giữa Phật giáo với tín ngƣỡng thờ cúng tổ tiên của ngƣời Việt
Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập và phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta đang phấn đấu phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài, chú trọng phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng nhân dân ngày càng được nâng cao, tín ngưỡng thờ cúng tôn giáo nói chung, thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Phật giáo nói riêng cũng có cơ sở tồn tại và phát triển mạnh mẽ, thể hiện đạo lý làm người, những giá trị đạo đức, nhân sinh của con người. Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã làm phong phú thêm cho nền văn hóa Việt Nam. Mối quan hệ tương hỗ ấy vô hình chung đã tạo nên sức mạnh hướng con người sống có đạo lý, biết yêu thương nhau. Giờ đây, với mỗi người Việt Nam, tình yêu thương đồng bào, đất nước đã trở thành máu thịt, được thể hiện qua câu ca dao tục ngữ:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt góp phần tạo điều kiện cho việc duy trì những không gian thiêng liêng, những môi trường văn hóa truyền thống từ trong gia đình, đến làng xã, xã hội, từ đình, đền, chùa. Việc thờ cúng tổ tiên, thờ Phật đều chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống đáng quý về đạo đức, về nhân cách của những con người lao động, tu tập quên mình, về công lao dẹp giặc, về nhân cách cao đẹp. Khi mỗi nén nhang thắp lên dù ở chùa hay tại ban thờ gia đình, từ đường dòng họ, đình làng và đền vua Hùng, cái trần tục được gác lại, sự thiêng liêng cao cả như dồn đến bao quanh, lòng người thành kính cầu mong sự an lạc, siêu thoát cho những người đã mất từ Phật, trời và cầu mong bình an cho cuộc sống nơi dương thế. Đó là động lực hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ, đó là giá trị tâm linh mà sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang lại, để mãi mãi, đời đời như một hằng số thiêng liêng bền vững cùng thời gian, cố kết văn hóa gia đình, làng xã, quốc gia Việt Nam từ bao đời nay. Ngày nay, tất cả các gia đình thờ cúng tổ tiên trong nhà, gia đình và đưa tổ tiên lên chùa cầu mát mẻ, siêu độ, hoặc rước phật về thờ trong gia đình cũng không ngoài ý nghĩa tâm linh đó.
Sự bổ trợ giữa giáo lý Tứ Ân của Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên góp phần làm cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hoàn thiện hơn và ngược lại Phật giáo được sâu sắc, dễ dàng hòa nhập hơn với văn hóa bản địa khi có triết lý tương đồng cùng hướng con người về lòng hiếu thảo, nhân nghĩa. Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, hay rộng hơn là hiếu thảo với đất nước. Hồ Chủ Tịch đã từng dạy rằng: “chữ hiếu với cha mẹ còn phải mở rộng ra hiếu với dân, trung với Đảng, trung với nước”[12;208].
Mặt khác, sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn góp phần củng cố và duy trì ý thức nhớ về cội nguồn, nhớ về ông bà, cha mẹ, tổ tiên - người đã sinh thành ra ta, nhớ về quê hương đất nước, nhớ về công lao của những người đã hy sinh, chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Bên cạnh mặt tích cực nêu trên, trong sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt còn chứa đựng những tồn tại như nghi lễ thờ cúng rườm rà, phô trương về tiền tài, danh vọng, địa vị…có cả yếu tố mê tín như tin tưởng “mù quáng”, đốt vàng mã, lễ bái cầu kỳ, đàn tế tốn kém, là cơ sở để những kẻ lợi dụng hành nghề “thầy cúng” chuộc lợi, làm biến dạng đi ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng như mục đích của sự dung hợp giữa Phật giáo với loại hình tín ngưỡng dân gian này. Chính vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp tích cực để phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đồng thời khắc phục những tồn tại đang hiện hữu. Chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, phải có nhận thức đúng đắn về sự dung hợp Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Mục đích của sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là tương hỗ lẫn nhau, bổ sung và hoàn thiện cho nhau trong ý nghĩa giáo dục, trong nghi lễ thờ cúng, cũng như trong thực hành tín ngưỡng. Đây là cơ sở để Phật giáo ngày càng trở nên gần gũi, gắn bó hơn với đời sống tâm linh của người Việt Nam, hội nhập tích cực với văn hóa Việt Nam, thích ứng với những thay đổi, biến động của văn hóa Việt Nam. Đồng thời, đối với thờ cúng tổ tiên, giáo lý về truyền thống đạo hiếu của Phật giáo là cơ sở bổ trợ cho ý nghĩa nhân văn cao đẹp của phong tục này, đồng thời làm phong phú hơn, đa dạng hơn về nghi lễ thờ cúng và thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Điều này đã góp phần tạo nên những nét đặc sắc, làm phong phú thêm cho nền văn hóa Việt Nam. Thờ cúng tổ tiên trong gia đình và ở chùa là nhu cầu tinh thần, là hoạt động văn hóa tâm linh của người Việt Nam cần được tôn trọng.
