3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
2.1.1. Trật tự hai cực Ianta
Trật tự thế giới là sự xác lập tự giác hay tự phát vị trí chủ đạo, chi phối của một trung tâm sức mạnh quốc tế do một hay một nhóm quốc gia thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự của thế giới theo ý của họ. Việc xác lập vị trí chủ đạo này được thực hiện thông qua một quá trình, trong đó, chủ thể lãnh đạo của thế giới sử dụng sức mạnh tổng hợp về vật chất cũng như tinh thần để gây ảnh hưởng và tiến tới áp đặt các quy tắc chung trong ứng xử quốc tế lên phần còn lại của thế giới nhằm bảo đảm và thực hiện lợi ích của mình [35-204]. Lịch sử loài người đã từng tồn tại nhiều kiểu trật tự thế giới khác nhau như: Trật tự La Mã, trật tự Nguyên Mông, trật tự Viên, trật tự Vécxay – Oasinhton, trật tự Ianta…Trong đề tài nghiên cứu này, trật tự thế giới mới ở đây được hiểu là trật tự thế giới dựa trên cơ sở của
các nền văn minh (quan điểm do S. P. Huntington đề xuất) thay thế cho trật tự hai cực Ianta đã sụp đổ sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu.
Đầu năm 1945, cục diện chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết. Nhiều mâu thuẫn, nhiều tranh chấp trong nội bộ phe Đồng minh chống phát xít nổi lên gay gắt, trong đó nổi bật lên ba vấn đề bức xúc phải giải quyết: một là, việc nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở châu Âu và châu Á
Thái Bình Dương; hai là, việc tổ chức lại trật tự thế giới sau chiến tranh; ba là, việc phân chia khu vực đóng quân theo chế độ quân quản ở các nước phát
xít chiến bại và phân chia phạm vi thế lực giữa các nước tham gia chiến tranh chống phát xít. Trong bối cảnh đó, Hội nghị tam cường Liên Xô, Mỹ, Anh (ba cường quốc hình thành hệ thống tam cường được coi như nòng cốt của Mặt trận Đồng minh trong cuộc chiến tranh chống Phát xít) đã họp ở Ianta (đảo Crưm, Liên Xô) từ ngày 4 đến ngày 12/2/1945. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Liên Xô Xtalin, Tổng thống Mỹ F. Rudơven, Thủ tướng Anh Sớcsin. Hội nghị đã diễn ra gay go, quyết liệt, vì thực chất nội dung hội nghị là cuộc tranh giành và phân chia thành quả thắng lợi chiến tranh giữa các lực lượng tham chiến, có liên quan mật thiết tới hoà bình, an ninh và trật tự thế giới sau này, mà trước hết là lợi ích riêng của mỗi một nước tham chiến. Cuối cùng, hội nghị đã đi đến những kết luận sau đây:
- Về việc kết thúc chiến tranh ở châu Âu và châu Á Thái Bình Dương, ba cường quốc đã thống nhất mục đích là tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật, nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở châu Âu. Liên Xô tham gia chiến tranh chống Nhật ở châu Á Thái Bình dương sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu.
- Ba cường quốc thống nhất thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc dựa trên nền tảng và nguyên tắc cơ bản là sự nhất trí giữa năm cường quốc Liên Xô,
Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc để giữ gìn hoà bình, an ninh và trật tự thế giới sau chiến tranh.
Hội nghị đã đi đến thoả thuận việc đóng quân tại các nước nhằm giải giáp quân đội phát xít và phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu, châu Á. Ở châu Âu, quân đội Liên Xô sẽ chiếm đóng miền Đông Đức, Đông Béclin và các nước Đông Âu do Hồng quân Liên Xô giải phóng; còn quân đội Mỹ, Anh, Pháp chiếm đóng miền Tây Đức, Tây Béclin, Italia và một số nước Tây Âu khác. Vùng Đông Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô, vùng Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mỹ, trong đó Áo, Phần Lan trở thành hai nước trung lập.
Ở châu Á, Hội nghị chấp nhận những điều kiện để đáp ứng việc Liên Xô tham gia chiến tranh chống Nhật, bao gồm:
1. Bảo vệ nguyên trạng và công nhận quyền độc lập của Mông Cổ, 2. Trả lại Liên Xô những quyền lợi của đế quốc Nga ở Viễn Đông trước chiến tranh Nga - Nhật 1904,
3. Liên Xô chiếm bốn đảo Curin; ngoài ra ba cường quốc cũng thoả thuận để quân đội Mỹ chiếm Nhật Bản, quân đội Liên Xô chiếm đóng Bắc Triều Tiên, quân đội Mỹ chiếm Nam Triều Tiên; Trung Quốc tiến tới thành lập chính phủ liên hiệp bao gồm cả Đảng cộng sản Trung Quốc, Mỹ và Liên Xô đều có quyền lợi ở Trung Quốc; các vùng còn lại của châu Á (Đông Nam Á, Tây Á, Nam Á) vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng truyền thống của các nước phương Tây.
“Những quyết định của Hội nghị cấp cao Ianta tháng 2/1945 đã trở
thành những khuân khổ của trật tự thế giới mới, từng bước được thiết lập trong những năm 1945 – 1947 sau khi chiến tranh kết thúc, thường được gọi là “Trật tự hai cực Ianta” (hai cực chỉ Mỹ và Liên Xô phân chia nhau phạm vi thế lực trên cơ sở thoả thuận của Hội nghị Ianta)” [56-223].
2.1.2.Sự sụp đổ của trật tự hai cực Ianta
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, thế giới bị phân thành hai cực, theo hai hệ tư tưởng đứng đầu là hai siêu cường Liên Xô và Mỹ. Cho đến những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, trật tự thế giới hai cực bị sụp đổ bắt đầu bằng sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Như vậy, có thể thấy, từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến chiến tranh thế giới lần thứ hai (1917-1945) dưới ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, một trật tự thế giới được hình thành “trật tự Vecxay – Oasinhton”. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, một trật tự thế giới khác hình thành và thay thế trật tự Vecxay – Oasinh đó là trật tự hai cực Ianta. Từ nửa sau những năm 80 đến những năm 90 của thế kỷ XX, thời kỳ từng bước sụp đổ rồi sụp đổ hoàn toàn của trật tự thế giới Ianta. Chủ nghĩa xã hội dần dần lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện, trầm trọng dẫn tới sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Một số nước thuộc thế giới thứ ba cũng lâm vào khủng hoảng kinh tế và chính trị; cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật phát triển sang giai đoạn mới trong đó công nghệ được nâng lên vị trí hàng đầu, một trật tự thế giới mới đang dần dần được hình thành. Từ những năm 1991 đến nay là thời kỳ đang dần dần hình thành một trật tự thế giới mới, từng bước giải quyết hoà bình những cuộc xung đột trong thời kỳ chiến tranh Lạnh và xu thế “liên kết khu vực” đi đôi với xu thế toàn cầu hoá phát triển nhanh.