7. Cấu trúc của luận văn
3.2.4. Biến đổi trong quan hệ cộng đồng
Quá trình đô thị hoá không chỉ cải thiện đời sống kinh tế của người dân mà còn nâng cao đời sống tinh thần của họ. Ở xã Mễ Trì một số quan hệ cộng đồng mới
85
được hình thành, điều này được thể hiện qua mối quan hệ, giao tiếp hàng ngày của người dân không chỉ bó mình trong các quan hệ gia đình, họ hàng mà mối quan tâm của họ đã mở rộng hơn.
Gia đình và dòng họ với tính cách như là các phần trong xã hội tổng thể sẽ chịu sự chi phối của quy luật này. Với tác động của sự phát triển kinh tế thị trường, xã hội nông thôn trong quá trình đô thị hoá đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, làng xã vùng ngoại thành Hà Nội nói chung và tại xã Mễ Trì nói riêng, các mối quan hệ xã hội trong gia đình và dòng họ về cơ bản vẫn theo mô hình truyền thống, uống nước nhớ nguồn, trọng lão, trọng đạo đức lễ nghĩa, có tinh thần tương thân tương ái. Văn hóa dòng họ vẫn được duy trì, tuyên truyền giáo dục cho thế hệ con cháu, các dòng họ ở Mễ Trì vẫn tích cực duy trì xây dựng quỹ khuyến học, khuyến khích còn cháu trong dòng họ có kết quả học tập cao, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Theo đánh giá của người dân xã Mễ Trì hiện nay người dân ngày càng sẵn sàng tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, đặc biệt là trong những lúc khó khăn chiếm 69,7%. Sự tương trợ này thể hiện ở việc nhiều gia đình đóng góp ủng hộ các gia đình khác sống ở địa phương gặp hoàn cảnh khó khăn, hay trong những lúc ốm đau, bệnh tật. Nhiều gia đình khi có công to việc lớn như xây nhà, cưới xin thì bà con hàng xóm vẫn sang giúp đỡ như cho vay tiền không lãi, giúp một số ngày công sức, trông nom nguyên vật liệu… và có lẽ đây cũng là những nét đặc thù của văn hóa làng quê.
Các nhà xã hội học cho rằng, dưới ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một quá trình biến đổi những ưu thế của tính “cộng” sang ưu thế của tính “hiệp”. Ở đó, các quan hệ xã hội từ chỗ dựa trên cơ sở của sự hoà đồng, hoà hợp, hoà hoãn của các thành viên trong cộng đồng sang tinh thần hợp tác của các cá nhân là trục biến đổi cơ bản của các xã hội truyền thống sang xã hội công nghiệp hoá, đô thị hoá85. Điều này thể hiện trong việc người dân đã tích cực tham gia vào các nhóm hoạt động xã hội khác nhau trong cộng đồng. Khi xem xét mối quan hệ của người dân ở Mễ Trì, chúng tôi quan tâm đến tính tự chủ và độc lập của mỗi cá nhân; cách đối xử với mọi người thông qua việc dễ dàng chấp nhận những cách sống khác nhau; sự nhiệt tình của người dân khi tham gia các hoạt động xã hội của cộng đồng. Một số nghiên cứu cho thấy quá trình đô thị hoá được xem như cơ hội cho người dân mở rộng quan hệ của mình, đặc biệt là việc mở rộng các mối quan hệ của người phụ nữ. Điều này được thể hiện ở sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động công tác xã hội ngày một nhiều hơn. Trong nghiên cứu này cũng đã chỉ ra điều đó, có đến hơn 66% người được hỏi hoàn toàn đồng ý với ý kiến cho rằng, hiện nay phụ nữ tham gia nhiều vào công tác xã hội. Có thể thấy rằng, quá trình đô thị hoá cho phép hoạt động
85Tô Duy Hợp (chủ biên), Sự biến đổi của làng xã Việt Nam ngày nay ở đồng bằng sông Hồng, Trung tâm khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Xã hội học, NXB Khoa học xã hội. 2000, tr 113-114.