Thứ hai, định hướng đúng đắn mọi hoạt động thờ cúng tổ tiên trong chùa, gia đình, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong nghi lễ, phong tục như: đốt vàng mã, giấy tiền, gây ô nhiễm môi trường, tổ chức cúng bái rầm rộ gây tốn kém tiền của. Đốt vàng mã là tập tục rất phổ biến ở Việt Nam mà người Việt đã tiếp nhận từ Phật giáo Trung Quốc. Khi Phật giáo dung hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thì tập tục này được coi là một nghi thức không thể thiếu trong nghi lễ thờ cúng. Do một quan niệm tồn tại trong Phật giáo là: nếu ai ăn ở hiền lành, tu tâm dưỡng tính thì đời sau sẽ tái sinh trở lại làm người hạnh phúc, sung sướng giàu sang hoặc vãng sinh về thế giới cực lạc. Ngược lại, nếu ăn ở tệ bạc, sẽ chịu nhiều đau khổ. Người nhiều tội lỗi hay không có ai thờ cúng, cầu siêu thì ở nơi địa ngục bị oan ức, đói lạnh, không thể siêu thoát được hoặc đầu thai được... Bởi vậy, những người thân ở nơi dương thế phải thờ cúng, tụng kinh cầu siêu để người thân của mình dưới cõi âm bớt đi phần tội lỗi hoặc được những vật dụng, tiền bạc đã cúng và đốt đó. Trong các đồ mã và giấy tiền vàng bạc để cúng thường có hình ảnh (Phật Di Lặc hay Bồ Tát Quan Âm) hoặc chữ nghĩa (chú vãng sinh, chữ triện) có yếu tố của Phật giáo với ý đồ mong sự cứu độ của chư Phật đối với người đã khuất. Chính vì vậy, ngày nay, không ít các đàn tế, lễ, cúng bái đã chi phí rất tốn kém cho việc sắm vàng mã, số tiền có thể lên tới hành chục triệu đồng để đốt cho ông bà, tổ tiên, người đã khuất… điều này không chỉ gây lãng phí cho kinh tế xã hội mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh việc đốt vàng mã, trong xã hội hiện nay việc tổ chức cúng bái rầm rộ đã hình thành nên đội ngũ “hành nghề thầy cúng” không vì mục đích tâm linh, văn hóa mà vì mục đích thương mại, kiếm tiền, chuộc lợi, tranh thủ niềm tin mù quáng của một nhóm người mê tín trong xã hội. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn gây tốn kém tiền của và phản giá trị văn hóa tâm linh, mất đi tính thiêng của nghi lễ. Vì vậy, hiện tượng này cần phải phê phán, ngăn chặn.
Thứ ba, mọi hoạt động thờ cúng tổ tiên trong chùa và trong gia đình cần phải xuất phát từ tinh thần tự giác của người dân. Tôn trọng và gắn bó lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng xã hội.
