khác. Chẳng hạn, người tiến hành tố tụng có quan hệ mật thiết với bên bị hại, hoặc những người có liên quan khác trong vụ án, hay người tiến hành tố tụng trước đây có mâu thuẫn với bị cáo...
Quyền này của bị cáo đồng thời cũng là nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng buộc phải từ chối tham gia xét xử khi có những căn cứ theo qui định của pháp luật.
2.3.1.6. Quyền đưa ra chứng cứ, yêu cầu, đề nghị, bào chữa
Để bào chữa cho mình, bị cáo có quyền đưa ra những chứng cứ, xem xét vật chứng, trưng cầu giám định. Đây là những yêu cầu bảo đảm cho quá
Tại phiên toà, bị cáo có quyền đề nghị chủ toạ phiên toà hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ, được bình đẳng tham gia tranh luận, đưa ra ý kiến đánh giá chứng cứ, đáp lại ý kiến của người khác. Trên thực tế, việc đưa ra chứng cứ, tranh luận, trình bày của bị cáo có lúc, có nơi còn bị hạn chế, hay bị chủ toà cắt ngang hoặc hỏi sang hướng khác. Đấy là vi phạm pháp luật vì nó hạn chế quyền của bị cáo.
Việc đưa ra những chứng cứ, yêu cầu, đề nghị là quyền chứ tuyệt nhiên không phải là nghĩa vụ của bị cáo. Việc bị cáo quanh co, chối tội cũng không được coi là tình tiết tăng nặng. Với nội dung này, nghĩa vụ xác định sự thật của vụ án, xác định trách nhiệm của bị cáo là thuộc người (cơ quan) tiến hành tố tụng. Toà án không thể coi lời nhận tội của bị cáo là căn cứ duy nhất để buộc tội bị cáo. Và ngược lại, bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. ở đây hoàn toàn không có nghĩa là bị cáo phó mặc số phận cho các cơ quan tiến hành tố tụng mà ngược lại, họ có quyền và được tạo điều kiện chủ động khi tham gia xét xử. Như đã phân tích, bị cáo có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình (tiếng mẹ đẻ) hoặc bất cứ ngôn ngữ thông thạo nào khác, có quyền bình đẳng trong tranh luận để tự bào chữa (nhờ bào chữa) nhằm chống lại sự buộc tội hoặc làm giảm trách nhiệm cho mình. Hay nói cách khác, bị cáo có một loạt các bảo đảm (các quyền) để thực hiện việc bào chữa của mình.
2.3.1.7. Quyền được nói lời sau cùng
Quá trình tranh luận để các bên trình bày ý kiến bảo vệ quyền và lợi ích của mình, đáp lại ý kiến của người khác được diễn ra không bị hạn chế về thời gian. Có nghĩa là, chủ toạ phiên toà không được khống chế thời gian phát biểu ý kiến của các bên. Tuy nhiên, chủ toạ phiên toà có quyền nhắc nhở các bên tranh luận để họ không nói về những vấn đề không liên quan đến vụ án cũng như vấn đề có liên quan nhưng đã được nói đến một hoặc vài lần. Trong quá
trình tranh luận đó, khác với các bên tham gia khác, bị cáo là bên duy nhất được nói lời sau cùng.
Có thể coi lời nói sau cùng của bị cáo là kết luận của bị cáo sau khi Hội đồng xét xử đã hỏi, nghe xét hỏi và tranh luận tại phiên toà về việc không nhận tội hay đề nghị với Toà án lưu ý, xem xét đến vấn đề này hay vấn đề khác hoặc đề nghị được khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm. Thực tiễn xét xử những năm gần đây cho thấy, có nhiều trường hợp ở phần nói lời sau cùng, sau khi nhận tội, bị cáo đã khai toàn bộ sự thật của vụ án và những tình tiết khác có liên quan. Đây không những chỉ là việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm p, khoản 1, Điều 46 BLHS) mà còn có thể được coi là việc tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm (điểm q, khoản 1, Điều 46 BLHS).
Việc nói lời sau cùng của bị cáo không bị hạn chế về thời gian và càng không phải là để khép lại quá trình tranh tụng. Nếu qua lời nói sau cùng với việc trình bày những tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án, và với những đề nghị hợp lý của bị cáo đòi hỏi cần xét hỏi thêm thì Hội đồng xét xử phải quyết định xét hỏi thêm để làm sáng tỏ các vấn đề mới được nêu ra. Các vấn đề đó phải được thẩm tra tại phiên toà và là căn cứ để giải quyết vụ án.
2.3.1.8. Quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm
Một trong những điều kiện bảo đảm quyền con người, quyền công dân của bị cáo là qui định của pháp luật về quyền của họ được kháng cáo đối với bản án, quyết định sơ thẩm.
Sau khi xét xử sơ thẩm, khi án chưa có hiệu lực, bị cáo vẫn là người chưa có tội (mặc dù trong trường hợp án sơ thẩm đã kết tội bị cáo). Họ có quyền kháng cáo yêu cầu Toà án cấp trên xét xử lại theo trình tự phúc thẩm. Với việc giải quyết án phúc thẩm, Toà án cấp trên trực tiếp xét lại bản án, quyết định của Toà án đã xét xử sơ thẩm. Qua đó, cấp phúc thẩm thẩm tra tính
hợp pháp, có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm, phát hiện, khắc phục, sửa chữa những thiếu sót, sai phạm trong quá trình xét xử sơ thẩm.
Pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo của mình. Trước khi bắt đầu hoặc cho đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án, bị cáo có quyền bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo. Việc sửa đổi, bổ sung đó không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.
Khi xét xử phúc thẩm, Toà án xem xét lại phần của bản án bị kháng cáo và khi cần thiết có thể xem xét lại cả phần không bị kháng cáo. Song, Toà án cấp phúc thẩm không có nhiệm vụ xem xét lại phần của bản án không bị kháng cáo để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Trước khi xét xử hoặc trong khi xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo có quyền thu thập, bổ sung chứng cứ mới. Toà án có nghĩa vụ xem xét, đánh giá các chứng cứ mới này cùng với các chứng cứ trước đây.
Song song với việc bị cáo thực hiện quyền kháng cáo của mình, Toà án có nghĩa vụ xét xử lại vụ án nhưng không có quyền làm xấu hơn tình trạng của bị cáo, tức là không được tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Đây là một bảo đảm pháp lý vô cùng quan trọng cho bị cáo thực hiện quyền bảo vệ quyền, lợi ích của mình, tạo cho tâm lý của bị cáo được ổn định, tin tưởng vào pháp luật và cơ quan bảo vệ pháp luật.
Và với kháng cáo của bị cáo, trong quá trình xét xử phúc thẩm, thấy có những căn cứ cho rằng bị cáo không phạm tội thì Toà án tuyên bố bị cáo không phạm tội, lưu bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.