6. Bố cục của Luận văn
2.2.2. Hợp tác chống khủng bố
Sự hoạt động mạnh mẽ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, mà đỉnh điểm là sự kiện ngày 11/9 xảy ra trên nước Mỹ. Cuộc tấn công đã nhằm thẳng vào hai biểu tượng của Mỹ đó là Trung tâm Thương mại ở New York và Lầu Năm góc ở Washington, làm sập toàn bộ Trung tâm Thương mại và một phần Lầu Năm góc, làm chết khoảng 5000 người và hơn 10.000 bị thương. Sự kiện này đã gây chấn động cả nước Mỹ và toàn thế giới. Vụ khủng bố ngày 11/9 làm bầu không khí chiển tranh trả đũa bao trùm toàn nước Mỹ. Ngày 14/9, Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua ngân sách bổ sung 40 tỷ USD và ra nghị quyết cho phép tổng thống Mỹ ―được quyền sử dụng mọi lực lượng cần thiết và thích hợp để chống lại những nước, những tổ chức đã giúp đỡ các tổ chức khủng bố ngày 11/9, kể cả những ai đã chứa chấp những tổ chức và cá nhân khủng bố này”. Sau sự kiện này, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp. Tổng thống Bush tuyên bố nước Mỹ ở trong ―tình trạnh chiến tranh‖ và tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố quốc tế, xem đó là ―cuộc chiến lâu dài‖, bao gồm nhiều cuộc tiến công mạnh mẽ và các hoạt động bí mật. Ông cũng cho đây là cuộc chiến tranh kiểu mới, khác với bất kỳ một cuộc chiến tranh
nào trước đây và tất cả các nước phải quyết định ―hoặc các vị đứng về phía chúng tôi hoặc các vị đứng về phía khủng bố‖ [22;34].
Chủ nghĩa khủng bố đã và đang hoạt động ở nhiều nơi, từ các nước Arab, các nước Hồi giáo như Afghanistan, Iraq, tới các nước ở cả châu Âu, châu Á. Vì vậy, cuộc chiến chống khủng bố đã trở thành điểm ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Về phía Nga, Nga kiên quyết ủng hộ Mỹ thành lập liên minh chống khủng bố quốc tế, bất chấp mọi rắc rối từng có với Washington từ trước tới thời điểm đó.
Quan hệ đối tác Nga - Mỹ được đưa ra sau cuộc hội đàm đầu tiên giữa Tổng thống Bush và Tổng thống Putin năm 2001. Ngay sau vụ khủng bố ngày 11/9, Tổng thống Nga Putin là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên gọi điện cho Tổng thống Mỹ Bush. Ông Bush cũng nhiều lần cho rằng đây chính là sự an ủi và khích lệ lớn nhất. Nga cũng nhanh chóng thông báo về kế hoạch cung cấp thông tin tình báo nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Tổng thống Putin đã bật đèn xanh cho phép quân đội Mỹ tiến vào khu vực Trung Á. Điều này chưa từng có trong quan hệ Nga - Mỹ. (Vào thời điểm năm 1998, khi Mỹ có ý định tiêu diệt Bin Laden, Nga phản đối việc Mỹ sử dụng không phận các quốc gia Trung Á thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG)). Đáp lại sự ủng hộ của Nga với Mỹ, Washington đã thay đổi hẳn thái độ với vấn đề Chechnya, thừa nhận chiến dịch quân sự của Nga ở Chechnya là chống khủng bố chứ không phải là vi phạm nhân quyền. Điều này lâu nay vẫn là cái cớ để phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của Nga.
Mục tiêu chung – tiêu diệt những tên khủng bố và những kẻ giấu chúng – đã tạo nên những hình thức hợp tác chính trị và quân sự chưa từng có, bao gồm việc trao đổi những thông tin tình báo giữa Moscow và Washington. Tính chất lâu dài của nguy cơ khủng bố đã giúp hai nước tìm được tiếng nói chung đối với nhiều vấn đề vốn còn bất đồng trước đây và tạo nên tác nhân kích thích cho cuộc tìm kiếm các giải pháp có tính chất xây dựng.
Thông qua quyết định chiến lược của mình, Tổng thống Putin đã khẳng định mình là con người hiểu rõ rằng chiến tranh lạnh đã kết thúc, rằng Mỹ và Nga đã không còn đối thủ. Các cuộc gặp ở Washington và Crowford đã khẳng định rằng hai nước đang bước vào một mối quan hệ mới. Chúng củng cố mong muốn của cả hai bên hợp tác trong một loạt vấn đề. Thành tựu ở cuộc gặp cấp cao này là việc hai tổng thống đồng ý cắt giảm đáng kể lực lượng hạt nhân chiến lược. Sự hợp tác này bao gồm cả những nỗ lực ngăn chặn việc phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, các nỗ lực dài hạn nhằm cải thiện hệ thống bảo vệ và hệ thống kiểm soát các vật liệu hạt nhân đề những tên khủng bố và những ai ủng hộ chúng không thể nhận được thứ vũ khí đó. Tuyên bố chung về chống khủng bố bằng vũ khí sinh học cũng là một đặc điểm quan trọng, nhất là trong hoàn cảnh ở Mỹ đã diễn ra các vụ khủng bố bằng vi trùng bệnh than. Các quan chức và chuyên viên Nga và Mỹ đã cùng làm việc để ngăn chặn những tên khủng bố, không để chúng có được vũ khí sinh học: thực hiện các biện pháp cần thiết trong lĩnh vực y tế để bảo vệ dân chúng ở hai nước.
