7. Cấu trúc của luận văn
3.2.2. Hoạt động giáo dục, y tế
Cùng với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ cơ bản trong đời sống vật chất của người dân, các cơ sở hạ tầng xã hội (giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, trung tâm thương mại) cũng được nâng cấp, mở rộng, phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng làm cho đời sống tinh thần của người dân xã Mễ Trì phong phú thêm, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của các tầng lớp dân cư.
3.2.2.1. Những biến đổi về giáo dục
Về cơ sở vật chất của các trường mầm non, tiểu học và trung học ở địa phương, trong những năm qua ở Mễ Trì đã thực hiện đề án xây dựng cơ sở vật chất trường học với sự đóng góp của nhân dân, đầu tư ngân sách của nhà nước và ngân sách của xã. Trường mầm non, được xây dựng và phát triển đều ở các thôn, riêng ở thôn Mễ Trì Hạ trường mầm non hiện đang được xây mới với 8 phòng học với diện tích 1000m2 đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em ở lứa tuổi này ở địa phương hiện nay. Ngoài hệ thống các trường mầm non chính quy, ở Mễ Trì hiện nay các trường mầm non tư thục cũng phát triển khá nhiều nhưng với quy mô nhỏ, hiện cả xã có 8 trường mầm non tư thục và các điểm giữ trẻ tư nhân. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi thì điều kiện dạy và học ở cấp học này cũng còn tồn tại không ít khó khăn do số lượng trẻ ở độ tuổi mầm non tại Mễ Trì là rất lớn.
Đối với hệ thống giáo dục tiểu học, Mễ Trì hiện có hai trường tiểu học A và B với 1458 học sinh, cơ sở vật chất của các trường tiểu học đều đạt tiêu chuẩn trường chuẩn Quốc gia, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt 100%.
Hệ thống giáo dục trung học cơ sở ở Mễ Trì có hai trường Phú Đô và Mễ Trì với gần 1000 học sinh, được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn trường chuẩn Quốc gia bao gồm khu hiệu bộ, các phòng chức năng, phòng thực hành, khu học tập, khu nhà xe, khu vui chơi giải trí, khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường…. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100% và tiếp trung học lên trung học phổ thông, bổ túc hoặc học nghề, không có học sinh bỏ học.
Ngoài việc tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho trường học, quỹ khuyến học, hội khuyến học của xã cũng được người dân chú trọng xây dựng, Hội khuyến học của xã trong những năm qua hoạt động rất tích cực và có hiệu quả, hàng năm thưởng cho học sinh giỏi các cấp và học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng với tổng số tiền từ 15 đến 20 triệu đồng. Trong 5 năm qua, ở Mễ Trì có trên 200 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.
79
Trình độ dân trí của người dân ở Mễ Trì cũng được nâng lên, tính năng động, sáng tạo của người lao động được khơi dậy. Trước đây, người dân rất ít quan tâm đến việc học hành của con cái nhưng hiện nay khi cuộc sống đã khá giả, thì học hành trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Những năm trước, người ta thường chỉ cho con học hết tiểu học, hay trung học cơ sở, sau đó phải ở nhà làm việc kiếm tiền, còn giờ đây họ sẵn sàng cho con tiếp tục học lên trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.
Qua kết quả khảo sát, hầu hết các bậc cha mẹ ở Mễ Trì đều muốn con cái học hết THPT, cố gắng thi vào cao đẳng, đại học. Theo thống kê hàng năm trong toàn xã có khoảng trên 100 học sinh tốt nghiệp THPT, trong số đó có khoảng 53% tiếp tục các bậc học từ trung học chuyên nghiệp đến cao đẳng, đại học, 31% không chấp nhận học nghề mà ôn tập để sang năm thi tiếp, còn lại 16% đi học nghề, hoạc tìm kiếm việc làm. Có thể nói, nhu cầu cho con em được học cao đã trở thành nhu cầu quan trọng trong mỗi gia đình ở Mễ Trì. Tuy nhiên có sự khác biệt nhất định về mong muốn học vấn cho con ở các nhóm mức sống. 100% các gia đình khá giả muốn con học đại học, trong khi đó gia đình có mức sống trung bình tỉ lệ này là 87,5%, và ở nhóm gia đình nghèo là 71,6%. Như vậy, có thể thấy mong muốn về học vấn của con em không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cha mẹ mà còn phần nào bị chi phối bởi điều kiện kinh tế, hoàn cảnh của gia đình. Nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến nhu cầu đi học của con cái, như nghề nghiệp, học vấn của cha mẹ. Bên cạnh đó cũng có sự phân biệt nhất định giữa con trai và con gái về vấn đề này ở một số đối tượng, đặc biệt là người nông dân. Đa số người nông dân ở Mễ Trì mong muốn con cái được đi học cao đẳng, đại học, nhưng có một bộ phận chỉ cần con tốt nghiệp THPT, nhất là con gái. Tâm lý tiểu nông vẫn phần nào tác động đến suy nghĩ, lối sống của họ. Con trai được coi trọng hơn, được kỳ vọng nhiều hơn. Trong khi ở nhóm buôn bán, kinh doanh, dịch vụ không có sự phân biệt con trai, con gái.
