5. Bố cục đề tài:
2.1.1 Chính sách đối ngoại của Mỹ
Sau Chiến tranh lạnh, Mỹ bắt đầu điều chỉnh chiến lược đối ngoại. Chiến lược toàn cầu ngăn chặn và vượt trên ngăn chặn của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh đã trở lên lỗi thời với sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu. Chính quyền G.H.W.Bush, phấn khích với chiến thắng vùng Vịnh, đã đưa ra khái niệm "trật tự thế giới mới" với ý đồ sử dụng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ sở pháp lý cho vai trò lãnh đạo của Mỹ. Clinton lên nắm quyền từ 1/1993, và là tổng thống Mỹ đầu tiên được bầu trong thời kỳ sau Chiến tranh lạnh. Phải mất hơn 2 năm, sau những cuộc tranh cãi gay gắt trong nội bộ Mỹ và sự đấu tranh giữa hai trường phái theo chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa quốc tế, chính quyền Clinton mới hoàn thành việc xây dựng một chiến lược toàn cầu mới để đối phó với thực tế chiến lược mới thời kỳ sau Chiến tranh lạnh. Tháng 2 năm 1995, chính phủ Mỹ công bố "chiến lược dính líu và mở rộng"8 cho những năm 90 với mục tiêu bao trùm là "mở rộng cộng đồng các nền dân chủ thị trường". Mỹ cũng tuyên bố "tiếp tục có những cam kết đối với thế giới và sẽ hành Động linh hoạt, đa phương khi có thể và đơn phương khi cần thiết".
Chính quyền Clinton nhấn mạnh ba trụ cột trong chính sách đối ngoại là an ninh kinh tế, an ninh quân sự và thúc đẩy dân chủ nhân quyền. Đây là lần đầu tiên dân chủ nhân quyền trở thành một trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Những chính quyền trước đó luôn coi việc thúc đẩy dân chủ nhân quyền là một trong những mục tiêu trong chính sách đối ngoại, nhưng
dưới chính quyền Clinton, dân chủ nhân quyền được đẩy lên thành một trọng tâm chính sách của Mỹ bên cạnh an ninh và kinh tế.
Về quân sự, Mỹ cho rằng chiến lược dính líu và mở rộng vẫn phải dựa trên xây dựng lực lượng vũ trang mạnh, đủ sức khống chế đồng minh và đủ khả năng đối phó với những thách thức và đe dọa đối với Mỹ sau chiến tranh lạnh. Chiến lược quốc phòng Mỹ nêu 6 thách thức và 3 quan ngại an ninh của Mỹ. Sáu thách thức bao gồm : 1/ xâm lược quy mô lớn giữa các quốc gia (Iraq, Iran, Bắc Triều Tiên) ; 2/ phổ biến công nghệ tiềm tàng nguy hiểm (hạt nhân, hóa học, khả năng chiến tranh tin học, khả năng tiếp cận và ngăn không cho tiếp cận vũ trụ) : 3/ những mối đe dọa xuyên quốc gia (khủng bố, buôn lậu ma túy, tội ác quốc tế có tổ chức) ; 4/ những đe dọa đối với lãnh thổ nước Mỹ (tên lửa đạn đạo, các phương tiện chiến tranh tin học tấn công cơ sở hạ tầng của Mỹ thông qua các mạng thông tin dựa trên máy vi tính) ; 5/ những nước sụp đổ (những nước như Nam Tư, Albania, nước Zaire trước đây... có khả năng mất kiểm soát gây ra khủng hoảng nhân đạo, người tị nạn và gây ra mất ổn định cho an ninh khu vực) ; 6/ đối thủ sử dụng những biện pháp không tương xứng để tránh đối đầu với khả năng quân sự mạnh mẽ của Mỹ, những đối thủ của Mỹ sẽ sử dụng những phương tiện không truyền thống như khủng bố, đe dọa hạt nhân hay vũ khí hóa học, chiến tranh tin học hay phá hoại môi trường.
