Đa dạng hoá hình thức giáo dục giá trị đạo đức truyền thống trong các

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp ở Hà Nội - vấn đề và giải pháp (Trang 78)

thống trong các trường Trung cấp chuyên nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với việc kế thừa và phát triển các giá trị đạo đức truyền thống cho phù hợp với lứa tuổi họpc sinh TCCN trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, trong công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho học sinh TCCN hiện nay cần phải đổi mới nội dung và đa dạng hoá hình thức giáo dục.

Nội dung các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được chúng ta xác định, đó là những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp đã được hình thành và phát triển trong quá trình dựng nước và giữ nước trong quá trình giao lưu văn hóa với bên ngoài. Các giá trị ấy đã được chọn lọc, thẩm định và không ngừng được bổ sung trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, công cuộc đổi mới đã và đang được triển khai trên tất cả các lĩnh vực. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang được đẩy mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ cách mạng mới đang đặt ra những yêu cầu mới. Do vậy, công tác giáo dục đạo đức truyền thống cũng cần được đổi mới nội dung cho phù hợp với yêu cầu mới.

Đổi mới nội dung các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trong giai đoạn hiện nay phải theo hướng kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đảm bảo giữ vững bản sắc trong quá trình giao lưu hội nhập đồng

thời có sự biến đổi cho phù hợp với yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội

Cùng với việc đổi mới nội dung các giá trị đạo đức truyền thống để tăng cường công tác giáo dục đạo đức truyền thống của dân tộc cho học sinh TCCN ở Hà Nội hiện nay, chúng ta cần đa dạng hoá các hình thức giáo dục. Bên cạnh việc tiếp tục phát huy tính tích cực của các hình thức giáo dục mang tính truyền thống, chúng ta cần bổ sung và đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức truyền thống thông qua các hình thức sinh hoạt mang ý nghĩa chính trị - xã hội - thực tiễn. Thực tiễn công tác giáo dục đạo đức truyền thống hiện nay cho thấy, hình thức giáo dục đạo đức truyền thống phổ biến mà chúng ta vẫn làm nhằm đưa nội dung các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc đến với học sinh là thông qua chương trình dạy học. Đối với bậc học TCCN, nội dung các giá trị đạo đức truyền thống chủ yếu được lồng ghép trong môn học Chính trị. Có thể thấy rằng, hình thức giáo dục này hiện nay vẫn còn phát huy tác dụng, bởi lẽ đây là môn học cung cấp cho học sinh thế giới quan và phương pháp luận khoa học. Thông qua môn học này không chỉ trang bị cho học sinh các tri thức hiện đại và các giá trị truyền thống mà còn cho các em thấy được sự thống nhất giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế qua đó giúp các em phát huy và vận dụng linh hoạt các giá trị truyền thống trong giai đoạn lịch sử mới. Hơn nữa, giáo dục đạo đức truyền thống thông qua môn học Chính trị trong các trường TCCN sẽ hình thành cho học sinh niềm tin đối với sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, giúp học sinh ý thức được trách nhiệm của mình, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Do vậy, hình thức giáo dục đạo đức truyền thống thông qua chương trình môn học vẫn cần tiếp tục được khai thác và triển khai sâu, rộng nhằm đưa nội dung các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc đến với học sinh.

Song bên cạnh đó, cần mở rộng hình thức giáo dục đạo đức truyền thống thông qua các hoạt động xã hội khác trong nhà trường. Chẳng hạn, học

sinh khi mới vào trường phải được học chính trị đầu khoá; tìm hiểu về truyền thống nhà trường, về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; về quy chế học tập, thi cử, các chế độ chính sách liên quan đến học sinh… Từ đó, học sinh ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình, không ngừng trau dồi phẩm chất, nhân cách, kỹ năng nghề nghiệp để trở thành người công dân tốt. Trong quá trình học tập tại trường, cần tổ chức cho học sinh tìm hiểu thêm về các ngày lễ truyền thống thông qua các hoạt động như toạ đàm, văn nghệ, các cuộc thi tìm hiểu về những vấn đề xoay quanh chủ đề của ngày truyền thống. Các hình thức tổ chức kỷ niệm phải phong phú, đa dạng tùy thuộc vào tính chất của từng ngày lễ truyền thống. Qua các hoạt động đó, cung cấp thêm cho học sinh những tri thức về các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, từ đó hình thành ở các em tình cảm đối với truyền thống dân tộc. Vào dịp kỉ niệm các ngày lễ lớn của trường, của dân tộc, tổ chức Đoàn ở các trường nên tổ chức cho học sinh các đợt đọc sách truyền thống. Việc đọc sách xung quanh chủ đề các ngày truyền thống sẽ cung cấp cho học sinh những kiến thức, những tư liệu bổ ích về những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, hình thành những thái độ, tình cảm tốt đẹp ở các em. Để tổ chức các đợt đọc sách có kết quả, thư viện các trường cần bổ sung thêm nguồn sách cả về số lượng và chủng loại. Nếu có kinh phí tổ chức Đoàn cơ sở cần xây dựng tủ sách riêng. Trên cơ sở số lượng sách và nhu cầu của bạn đọc mà có hình thức đọc cá nhân, tập thể hay chi đoàn… Sau khi đọc sách nên tổ chức các buổi thảo luận, trao đổi để củng cố thêm kiến thức mà học sinh đã được đọc, đồng thời giới thiệu thêm sách hoặc tổ chức gặp gỡ đối thoại với tác giả. Hoặc, sau những đợt đọc sách này có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống dân tộc nhằm phát huy tính sáng tạo, ham hiểu biết của học sinh về sự kiện, nhân vật lịch sử và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Một hình thức giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc cho học sinh TCCN nữa cũng cần được triển khai sâu, rộng nhằm đưa nội dung các giá trị

