Giáo dục đạo đức truyền thống chưa đặt trong mối quan hệ giữa truyền

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp ở Hà Nội - vấn đề và giải pháp (Trang 63)

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng, dân tộc nào biết kết hợp các giá trị truyền thống với các giá trị hiện đại, biết chắt lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại với việc sử dụng những giá trị vốn có để làm giàu thêm những giá trị của mình, làm cho nó phù hợp với tình hình thực tiễn thì sẽ phát triển. Trong quá trình phát triển, các giá trị truyền thống phải được gạn lọc, được kết hợp với các giá trị hiện đại tạo nên một hệ giá trị mới mang tinh thần của thời đại, nhưng lại có đặc điểm của dân tộc. Nghĩa là, tinh thần dân tộc phải được phát triển lên một dạng thức mới vừa bảo tồn đặc tính riêng của dân tộc, vừa phản ánh tinh thần của thời đại. Muốn vậy, nội dung công tác giáo dục truyền thống phải có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, từ thực trạng công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống, chúng ta thấy công tác giáo dục đạo đức truyền thống nói chung và giáo dục đạo đức truyền thống ở các trường TCCN ở Hà Nội nói riêng còn chưa đặt trong mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại,

dân tộc và quốc tế. Tính truyền thống trong nội dung giáo dục đạo đức là những giá trị đạo đức đã được thử thách trong lịch sử, góp phần làm nên sức mạnh của dân tộc trong quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để làm cơ sở cho sự hình thành, phát triển các giá trị đạo đức khác. Tính hiện đại trong nội dung giáo dục đạo đức là những giá trị đạo đức cơ bản phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại hoặc đó là những giá trị đạo đức mới được xuất hiện dưới tác động của khoa học – công nghệ.

Trong mọi thời kỳ, mọi giai đoạn, truyền thống và hiện đại luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Truyền thống là tiền đề, là nền tảng của hiện đại và hiện đại là sự kế thừa, sự nối tiếp của truyền thống. Trong điều kiện hiện nay, khi đất nước đang thực hiện công cuộc đổi mới thì vấn đề kết hợp giữa truyền thống và hiện đại càng đặt ra nhiều hơn bao giờ hết. Những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam được hình thành trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Những truyền thống như lòng yêu nước, lòng nhân ái – yêu thương con người, truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, hiếu học… đã là những sức mạnh nội sinh để dân tộc Việt Nam trường tồn trong lịch sử. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, lẽ dĩ nhiên chúng ta phải kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp đó song không phải kế thừa tất cả, kế thừa nguyên xi mà kế thừa có chọn lọc. Đồng thời phải hiện đại hoá các giá trị truyền thống, kết hợp giá trị truyền thống với giá trị hiện đại xây dựng một nền đạo đức mới, phù hợp với xã hội hiện đại mà vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Mặt khác, hiện nay, công cuộc đổi mới đất nước đang diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hoá, quốc tế hóa. Do đó, đi đôi với việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cần có sự kết hợp giữa yếu tố dân tộc và quốc tế. Giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được hình thành và thử thách qua mấy nghìn năm lịch sử. Trong quá trình phát triển ấy, nền đạo đức truyền thống Việt Nam đã không ngừng mở cửa đón nhận những giá trị tinh hoa của