Trong xã hội ngày nay, sự phát triển “nóng” của nền kinh tế thị trường dẫn đến không ít người đã những rủi ro trong cuộc sống. Đây là nguyên nhân khiến họ tìm đến các thầy cúng, thầy bói và mù quáng tin theo lời các thầy, cho rằng tổ tiên của mình chưa được siêu thoát, tổ tiên trừng phạt….do đó cần phải nhờ thầy cúng bái, tế lễ… Chính vì vậy, hoạt động thờ cúng được diễn ra dưới nhiều hình thức, phong phú và đa dạng; một số người đã tổ chức thờ cúng tại gia, số khác nhờ các thầy cúng đến chùa lễ bái…diễn ra tràn lan, bát nháo, tự phát không tuân theo một tuần tự thời gian, lễ tiết nào. Đây cũng là điều khó khăn cho công tác hoạt động quản lý của các chùa.
Từ đây đặt ra cho công tác quản lý các chùa. Nên có sự phối hợp giữa công tác quản lý tôn giáo của các ban ngành các cấp với các nhà chùa, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân tự giác và chủ động trong hoạt động thờ cúng tại chùa và tại nhà. Đảm bảo mọi hoạt động thờ cúng mang ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa văn hóa chứ không phải là hoạt động “buôn thần, bán thánh”, thương mại hóa các dịch vụ thờ cúng, thờ cúng dưới mọi hình thức.
Thứ tư, cần có sự quản lý bằng pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động thờ cúng tổ tiên trong chùa và trong gia đình. Kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi lợi dụng hoạt động thờ cúng tổ tiên để “buôn thần, bán thánh”, thương mại hóa các hoạt động, dịch vụ thờ cúng, làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, trong công tác quản lý của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động thờ cúng tổ tiên trong gia đình và trong chùa vẫn chưa được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật cụ thể. Vì vậy, mọi
hoạt động thờ cúng diễn ra rất tự phát, khó kiểm soát. Đây là cơ sở để cho những kẻ lợi dụng hoạt động thờ cúng tổ tiên chuộc lợi, tổ chức các dịch vụ thờ cúng thuê, biến tướng, đa dạng, rất khó kiểm soát, và quan trọng hơn, làm mất đi bản sắc, ý nghĩa trong sáng của công việc này. Dịch vụ làm cỗ cúng là ví dụ:
Nếu như trong văn hóa truyền thống xưa, thờ cúng tổ tiên là dịp để con cháu quây quần đoàn tụ nhớ về tổ tiên, ông bà, niềm vui của con cháu là được cùng nhau trò chuyện, cùng nhau làm cỗ cúng gia tiên để thể hiện lòng hiếu thảo, thì ngày nay, có không ít gia đình đã bỏ thủ tục làm cỗ cúng. Họ cho rằng chỉ cần một cuộc điện thoại là cỗ bàn được mang đến tận nhà. Hoặc, chỉ làm một mâm cỗ để thắp hương gia tiên trong ngày giỗ kỵ còn đến giờ ăn, bố mẹ, con cái ra nhà hàng… điều này, vô hình chung đã làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Thứ năm, xây dựng một môi trường xã hội, môi trường văn hóa lành mạnh. Đảm bảo cho mọi hoạt động thờ cúng tổ tiên diễn ra trong chùa, trong quần chúng nhân dân thể hiện được lòng tôn kính và lưu giữ được truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn. Hoạt động thờ cúng tổ tiên trong các chùa và trong các gia đình phải đảm bảo diễn ra mang ý nghĩa một hoạt động văn hóa tâm linh.