đạo đức truyền thống của dân tộc đến với học sinh đó là thông qua việc tổ chức các hoạt động tham quan các di tích lịch sử văn hóa - cách mạng; tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa; phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện.

Tham quan các di tích lịch sử, văn hóa - cách mạng là hình thức giáo dục trực quan, đáp ứng yêu cầu của tuổi trẻ hiện nay. Tham quan du lịch sẽ tạo nên sự hưng phấn trong học sinh và có tác dụng trên nhiều mặt. Di tích lịch sử, văn hóa - cách mạng là tượng trưng cho nét đẹp của quá khứ, là minh chứng hùng hồn, sống động của lịch sử. Những di tích lịch sử đó sẽ cung cấp cho học sinh những kiến thức lịch sử, văn hóa, những giá trị truyền thống của dân tộc, làm xúc động và dấy lên lòng tự hào trong các em. Tham quan du lịch là hoạt động đã có từ lâu trong lịch sử thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên. Trong nhiều năm qua, các tổ chức Đoàn ở các trường học, trong đó có trường TCCN đã tổ chức đưa học sinh đi tham quan các di tích lịch sử, văn hóa - cách mạng nhằm mục đích giáo dục đạo đức và đạo đức truyền thống cho học sinh. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn còn rất hạn chế và hiệu quả giáo dục chưa cao. Trong điều kiện hiện nay, để nâng cao hiệu quả của hình thức giáo dục này các nhà trường nên đưa các chương trình tham quan các di tích lịch sử văn hóa – cách mạng vào kế hoạch đào tạo của nhà trường, gắn liền với nội dung chương trình giảng dạy các môn học, đặc biệt là môn Chính trị. Khi tổ chức tham quan du lịch, cần xác định rõ chủ đề, mục đích, yêu cầu, địa điểm, thời gian tham quan phù hợp với di tích lịch sử và gắn liền với chương trình học tập của học sinh. Mục đích tham quan di tích lịch sử phải hướng vào trọng tâm chủ đề, đồng thời có thể kết hợp tham quan với hoạt động văn nghệ truyền thống, gặp gỡ tiếp xúc với nhân chứng lịch sử để nội dung các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc có thể đến với các em một cách tự nhiên và sâu sắc.

Phong trào đền ơn đáp nghĩa: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” - đó là đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Hoạt động đền

ơn đáp nghĩa có tác dụng rất lớn đối với việc hình thành nhân cách của học sinh, giúp các em hình thành thái độ, tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc và tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ cha ông đã có cống hiến lớn cho dân tộc và quê hương. Chiến tranh đã qua đi từ lâu nhưng những hậu quả của nó vẫn còn tồn tại dai dẳng, nặng nề; những di chứng của chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Thế hệ trẻ không thể thờ ơ với nỗi đau quá khứ, sống vị kỷ chỉ biết có hiện tại. Vì vậy những hoạt động giáo dục đạo đức truyền thống hướng về cội nguồn thể hiện tình cảm nhân đạo giữa người với người cần được phát động mạnh mẽ trong học sinh.

Phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hàng năm được các tổ chức Đoàn, Hội ở các trường đại học, cao đẳng và TCCN phát động rầm rộ. Phong trào này từ khi được phát động đã thu hút được một số lượng lớn học sinh, sinh viên tham gia. Vào mùa thi tuyển sinh, các kỳ nghỉ hè, đâu đâu trên đường phố Hà Nội và cả những vùng xa xôi, hẻo lánh trên mọi miền Tổ quốc chúng ta đều gặp bóng dáng của những chiếc áo xanh tình nguyện. Họ sẵn sàng làm tất cả mọi công việc có thể; tích cực tham gia lao động sản xuất; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tác hại của ma túy, AIDS, về các vấn đề môi trường, dân số, kế hoạch hoá gia đình… Họ còn tham gia xoá mù chữ cho trẻ em vùng sâu vùng xa thông qua hoạt động “Ánh sáng văn hoá ”, tham gia “Hiến máu nhân đạo”. Các hoạt động nhân đạo từ thiện như quyên góp quần áo, sách vở, tiền bạc… để ủng hộ các em học sinh vùng nghèo, vùng bị thiên tai lũ lụt… Thông qua các hoạt động này tạo điều kiện để các em hiểu và hành động tiếp nối truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” và các truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Ngoài ra, các nhà trường còn có thể thành lập các Câu lạc bộ Báo cáo viên nhằm bồi dưỡng năng lực tuyên truyền cổ động và nâng cao trình độ tuyên truyền miệng cho học sinh. Đây là hình thức giáo dục nếu được triển khai sẽ có tác dụng giáo dục to lớn, bởi lẽ khi tham gia Câu lạc bộ này học sinh sẽ được tuyên truyền, giáo dục và thấm nhuần các giá trị đạo đức truyền