nhân loại để làm giàu cho bản thân mình. Nhiều thế lực thù địch đã có âm mưu xâm thực văn hóa, đạo đức để đi đến xâm thực về chính trị. Song, với nền tảng, gốc rễ và bản sắc riêng có của mình, Việt Nam đã không bị đồng hoá. Mà ngược lại tất cả các luồng văn hóa, tư tưởng, đạo đức bên ngoài đưa vào Việt Nam, đều được soi qua lăng kính của các giá trị truyền thống từ đó tiếp thu những giá trị phù hợp với dân tộc, gạt bỏ những yếu tố ngoại lai không phù hợp. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, các luồng văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống của tất cả các nước trên thế giới nhất là các nước phát triển, thông qua hệ thống các kênh thông tin đang tràn vào tất cả các nước khác. Tất nhiên, không một quốc gia, dân tộc nào trên thế giới có thể đứng ngoài xu thế này. Nền đạo đức của mỗi dân tộc đều chịu ảnh hưởng, tác động bởi tư tưởng, đạo đức của các quốc gia khác. Do vậy, các dân tộc để giữ vững bản sắc, không trở thành "cái bóng mờ" của quốc gia khác thì phải có nền tảng, gốc rễ và trên cơ sở, nền tảng đó để tiếp thu những giá trị tích cực, tiến bộ, phù hợp với nền đạo đức dân tộc. Nói cách khác, trong quá trình giao lưu, mở cửa và hội nhập phải có sự kết hợp giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế. Có được sự kết hợp này, mỗi dân tộc sẽ hoà vào dòng chảy chung của sự phát triển của nhân loại đồng thời vẫn giữ được bản sắc, cốt cách của dân tộc mình.

Như vậy, việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế trong phát triển văn hóa, đạo đức hiện nay là một yêu cầu thiết yếu đặt ra đối với mọi quốc gia, dân tộc. Do vậy, công tác giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc cũng phải luôn đặt trong mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Nền đạo đức truyền thống mà không được bổ sung những giá trị hiện đại; những giá trị đạo đức truyền thống mà không được hiện đại hoá cho phù hợp với điều kiện hiện tại thì sớm muộn nó sẽ trở thành nền đạo đức cổ hủ. Ngược lại, trong xã hội hiện đại nếu chúng ta tiếp nhận các giá trị một cách xô bồ, không trên cơ sở nền tảng của truyền thống thì dễ dẫn đến mất định hướng, mất cội nguồn, bản sắc. Trong xu thế của thời đại hiện nay, chúng ta không hội nhập thì sẽ không phát triển, không tiếp thu thì

sẽ lạc hậu. Nhưng nếu trong quá trình hội nhập mà không trên cơ sở bản sắc và sức mạnh nội sinh của dân tộc thì dễ đánh mất chính mình để trở thành “cái bóng mờ” của dân tộc khác. Do đó, nền đạo đức xã hội hiện nay luôn đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Đặc biệt, công tác giáo dục đạo đức truyền thống càng cần phải làm tốt vấn đề này. Song, thực tế của công tác này vẫn còn có sự tách rời giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Có những người quá coi trọng truyền thống nên đã tỏ thái độ chê bai, khước từ hiện đại. Họ cho rằng tất cả những cái gì đã là giá trị truyền thống thì đã được sàng lọc và thử thách trong lịch sử, do đó cần yêu cầu thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên học tập để tiếp nối truyền thống. Ngược lại, có quan điểm cho rằng, những giá trị hiện đại là những giá trị mới, giá trị của xã hội hiện đại; giờ đây cả thế giới vẫn đang phát triển, đang sống trong thời đại của khoa học công nghệ, do đó không thể ôm mãi lấy những giá trị truyền thống. Có người còn lên án, kết tội truyền thống, cho rằng chính những truyền thống của dân tộc và những người khư khư giữ lấy truyền thống dân tộc đang là những lực cản của sự phát triển xã hội. Và do đó, trong thời đại hiện nay không được phép khép kín, cố thủ mà phải mở cửa ra để vươn lên phát triển cùng thế giới. Có thể nói, cả hai xu hướng quá coi trọng truyền thống dân tộc và quá coi trọng những giá trị hiện đại, giá trị quốc tế đều là cực đoan, sai lầm. Hiện nay, công tác giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc cho học sinh các trương TCCN, bên cạnh mặt đã làm được vẫn còn biểu hiện của sự tách rời giữa truyền thống và hiện đại, dân tộcvà quốc tế. Nói cách khác, công tác giáo dục đạo đức truyền thống còn chưa đặt trong mối quan hệ truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Đây là một vấn đề đang đặt ra đòi hỏi chúng ta phải xem xét, nhận thức lại để nâng cao hiệu quả của công tác này.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp ở Hà Nội - vấn đề và giải pháp (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)