Bảng 3.8: Đánh giá về sự đầu tư cho học tập của con cái của người dân (%)
Mức độ Các ý kiến Đúng hoàn toàn Đúng một phần Không đúng Khó trả lời
Đầu tư cho con học tập 74,4 17,0 1,9 6,7
Xin cho con vào học trường tốt 55,9 25,2 8,9 9,9
Cho con đi học thêm dù tốn kém 45,6 34,8 8,5 11,3
Nguồn: Số liệu điều tra tháng 12/2010 tại xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội
Khảo sát về mức độ đầu tư cho học tập của con cái của các hộ gia đình cho thấy phần lớn các bậc cha mẹ đều quan tâm và đầu tư cho con cái học tập. Tuy nhiên việc đầu tư cho con ở điều kiện tốt nhất có thể có sự khác biệt giữa các nhóm mức sống. Nếu như ở nhóm kinh tế khá giả, có trên 89,6% người trả lời khẳng định đã đầu
80
tư cho con học thì ở nhóm kinh tế trung bình có tỉ lệ ít hơn 79,5%, và giảm đáng kể ở nhóm nghèo 64,3%. Điều này cho thấy dù cố gắng đến đâu, người nghèo cũng gặp nhiều khó khăn khi đầu tư cho con em mình ăn học.
Một điều cũng dễ nhận thấy là cha mẹ có học vấn càng cao thì tỉ lệ đầu tư cho con càng lớn. Có tới 79,8% người trả lời có học vấn cấp III trở lên cho rằng dù khó khăn về kinh tế cũng cố gắng đầu tư cho con cái học tập ở điều kiện tốt nhất có thể, trong khi ở nhóm học vấn cấp II là 71,3% và ở nhóm cấp I chỉ là 61,9%. Sự đầu tư cho con cái thể hiện ở nỗ lực của cha mẹ trong việc xin cho con cái của họ vào học ở các trường có chất lượng tốt ở địa phương, thậm chí xin sang các trường cùng trong thành phố dù việc đó là rất tốn kém. Ở Mễ Trì có khoảng 55,9% tỷ lệ số người được hỏi trong nghiên cứu cho rằng đã từng, hoặc có ý định xin cho con cái họnvào học ở các trường tốt. Tỉ lệ này cao nhất ở nhóm có mức sống khá giả 68,5% và giảm dần ở nhóm có mức sống trung bình 61,4% và nhóm nghèo là 38,6%. Sự đầu tư cho con còn thể hiện ở việc học thêm, khảo sát ở Mễ Trì cho thấy có 58,4% gia đình có con học tiểu học trả phí học thêm, tỉ lệ này ở cấp THCS là 81,5% và THPT là 82,7%.
Đánh giá về giáo dục, đa số người dân khi chúng tôi khảo sát cho rằng chất lượng giáo dục ở địa phương hiện nay đã được nâng cao, số lượng học sinh bỏ học giữa chừng hầu như không còn, trừ những trường hợp cá biệt. Đến nay trong toàn xã đã hoàn thành phổ cập chương trình tiểu học và trung học cơ sở, các cấp học được củng cố phát triển toàn diện, số học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 99%. Cán bộ, giáo viên các cấp đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chương trình cải cách giáo dục, đội ngũ giáo viên dần dần được chuẩn hoá, chất lượng giáo dục được nâng lên, số học sinh đạt loại giỏi các cấp hàng năm đều tăng.
3.2.2.2. Hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Xã Mễ Trì hiện có 1 trạm y tế được xây mới 2 tầng với 12 phòng trên diện tích 1.777 m2 được đưa vào sử dụng từ tháng 6 năm 2007 và được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế cấp xã cuối năm 2006. Ở các thôn đều có nhân viên y tế (4 người/thôn). Hàng tháng, ở các thôn trong toàn xã đều tổ chức tiêm chủng mở rộng cho các cháu trong độ tuổi tiêm chủng, 99,8% trẻ em được uống Vitamin A. Đặc biệt trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm mạnh, theo số liệu thống kê của trạm y tế xã chỉ còn dưới 10%. Hoạt động phòng chống dịch bệnh của y tế địa phương được duy trì thường xuyên, tỷ lệ người dân bị nhiểm các dịch bệnh giảm dần, người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ cao, chiếm 71%.
Hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở Mễ Trì phát triển ngày càng mạnh và đa dạng hóa để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của dân cư. Trong những năm qua Mễ Trì đã thực hiện tốt chương trình y tế, đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân nhất là công tác vệ sinh phòng dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm.