86
giao tiếp của người phụ nữ phong phú hơn. Nếu như trước đây hoạt động của phụ nữ ở nông thôn thường diễn ra trong các công việc đồng áng, bếp núc, nội trợ, thì ngày nay người phụ nữ đã chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động ngoài xã hội. Họ tham gia vào các hoạt động đoàn thể, nhóm tự quản ở khu phố, nhóm tình nguyện tham gia các tổ chức xã hội. Cũng trong nghiên cứu này, có hơn 64,3% số người được hỏi đồng ý rằng, trong xã hội hiện nay tính tự chủ của mỗi người trong gia đình được tăng lên. Phải chăng sự tác động của quá trình đô thị hoá đến đời xã hội đã tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được phát triển về tính tự chủ/độc lập hơn trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Theo Kohn (1987), khi xã hội chuyển từ nông nghiệp sang giai đoạn công nghiệp và thông tin thì các hoạt động cá nhân như tự chủ, sáng tạo được tăng lên86. Nếu theo cách hiểu này chúng ta có thể lý giải cho việc xuất hiện quá trình đô thị hoá tại Mễ Trì đã phần nào tác động đến tính độc lập và tự chủ của người dân trong cuộc sống hiện nay.
Sự xuất hiện của quá trình đô thị hoá tại xã Mễ Trì đã làm thay đổi lối sống của cư dân địa phương trước đây. Sự thay đổi đó thể hiện ở sự pha trộn lối sống nông thôn-đô thị do sự đa dạng về thành phần dân cư, trong đó chịu tác động mạnh của lối sống đô thị. Trước hết là những biến đổi ở những vùng trước đây là nông thôn, nay chúng lại nằm ngay trong chính khu vực đô thị. Những khu vực này có thể nhanh chóng trở thành khu đô thị nhờ sự đầu tư xây dựng những chức năng, khu văn hóa thể thao, khu thương mại hoặc thông qua những quyết định hành chính. Bên cạnh những lợi ích do quá trình đô thị hoá mang lại chúng ta cũng cần thừa nhận đã có nhiều vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình này. Chẳng hạn, sự chuyển biến quá đột ngột về hành chính làm cho một bộ phận dân cư chưa kịp chuẩn bị với những đòi hỏi của cuộc sống đô thị, dẫn đến những hẫng hụt, những trăn trở, vướng mắc. Nhịp sống, cơ cấu xã hội và các mối quan hệ xã hội ở nông thôn có thể thay đổi một cách cơ bản. Cùng với sự thay đổi các chuẩn mực văn hoá cộng đồng là sự thay đổi thái độ, hành vi và cách ứng xử của mỗi cư dân trong đời sống gia đình và xã hội.
Nói đến mối quan hệ của cá nhân người ta quan tâm đến việc cá nhân đó tham gia như thế nào vào các nhóm khác nhau trong xã hội. Để tìm hiểu quan hệ xã hội của người dân Mễ Trì, chúng tôi đã tìm hiểu mức độ tham gia vào các nhóm xã hội khác nhau của mỗi cá nhân trước và trong quá trình đô thị hoá. Các mối quan hệ này được thể hiện ở việc người dân tham gia vào các nhóm hoạt động trong xã hội ở Mễ Trì.
86 Dẫn theo Bùi Văn Tuấn, Đô thị hóa và những vấn đề xã hội vùng ven đô Hà Nội hiện nay, trường hợp nghiên cứu xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN Chủ trì. Hà Nội, 2010
87
Bảng 3.9: So sánh thực trạng tham gia vào các nhóm xã hội của người dân trước năm 2000 và hiện nay (%)
Các nhóm Trước 2000 Hiện nay
1. Hội nghề nghiệp, làm ăn buôn bán 5,2 6,8
2. Hội tín dụng 2,8 4,3
3. CLB văn nghệ quần chúng 1,9 2,9
4. Hội khuyến học 5,1 9,7
