F. Nietzsche đã chỉ ra rằng truyền thống tinh thần của phương Tây mà bắt đầu từ thời kỳ Socrates đã tiềm ẩn sự phân chia đối lập giữa linh hồn và thể xác, lý tính và tính mệnh; kiên trì nắm lấy phần trừu tượng của linh hồn và lý tính, đánh giá thấp dục thể xác và sinh mệnh, xem những thứ này là nguồn gốc của cái ác và khổ hạnh – chính trên cơ sở đó đã dần hình thành hệ thống giá trị đạo đức của người phương Tây suốt mấy nghìn năm. Hệ thống giá trị đó cuối cùng đã lấy sự bảo đảm của Thượng đế và được xem là chí thiện toàn năng của Thần. Nhưng Thượng Đế từ trước tới nay vẫn không làm cho người phương Tây được cứu rỗi một cách chân
chính mà để cho chúng sinh một mặt bắt buộc phải đấu tranh cho cuộc sống, một mặt xem tất cả những cuộc đấu tranh đó là tội tổ tông. F. Nietzsche cho rằng đối tượng hiện nay cần phải có sự phê phán chính là đạo đức của Kitô giáo.
F. Nietzsche đã xuất phát từ triết học ý chí thuộc chủ nghĩa phi lí tính để phê phán Kitô giáo. Sự phê phán của ông bắt tay từ sự phân tích nguồn gốc của chủ nghĩa cấm dục của đạo Kitô. Ông chỉ ra cơ sở, nguồn gốc đó chính là thuyết tội tổ tông. Người phương Tây tại sao lại có thể tiếp nhận một loại quan niệm về nhân loại phạm tội tổ tông như thế? F. Nietzsche có một sự giải thích độc đáo về vấn đề này.
Quan niệm về tội tổ tông là kết quả của sự phát triển “mặc cảm tội lỗi” (ý thức tội lỗi) của loài người. Theo cách nói của F. Nietzsche, “ý thức tội lỗi”nếu xét theo hình thức nguyên thủy nhất, chính là ý thức “mắc nợ”. Con người là loài động vật duy nhất có thể đưa ra lời hứa và biết giữ chữ tín đối với lời hứa (chính vì vậy nên F. Nietzsche mới nhận thấy tính cao quý của con người ở chỗ này). F. Nietzsche khẳng định năng lực hứa là kết quả của văn hóa với tư cách là hoạt động của con người trên con người; con người có khả năng hứa là sản phẩm của văn hóa với tư cách là hoạt động chủng loại. Khi cho rằng, văn hóa đem lại cho con người những thói quen, bắt con người tuân thủ các luật lệ, đào luyện nó, F. Nietzsche đã chỉ ra rằng, mục tiêu chính của văn hóa là tăng cường ý thức. Văn hóa cấp cho ý thức một năng lực mới, bên cạnh năng lực quên, đó là trí nhớ lời nói. Nó là năng lực hứa hẹn, là sự cam kết với tương lai, là ký ức về bản thân tương lai. Nhớ lại lời ta đã hứa không phải là nhớ lại rằng ta đã hứa điều đó trong một thời điểm nào của quá khứ, mà là nhớ rằng ta cần thực hiện nó trong một thời điểm của tương lai.
Do vậy, khi một lời hứa không được thực hiện thì cần có một phương tiện để trao đổi, đó là nỗi đau. Nỗi đau trở thành một phương tiện trao đổi, một hình thức tiền tệ, một cái tương đương; nó là cái tương đương với sự quên lãng, với sự thiệt hại gây ra, một lời hứa không được thực hiện mỗi khi làm trái với lời hứa.“Văn hóa sử dụng phương tiện như thế được gọi là công lý; phương tiện này, bản thân nó được gọi là trừng phạt. Thiệt hại gây ra = đau đớn phải chịu, đó là phương trình trừng phạt, phương
trình này xác định một quan hệ giữa người với người” [4, tr. 189]. Quan hệ
này giữa con người với nhau được xác đinh, theo phương trình trên, như là quan hệ giữa một chủ nợ và một con nợ: công lý bắt con người phải chịu trách nhiệm về món nợ bằng nỗi đau đớn phải chịu, đó là sự trừng phạt cho việc thất hứa. Theo F. Nietzsche, quan hệ chủ nợ - con nợ là “mối quan hệ nguyên thủy nhất giữa các cá nhân”. Chính trong sự cho vay này, F. Nietzsche đã nhìn thấy mẫu gốc của tổ chức xã hội. Con người trả giá cho thiệt hại mà nó gây ra bằng sự đau đớn của nó, con người phải chịu trách nhiệm về một món nợ.
Khi bị mắc nợ thì người chủ nợ có quyền lực đem ý chí của mình đè nặng lên người thiếu nợ (có khi thậm chí bao gồm đến cả quyền tự do, cả tính mệnh đối với người thiếu nợ). Điều đó một mặt nâng cao, mở rộng sức mạnh ý chí của người chủ nợ, còn mặt khác sức mạnh ý chí của người thiếu nợ bị đè bẹp xuống. Mối quan hệ về chủ nợ và người thiếu nợ đó không chỉ hạn chế giữa hai cá nhân mà nói chung nó còn xuất hiện giữa xã hội và cá nhân. Bởi cá nhân không thể không sống trong xã hội mà xã hội có nghĩa là cả một hệ thống nguyên tắc bất khả xâm phạm. F. Nietzsche đã chỉ ra rằng,
“Chính Chúa tự hy sinh để trả những món nợ của con người, Chúa trả nợ cho chính mình, duy nhất Chúa có thể giải phóng cho con người thoát khỏi
những gì, đối với con người, đã trở nên không thể tha thứ được” [Dẫn theo 4, tr. 198].
Do vậy, cái mà Kitô giáo gọi là “cứu chuộc” đó không còn là sự giải phóng món nợ, mà là tăng cường món nợ. Đó không còn là một nỗi đau nhờ nó người ta trả được món nợ, mà là một nỗi đau ở đó người ta càng bị nhấn sâu, vì người ta mãi mãi cảm thấy mình là con nợ. Nỗi đau chỉ còn trả lãi cho món nợ mà thôi; nỗi đau bị nội hiện, trách nhiệm – món nợ trở thành trách nhiệm – tội lỗi, khiến cho cuối cùng, bản thân chủ nợ tự thấy mình phải chịu trách nhiệm về món nợ, phải gánh chịu trách nhiệm về toàn bộ món nợ. Món nợ trở thành mối quan hệ giữa một con nợ không bao giờ trả nổi và một chủ nợ không bao giờ khai thác hết lời lãi của món nợ, “món nợ đối với thần thánh”. Nỗi đau của con nợ bị nội hiện hóa, trách nhiệm đối với món nợ trở thành một cảm giác có tội. Giờ đây, chính trong bản thân mình con người cần tìm thấy nguyên nhân của nỗi đau. Ý thức tội lỗi gợi ý cho chúng ta cần phải tìm nguyên nhân này “trong chính mình, trong một tội lỗi đã phạm phải trong quá khứ, anh ta cần giải thích nó như một sự
trừng phạt” [Dẫn theo 4, tr. 185]. Điều đó có nghĩa là nỗi đau đã được nội
hiện theo cách thức là hậu quả của một tội lỗi, của một sai lầm. Tôi chế tạo ra nỗi đau của tôi vì tôi có tội, tôi sẽ tự cứu rỗi bằng cách tạo ra nỗi đau. Nỗi đau được quan niệm như là hậu quả của một lỗi lầm thầm kín và như là cơ chế nội tại của sự cứu rỗi, nỗi đau được nội hiện dần dần cùng với việc người ta tạo ra nó, “nỗi đau chuyển đổi thành cảm giác có lỗi, sợ hãi, trừng
phạt”. Đó là một phương diện của mặc cảm tội lỗi.
Bằng cách đó Kitô giáo đã đạt tới việc biến tất cả chúng ta đều có tội đối với Giáo hội, đối với Chúa. Từ đó con người tin mình mắc nợ với Thánh Thần. Các tăng lữ dạy cho con người biết rằng nếu họ đau khổ chẳng qua vì họ chống trả nợ cho Thượng đế, vì họ đã phạm tội. Như vậy, Kitô giáo đã
“bịa ra khái niệm tội lỗi”: “Tội lỗi là sự kiện lớn nhất trong lịch sử của những tâm hồn bệnh hoạn, cho tới tận ngày nay; nó trình diễn cho chúng ta
quỷ thuật tai hại nhất của diễn giải tôn giáo” [Dẫn theo 4, tr. 185]. Từ tội lỗi
đưa đến tội lỗi mà tôi đã phạm phải, đến tội lỗi của riêng tôi, đến tính tội lỗi của tôi.
Nhưng mọi người cuối cùng đã nhận định họ đều là những người phàm trần nên món nợ đối với Thượng Đế là vĩnh viễn không bao giờ trả nổi. Chính vì vậy, mọi người đã trút hết tất cả những tội ác sâu nặng của mình vào một con người và con người đó chính là người sáng lập ra chủng tộc của nhân loại: ông Adam. Tội ác của Adam chính là tội tổ tông của loài người.
