Nguyên nhân từ bản thân nền văn minh

Một phần của tài liệu Quan điểm của Samuel P. Huntington về văn minh, sự va chạm của các nền văn minh và một trật tự thế giới dựa trên các nền văn minh (Trang 32)

3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn

1.3.2.1 Nguyên nhân từ bản thân nền văn minh

Vậy tại sao sự tương đồng văn hoá lại thúc đẩy hợp tác và gắn kết giữa con người, còn sự khác biệt văn hoá lại thúc đẩy sự chia rẽ và xung đột? Huntington đã chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng trên như sau:

Thứ nhất, các nền văn minh khác biệt nhau về lịch sử, văn hoá, ngôn

ngữ, huyết thống và quan trọng nhất là khác biệt về tôn giáo. Mỗi một nền văn minh có những quan điểm khác nhau về mối liên hệ giữa thần và người, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa công dân và nhà nước… “Các cuộc chiến

tranh giữa các cộng đồng có thể xảy ra giữa các nhóm dân tộc, tôn giáo, chủng tộc hoặc ngôn ngữ. Tuy nhiên, bởi vì tôn giáo là bản sắc căn bản và chủ đạo của các nền văn minh cho nên các cuộc chiến tranh văn minh luôn diễn ra giữa các dân tộc đi theo các tôn giáo khác nhau.” [52-369]

Thứ hai, thế giới ngày nay do sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã trở

thành nhỏ hơn, sự phát triển của truyền thông và các phương tiện giao thông dẫn đến tình hình di dân, trao đổi văn hóa và cũng làm sự cọ xát, mâu thuẫn, xung đột giữa các nền văn minh gia tăng.

Thứ ba, tiến trình hiện đại hoá về kinh tế và thay đổi xã hội khiến quốc

gia không còn là nguồn, cơ sở duy nhất để xác định bản sắc cá nhân nữa. Chính vì thế, người ta có xu hướng trở lại truyền thống văn hóa nhất là tôn giáo để xác định bản sắc của mình, do đó, tạo thành phong trào gọi là “fundamentalism” (chính thống cực đoan). Chúng ta thấy có những người Hồi giáo cực đoan, Phật giáo cực đoan hay Thiên chúa giáo cực đoan… Chính Huntington cũng cho rằng “làm sống lại niềm tin tôn giáo” là sự kiện ưu thế vào cuối thế kỷ XX.

Thứ tư, sự tăng trưởng của ý thức văn minh (civilization

consciousness). Chính sự tăng trưởng này khiến cho phương Tây đạt đến đỉnh cao quyền lực của mình. Nhưng mặt khác, chính điều đó lại dẫn đến hiện tượng các nước ngoài phương Tây đang ra sức công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà không phương Tây hóa, họ quay về với những bản sắc văn hóa của họ. Tình hình đó đưa đến sự hình thành thế giới theo chiều hướng “bản địa hoá” thay vì “phương Tây hoá” như trước đây.

Thứ năm, những đặc tính và khác biệt về văn hoá khó thoả hiệp hơn về

kinh tế hay chính trị. Có thể có những người cộng sản chuyển thành dân chủ, người giàu thành người nghèo hay ngược lại. Nhưng không dễ dàng chuyển một người Nga thành người Estonia, hay một người Việt thành người Mỹ. Mặt khác,

người ta có thể là một người lai nửa Pháp nửa Ả rập hoặc là công dân của cả hai xứ sở, nhưng không thể là người nửa Thiên chúa nửa Hồi giáo được.

