Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống còn biểu hiện của xu hướng phục

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp ở Hà Nội - vấn đề và giải pháp (Trang 58)

xu hướng phục cổ.

Kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc là một trong những nội dung cốt lõi của công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho học sinh, sinh viên nói chung và học sinh các trường TCCN ở Hà Nội nói riêng. Có kế thừa thì mới có phát triển. Sự kế thừa ở đây đã bao hàm sự lọc bỏ. Kế thừa những yếu tố tích cực, có giá trị; lọc bỏ những yếu tố lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với điều kiện hiện nay. Có thể nói rằng, nền đạo đức mới hiện nay không thể không có các giá trị đạo đức truyền thống, nhưng nếu “bê” nguyên xi các giá trị đạo đức truyền thống, coi đó là những chuẩn mực bất di bất dịch của xã hội hiện nay thì đó lại là nhận thức siêu hình, trái với quan điểm biện chứng trong sự kế thừa và phát triển. Tuy nhiên, trong công tác giáo dục đạo đức truyền thống cho học sinh TCCN ở Hà Nội hiện nay vẫn còn tư tưởng xây dựng một nền đạo đức mới bằng tất cả những giá trị cũ. Nói cách khác, giáo dục đạo đức truyền thống hiện nay còn biểu hiện của xu hướng phục cổ. Vấn đề này đã và đang đặt ra đòi hỏi chúng ta cần phải nhận

thức để có những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này. Xu hướng phục cổ trong giáo dục đạo đức truyền thống hiện nay thể hiện trên cả nội dung và hình thức giáo dục.

Về mặt nội dung, xuất phát từ thực tế đất nước từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường; mở cửa, giao lưu, hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá, nền đạo đức xã hội có nhiều biến đổi, nhất là đạo đức truyền thống dân tộc. Bên cạnh lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể, của đất nước là tư tưởng thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền. Biểu hiện rõ nét nhất của tư tưởng đó là xu hướng coi thường các giá trị văn hóa truyền thống, phủ nhận truyền thống của dân tộc, đồng thời đề cao quá mức các giá trị mà họ cho là “mới”, là “hiện đại”. Thậm chí một khuynh hướng cực đoan hơn, trước sự phát triển mạnh mẽ và lớn mạnh hiện thời của chủ nghĩa tư bản, có một bộ phận học sinh, sinh viên đã xa rời lý tưởng và đạo đức cách mạng, xa rời các giá trị dân tộc, đề cao tư tưởng thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, bất chấp cả đạo lý và pháp lý. Những nếp nghĩ, thói quen, phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc bị mai một, thay vào đó là lối sống lai căng, tư tưởng sùng ngoại, muốn tiếp nhận những điều mới lạ của phương Tây, chối bỏ truyền thống dân tộc. Giờ đây, thay vào tinh thần yêu nước, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc là thái độ thờ ơ, lãnh đạm trước những khó khăn của đất nước; thay vào lối sống tình nghĩa, nhân ái với tinh thần “lá lành đùm lá rách, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau là lối sống sòng phẳng theo kiểu “tiền trao cháo múc”, lạnh lùng không tình nghĩa; thay vào truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó, ham học để lập thân, lập nghiệp góp phần cống hiến cho xã hội là thói lười biếng, lối sống hưởng thụ… Tất cả những biểu hiện đó đã gióng lên một hồi chuông báo động về sự xuống cấp đạo đức, đặc biệt là sự phai nhạt những giá trị đạo đức truyền thống trong một bộ phận học sinh, sinh viên. Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã đánh giá “Tệ sùng bái nước ngoài, coi

thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân, vị kỷ đang gây hại đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc”[18, tr.46]. Đây chính là điểm yếu trong một bộ phận không nhỏ người dân nước ta, nhất là thế hệ trẻ và cũng là chỗ mà các thế lực thù địch âm mưu thực hiện cuộc “xâm thực văn hóa” nhằm ý đồ làm cho thế hệ trẻ quên đi cội nguồn dân tộc. Thực tế đó đòi hỏi toàn xã hội nói chung và ngành Giáo dục – Đào tạo nói riêng cần phải có sự quan tâm đặc biệt, đề ra chương trình cụ thể để giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ - học sinh, sinh viên.

Triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, các trường TCCN ở Hà Nội trong thời gian qua hầu hết đã đưa nội dung giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc cho học sinh trong hoạt động dạy học. Đây là một việc làm thiết thực, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đã và đang đặt ra. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một mặt các chủ thể giáo dục quá chú ý tới việc khôi phục lại những giá trị truyền thống đã và đang bị mai một, mặt khác, lại không đặt các giá trị đạo đức truyền thống trong bối cảnh hiện tại của đất nước và xu thế của thời đại nên đây đó hoạt động giáo dục đạo đức truyền thống đã có biểu hiện của xu hướng phục cổ.

Chúng ta biết rằng, khôi phục các giá trị đạo đức truyền thống trong điều kiện hiện nay là việc làm cần thiết, song vấn đề đặt ra là phải làm thế nào thông qua việc giữ gìn và phát huy cái truyền thống để phát triển, nâng nó lên một tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu của thời đại chứ không chỉ dừng lại ở truyền thống đã có. “Thái độ bảo thủ, đề cao quá mức truyền thống, xem nhẹ hoặc phủ nhận đổi mới cũng như thái độ hư vô chủ nghĩa, phủ nhận mọi giá trị truyền thống đều là phản khoa học”[49, tr.82].

Giáo dục truyền thống không chỉ dừng lại ở chỗ khơi dậy truyền thống và yêu cầu người được giáo dục phải ghi nhớ truyền thống đó. Chẳng hạn, giáo dục lòng yêu nước không chỉ dừng lại việc khơi dậy những truyền thống yêu nước quật khởi và hào hùng của cha ông ta trong suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước mà vấn đề đặt ra là vấn đề này cần phát triển

như thế nào trong giai đoạn hiện nay. Nó cần bổ sung những nội dung giá trị gì để phù hợp, đáp ứng yêu cầu của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chẳng hạn,“Yêu nước trong điều kiện hiện nay cần phải gắn liền và việc thực hiện đầy đủ và tự giác trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của mình đối với đất nước, trước hết là thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức của công dân, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, làm giàu chính đáng, học tập giỏi, tìm tòi, phát minh, sáng chế, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước phân công…” [60, tr.217]. Đối với học sinh, yêu nước ngày nay là phải học thật giỏi để góp phần xây dựng đất nước. Nếu ông cha ta trước đây đã rửa được nỗi nhục mất nước, thì ngày nay chúng ta phải đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên tiến kịp các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Nỗ lực phấn đấu góp sức vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Việc chúng ta giáo dục lòng nhân ái - yêu thương con người cũng vậy. Truyền thống nhân ái – yêu thương con người của dân tộc ta có nội dung thật đẹp, thật cao quý, nhưng ngày nay nó cũng cần được phát triển cao hơn nữa. Tình thương người trong thời đại giao lưu, hội nhập quốc tế không chỉ dừng lại trong phạm vi gia đình, dòng họ hay dân tộc mình mà nó cần được mở ra cả khu vực và trên thế giới, không phân biệt sắc tộc, chủng tộc. Truyền thống nhân ái của dân tộc trong điều kiện hiện nay còn yêu cầu chúng ta phải biết “khép lại quá khứ”, bắt tay giao lưu với tất cả các nước để xây dựng một thế giới hoà bình và phát triển.