Nhưng thuyết tội tổ tông đó đối với F. Nietzsche, nói cho cùng chỉ là một loại lý luận tự nó mâu thuẫn nhằm dùng để đối phó cấp thời. Nó không thể giải trừ được “mặc cảm tội lỗi” của loài người mà nhận định mỗi người sinh ra đều có tội. Nó làm cho toàn thể loài người trở thành nô lệ tinh thần của Thượng Đế. Trong đám nô lệ đó giữa mọi người đều xây dựng một mối quan hệ bình đẳng. Nhưng bình đẳng vẫn không thể xóa bỏ được tội ác mà chỉ có thể đem tội ác chia đều ra cho mọi người. Cho nên, quả địa cầu được xem là một hành tinh chứa đầy tội ác. Sống trên mặ đất, những gì được xem là tốt đẹp vui tươi thì cũng giống như toàn bộ sự khổ nạn của nó, tất cả đều là tà ác, vì chúng nó đều đối lập với tính chất thần của Thượng Đế, đều là tội ác của loài người được triển khai. Do vậy, mọi người đồng thời phải nhìn nhận một nơi đến có tính chất vĩnh hằng để thoát khỏi cái thế giới tội ác này – Thiên đường đầy hạnh phúc hoặc Địa ngục bị trừng phạt vĩnh viễn. Bản thân cuộc sống đã trở thành đối tượng của sự chán ghét. Nhưng người chán ghét cuộc sống vẫn phải tiếp tục cuộc sống. Người phủ định sức mạnh của ý chí vẫn phải triển khai sức mạnh ý chí của mình. Vậy phải làm sao? Lối ra chí có một “tuân hành chủ nghĩa cấm dục và chủ nghĩa khổ hạnh”.
Khi cá nhân phát hiện mình bị giam cầm vĩnh viễn trong một xã hội bất khả xâm phạm thì nội tâm của họ sẽ xuất hiện một trạng thái bệnh lý sâu sắc: bản năng đáng lý được khuyến khích, lành mạnh và có tham vọng của họ cũng như sự mạo hiểm, sự bành trướng đối với lòng tham của quyền lực bỗng bị xem là những gì rất nguy hiểm, mất đi tất cả giá trị và trở thành bị phủ định, bị ngăn cấm. Những con đường phát tiết ra ngoài của những bản năng đó bị chận mất, nên chúng chỉ có thể hướng vào bên trong, phát tiết đối với bản thân mình, đem ý chí thù địch, tàn nhẫn, cuồng bạo trút cả vào tâm linh của bản thân. Trạng thái bệnh lý đó chính là “mặc cảm tội lỗi” của loài người. Nó là một sự trách cứ đối với mình, một khuynh hướng công kích đối với bản thân mình.
F. Nietzsche đã tìm ra được sự giải thích thuộc chủ nghĩa phi lý tính đối với chủ nghĩa cấm dục của đạo Kitô. Bản thân của chủ nghĩa cấm dục cũng là sự thể hiện sức mạnh ý chí không thể chống cự. Cho dù đó là sự thể hiện đối với sự tự mâu thuẫn hết sức cực đoan. Sự mâu thuẫn của nó là ở chỗ nó vì cuộc sống mà chống lại cuộc sống. Những người chán ghét cuộc sống đem sự phẫn nộ của phát tiết vào chính cuộc sống của mình, thông qua việc tự chà đạp mình để thực hiện lực lượng của ý chí. Chỗ bí mật lớn nhất của đạo Kitô chính là ở chỗ này. Tôn giáo tìm cách sáng tạo ra một loại ý nghĩa đối với cuộc sống vô ý nghĩa của loài người, nhưng bản thân nó lại mang ý nghĩa của một sự khổ nạn mới.
F. Nietzsche từ chỗ căn nguyên thuộc tâm lý của người phương Tây để bắt tay vào việc phê bình như trên. Sự phê phán này chẳng những làm bộc lộ ra nguồn gốc bệnh tật của đạo Kitô mà còn bộc lộ ra nguồn gốc bệnh tật thuộc căn nguyên của truyền thống văn hóa châu Âu: đem lý tính và sinh mệnh đối kháng nhau. Dưới mắt của F. Nietzsche hàng loạt giá trị
thuộc hệ thống văn hóa trong lịch sử phương Tây chính là dùng để che đậy thứ bệnh tật đó.