Nghi lễ thờ cúng là hành vi hoặc hệ thống hành vi của cá nhân hoặc tập thể, tuân theo một quy tắc nhất định, lặp đi lặp lại, nhằm đạt tới một mục đích tín ngưỡng tôn thờ một thế lực siêu nhiên nào đó. Nghi lễ thờ cúng thường được thể chế hóa (có thể thành văn bản, có thể không). Nghi lễ thờ cúng tôn giáo thường sử dụng các hình thức văn hóa nghệ thuật như múa, hát, sắc phục…làm tăng thêm tính huyền bí và cung kính.
Nghi lễ thờ cúng trong các chùa Việt Nam hiện nay rất phong phú và da dạng, được thể hiện qua một số ngày lễ chính như: Lễ Phật Đản, Lễ Phật thành đạo, lễ Vu Lan…
Hàng năm, cũng như nhiều chùa trong cả nước, Chùa Pháp Vân, Tảo Sách và Bồ Đề đều tổ chức lễ Phật Đản, lễ Phật thành đạo, lễ Vu Lan…. Lễ Vu Lan là một ví dụ:
Lễ Vu Lan vừa là một nghi lễ truyền thống của Phật giáo nhưng cũng vừa là nghi lễ thể hiện điểm tương đồng giữa giáo lý của Phật giáo với ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Chính vì vậy, sự dung hợp giữa Phật giáo đối với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong nghi lễ này được thể hiện rất đặc sắc.
Vu Lan là nghi lễ được diễn ra vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch. Đây là nghi lễ cúng cô hồn và phổ độ chúng sinh. Người ta dâng các phẩm vật
để cúng chư Tăng với mục đích cầu xin cho vong hồn người thân, tổ tiên của mình được thoát khỏi nơi địa ngục.
Theo quan niệm, Đức Phật có thể chỉ bày cách thoát khỏi địa ngục, nhưng muốn thoát khỏi địa ngục cần phải theo đúng lời Phật dạy, nghĩa là chính vong nhân của tổ tiên, những người đã khuất phải tự chuyển nghiệp lấy cho mình để tìm thấy con đường thoát khỏi địa ngục.
Lễ Vu Lan đòi hỏi hằng tâm ở nơi tín chủ, lễ vật để dâng cúng chư Tăng, chứ không phải dâng cúng Phật. Theo giáo lý Phật giáo, chư Tăng bao gồm: Thánh Tăng, Hiền Tăng và Phàm Tăng.
Thánh Tăng, là các vị Bồ Tát, đệ tử của Phật, nguyện ở lại trong đời hóa độ chúng sinh. Hiền Tăng, là các vị đã tu qua nhiều kiếp và đã luôn luôn trau dồi đức hạnh qua các kiếp. Phàm Tăng, là các vị sư thụ giới tỳ khiêu để trau dồi đức hạnh, tu theo đúng lời Phật dạy.
Kinh “Vu Lan Báo Ân” có dạy:
“Ai muốn thực hành, Cái đức từ hiếu, Thì trước nên vì,
Cha mẹ bảy đời Trong thì quá khứ, Đến rằm tháng Bảy Ngày Phật hoan hỷ, Ngày Tăng tự tứ Đặt để trai soạn Đủ các mùi vị Vào bồn Vu Lan, Hiến cúng mười phương
Tăng chúng tự tứ, Cầu nguyện cha mẹ
Đang còn hiện tại Sống lâu trăm tuổi, Không bệnh không khổ,
Cha mẹ bảy đời Trong thì quá khứ Thoát khỏi ngạ quỷ, Sinh trong nhân loại,
Hay trên chư Thiên Phước lạc vô cùng”[42;24-25].
Về phía người dân, đức tin rất cần thiết để cầu xin cho linh hồn ông bà, cha mẹ, tổ tiên của mình được siêu thăng nhờ pháp môn Vu Lan. Người dân phải tin ở Pháp Phật, tin ở nhân quả, thiện - ác, tin ở giáo lý nhà Phật.
Lễ Vu Lan ở nước ta ngoài ý nghĩa dùng từ bi làm một phương tiện phá ngục, còn gọi là Tết Trung Nguyên. Đây là ngày Tết theo truyền thống của tín ngưỡng dân gian, gắn liền với tập tục thờ cúng tổ tiên.
