S 2 Chiều dày mẫu thử sau khi ngâm nước
2.1.3.2. Ảnh hưởng của keo dán (chất kết dính)
Hiện nay, trong sản xuất ván dán thường sử dụng 2 loại keo: Urea- Formaldehyde và Phenol-Formaldehyde. Ảnh hưởng của keo dán đến chất lượng sản phẩm được thể hiện qua các thông số:
Ảnh hưởng của nồng độ keo
Nồng độ keo có ảnh hưởng lớn đến chất lượng mối dán vì trong quá trình dán ép dung môi chủ yếu của keo được gỗ hút thấm. Nếu nồng độ của keo thấp thì làm cho độ ẩm của sản phẩm cao.
Trong điều kiện ép nhiệt, nếu nồng độ keo thấp sẽ dẫn tới độ nhớt của keo giảm, chất lượng mối dán giảm. Mặt khác, khi nồng độ keo thấp thường có hiện tượng keo bị đóng rắn trong dung môi trước khi sử dụng.
Ngược lại, nếu nồng độ của keo quá cao, khả năng trải đều giữa keo và gỗ khó, do vậy, thường tạo ra màng keo không liên tục.
Trong sản xuất ván dán, nồng độ của keo phù hợp là: Đối với keo U-F: Nồng độ của keo 40-60%. Đối với keo P-F: Nồng độ keo 35-50%.
Ảnh hưởng của độ nhớt
Độ nhớt của keo đặc trưng cho nội lực sinh ra trong keo khi các phân tử chuyển động, quyết định khả năng thấm ướt keo lên bề mặt gỗ. Muốn có màng keo mỏng, đều và liên tục yêu cầu keo phải có độ nhớt phù hợp.
Độ nhớt của keo thấp chứng tỏ mức độ trùng ngưng của keo thấp, chất lượng dán dính thấp.
Độ nhớt của keo cao, khả năng dàn trải keo lên bề mặt ván mỏng khó do vậy khó tạo ra một màng keo liên tục.
Độ nhớt của keo phù hợp trong sản xuất ván dán hiện nay: Đối với keo U-F: 400-600 mPas (ở 20oC). Đối với keo P-F: 300-450 mPas (ở 20oC)
Ảnh hưởng của lượng keo tráng
Trong thực tế sản xuất hiện nay tỷ suất của keo chiếm hơn 20% giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, người ta tìm mọi cách giảm chi phí của keo trên cơ sở màng keo tạo thành phải liên tục.
Chi phí keo phụ thuộc vào loại keo, thiết bị tráng, chất lượng ván mỏng và trình độ công nhân. Để giảm chi phí keo, trong sản xuất ván dán người ta sử dụng một lượng chất độn như tinh bột, bột gỗ... yêu cầu với chất độn là không ảnh hưởng đến sự đóng rắn của keo và lượng chất độn cho vào ảnh hưởng không lớn đến chất lượng của mối dán.
Lượng keo tráng thông thường: 140 - 240 g/m2 bề mặt.