Chính sách đối ngoại của Nga

Một phần của tài liệu Quan hệ an ninh Nga - Mỹ trong những năm đầu thế kỷ XXI (Trang 33)

6. Bố cục của Luận văn

2.1.1.Chính sách đối ngoại của Nga

Liên bang Nga xuất hiện trên vũ đài quốc tế với tư cách là nước kế thừa vị trí của Liên Xô. Nga không chỉ được kế thừa phần lớn di sản, quân sự, khoa học kỹ thuật của Liên Xô mà còn được tiếp nhận cả chiếc ghế uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy vậy một nước Nga mới còn phải đối mặt với nhiều thách thức vô cùng to lớn, đó là: nguy cơ tụt hậu về kinh tế, nguy cơ bùng nổ xã hội do đời sống nhân dân không được bảo đảm, nguy cơ an ninh quốc gia bị đe doạ… Trong bối cảnh như vậy, chính sách đối ngoại và an ninh của Nga phải xuất phát từ mục tiêu hàng đầu và bao trùm là bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho việc thực hiện thành công cuộc cải cách kinh tế và chính trị của Nga.

Vượt qua những thách thức trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và xây dựng xã hội công dân đầy những cam go và thử thách, nước Nga hậu Xô viết đã chủ trương một chính sách đối ngoại cân bằng Đông – Tây mà thực chất là xác lập một chính sách đối ngoại mang tính toàn cầu của Liên bang Nga. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song những gì mà chính quyền Yeltsin và cả chính quyền Putin đã làm, đều chứng

tỏ tham vọng mà Liên bang Nga theo đuổi trong chính sách đối ngoại là rất to lớn và không thay đổi.

Từ năm 1994 Nga đã có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại. Điều chỉnh rõ nét nhất là sự định hướng mới vào cả châu Âu lẫn châu Á, thay cho định hướng chỉ vào Mỹ và phương Tây trước đây…song vẫn chưa tạo ra sự chuyển biến quan trọng cho Nga ở cả trong và ngoài nước. Sự khởi sắc của Nga thực sự bắt đầu khi Tổng thống V. Putin lên nắm quyền năm 2000. Thể hiện rõ nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Putin là hai bản báo cáo: ‗Chiến lược an ninh quốc gia của Liên bang Nga‖ ký ngày 10/1/2000 và ―Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga‖ ký ngày 28/6/2000.

Báo cáo ―Chiến lược an ninh‖ đề cập đến các mảng vấn đề lớn, thứ nhất: đánh giá một cách thực tế bối cảnh quốc tế và xác định những vấn đề then chốt Nga cần thực hiện. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc vị thế của Nga bị suy yếu nghiêm trọng. Thêm vào đó, một số nước còn cố hạ thấp vị trí của Nga trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó Nga tìm cách chống lại bằng cách thúc đẩy xu hướng đa cực hoá. Thứ hai, quan điểm về lợi ích quốc gia, Nga đưa ra bốn vấn đề là: bảo toàn chủ quyền và lãnh thổ; giữ vững ổn định kinh tế, chính trị và xã hội; duy trì trật tự pháp luật và thúc đẩy hợp tác quốc tế dựa trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi. Thứ ba, nhận thức về mối đe doạ, Nga xác định có tám mối đe doạ với mình, trong đó đáng chú ý là việc một số nước, nhóm nước muốn hạ thấp vai trò của các tổ chức đảm bảo an ninh hiện có như Liên hợp quốc, Tổ chức hợp tác an ninh châu Âu; việc mở rộng NATO về phía Đông của các nước phương Tây… Thứ tư, phương châm bảo vệ lợi ích quốc gia là ―thúc đẩy chính sách ngoại giao tích cực‖ trên nhiều lĩnh vực, trong đó Nga kêu gọi vai trò của tổ chức quốc tế là Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chống các tổ chức tội phạm và khủng bố quốc tế. Nga thúc đẩy giải trừ quân bị và duy trì tính ổn định chiến lược trên cơ sở tuân thủ các hiệp ước quốc tế.

Và cuối cùng là chính sách hạt nhân, Nga xác định mục đích dùng hạt nhân để ngăn chặn xâm lược và nếu ngăn chặn bị thất bại thì Nga sẽ sử dụng hạt nhân.

Sau khi công bố ―Chiến lược an ninh quốc gia‖, Nga tiếp tục công bố ―Chiến lược đối ngoại‖ của mình, trong đó đáng chú ý là tổng thể thứ tự vấn đề ưu tiên và thứ tự khu vực ưu tiên. Trong thế kỷ XXI Nga sắp xếp thự tự các khu vực và các nước ưu tiên như sau: SNG là đối tượng ưu tiên số một, vì Nga muốn thúc đẩy sự thống nhất của các nước này bởi đây là những nước thuộc Liên bang Xô viết trước kia, là nơi Nga đã có sẵn cơ sở chính trị kinh tế, quân sự của mình và chính các nước này cũng là vùng đệm xung quanh nước Nga. Châu Âu là khu vực ưu tiên số hai. Nga muốn phát triển hơn nữa Tổ chức hợp tác an ninh châu Âu, hợp tác với NATO có điều kiện và coi Liên minh châu Âu (EU) là đối tác kinh tế, chính trị chủ yếu. Mặc dù xác định rằng quan hệ với Mỹ là điều kiện cần thiết để cải thiện tình hình quốc tế, song Nga cũng nhận thấy những khó khăn, trở ngại trong mối quan hệ này. Do vậy Mỹ chỉ chiếm vị trí thứ ba trong thứ tự ưu tiên của Nga. Tiếp đến trong vị trí ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Nga là châu Á. Với vị trị địa lý Âu – Á đặc biệt của mình, Nga không thể không chú trọng đến quan hệ với châu Á, đặc biệt là khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Từ những phân tích trên có thể thấy chính sách đối ngoại của Nga dựa trên những khía cạnh sau:

Nhận thức của Nga về bối cảnh quốc tế: Nước Nga cho rằng sự thay đổi sâu sắc của thế giới hiện đại đang ảnh hưởng tới lợi ích của nước mình. Nước Nga đang can dự tích cực hơn vào tiến trình này. Với tư cách là môt thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, về sức mạnh nhiều mặt, nước Nga đang duy trì quan hệ với nhiều nước trên thế giới và nước Nga có vị thế để tạo lập một trật tự thế giới mới mà Nga có tiếng nói quan trọng.

Các quan hệ quốc tế đang thay đổi, nước Nga cũng nhận thức rằng họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Việc Mỹ đơn phương hành động đối với một số sự kiện quốc tế được Nga ghi nhận như là sự xuất hiện cấu trúc thế giới một cực. Rõ ràng, với tư cách là một siêu cường kinh tế và những ảnh hưởng chính trị ngày càng to lớn của Mỹ trên phạm vi thế giới, trong một chừng mực nào đó, đã làm giảm vai trò của Liên hợp quốc. Chiến lược và hành động của Mỹ được Nga ghi nhận như là nhân tố gây nguy cơ bất ổn cho tình hình quốc tế, thúc đẩy chạy đua vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo…

Trong bối cảnh đó, Liên bang Nga tìm kiếm một quan hệ quốc tế đa cực, ở đó phản ánh sự đa dạng của thế giới hiện đại và sự muôn màu của lợi ích quốc gia. Trật tự thế giới trong thế kỷ XXI cần phải xây dựng trên cơ chế tập thể nhằm giải quyết những vấn đề chủ chốt ảnh hưởng tới lợi ích của các nước, trong đó có lợi ích của nước Nga. Rõ ràng ở phương diện này, chính sách đối ngoại của nước Nga liên quan chặt chẽ với những chiều hướng phát triển lớn của thế giới.

Các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Nga: mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh thổ và lợi ích của Liên bang Nga. Tiếp đến hướng tới tạo lập một trật tự thế giới ổn định, dân chủ và công bằng, phù hợp với luật pháp quốc tế mà trước hết là Hiến chương Liên hợp quốc và tôn trọng quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia. Tận dụng các điều kiện bên ngoài để phục vụ sự phát triển của Liên bang Nga, cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, thực hiện sự chuyển đổi sang xã hội dân chủ thành công, tôn trọng Hiến pháp, bảo vệ tự do và quyền của các cá nhân. Cuối cùng là để xây dựng một hình ảnh tích cực của Liên bang Nga trong con mắt của bạn bè thế giới, phổ biến ngôn ngữ và văn hoá Nga ở nước ngoài.

Từ chiến lược đối ngoại của Nga, có thể kết luận, Tổng thống Putin đã hình thành và ổn định chính sách đối ngoại Nga cho phù hợp với tình hình mới, nhằm đảm bảo tăng cường vị thế của Nga trên thể giới và tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội Nga.