81
Về công tác DS&KHHGD đạt kết quả tích cực, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên hàng năm ở Mễ Trì đạt 1,7%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 7,43%. Trong những năm qua, nhiều phong trào vận động quần chúng xây dựng và hình thành mô hình gia đình mới, gia đình văn hoá, thưa con, ít con được thực hiện. Đối với công tác tuyên truyền vệ sinh, phòng chống dịch bệnh được chú trọng quan tâm trong điều kiện vấn đề môi trường ở địa phương, đặc biệt trong các làng nghề đang trở nên cấp bách. Ngày càng có nhiều dịch bệnh nguy hiểm đòi hỏi sự phòng tránh để đảm bảo sức khoẻ cho người dân nói chung và lao động làng nghề nói riêng. Vì thế, y tế thôn xã hàng năm được tăng cường, các biện pháp hướng dẫn nhân dân phòng tránh và chăm sóc sức khoẻ được y tế xã thực hiện. Năm 2010 y tế xã đã tổ chức phát hàng nghìn tờ rơi, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức tập huấn và khám sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt đối với hộ kinh doanh các mặt hàng ăn uống và nhân viên bếp ăn tập thể, các hộ sản xuất bún, cốm...tại địa phương.
Công tác y tế vệ sinh môi trường cũng thường xuyên được củng cố, hoạt động khám, chữa và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân được tổ chức thường xuyên như hoạt động “nâng cao chất lượng vệ sinh gia đình, phòng chống dịch chủ động”. Từng thôn đã tăng cường duy trì tổ thu gom rác,vệ sinh thôn xóm, quy hoạch nơi đổ rác thải và từng bước khắc phục và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy vậy, y tế thôn xã ở Mễ Trì cũng còn có một số hoạt động chưa được tổ chức thường xuyên như việc tuyên truyền trang bị kiến thức dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Hoạt động tuyên truyền vệ sinh, phòng dịch bệnh chưa thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia, đội ngũ cán bộ y tế thôn xã trình độ chuyên môn còn thấp và thiếu về số lượng. Theo đánh giá của người dân thì trang thiết bị y tế của địa phương hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Điều này đã làm tăng áp lực khám chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến trên, làm cho bệnh viện tuyến trên quá tải trong khi các trung tâm y tế ở địa phương lại không có người khám chữa bệnh, hoặc có nhưng không có đủ trình độ.
Để cải thiện chất lượng y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân hiện nay, theo đa số người dân cần đầu tư và trang bị đầy đủ các thiết bị y tế cho các trung tâm y tế xã, bên cạnh đó đội ngủ cán bộ y tế xã cần được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó cần phải kêu gọi mọi người dân thực hiện mua bảo hiểm y tế xã hội nhằm tăng nguồn ngân sách cho ngành y tế, khi ấy trang thiết bị được cải thiện, điều kiện khám chữa bệnh của người dân được tốt hơn, do đó chất lượng y tế thôn xã cũng vì thế mà tăng dần, đồng thời sẽ giảm tải được áp lực khám chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến trên.
82
3.2.3. Biến đổi văn hóa, lối sống của cư dân trong quá trình đô thi hóa
Đô thị hóa là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển và tất nhiên, gắn liền với quá trình đô thị hóa là sự ra đời của những yếu tố, những giá trị văn hóa mới giúp con người có khả năng làm chủ không gian sinh tồn mới. Cần khẳng định, việc phát triển toàn diện, bền vững nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH ở nước ta nói chung và Mễ Trì nói riêng có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình đô thị hóa và có sự giao thoa, tiếp biến văn hóa-văn minh giữa đô thị với nông thôn. Vì thế, trước xu hướng một số giá trị văn hóa, văn minh đô thị được phỏng chiếu với tần số cao, có sức hấp dẫn, có sự lan tỏa nhanh chóng,... thì đòi hỏi sự tiếp nhận cần hết sức thận trọng. Và để có được sự thận trọng đó, từ mỗi con người nói riêng đến văn hóa, văn minh làng xã nói chung cần được xây dựng một bản lĩnh, một nội lực mới.
Như trên đã nói, đô thị hóa hiểu theo nghĩa rộng nhất còn là sự thay đổi phương thức hay hình thức cư trú của con người. Có nghĩa là không chỉ thay đổi phương thức sản xuất, tiến hành các hoạt động kinh tế mà còn là sự thay đổi lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và cá nhân. Trong đó có các quan hệ xã hội, các mô hình hành vi và ứng xử tương ứng với điều kiện sống công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa.
Từ góc độ quản lý đô thị về văn hóa, vấn đề văn hóa lối sống người dân xã Mễ Trì dưới tác động của đô thị hóa đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm như: đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa người dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về văn hóa giữa vùng trung tâm đô thị với một xã vùng ven; vấn đề xây dựng thiết chế văn hóa thế nào cho phù hợp; vấn đề xây dựng lối sống thị dân, xây dựng nếp sống văn minh đô thị ... Trong những năm qua Mễ Trì rất quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, hầu hết người dân ở địa phương đều hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Việc hiếu hỉ cũng đi vào nề nếp, tránh các hủ tục tốn kém và lãng phí. Các gia đình bớt đi việc ăn uống linh đình, phô trương, hoạt động tang ma, cưới xin được tổ chức đơn giản, trang trọng theo nếp sống mới lịch sự, tiết kiệm. Song song với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, các thôn cũng rất chú trọng đầu tư vào những hoạt động văn hoá