5. Ban quản lý di tích đình, chùa 7,7 25,7
6. Ban tự quản khu dân cư 17,0 38,3
7. Các tổ chức khác 1,3 2,3
Tỷ lệ số người tham gia các hoạt động cộng đồng 33,7 71,4
Nguồn: Số liệu điều tra tháng 12/2010 tại xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội
Có thể thấy hiện nay số người tham gia vào các nhóm hoạt động xã hội khác nhau ở Mễ Trì như ban tự quản khu dân cư, ban quản lý di tích, hội nghề nghiệp, hội tín dụng, hội khuyến học là khá lớn… chiếm 71,4% so với trước năm 2000 là 33,7%. Như vậy, quá trình đô thị hoá đã có ảnh hưởng đến mối quan hệ và sự tham gia vào các nhóm xã hội ở địa phương của người dân Mễ Trì. Sự tham gia ấy không chỉ dừng lại ở một nhóm sinh hoạt cộng đồng nhất định mà họ còn tích cực tham gia hoạt động vào nhiều nhóm khác nhau, tính đa dạng trong quan hệ xã hội đã được mở rộng và thay đổi, đa chiều và phức tạp hơn. Những thay đổi về mối quan hệ của người dân không chỉ được thể hiện về mặt số lượng (tham gia nhiều nhóm khác nhau) mà còn được thể hiện ở tính chất của các mối quan hệ, như: hội nghề nghiệp, CLB văn nghệ quần chúng, ban tự quản khu dân cư, ban quản lý di tích…. Như vậy quá trình đô thị hoá đã và đang từng bước tác động đến các mối quan hệ của người dân nơi đây, tuy nhiên các mối quan hệ của họ thường hướng đến các nhóm cùng sở thích, theo nhu cầu của từng đối tượng. Nổi bật trong các nhóm hoạt động xã hội có nhiều người tham gia có thể kể đến ban tự quản ở khu dân phố, ban quản lý di tích đình chùa lần lượt là 38,3% và 25,7% cao hơn gấp đôi, gấp ba so với những năm trước 2000 (17% và 7,7%).
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy được mặt trái của lối sống đô thị hoá đó là tình trạng trật tự, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xả rác bừa bãi, không tôn trọng luật lệ giao thông... là những cảnh tượng thường xuyên xảy ra. Ở một số khu dân cư các tệ nạn như: lô đề, cờ bạc, rượu chè, ma tuý, mại dâm... đã gây ra không ít thảm cảnh cho gia đình và xã hội. Do vậy, việc một bộ phận nhân dân Mễ Trì tích cực tham gia vào các nhóm xã hội ở các khu dân cư có thể cho thấy ý thức của họ trong việc bảo vệ an ninh trật tự ở khu phố, khu dân cư mình sinh sống, điều này phần nào giúp cho mối quan hệ của người dân trong cộng đồng được thắt chặt.
Đô thị hoá phần nào làm biến đổi các mối quan hệ xã hội của người dân xã Mễ Trì, chúng không còn đơn giản là các mối quan hệ họ hàng, làng xã mà là các quan hệ xã hội đa chiều, phức tạp do sự pha trộn nhiều tầng lớp dân cư và sự chuyển đổi các mô hình cư trú. Từ bảng số liệu trên chúng ta có thể nhận thấy số người được
88
hỏi tham gia vào nhóm công tác xã hội hiện nay là 71,4% cao hơn gấp đôi so với trước những năm 2000 khi có tác động của quá trình đô thị hoá. Nhìn chung, bên cạnh những nhược điểm do quá trình đô thị hoá mang đến như tình trạng mất đất tư liệu sản suất, thiếu việc làm, thất nghiệp… nhưng chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích do quá trình này đem lại cho mỗi cư dân. Quá trình đô thị hoá ở Mễ Trì không chỉ làm cho cho đời sống kinh tế của người dân được nâng cao mà còn làm thay đổi các mối quan hệ của họ theo chiều hướng tích cực.