Năm 2008, Tổng thống Medvedev lên nắm quyền và đã phê chuẩn ―Những định hướng cơ bản chính sách đối ngoại của Liên bang Nga‖ mà về cơ bản là kế tục và phát triển chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin. Điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Medvedev là nước Nga ngày nay đã trỗi dậy với thế và lực mới, có được vai trò đầy đủ trong các công việc toàn cầu. Chính sách đối ngoại từ chỗ tạo môi trường thuận lợi, ưu tiên cho phát triển kinh tế thì nay đang trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất đảm bảo cho Nga tiếp tục phát triển và đủ khả năng cạnh tranh trong thế giới toàn cầu hóa. Tổng thống Medvedev chỉ rõ trong Định hướng cơ bản chính sách đối ngoại của mình: Về hướng ưu tiên giữa các khu vực, thì hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga là phát triển quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia trong Cộng đồng SNG, nơi Nga đã có sẵn cơ sở chính trị, kinh tế, quân sự của mình và chính các nước này cũng là các vùng đệm xung quanh nước Nga. Mục tiêu chính của chính sách đối ngoại theo hướng châu Âu là tạo ra hệ thống hợp tác và an ninh tập thể chung thật sự công khai và dân chủ cho toàn khu vực. Nga ủng hộ đạt được sự thống nhất thật sự của châu Âu, không có các đường phân chia ranh giới, thông qua con đường đảm bảo hợp tác bình đẳng giữa Nga, Liên minh châu Âu và Mỹ. Tiếp đến khu là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các nước châu Phi và các nước châu Mỹ Latinh. Có thể kết luận rằng quan điểm đối ngoại của nước Nga dưới thời Tổng thống Medvedev về cơ bản là sự tiếp nối, kế thừa và phát triển tư tưởng, triết lý của Tổng thống Putin, những điều chỉnh thể hiện thế và lực mới của Nga trên trường quốc tế.

Về quan hệ với Mỹ, xây dựng mối quan hệ cân bằng về lợi ích với Mỹ cũng là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại Nga. Nga xây dựng quan hệ với Mỹ không chỉ tính đến tiềm năng to lớn của Mỹ trong hợp tác song phương về kinh tế - thương mại, khoa học – kỹ thuật và các lĩnh vực khác, mà còn cả ảnh hưởng then chốt của quốc gia này đối với tình hình ổn định chiến lược toàn cầu và tình hình quốc tế nói chung. Nga cho rằng cần đưa quan hệ Nga – Mỹ sang trạng thái đối tác chiến lược, vượt qua rào cản những nguyên tắc chiến lược trong quá khứ và tập trung giải quyết những nguy cơ thực tại, ở những lĩnh vực giữa Nga và Mỹ còn tồn tại bất đồng, đồng thời tìm cách giải quyết trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Nga quan tâm sao cho những hành động của Mỹ trên trường quốc tế luôn tuân thủ theo đúng những nguyên tắc và tiêu chuẩn luật pháp quốc tế, trước hết là Hiến chương Liên hợp quốc. Những ưu tiên dài hạn trong chính sách của Nga đối với Mỹ là tạo cho quan hệ với Mỹ một nền móng kinh tế vững chắc, đảm bảo cùng nhau xây dựng văn hóa điều chỉnh những bất đồng trên cơ sở chủ nghĩa hiện thực và tuân thủ cân bằng lợi ích, nhằm tạo ra sự ổn định cao và tính dự báo được trong quan hệ Nga – Mỹ.

Tóm lại, quan điểm về an ninh và ngoại giao của Nga trong thế kỷ XXI là chiến lược hướng tới đa cực hoá trật tự quốc tế trên cơ sở thống nhất các nước thuộc SNG, đẩy mạnh quan hệ với EU để ngăn chặn sự suy yếu của Nga, tích cực tìm kiếm các quan hệ đa phương với cả Mỹ và châu Á, cân bằng quan hệ Đông – Tây nhằm mục đích tăng cường vị thế của Nga, khôi phục lại quy chế cường quốc thế giới của mình. Rõ ràng tham vọng của Nga thực sự to lớn, và đang ở phía trước. Song với những gì mà nước Nga có, người ta vẫn tin rằng Nga có thể đạt tới mục đích của họ được vạch ra trong chính sách đối ngoại. Đương nhiên, sự cạnh tranh của các thế lực như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ vẫn là những trở ngại.

Một phần của tài liệu Quan hệ an ninh Nga - Mỹ trong những năm đầu thế kỷ XXI (Trang 33)