Năm 2001, Nga và Mỹ đã cùng nhau xây dựng một chương trình nghị sự và lộ trình nhằm tăng cường quan hệ hợp tác vượt ra khỏi những hạn chế trong quá khứ. Hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong việc xử lý hàng loạt các vấn đề chính trị, an ninh quốc tế, trong đó mục tiêu chống khủng bố toàn cầu cũng được coi là mục tiêu chung nhằm tạo dựng sự ổn định, hoà bình và phát triển trên phạm vi toàn thế giới. Cả Mỹ và Nga đều có lợi ích chung ở khía cạnh này. Họ cam kết hỗ trợ cho việc hợp tác nhân đạo, liên kết chống buôn bán ma tuý, buôn bán vũ khí và chống khủng bố, phối hợp với các nhà lãnh đạo Trung Á trong cuộc chiến chống khủng bố - với nhiều khả năng đi kèm theo sự phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt - là mối đe doạ đối với sự sống của toàn nhân loại. Chống chủ nghĩa khủng bố là mục tiêu hết sức khó khăn, đòi hỏi sự hợp tác của hai nước Mỹ và Nga nhằm tìm ra những sáng kiến có thể làm suy giảm các nguồn lực của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Nguyên nhân khiến Nga - Mỹ trở thành đối tác trên mặt trận chung chống khủng bố là do sự kiện ngày 11/9 ở Mỹ đã làm thay đổi căn bản tình hình thế giới cũng như quan hệ Nga - Mỹ. Chiến lược bảo vệ an ninh của Mỹ đã bị hoài nghi cùng với cuộc tấn công khủng bố vào hai biểu tượng sức mạnh Mỹ. Nước Mỹ rơi vào một cơn sốc chưa từng có, phải đối đầu trực tiếp với một kẻ thù vô hình - chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chính quyền Mỹ buộc phải lập ra Liên minh chống khủng bố. Mỹ phải dùng đòn bẩy kinh tế và ngoại giao để tìm kiếm sự ủng hộ của các nước khác, phải xem xét lại thái độ của mình với Liên Hợp quốc, với Trung Quốc và với Nga… Sau sự kiện 11/9, bỗng nhiên Nga và Mỹ có một kẻ thù chung là chủ nghĩa khủng bố quốc tế - những kẻ gây ra tội ác khi tấn công vào những người dân vô tội ở Chechnya, Moscow năm 1999 và ở New York năm 2001. Điều này đã tạo ra một lợi ích chung cho cả Nga và Mỹ khiến quan hệ hai nước trở thành đối tác thực sự. Khi triển khai cuộc chiến ở Afghanistan, Mỹ rất cần sự ủng hộ nhiều mặt của Nga và Tổng thống Nga Putin đã không bỏ qua cơ hội này để xích lại gần với Mỹ và phương Tây.
Đối với nước Nga, cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện ngày 11/9 đã tạo cơ hội cho Nga thực hiện được các mục tiêu, đó là tiêu diệt tận gốc lực lượng đòi li khai ở nước Cộng hoà tự trị Chechnya., lực lượng đã gây nên cuộc nội chiến kéo dài, làm hao tổn quá nhiều sức người, sức của mà Nga không giải quyết dứt điểm được. Nhưng tầm ảnh hưởng của sự kiện 11/9 và nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã làm thay đổi quan điểm của Mỹ và các nước phương Tây về vấn đề Chechnya. Việc ủng hộ và tham gia Liên minh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế với Mỹ và các nước phương Tây làm cho Nga có cơ hội cải thiện về chất quan hệ với các nước này. Điều này cũng chứng tỏ rằng Nga là một nước lớn có vai trò quan trọng trong lĩnh vực quân sự - an ninh, và cường quốc đó thật sự là đồng minh tin cậy của các nước phương Tây trong cuộc chiến chống kẻ thù chung là chủ nghĩa khủng bố quốc
tế. Và mục tiêu quan trọng nhất là bằng việc tham gia Liên minh quốc tế Chống khủng bố, Nga đã mở rộng được hoạt động ngoại giao đa phương ra các địa bàn, các khu vực khác nhau, trước hết là vành đai địa - chiến lược quan trọng bao quanh nước Nga, từ Đông Âu, qua Trung Đông, Trung, Nam Á tới Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Đây vốn là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Liên Xô trước đây, nhưng sau khi Liên Xô tan rã, Nga đang mất dần ảnh hưởng ở đây.