Thứ sáu, sự gia tăng các khối kinh tế vùng, một mặt, khiến gia tăng

thêm ý thức văn minh, mặt khác, khiến các nước có cùng một nền văn minh liên kết với nhau và các liên kết vùng đó chỉ thành công nếu họ đặt trên cùng một nền văn minh. Các nước cùng chung văn hoá dễ có sự hợp tác về mặt kinh tế, chẳng hạn như: Trung Quốc – Đài Loan – Xinhgapo. Chiến tranh Lạnh chấm dứt lại càng khiến họ nhanh chóng vượt qua biên giới của ý thức hệ để đến với nhau. Tuyến phân chia giữa các nền văn minh đã thay thế các biên giới chính trị và ý thức hệ của thời “chiến tranh Lạnh” như là những điểm bùng nổ tạo nên khủng hoảng và đổ máu. Từ đó, Huntington cho rằng cuộc chiến tranh thế giới sắp tới, nếu có, sẽ là cuộc chiến tranh giữa các nền văn minh. Hai cuộc chiến tranh thế giới trước đây cũng như chiến tranh Lạnh, tuy dính líu đến toàn thế giới, thực sự vẫn là cuộc chiến tranh giữa các quốc gia thuộc cùng một nền văn minh. Đó là tranh chấp nội bộ trong nền văn minh phương Tây. Cuộc chiến tranh sắp tới sẽ khác biệt chủ yếu ở chỗ: chiến tranh giữa nền văn minh phương Tây và các nền văn minh còn lại. Hay nói cách khác, đó là sự phục thù của những nền văn minh phi phương Tây chống lại những giá trị và quyền hành Tây phương. Phương Tây chỉ sử dụng quyền hành và sức mạnh quân sự cũng như kinh tế để áp đặt các giá trị của họ lên các nền văn minh khác chứ không phải các giá trị văn hóa của họ có sức thuyết phục. Xuất phát từ nhận thức đó, các nền văn minh khác sẽ nỗ lực hiện đại hoá, nhưng không “Tây phương hoá”. Từ đó, Huntington tiên đoán là sẽ có một sự liên kết quân sự và kinh tế giữa các nền văn minh phi phương Tây để chống lại phương Tây, trong đó quan trọng nhất là liên kết giữa hai khối Khổng giáo và Hồi giáo.

1.3.2.2.Các nguyên nhân lịch sử, dân số, chính trị

Ngoài nguyên nhân từ bản thân yếu tố văn minh, Huntington còn đưa ra các nguyên khác dẫn đến sự gia tăng các cuộc xung đột giữa các nền văn minh giai đoạn cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI đó là:

Thứ nhất, nguyên nhân lịch sử, bạo lực thường nổ ra ở những nơi mà

trong lịch sử giữa các nhóm người thuộc các nền văn minh khác nhau đã từng xảy ra các cuộc xung đột. Tất cả các cuộc xung đột lớn hiện nay đều đã có nguồn gốc từ trong lịch sử. Người Hồi giáo và người Hinđu ở tiểu lục địa Ấn Độ, người Nga và người Hồi giáo ở Chesnya, người Acmenia và người Thổ ở giáp ranh Capkaz, người Ả rập và người Do Thái ở Palestin, người Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Chính thống giáo ở Balcang, Trung Á… Tuy nhiên, lịch sử không phải là nguyên nhân duy nhất của các cuộc xung đột ở cuôi thế kỷ XX. Bởi vì, trong thực tế, người Serbia, Croatia và người Hồi giáo trong nhiều thập kỷ đã cùng nhau chung sống một cách hoà bình ở Nam Tư. Người Hồi giáo và người Hinđu cũng đã từng chung sống với nhau một cách hoà bình ở Ấn Độ. Nhiều nhóm người, dân tộc, tôn giáo ở Liên Xô cũng từng chung sống hòa bình. Chính vì thế, lịch sử không đủ giải thích sự suy sụp của nền hoà bình trước các cuộc xung đột. Chắc hẳn sẽ có nhiều nhân tố khác chi phối các cuộc xung đột này.

Thứ hai, những thay đổi trong cân bằng địa lý và sự gia tăng dân số

cũng là nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột. Thực tế cho thấy rằng, sự mở rộng về số lượng của một nhóm này sẽ tạo ra những sức ép về chính trị, kinh tế, xã hội lên các nhóm người khác. Những ví dụ được Huntington đưa ra để chứng minh là, tại Srilanca, sự nổi dậy của chủ nghĩa dân tộc của người Sihanle năm 1970 và sự nổi dậy của người Tamil cuối những năm 1980 trùng hợp một cách chính xác với những năm “bùng nổ dân số trẻ”. Khi mà thanh thiếu niên từ mười lăm đến hai mươi tuổi trong nhóm này vượt quá 20% tổng

dân số của nhóm. Những con hổ giải phóng Tamil là lực lượng chủ yếu sử dụng đội quân ở tuổi thiếu niên và thanh niên. Tương tự như vậy, trường hợp xung đột giữa người Anbani Hồi giáo và người Serbia Chính thống giáo tại Kosovo cũng có nguồn gốc từ vấn đề gia tăng dân số. Năm 1961, dân số của tỉnh này bao gồm 67% người Hồi giáo Anbani và 24% người Chính thống giáo Serbia. Do có tỷ lệ sinh cao, đến thập kỷ 80 gần 50% dân số người Anbani dưới 20 tuổi. Đối mặt với những con số trên, người Serbia di cư ra khỏi Kosovo, kết quả là, năm 1991 Kosovo có 90% người Hồi giáo và 10% người Serbia. Do sự gia tăng dân số, người Anbani đòi hỏi Kosovo phải được nâng lên trở thành một nước cộng hoà thuộc Nam Tư. Người Serbia và chính phủ Nam Tư đã kháng cự lại, sợ rằng một khi Kosovo trở thành nước cộng hòa tỉnh này sẽ tiến hành hợp nhất với Anbani. Tháng 3 năm 1981, người Anbani đã đấu tranh đòi thành lập nhà nước cộng hoà của họ. Người Serbia với sự hậu thuẫn của Milosevic đã đàn áp các cuộc biểu tình của người Anbani Hồi giáo tại Kosovo. Nếu so sánh thấy rằng, năm 1961, người Serbia Chính thống chiếm 43% và người Anbani Hồi giáo chiếm 26% dân số của Bosnia – Herzegovina. Năm 1991, tỷ lệ hoàn toàn ngược lại: người Secbia giảm 31% và người Hồi giáo tăng 44%. Sự bành trướng sắc tộc của một nhóm người đã dẫn tới sự thanh lọc sắc tộc đối với dân tộc khác. Những thay đổi trong cán cân dân số và sự gia tăng về giới trẻ đã giải thích cho nhiều nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột giữa các nền văn minh cuối thế kỷ XX.

Thứ ba, nguyên nhân chính trị, Huntington cho rằng sau những cuộc

khủng hoảng lớn về chính trị bao giờ cũng dẫn tới các xung đột có yếu tố tôn giáo, dân tộc, sắc tộc. Sự sụp đổ của các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong những năm cuối thế kỷ XX cũng đã dẫn đến những vấn đề khủng hoảng về bản sắc. Rất nhiều người bấy giờ không thể xác định mình là người cộng sản và rất cần tìm một bản sắc mới. Họ đã tìm

thấy những bản sắc ấy trong truyền thống của họ nhất là trong các niềm tin tôn giáo. Nếu một người trước kia có thể lấy lập trường chính trị để tự xác định mình “tôi là người cộng sản” hoặc để đoàn kết con người của các dân tộc, tôn giáo khác nhau. Dù dân tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau thì họ vẫn là những người đồng chí. Sau những khủng hoảng về chính trị họ trở về với bản sắc của mình, của dân tộc mình và đó cũng là một nguyên nhân làm bùng phát các xung đột có yếu tố văn minh giai đoạn cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.

Vậy sự va chạm của các nền văn minh là không thể tránh khỏi, các nền văn minh cuối cùng sẽ huỷ diệt nhau? Trong phần cuối của cuốn sách, Huntington đã làm dịu đi quan điểm của mình bằng việc đề xuất các biện pháp để các nền văn minh cùng tồn tại trong hoà bình. Một trật tự quốc tế dựa trên các nền văn minh là một đảm bảo an toàn chắc chắn nhất để chống lại chiến tranh thế giới. Ông cho rằng, trong kỷ nguyên sắp tới, để tránh khỏi các cuộc chiến tranh giữa các nền văn minh lớn, đòi hỏi các quốc gia chủ chốt phải kiềm chế can thiệp vào các cuộc xung đột bên trong các nền văn minh khác. Thay vì thúc đẩy những đặc điểm chung của một nền văn minh, để cùng tồn tại về văn hoá, con người cần tìm ra cái gì là chung nhất cho hầu hết các nền văn minh. Trong một thế giới đa văn minh, tiến trình mang tính xây dựng nhằm từ bỏ khuynh hướng phổ cập một nền văn minh, chấp nhận tính đa dạng và tìm kiếm những đặc điểm chung. Hai nguyên tắc cơ bản được ông đưa ra là: thứ nhất, các quốc gia chủ chốt không can thiệp vào các cuộc xung đột bên trong các nền văn minh khác (Luật không tham gia); thứ hai, các quốc gia chủ chốt phải đàm phán với nhau để kiềm chế hoặc ngăn chặn các cuộc chiến tranh do phân giới văn minh bất hợp lý giữa các quốc gia hoặc giữa các nhóm bên trong các nền văn minh của họ (Luật cùng hoà giải).

Một phần của tài liệu Quan điểm của Samuel P. Huntington về văn minh, sự va chạm của các nền văn minh và một trật tự thế giới dựa trên các nền văn minh (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)