Trong Việt Nam phong tục Phan Kế Bính có viết: “Rằm tháng Bảy gọi là Tết Trung Nguyên. Ta tin theo sách Phật, thường cho hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha tội một ngày hôm ấy. Bởi vậy, nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mới mất, cũng hay đốt mã làm chay về hôm ấy”[3;59]. Như vậy, ngày rằm tháng Bảy không phải chỉ là ngày lễ của Phật giáo mà trước khi Phật giáo du nhập, trong tín ngưỡng của người Việt đã có tín ngưỡng ngày này rồi. Nhưng khi đạo Phật truyền vào thì nó được dung hợp cùng với Phật giáo và nâng tín ngưỡng lên một mức độ cao hơn, nên ngày lễ này ngày nay được cả nhà chùa và dân chúng rất coi trọng.
Phần lớn trong các gia đình người Việt, vào ngày Lễ Vu Lan đã diễn ra những nghi lễ cúng bái để dâng lễ chư Phật, chư Bồ Tát, cầu nguyện giải thoát cho vong linh tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vì họ coi đây chính là ngày xá tội vong nhân.
Triết lý nghiệp quả của Phật giáo cho rằng, có sự chi phối của “Nghiệp”, con người làm gì cũng phải lường trước hậu quả của nó. Người Việt Nam nói chung và người Việt nói riêng, chịu nhiều ảnh hưởng của triết lý này. Ngay từ nhỏ trong gia đình người ta đã rèn luyện cho con em mình những phẩm chất của người Phật tử: quý mến cha mẹ, thuận thảo với anh chị em, thương người và quý trọng loài vật. Phải tôn kính sự sống, giữ cho lời nói và việc làm trong sạch, có ý nghĩa, có nếp sống đạo đức ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, sống để phúc đức cho con cháu về sau. Triết lý về Nghiệp của Phật giáo như thế đã góp phần định hướng và làm nên nhân cách của con người Việt Nam.
Các ngày lễ Phật được tổ chức trong chùa hay cúng tế các lễ lớn tại gia tiên của người Việt đều có những nghi thức tiến dâng, đi đứng theo nhịp điệu, nâng thành nghệ thuật múa trang trọng.
Nếu như trong lễ Phật người ta chỉ dâng cúng với nghi thức lục cúng: hương, hoa, đăng (đèn nến), trà (nước chè), quả thực (xôi, oản). Các thứ này hoàn toàn chay. Còn trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên, ngoại trừ những ngày chay tịnh theo Phật giáo, thì ngày giỗ kỵ tổ tiên, người ta làm cả cỗ chay lẫn mặn để cúng lễ. Đây cũng chính là ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cũng tổ tiên của người Việt vào Phật giáo.
Khi tiến hành nghi lễ thờ cúng dù cúng Phật hay Tổ tiên, người ta thường thắp hương, có thể một ban thờ chung một bát nhang nhưng cũng có thể có nhiều bát nhang. Theo lễ nghi thờ cúng, khi thắp nhang chỉ thắp theo số lẻ, có thể là 1, 3, 5, 7… vì số lẻ thuộc dương. Theo luật “cơ ngẫu”
của dịch lý thì số lẻ dương tượng trưng cho phần vô hình, cho trời, cho sự trong sạch, cho sự mở của vạn vật… Nói là số lẻ nhưng thường thì mỗi bát nhang chỉ thắp ba nén. Sở dĩ người Việt thắp ba nén vì theo quan niệm xưa, khi thắp nhang lên trời thì Trời - Đất - Người đều có sự cảm ứng, linh thông. Cũng theo triết lý của người phương Đông thì đó là nguyên lý phổ quát vũ trụ, vạn vật tương ứng, tương cảm là: Thiên - Địa - Nhân. Vậy nên, ba nén là tượng trưng cho ba ngôi: Trời - Đất - Người. Còn trong Phật giáo, khi thắp hương lễ Phật, người Việt quan niệm thắp ba nén tượng trưng cho Phật - Pháp - Tăng.
Ngoài lễ vật, một vấn đề khác rất quan trọng đối với nghi lễ tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong những ngày lễ trọng đại là lễ nhạc và các thầy cúng.
Các nhạc cụ trong nghi lễ (gọi chung là “Pháp bảo”), được điều
khiển bởi Pháp chủ - thường là trụ trì ngôi chùa, nơi tổ chức đàn cúng,
hoặc là vị sư có vị trí chính trong nghi lễ, được sử dụng với tư cách như là phương tiện kết nối giữa người hành lễ với thần linh, đức Phật. Trong phần nhạc, người ta thấy nhiều yếu tố chịu ảnh hưởng nhạc lễ cổ truyền của người Việt. Ví dụ, lễ nhạc được chia làm hai phần là thanh nhạc và các nhịp trống. Thanh nhạc gồm các câu Tán, Tụng, Than, Thỉnh; ngoài ra còn có các câu “đọc” như câu Kệ ( phần mở đầu trong tụng kinh và tán mỗi loại canh; đọc theo cặp mỗi câu bảy chữ), đọc câu Thiết dĩ (thường đọc ở phần mở đầu của một số khoa cúng), và đọc câu Phát hoả (ba đường phát hỏa là thiên hỏa, địa hỏa và tam nội chân hỏa - dùng khi dâng sớ). Trống có các nhịp trống Phát lôi, trống Thượng đường, trống Dẫn lục cúng và trống Xai (ít dùng). Trong hai thành phần chính để cấu thành lễ nhạc, hầu hết các nhạc cụ có chức năng cụ thể, không chỉ thực hiện việc hỗ trợ, làm tăng hiệu quả âm thanh mà còn tham gia điều khiển các nghi thức trong quá trình lễ.