Việc giáo dục các truyền thống đoàn kết cộng đồng, gắn kết cá nhân – gia đình – làng – nước ; truyền thống cần cù trong lao động, truyền thống hiếu học… cũng đòi hỏi phải trên tinh thần như vậy. Đoàn kết dân tộc là một truyền thống quý báu, tạo nên sức mạnh để dân tộc ta chiến thắng mọi thiên tai, địch hoạ. Ngày nay, Đảng ta vẫn xác định, trong điều kiện mới cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công

nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Song truyền thống đoàn kết gắn bó cộng đồng của ta ngày nay cần phải được thực hiện trên tinh thần bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, làm giàu chính đáng, tạo mọi cơ hội cho tất cả mọi người cùng vươn lên tạo dựng cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Truyền thống cần cù trong lao động đến nay vẫn cần được phát huy, song cần cù không chỉ là chịu thương, chịu khó, siêng năng, chăm chỉ mà cần cù phải gắn với trình độ khoa học, với sáng tạo, có kế hoạch, có kỷ luật cao nhằm đạt được năng suất lao động cao nhất… Nhưng thực tế, công tác giáo dục đạo đức truyền thống trong các trường TCCN trong thời gian qua chưa làm tốt điều nay. Hầu hết các trường mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và yêu cầu học sinh phải ghi nhớ. Thậm chí có nơi, có lúc, do sự biến đổi nhanh chóng của đời sống đạo đức và sự mai một truyền thống dân tộc trước xu thế toàn cầu hoá đã tìm mọi cách để khôi phục những truyền thống của dân tộc, coi đó là những giá trị vĩnh hằng, bất biến, đúng với mọi thời đại nên không có ý thức, bổ sung, phát triển cho phù hợp với điều kiện mới.

Hơn nữa tất cả những nội dung này lại được giáo dục bởi những hình thức, phương pháp, phương tiện đòi hỏi người được giáo dục phải tiếp nhận một cách thụ động, một chiều. Hình thức giáo dục phổ biến mà chúng ta thực hiện trong các nhà trường hiện nay vẫn là báo cáo chuyên đề, thuyết trình hoặc thông qua hệ thống phát thanh, băng-rôn, khẩu hiệu để tác động đến học sinh. Tất nhiên, những hình thức này không phải là không có tác dụng nhưng nếu chỉ sử dụng nó thì sẽ là đơn điệu, dễ gây nhàm chán. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, thế hệ trẻ luôn muốn được khẳng định mình, được tham gia vào các hoạt động mang tính sôi động. Do đó, bên cạnh các hình thức, phương pháp trên cần có sự kết hợp mở rộng các buổi thảo luận về những vấn đề liên quan đến giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc để học sinh được tìm hiểu, được bày tỏ thái độ, quan điểm của mình một cách chủ động.

Song thực tế cho thấy, những buổi hội thảo trong nhà trường diễn ra rất hạn chế, hơn nữa nội dung thảo luận thường được giới hạn trong những vấn

đề xác định như hiểu biết của mình về truyền thống, ca ngợi truyền thống nhằm tôn vinh, bảo lưu truyền thống… Hiển nhiên, việc giáo dục đạo đức truyền thống phải tôn vinh, lưu giữ giá trị truyền thống. Nhưng hiện tượng một số người nhân danh bảo vệ giá trị truyền thống mà quay về đề cao quá khứ, coi thường hiện tại và tương lai, thậm chí chủ trương phục cổ, cắt đứt mối liên hệ giữ quá khứ - hiện tại và tương lai thì lại là vấn đề đặt ra cần phải nhận thức lại cho đúng. Bởi lẽ, đôi khi "những ưu điểm trước đây đã từng đóng góp vào sự phát triển mau lẹ của nền kinh tế thì hiện nay đang bị coi là bệnh hoạn, khuyết tật"[9, tr.18]. Nhất là trong công tác giáo dục truyền thống thì càng đòi hỏi phải trên tinh thần biện chứng, kế thừa những giá trị tích cực, đồng thời phải hiện đại hoá các giá trị truyền thống cho phù hợp với đặc điểm của học sinh, sinh viên và yêu cầu của thời đại. Mọi tư tưởng, thái độ hoài cổ, phục cổ đều trái với tinh thần biện chứng trong giáo dục đạo đức truyền thống.

2.2.2. Giáo dục đạo đức truyền thống chưa đặt trong mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp ở Hà Nội - vấn đề và giải pháp (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)