Hoạt động thờ cúng tổ tiên là một hoạt động có ý nghĩa thiêng liêng khơi dậy lòng hiếu thảo với bố mẹ, tổ tiên, ông bà, sự hòa thuận với anh em trong gia đình và trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng huyết tộc, cộng đồng làng xóm và xã hội. Trong những dịp giỗ tết, chạp họ, ma chay…anh em, con cháu, xóm làng quây quần bên nhau, hàn huyên, giãi bày tâm sự nhằm giải tỏa những vướng mắc, thậm chí mâu thuẫn trong quan hệ thân tộc đời thường. Trong tín ngưỡng này, chữ hiếu không chỉ dừng lại ở ý thức giáo dục đạo đức mà dẫn đã trở thành những nghi thức, tập quán, tập
tục, khuôn mẫu thường xuyên nhắc nhở con cháu có trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai, với anh em, chòm xóm và xã hội…Thờ cúng tổ tiên đáp ứng nhu cầu tâm linh dân dã mà sâu sắc, linh động mà quy củ, đơn giản mà bền vững. Chính vì vậy, khi dung hợp với Phật giáo đã nhanh chóng có sự hòa quện thành một chỉnh thể “hai trong một”. Đối với mỗi gia đình người Việt, việc thờ Phật như là người dẫn đường, cứu độ cho tổ tiên siêu thoát khỏi kiếp luân hồi trầm luân, khỏi biển khổ địa ngục đọa đày. Chính vì vậy, cần phải xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, bài trừ mọi hủ tục lễ nghi trong thờ cúng tổ tiên và Phật giáo.
Tiểu kết chương 2: Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt được thể hiện trên bình diện văn hóa tín ngưỡng mà cụ thể là thực hành tín ngưỡng và nghi lễ thờ cúng; trong cách thức bài trí ngôi chùa, và bài trí hệ thống thờ tự phong phú và đa dạng. Trong thực hành tín ngưỡng đó là sự kết hợp của những hành vi tôn giáo của người tín đồ thể hiện giáo lý, giáo luật của đạo Phật với những hành vi thờ cúng tổ tiên trong đời sống tâm linh của người Việt. Còn trong nghi lễ thờ cúng là sự hòa quyện giữa nghi lễ thờ cúng của Phật giáo với nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Việt từ nhân lễ, vật lễ và nhạc lễ. Trong cách thức bài trí ngôi chùa chính là sự dung hợp trong kiến trúc chùa với kiến trúc từ đường, dòng họ, đình làng và đền Hùng…. Cuối cùng là biểu hiện trong cách thức bài trí thờ tự được thể hiện trong sự dụng hợp của hệ thống Phật điện, nhà tổ, nhà vong với hệ thống bày trí trên ban thờ gia tiên, từ đường, dòng họ và đền Hùng…. Tất cả những điều đó tạo nên sắc thái đa dạng cho tôn giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói riêng.
Sự dung hợp giữa Phật giáo đối với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là nền tảng tâm linh của dân tộc Việt Nam suốt bao đời nay, góp phần hoàn thiện một truyền thống tốt đẹp thể hiện tinh thần báo hiếu, tri ân, tiếp nối
của các thế hệ đi sau đối với thế hệ trước. Đây còn là một phương thức giáo dục con cái về công đức Tổ tiên, dòng họ, cha ông, là sợi dây tâm linh vô hình gắn kết các thế hệ, đoàn kết người dân Việt con Lạc cháu Hồng chung cội nguồn.
KẾT LUẬN
Người Việt vốn có một thái độ bao dung cởi mở về văn hóa và tín ngưỡng, ít có những thành kiến tôn giáo, sẵn sàng chọn lọc trong những nền văn hóa bên ngoài những yếu tố phù hợp để làm phong phú thêm nền văn hóa độc đáo của họ. Trên thực tế, người Việt đã chấp nhận những tín ngưỡng khác nhau từ bên ngoài và dung hoà chúng với tín ngưỡng truyền thống của mình, mà Phật giáo là một ví dụ.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu Công nguyên, đã được Việt hóa và có sức sống vô cùng mạnh mẽ trong đời sống tinh thần nhân dân. Phật giáo đã góp phần củng cố ý thức độc lập tự chủ của dân tộc qua nhiều thời kỳ lịch sử ở nước ta, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc.