Phê phán các giá trị đạo đức Kitô giáo truyền thống

Một phần của tài liệu Phê phán đạo đức Kitô giáo và chủ nghĩa phi đạo đức của F Nietzsche (Trang 59)

F. Nietzsche cho rằng các nền luân lý cổ truyền không nhắm những giá trị hiện sinh, nghĩa là không nhằm phát triển những đức tính của con người tại thế. Ông nhanh chóng phát hiện ra các khiếm khuyết của đạo đức. Nó thể hiện ở việc hạn chế sức mạnh và vẻ đẹp tuyệt với của con người. Các tôn giáo cũng như nền luân lý cổ truyền mắc vào tội “yếm thế”, không biết hướng đến những giá trị cuộc sống hiện nay, tức cuộc sống tại thế.

Kitô giáo coi dục vọng của bản tính con người là tội ác, khiến con người tự nội tâm cảm thấy tội lỗi đối với dục vọng của bản năng, cuộc sống trở nên khô héo cạn kiệt. Kitô giáo tuyên truyền về thông cảm, rộng lượng, từ bi, làm cho con người trở nên nhu nhược, tan rã ý chí. Kitô giáo chính là liều thuốc làm tan rã sức sống. F. Nietzsche phê phán loại đạo đức Kitô giáo này vì gần như làm cho con người không có sức mạnh, không có cá tính, tầm thường, phó mặc số phận, không biết cách tự bảo vệ mình. Đạo đức Kitô giáo cổ vũ việc an tâm với hiện trạng, nghe theo số mệnh, không cầu tiến. Từ đó tạo nên những con người sống yên phận, thiển cận, tù túng, dần dần thoái hóa.

Khi “Chúa đã chết”, đạo đức cũ đã bị cuốn đi. Và cái thay thế nó là “đạo đức của người kiên cường” mới, một loại đạo đức chống lại sự nhu nhược truyền thống của Kitô giáo. Trong tác phẩm Zarathoustra đã nói như thế , F. Nietzsche đã vạch trần những “con người hiện đại” chịu ảnh hưởng của văn hóa trụy lạc và dùng ngòi bút sắc bén tuyên chiến đối với những giá trị văn hóa “đồi trụy” này. Ông vừa chống lại Kitô giáo vừa

chống lại đạo đức trần thế, để dựng nên quan niệm giá trị mới, dùng siêu nhân sáng tạo thay thế Chúa ảo tưởng.

F. Nietzsche nhận thấy hiện tượng “trách nhiệm” là nội dung đích thực của lịch sử đạo đức. Ông viết: “Tuy nhiên, tất cả những điều đó giả định cái gì? Mà chính là để làm chủ được tương lai, thì con người trước hết cần phải phân biệt cái tất yếu với cái ngẫu nhiên, loại bỏ tư duy theo lối nhân quả, nhận thấy và biết trước tương lai xa xôi như là hiện tại, vững tin xác lập mục đích và phương tiện đạt tới nó, biết cách tính toán: con người cần phải trở nên như thế nào… để rốt cuộc có thể chịu trách nhiệm

về bản thân mình như về tương lai” [Dẫn theo 21, tr. 366]. Theo ông, con

người ngạo mạn tự cho mình là chủ nhân đối với ý chí tự do, nhưng trên thực tế, với tư cách cái tính toán được, con người đã phát minh ra giá trị trách nhiệm, gọi bản năng thống trị về trách nhiệm là lương tâm của mình. Trong suốt toàn bộ lịch sử, đạo đức đã làm cho con người trở nên tất yếu, tính toán được, một chiều, bình đẳng giữa những người bình đẳng. Bắt nguồn từ mua, bán, trao đổi nghèo nàn, chính xác các khái niệm mang đậm sắc thái đạo đức, như “tội lỗi”, “bổn phận”, “lương tâm” đã xuất hiện như vậy. Sau khi ngạo mạn tự cho mình là chủ nhân đối với tự do, con người trở nên yếu đuối, tự hủy hoại bản thân, bịa đặt ra đạo đức của nô lệ. Họ không nhận thấy bản chất đích thực của mình: bản năng tự do đích thực, chứ không phải tự do bịa đặt. Trong cuốn Bên kia thiện ác, F. Nietzsche nói: “Tôi muốn nói: Cơ đốc giáo bấy lâu nay là một kiểu ngạo mạn tự đại nguy hiểm nhất. Con người không đủ cao viễn và cứng rắn để được phép tạo tác thi vị nơi con người như một nghệ sĩ; con người không đủ sức mạnh và vĩnh kiến để, bằng một nỗ lực tự chế phục phi thường, cho phép cái luật tắc biểu hiện của thất táng tiêu ma thiên hình vạn trạng thao túng; con người không đủ cao quý để nhìn thấy cái trật tự sai khác nghìn

trùng, sự cách biệt thăm thẳm giữa người và người – những con người như thế, những con người “bình đẳng trước Thượng Đế”, đã thống trị số phận của cõi Âu châu cho đến tận ngày nay, và mãi cho đến khi nào cuối cùng khai sinh ra một giống loài quắc queo trông đến buồn cười, một giống loài bầy đàn, một thứ gì đó hiền lành tử tế, bệnh hoạn, nhạt nhẽo và tầm

thường, những con người Âu châu ngày nay” [31, tr. 100].

Lý giải câu hỏi, tại sao con người lại bị rơi vào cạm bẫy của tự do hão huyền và của những giá trị hão huyền? Theo F. Nietzsche, đó là do sự hư cấu của con người, theo đó con người lý tưởng đứng trên con người hiện thực. Tất cả khát vọng đều trở thành những đam mê ngu xuẩn và nguy hiểm, vì “con người hiện thực là một giá trị cao cả hơn nhiều con người “mong muốn” theo một lý tưởng nào đó trước kia”.

Chúng ta gặp trong tất cả các tác phẩm của Nietzche lời phê phán các tình cảm đạo đức Kitô giáo. Công trình phê phán đó đạt đến một chuẩn xác đặc biệt lôi cuốn khi ông khai triển ý tưởng luân lý chủ ông và luân lý nô lệ. Chủ đề này được trình bày rải rác trong vài trang của cuốn Con người,

ồ! Quá đỗi con người và cuốn Người du hành và chiếc bóng, nhất là ở hai

cuốn Bên kia thiện ácPhả hệ học đạo đức.

Trong tác phẩm Bên kia thiện ác, khi nghiên cứu lịch sử các khái niệm của chúng ta về “thiện” và “ác”, F. Nietzsche đã khám phá ra trong lịch sử luân lý của nhân loại có một sự phân biệt triệt để, có hai cách tương phản để định giá giá trị hành vi con người, hai lập trường và tiêu chuẩn đạo đức, một nền đạo đức của ông lớn và một nền đạo đức của bầy lũ, nền đạo đức của ông chủ và đạo đức của nô lệ. Trong các tác phẩm sau đó như

Phả hệ học đạo đức, ông tiếp tục trình bày rõ hơn hai loại đạo đức này.

“Sau khi du hành qua các nền luân lý khác nhau, tinh vi có, thô thiển có, mà bấy lâu nay đã và đang ngự trị trên mặt đất này, tôi nhận thấy có một số đặc điểm nào đó thường xuyên qui hướng về nhau và kết hợp với nhau: cho đến khi cuối cùng xuất hiện hai loại căn bản, và một sự phân biệt căn bản khởi lên. Đó là loại luân lý chủ ông và luân lý nô lệ - tôi phải nói thêm ngay rằng trong tất cả nền văn hóa cao viễn và hỗn tạp, người ta cũng nhận thấy những cố gắng để dung hòa hai loại luân lý ấy, nhưng thường thì chúng lẫn lộn vào nhau và ngộ nhận lẫn nhau, và có khi chúng miễn cưỡng đứng kề nhau – thậm chí ở cùng một con người, trong cùng một tâm hồn”[31, tr. 263]. F. Nietzsche cho rằng, trong mọi xã hội văn minh, hai loại đạo đức này luôn luôn đan xen với nhau, thậm chí trong một con người cũng có thể tìm được hai nhân tố của nguyên tắc đạo đức này. Giới hạn của chúng thường lẫn lộn, sự đối lập giữa chúng thường được điều hòa. Vậy, cần hiểu nô lệ và ông chủ ở đây được F. Nietzsche sử dụng như những hình ảnh ẩn dụ, mang tính biểu trưng. Vì một người có thân phận nô lệ trong xã hội mà có tinh thần sáng tạo, sở hữu sức mạnh, và ý chí quyền lực, thì người đó, theo quan niệm của F. Nietzsche, là một ông chủ. Bản thân trong một tâm hồn con người cũng có thể đan xen cả hai loại đạo đức trên. Để phát huy tác dụng sáng tạo của đạo đức ông chủ, ngăn ngừa và khắc phục tính chất phá hoại của đạo đức nô lệ, cần phải phân biệt hai loại đạo đức này.