Mối quan hệ của người dân còn được thể hiện ở mức độ giao tiếp của họ đối với hàng xóm láng giềng, qua kết quả khảo sát chúng tôi thấy mặc dù chịu nhiều sự tác động của quá trình đô thị hóa nhưng mối quan hệ láng giềng của người dân Mễ Trì vẫn còn phù hợp với câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần” của cha ông để lại. Mỗi khi có việc các gia đình cùng làng, cùng xóm, cùng khu dân cư thường giúp đỡ, hỗ trợ nhau làm cỗ bàn như tiệc đám cưới, tân gia một cách tự nhiên, hay hỗ trợ nhau về tài chính để có vốn làm ăn, kinh doanh buôn bán. Ở địa phương có nhiều hộ gia đình, có thể là anh em, họ hàng, hay là cùng làng xóm quen biết nhau tổ chức hùn vốn cho nhau để làm ăn, mở cửa hàng, cửa hiệu buôn bán nhỏ. Có nhiều hộ cùng nhau làm ăn buôn bán lớn như thành lập công ty, doanh nghiệp….87. Mặc dù nổi bật và dễ nhận thấy song đây cũng mới chỉ là một mặt của vấn đề, thực tế cuộc sống ở Mễ Trì hiện nay cũng không quá khó để chúng ta nhận ra một số những mâu thuẫn nảy sinh trong các mối quan hệ họ hàng, làng xóm thậm chí là cả anh em trong gia đình. Giá đất tăng cao đã làm cho nhiều gia đình, cá nhân vì đồng tiền mà quên hết tình nghĩa anh em, họ hàng, làng xóm. Họ lôi nhau ra tòa kiện tụng nhau từng phân, từng tấc đất làm bố con, anh em chia lìa nhau, gia đình tan nát, hàng xóm mâu thuẫn, chửi bới, đánh nhau, sát hại lẫn nhau…88. Những điều này tuy không lớn và chưa làm thay đổi nhiều đến những quan hệ xã hội của cộng đồng dân cư ở Mễ Trì, song không thể nói là nó không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Đánh giá về mức độ giao tiếp hàng ngày của người dân Mễ Trì, chúng tôi nhận thấy có hơn 20% người được hỏi hoàn toàn đồng ý rằng người dân hiện nay ít giao tiếp với hàng xóm láng giềng và hơn 41% người chưa có quan điểm rõ ràng về vấn đề này, có nghĩa họ nửa đồng ý nửa không đồng ý với quan điểm này. Phải chăng đô thị hoá đã làm giảm sút các mối quan hệ láng giềng mà trước đấy chúng ta vẫn nghĩ người dân ở đây vẫn “Tối lửa tắt đèn có nhau”. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, những nơi có mức độ đô thị hoá hơn thì ở đó việc đánh giá mức độ người dân ít giao tiếp với hàng xóm láng giềng cũng cao hơn (xem biểu đồ 3.16).
87 Phỏng vấn anh Nguyễn Văn Hùng, 45 tuổi, làm nghề cốm, thôn Mễ Trì Thượng, ngày 21 tháng 11 năm 2010.
89
Biểu đồ 3.16: Tương quan về mối quan hệ hàng xóm láng giềng (%)
Nguồn: Số liệu điều tra tháng 12/2010 tại xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội
Biểu đồ cho thấy có 21,2% người dân thôn Mễ Trì Hạ đồng ý rằng, hiện nay hàng xóm láng giềng ít nói chuyện giao tiếp với nhau, tiếp đến là thôn Mễ Trì Thượng và Phú Đô (19,5% và 18,5%). Trước đây ở Mễ Trì khi tốc độ đô thị hoá diễn ra chưa mạnh, rất dễ thấy những cảnh người dân qua lại nhà nhau chơi, chúc tết, rủ nhau đi xem hội làng hoặc vào các buổi trưa ra những rặng tre đầu làng hóng mát, chơi cờ, truyện trò rôm rã thì ngày nay không còn hoặc có thì rất ít. Phải chăng sự thay đổi này là do nhà cửa bây giờ được rào chắn kiên cố, kín cổng cao tường, nên mọi người cũng ngại sang nhà nhau chơi, một số gia đình chuyển sống trong các khu tái định cư do vậy họ không có điều kiện để giao tiếp với nhau. Hoặc do bận rộn với công việc, lo lắng chuyện mưu sinh, không còn nhiều thời gian rảnh rỗi để trò chuyện với hàng xóm láng giềng. Đô thị hoá cũng làm thay đổi cơ bản về các mối quan hệ của cư dân, trước đây các mối quan hệ thường được xây dựng trên cơ sở bàn bè thân thiết cùng làng xóm hay trong cùng dòng tộc thì ngày nay cái việc mà tình làng nghĩa xóm là xây dựng do nhu cầu công việc, hay tổ dân cư phát động gắn bó đoàn kết cộng đồng, điều này làm cho quan hệ xóm giềng bắt đầu xuất hiện dấu hiệu xa cách.
Nhìn chung, sau hơn 10 năm chịu sự tác động của quá trình đô thị hóa, Mễ Trì đã có nhiều biến đổi theo hướng tích cực. Đô thị hoá không chỉ làm cho đời sống kinh tế của người dân Mễ Trì được cải thiện, mà đời sống tinh thần của họ cũng ngày càng phong phú, mối quan hệ cộng đồng của người dân được mở rộng, trở nên đa