thống của dân tộc. Hơn nữa, chính các em sẽ là một lực lượng hùng hậu để tiếp tục tuyên truyền các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc mà các em đã được lĩnh hội và am tường tới rất nhiều các đối tượng khác. Nhờ đó, các giá trị đạo đức truyền thống sẽ được nhân rộng ra đến nhiều cá nhân, tập thể khác trong xã hội.

Như vậy, để tăng cường công tác giáo dục đạo đức truyền thống của dân tộc ở các trường TCCN Hà Nội hiện nay, bên cạnh việc đổi mới nội dung chúng ta phải đa dạng hoá hình thức giáo dục. Bên cạnh các hình thức phổ biến như giáo dục đạo đức truyền thống thông qua các bài giảng, các buổi nói chuyện chuyên đề, các băngrôn, khẩu hiệu… mang tính giáo huấn, cổ động, chúng ta cần đưa thêm các hình thức giáo dục mà ở đó các em trực tiếp được hiểu và hành động theo nội dung các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.

3.3. Tạo dựng môi trường lành mạnh nhằm đưa nội dung các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc đến với học sinh các trường Trung cấp chuyên nghiệp

Để tăng cường công tác giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống cho học sinh TCCN ở Hà Nội, cùng với việc kế thừa, phát triển các giá trị đạo đức truyền thống cho phù hợp với lứa tuổi học sinh TCCN trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và đa dạng hoá hình thức giáo dục, chúng ta còn cần phải tạo dựng môi trường lành mạnh nhằm đưa nội dung các giá trị đạo đức truyền thống đến với học sinh. Môi trường giáo dục đạo đức truyền thống cho học sinh ở đây không chỉ bó hẹp trong nhà trường mà còn bao hàm cả môi trường gia đình và môi trường xã hội. Bởi lẽ, mỗi học sinh trong quá trình học tập không chỉ chịu sự giáo dục của nhà trường mà bên cạnh đó các em còn liên hệ mật thiết với gia đình, chịu sự giáo dục, chi phối trực tiếp của gia đình. Đồng thời các em thường xuyên tham gia vào các quan hệ xã hội, các hoạt động xã hội và chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường xã hội. Do vậy, tạo dựng môi trường lành mạnh trong giáo dục đạo đức truyền thống cho học sinh ở đây

phải được thực hiện ở cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội.

Gia đình là một thiết chế xã hội, là cái nôi lưu truyền các giá trị truyền thống của gia đình, của dân tộc cho các thế hệ con cháu. Ngay từ khi mới chào đời, đứa trẻ đã được tiếp cận các giá trị truyền thống của dân tộc thông qua những câu hát ru của bà, của mẹ. Lớn lên, mọi sinh hoạt, lời nói, cử chỉ của các thành viên trong gia đình đều ảnh hưởng đến đạo đức và lối sống của các em. Thông thường, một gia đình có nền nếp, ông bà, cha mẹ sống chân chính, mẫu mực, hết lòng thương yêu dạy dỗ con cháu thì sẽ tạo một nền tảng vững chắc, một môi trường lý tưởng để giáo dục đạo đức và chuyển tải những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc cho con cháu.

Nhưng thực tế hiện nay cho thấy dưới tác động của nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hoá, môi trường giáo dục gia đình đang có nguy cơ bị “ô nhiễm” nặng. Nhiều gia đình không còn giữ được nền nếp gia phong. Hiện tượng con đánh cha, vợ chửi chồng, gia đình ly tán không phải là hiếm trong xã hội ngày nay. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống trong gia đình bị đảo lộn. Dưới tác động của cơ chế thị trường, nhiều bậc cha mẹ chỉ chú ý chăm lo đời sống vật chất mà ít chăm lo tới việc dạy dỗ, giáo dục con cái. Họ uỷ thác trách nhiệm dạy dỗ, giáo dục con cái về phía các thầy cô giáo, về phía nhà trường. Không ít các bậc cha mẹ chỉ quan tâm tới việc làm kinh tế, làm giàu bằng mọi cách để tạo cho con cái một cuộc sống vật chất đủ đầy. Họ cho rằng đó chính là cách thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm đối với con cái. Song, họ không thấy được mặt trái của nó: chính sự cung cấp quá đầy đủ về vật chất mà không quan tâm đến việc đinh hướng, giáo dục con trẻ, đã và đang tạo cho chúng lối sống hưởng thụ và ích kỷ; không hiểu và không đánh giá đúng công sức cũng như ý nghĩa của thành quả lao động; đang tạo ra một lối sống tiêu dùng, tiêu xài phung phí trái với truyền thống cần, kiệm của dân

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp ở Hà Nội - vấn đề và giải pháp (Trang 78)