Tại Hà Nội, các lễ nhạc được chia theo hai nhóm là các nhạc cụ bắt buộc và các nhạc cụ được biên chế bổ sung, tức không bắt buộc. Sự khác nhau này chỉ xảy ra ở các nhạc cụ bổ sung, giữa các đội cúng, các địa điểm và vùng khác nhau, trong đó có các ngôi chùa thường xuyên tổ chức đàn lễ cúng ở Hà Nội; còn các lễ nhạc cố định được thống nhất trong các đội cúng. Theo đó, các nhạc cụ được biên chế cố định gồm Chuông, Mõ, Thanh la, Não bạt, Tiu - cảnh và hai loại trống là trống Cái và trống Bản. Các nhạc cụ này đôi khi được biên chế theo nhóm, theo khoa cúng, nhưng phần nhiều được sử dụng như một dàn nhạc và hoà tấu trong các không gian hành lễ. Các nhạc cụ bổ sung chủ yếu thuộc về họ dây và hơi, gồm Kèn, Nhị và đàn Nguyệt, có đội cúng thêm cả trống Cơm, trống Dẫn.
Tại một số nơi như huyện Gia Lâm, quận Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ…, cụ thể ở các chùa Đống Lim (Gia Lâm), chùa Bồ Đề (Long Biên), Pháp Vân (Hoàng Mai), chùa Tảo Sách (Tây Hồ), các lễ đàn cúng lớn thường có sự tham gia của Kèn, Nhị và đàn Nguyệt. Tuy nhiên, không phải tất cả các nghi lễ được tổ chức tại các ngôi chùa này, những nhạc cụ biên chế bổ sung đều như vậy, mà còn tuỳ thuộc vào các đội cúng được mời tới giúp nhà chùa hành lễ.
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được thể hiện qua các đội cúng hiện nay ở trong chùa như: các nghi lễ cầu cúng không chỉ được tiến hành bởi những đội cúng sở tại hoạt động chuyên nghiệp, mà còn xuất hiện một số đội cúng hoặc có sự tham gia của một số thầy cúng tới từ các tỉnh và địa phương khác. Ngược lại, do xu thế phát triển chung của đời sống văn hóa tâm linh, đã có sự kết hợp trong tổ chức nghi lễ ở các địa phương khác nhau, các đội cúng của khu vực Hà Nội nói chung cũng đã tham gia lễ cầu cúng tại nhiều tỉnh thành khác. Trường hợp này thường xảy ra trong các đàn lễ lớn kéo dài nhiều ngày, số lượng những
người hành lễ, các thầy cúng không đủ, hoặc có thể do vào đúng ngày lễ đó, một số thành viên vì những lý do khác nhau nên không tham gia được. Có trường hợp, do nghi lễ được tổ chức với quy mô lớn, diễn ra trong một không gian rộng, để tạo không khí trang nghiêm và hoành tráng, một số chùa thường đứng ra tổ chức lễ đàn lễ cúng và mời thêm các thầy cúng khác ở các địa phương hay đội cúng ở các chùa khác. Như vậy, sự phân chia giữa nhạc cụ bắt buộc và biên chế bổ xung nêu trên, chỉ mang tính chất tương đối, vì trên thực tế, có những trường hợp các thầy cúng của đội này được mời sang cúng giúp cho đội kia, và như vậy sẽ có sự bổ sung biên chế cho các nhạc cụ khác nhau.
Hiện nay, có trường hợp một nhà chùa, hoặc một thầy cúng đứng ra nhận “đăng cai” tổ chức một nghi lễ cho gia chủ nào đó, và họ có quyền mời đội cúng, hoặc cá nhân trong ở một địa phương khác tới tham gia. Và như vậy, ranh giới phân chia theo phong cách đội cúng, hay vùng hoặc địa điểm bị xoá nhòa. Như vậy, việc tổ chức và biên chế lễ nhạc trong nghi lễ của các đàn lễ cúng, nhất là những nhạc cụ được bổ sung luôn ở trạng thái động, có thể được bổ sung và luân phiên biên chế giữa các đội trong quá trình tổ chức một đàn lễ, tại một địa điểm hay các nhóm khác nhau. Theo đó, tuỳ thuộc vào điều kiện hay thói quen sử dụng của nhà chùa, mỗi đội lễ có thể đưa ra quy định trong việc sử dụng các lễ nhạc trong nghi lễ của mình cho phù hợp với điều kiện, quy mô và không gian của đàn lễ.
Những trình bày trên đây cho thấy sự kết hợp, dung hòa giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đội ngũ các thầy cúng chuyên nghiệp, chuyên chăm lo việc cúng tế trong các lễ nghi thờ cúng của người Việt, đã kết hợp với các nhà sư, cùng tham gia những nghi lễ thờ cúng chung trong một sự kiện trọng đại của đất nước do các nhà sư của một số chùa tổ chức, hoặc cùng chăm lo việc thực hành nghi lễ thờ cúng trong tín ngưỡng Phật
giáo. Chính điều này, đã tạo không gian thiêng liêng, trang trọng và làm giàu thêm sắc thái văn hóa cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng thờ cúng trong đạo Phật.
Mặt khác, cũng theo phong tục tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, hàng năm vào rằm tháng bảy, tiết Vu Lan, người dân thường sắm lễ vật đến Chùa để cầu siêu cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên, những người đã khuất, thậm chí cho cả chúng sinh, cô hồn…Đây cũng là dịp để người ta báo hiếu cha mẹ, báo hiếu công ơn sinh thành của tổ tiên (còn gọi là Tứ Ân):
Tứ Ân có nghĩa là đền đáp bốn ân nghĩa lớn: trọng chữ hiếu, giữ trọng đạo thờ cúng ông bà, tổ tiên, đền đáp công dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên; nhớ ơn những người thầy đã dạy dỗ mình nên người; nhớ ơn những người đã hy sinh vì đất nước, người có công với dân, với nước; nhớ ơn tất thảy mọi người chung quanh.
Qua đó cho thấy, mặc dù Phật giáo không hề quy định việc thờ cúng tổ tiên, nhưng thông qua việc thờ Phật, niệm kinh, mỗi tín đồ phải luôn tưởng nhớ đến người sinh thành, nuôi dưỡng mình. Điều này luôn phù hợp với thuần phong mỹ tục và trùng khớp với tư tưởng cao đẹp trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Như vậy, thờ cúng tổ tiên của người Việt đã ít nhiều tác động đến ngày lễ này trong Phật giáo.
Kinh Vu Lan Báo Ân có viết:
“Muốn báo ơn Phật Thì hãy chân thành Báo hiếu cha mẹ Báo ơn chúng sinh”[42;80].
Không chỉ đối với những ngày lễ quan trọng, trong cuộc sống thường ngày, các phật tử còn rất chăm lo việc thực hiện các nghi lễ của đạo mình. Họ thường lên Chùa vào các ngày chủ nhật hàng tuần, ngày
30, mồng 1, 14, 15 hàng tháng với mục đích là thiền định, giữ giới và thực hành thập thiện. Việc phật tử chăm lên chùa và chăm lo thực hiện các nghi lễ của đạo Phật, không chỉ vì từ bi, hỷ xả, bố thí của Phật giáo rất phù hợp với tâm nguyện của quần chúng nhân dân là ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, mà còn vì tín, hạnh, nguyện của Phật giáo cũng đáp ứng được sự nguyện cầu của họ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ được siêu thoát ở thế giới bên kia, cho bản thân và thân nhân của họ khỏi ốm đau, bệnh tật. Trong các ngày giỗ, ngày Rằm, các thành viên trong gia đình thường tụ tập, sum họp lại với nhau để ôn lại những kỷ niệm và công đức của người thân quá cố, đồng thời đó cũng là điều kiện để tha thứ cho nhau những lỗi lầm, để đoàn kết hơn và hoàn thiện hơn. Vì thế, người Việt dù có đi đâu xa nhưng đến những ngày này vẫn tụ tập lại với nhau, nếu không phải là hàng năm thì chí ít ba năm một lần. Trong những ngày kỵ, giỗ của ông bà, tổ tiên người ta thường bắt gặp nghi thức cúng “thí thực khoa nghi” của Phật giáo được dân gian áp dụng giản lược thành nghi thức cúng thờ thực cho thập loại cô hồn.
Một số người dân còn ăn chay trong những ngày 14, 15, 30 và