Cái gọi là đạo đức ông chủ là đạo đức của người quý tộc, người hùng tráng, mạnh mẽ. F. Nietzsche định nghĩa đạo đức chủ ông như đạo đức của ý chí mạnh mẽ. Bản chất của đạo đức chủ ông là quý tộc.Cuộc sống và bản năng của họ được thể hiện đầy đủ, họ không bị ràng buộc bởi bất kỳ nguyên tắc đạo đức có sẵn nào. Họ hoàn toàn lấy ý chí của mình làm thước đo sáng tạo giá trị. Theo họ, con người thuộc loại hình cao quý và tự nhận

ra quyền chính mình ấn định giá trị của mọi vật thể và mọi hành động. Họ là người sáng tạo các giá trị mà không cần sự tán thưởng nào. F. Nietzsche viết trong Bên kia thiện ác: “Loại người cao quý tự cảm thấy mình có đủ tư cách xác lập giá trị, họ không cần chuẩn hứa của kẻ khác, họ phán một lời “điều chi gây nguy hại đối với tôi thì tự nó là điều nguy hiểm”, họ tự biết chính họ là những kẻ trao vinh dự cho mọi sự vật, họ muốn tạo ra giá trị”

[31, tr. 264 - 265].

Trong đạo đức ông chủ, từ “tốt” chủ yếu chỉ về bản thân họ, rồi mới chỉ đến hành động của họ. Họ tự định nghĩa là tốt, họ không bị phán đoán bởi các giá trị hiện hữu độc lập. Đối với họ, “tốt” là cao quý, mạnh mẽ, trong khi “xấu” là yếu đuối, hèn nhát, rụt rè. Do vậy, họ tôn vinh tất cả các đức tính mà họ thấy ở nơi bản thân mình (như quyền lực, sức sống, và kiêu hãnh) là “tốt”, các đức tính mà họ thấy ở tầng lớp nô lệ (như hèn nhát, sợ hãi, khiêm tốn) là “xấu”. F. Nietzsche chỉ ra rằng sự phân biệt ở đây là giữa tốt và xấu, chứ không phải giữa thiện và ác. Theo ông, khái niệm về “ác” (nghĩa là sự ác luân lý) phát sinh trong đạo đức nô lệ. Như vậy, trong loại đạo đức này, phản đề “tốt” và “xấu” có nghĩa thực tế tương đương với “cao quý” và “đáng khinh bỉ”. Họ khinh bỉ những kẻ hèn nhát, sợ sệt, vô giá trị, những kẻ chỉ nghĩ đến lợi ích hẹp hòi. “Con người cao quý trọng kẻ mạnh mẽ trong bản thân họ, cũng như kính trọng kẻ nào có sức mạnh thống trị chính bản thân, kẻ biết nói và im lặng, kẻ thi hành sự khắc

nghiệt và cứng rắn với bản thân với một niềm khoái lạc” [31, tr. 265]. Từ

đó, F. Nietzsche chỉ ra rằng, công thức của ông chủ đó là: ta tốt, vậy

ngươi ác và đối lập với công thức của kẻ nô lệ: ngươi ác, vậy ta tốt. Trong

công thức: ta tốt, vậy ngươi ác, kẻ nói ta tốt không chờ đợi được đánh giá là tốt. Kẻ đó tự xưng như vậy, tự gọi như vậy, tự cho mình như vậy trong khả năng nó hành động, khẳng định và vui sướng. Điều này được F. Nietzsche khẳng định trong Bên kia thiện và ác, ông viết: “Họ tự biết

chính họ là những kẻ trao vinh dự cho mọi sự, họ sáng tạo giá trị. Tất cả những gì họ nhận thấy nơi bản thân, họ đều tôn vinh: luân lý như thế là khuynh hướng tự vinh danh. Trên biểu hiện, đó là cảm nhận về một sự sung mãn, về một nguồn sinh lực sắp tuôn trào, đó là niềm hoan lạc trong sự căng phồng cao độ, đó là ý thức về sự phong nhiêu giàu có, muốn cho đi và muốn hiến dâng” [31, tr. 265]. Bởi vậy, theo ông, “Đó chính là những người tốt, nghĩa là những người được trọng vọng, những kẻ có quyền lực, những người ở bậc trên hoàn cảnh của họ và do sự cao thượng của tâm hồn, những người được xem là tốt, những người tự đánh giá hành động của mình là tốt, nghĩa là tự cho mình thuộc hạng nhất, họ thiết lập sự quy định này bằng cách đối lập với tất cả những gì thấp kém, ti tiện, tầm

thường” [Dẫn theo 4, tr. 170 - 171]. Như vậy trong cách đánh giá kiểu quý

tộc này ta không thấy một sắc thái đạo đức dù nhỏ nhất.

Đạo đức nô lệ là đạo đức chỉ được những người bình thường, “người hạ đẳng” tôn sùng. Đạo đức nô lệ là sự sáng tạo của “những kẻ bị lạm dụng, bị áp bức, nô lệ, những kẻ không chắc chắn về bản thân mình“. Họ ngờ vực và bác bỏ mọi cái mà giới quý tộc gọi là “tốt”, và ca ngợi các đức tính giúp giảm bớt sự khốn cùng của họ, như “sự cảm thông, tính tử tế và sẵn sàng giúp đỡ, nhiệt tâm, kiên nhẫn, khiêm tốn”. Nếu đạo đức ông chủ bắt nguồn từ mạnh mẽ thì nô lệ đạo đức bắt nguồn từ sự yếu đuối. Bởi vì nô lệ đạo đức là một phản ứng đối với sự áp bức, nó chống lại kẻ áp bức mình. Nô lệ đạo đức là nghịch đảo của đạo đức ông chủ. Nó được đặc trưng bởi sự bi quan và hoài nghi. Đạo đức nô lệ được tạo ra đối lập với tổng giá trị đạo đức mà đạo đức ông chủ cho là “tốt”. Họ xem lợi ích đạt được là tiêu chí của cuộc sống và hành động. Bản chất của đạo đức nô lệ là tiện ích: tốt là những gì hữu ích nhất cho cả cộng đồng, không phải là mạnh mẽ. Họ bắt đầu gọi là “ác” các đặc tính của ông chủ, đó là những phẩm chất mà ban đầu họ không thể lựa chọn vì sự yếu đuối của họ và họ coi là “tốt” cái gì

thân thiện và vô hại. Họ mong muốn thông qua những nguyên tắc đạo đức mà họ tôn sùng làm công cụ chống lại những người có sức mạnh, bắt những người đó phải tuân theo những nguyên tắc đạo đức ấy, không nên vì muốn thỏa mãn sự ham muốn của mình mà ép buộc người hèn yếu. Tức là họ muốn xóa bỏ sự cách biệt giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, thực hiện sự bình đẳng trong xã hội. Từ lòng cay đắng kẻ mạnh, bọn hèn yếu liên tưởng đến một quan niệm bi quan về cuộc hiện sinh : họ muốn tự tin, và cho cả người khác nữa rằng không hề có hạnh phúc đích thực. Họ tuyên bố là đức hạnh các phẩm tính có thể xoa dịu cuộc đời những kẻ xấu số: kiên nhẫn, mực thước, tử tế và nhất là tình thương. Thực chất loại đạo đức này là một loại đạo đức kiềm chế cuộc sống và bản năng của con người, vi phạm bản năng tự nhiên của con người, tiêu diệt tinh thần sáng tạo, tích cực vươn lên của con người, là một loại đạo đức có tính chất phá hoại. F. Nietzsche cho rằng, trên phương diện lịch sử, ta có thể khám phá thứ luận lý của những kẻ nô lệ này trong Do Thái giáo và Kitô giáo

Như vậy, đạo đức ông chủ là đạo đức xuất phát từ cuộc sống và bản năng phi lý tính của con người, còn đạo đức người nô lệ có nền tảng tư tưởng là truyền thống Kitô giáo và chủ nghĩa duy lý. Ông quan niệm đạo đức học phương Tây, đặc biệt nền đạo đức được hình thành bởi Kitô giáo, như thích hợp với nô lệ hơn là với những con người tự do. Nền đạo đức trước là tiêu chuẩn được công nhận thời cổ điển, nhất là giữa những người La – Mã; ngay cả với những người La Mã tầm thường, đức hạnh là hùng tính, can đảm, liễu lĩnh, bạo dạn. Ông gọi nền đạo đức chủ ông chính là luân lý người hùng. Nhưng từ Á châu, và nhất là từ những người Do Thái vào thời họ bị lệ thuộc chính trị, đã sinh ra tiêu chuẩn đạo đức thứ hai. Sự lệ thuộc là nguồn gốc sinh ra tính khiêm nhường, sự vô vọng sinh ra lòng vị tha. Dưới nền đạo đức bầy đàn này, lòng yêu chuộng hiểm nguy và quyền lực nhường chỗ cho sự yêu thích bình an, bảo đảm; sức mạnh bị thay bằng

khôn lanh, sự phục thù công khai thay bằng lén lút, sự cứng rắn bằng lòng trắc ẩn, sáng tạo bằng “lằn roi của lương tâm”. F. Nietzsche chỉ ra rằng chính tài hùng biện của những tiên tri, từ Amos đến Jesus, đã làm cho quan niệm về một giai cấp lệ thuộc trở thành hầu như một nền đạo đức phổ quát. Ông coi việc người phương Tây, nhất là dân La Mã, theo đạo Kitô giáo là khúc ngoặt của lịch sử, chấm hết thời kỳ lịch sử của người hùng.

Một phần của tài liệu Phê phán đạo đức Kitô giáo và chủ nghĩa phi đạo đức của F Nietzsche (Trang 59)