Nguồn và nhu cầu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về sự biến đổi của hàm lượng vitamin C, polyphenol tổng số và hoạt tính chống oxy hóa trong quá trình chín của quả ổi. (Trang 38 - 39)

Đa số động vật, trừ chuột bạch, khỉ và người đều có khả năng tổng hợp được vitamin C từ đường glucose. Vì vậy, con người phụ thuộc vào nguồn ngoại sinh của vitamin C trong đó bao gồm trái cây và rau quả cũng như bổ sung thực phẩm và các chế phẩm dược phẩm (Okiei và cs, 2009). Vitamin C có nhiều trong các loại rau quả như cam, chanh, dâu, dưa chuột, ớt, cà chua, rau cải, hành. Còn trong các loại ngũ cốc hoặc trong trứng, thịt hầu như không có vitamin C. Hàm lượng vitamin C biến đổi nhiều phụ thuộc vào loài, vị trí trồng trọt cũng như các yếu tố chiếu sáng, khí hậu. Bình thường lượng vitamin C giảm dần từ phía vỏ ngoài vào bên trong ruột quả. Khi bảo quản rau quả ở nhiệt độ thấp vẫn có thể xảy ra sự oxy hóa trực tiếp vitamin C bởi oxy của không khí mặc dầu hoạt tính của enzyme ascorbatoxydase lúc đó không đáng kể (Lê Ngọc Tú và cs, 2006).

Cơ thể người không thể tự tổng hợp được vitamin C, vì vậy vitamin C cần được đưa vào cơ thể qua nguồn thức ăn hay các chế phẩm dược phẩm.

Nhu cầu: 50 - 100 mg/ngày/người (ở Pháp người ta khuyên nên dùng thêm cho trẻ sơ sinh 50 mg/ngày, người lớn 110 mg/ngày, người già 120 mg/ngày, phụ nữ có thai và cho con bú 120 mg/ngày). Để bảo vệ mô, chống lão hóa do oxy và các gốc tự do gây ra, ở các nước châu Âu và Mỹ đã khuyến cáo liều tối ưu cho người lớn là 200 - 500 mg/ngày. Với chế độ ăn nhiều rau, quả con người có thể thu nhận 200 mg/ngày.

Việc sử dụng vitamin C liều cao (1g/ngày) thường không có triệu chứng của bệnh thừa vitamin, ngoại trừ hiện tượng rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên các trường hợp bị bệnh về thận, sỏi bàng quang, không nên dùng vitamin C. Trong thời gian điều trị hóa học, vật lý cho các bệnh nhân ung thư không nên sử dụng vitamin C, bởi vì vitamin C có thể làm mất hoạt tính của các liệu pháp nói trên (Ngô Xuân Mạnh và cs, 2006).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về sự biến đổi của hàm lượng vitamin C, polyphenol tổng số và hoạt tính chống oxy hóa trong quá trình chín của quả ổi. (Trang 38 - 39)