Bên cạnh đó, Mỹ còn có những quan ngại an ninh dài hạn khác :1/ tiềm năng xuất hiện một nước cạnh tranh toàn cầu. Theo đánh giá của Nhóm các nhà nghiên cứu Nam Á công bố tháng 11/2008 cho rằng Mỹ vẫn có cơ sở để tiếp tục là cường quốc số 1 trên thế giới đến năm 2020, tuy nhiên Mỹ sẽ gặp phải sự thách thức rất lớn đến từ Trung Quốc và Nga; 2/ kịch bản con bài tẩy: sự xuất hiện của những thách thức công nghệ mới, Mỹ mất quyền tiếp cận đối với những phương tiện sống còn, và các chế Độ thù địch thay thế các chế Độ
thân thiện với Mỹ ở các nước; 3/ quan ngại về sự thay đổi môi trường an ninh nếu Mỹ không can dự vào các công việc của thế giới và mất vị trí áp đảo về quân sự của mình [13].
Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã ba lần điều chỉnh chiến lược quân sự. Chiến lược phòng thủ khu vực được G.H.W. Bush đưa ra năm 1991, trong bối cảnh Chiến tranh lạnh vừa kết thúc. Sau khi Clinton lên cầm quyền vào năm 1993, Mỹ lại tiến hành đánh giá lại tình hình và chiến lược quốc phòng. Tổng thống Clinton đưa ra chiến lược can dự linh hoạt và có lựa chọn. Năm 1997, chính quyền Clinton một lần nữa xem xét lại môi trường an ninh, nhu cầu xây dựng quốc phòng và đưa ra chiến lược mới xuyên thế kỷ "xây dựng - phản ứng - chuẩn bị". Như vậy, trọng điểm xây dựng quân đội Mỹ chuyển từ chuẩn bị tiến hành chiến tranh toàn diện trong thời kỳ Chiến tranh lạnh sang "phòng thủ dự phòng" thời kỳ sau Chiến tranh lạnh ; tác dụng răn đe hạt nhân giảm, tầm quan trọng của răn đe vũ khí thông thường với kỹ thuật cao tăng lên ; đối phó với các vấn đề khu vực, ngăn ngừa đối thủ mới, đặc biệt là mối đe dọa từ các nước thế giới thứ ba đối với lợi ích của Mỹ ; việc đánh thắng cùng một lúc hai cuộc chiến tranh khu vực trở thành sứ mạng mới và nhiệm vụ mới của quân đội Mỹ.
Năm 1997, Clinton đã đưa ra Chiến lược an ninh quốc gia cho thế kỷ 21 của Mỹ. Trong Bản báo cáo chiến lược an ninh quốc gia này, Mỹ đã khẳng định: lợi ích quốc gia và nguồn lực hạn chế của Mỹ cho thấy sự cần thiết sử dụng vũ lực một cách lựa chọn. Mục tiêu trước hết của các lực lượng Mỹ là răn đe và đánh bại đe dọa sử dụng vũ khí có tổ chức chống lại Mỹ "Quyết định có hay không và khi nào sử dụng vũ lực phải chỉ đạo trước hết bởi lợi ích quốc gia Mỹ đang bị đe dọa - dù là lợi ích sống còn, lợi ích quan trọng hay nhân đạo về thực chất - và bởi liệu cái giá và mạo hiểm của việc Mỹ can thiệp có tương xứng với những lợi ích đó hay không. Khi những lợi ích bị đe dọa
có tính chất sống còn, Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ những lợi ích này, kể cả đơn phương sử dụng vũ lực khi cần thiết [43,tr.53].
Để đạt được mục tiêu chiến lược bao trùm của Mỹ là thiết lập vai trò lãnh đạo thế giới, Mỹ chủ trương cải tổ các liên minh an ninh song phương cho phù hợp với tình hình mới. Từ thời Nixon, Mỹ đã chú trọng hơn đến việc hợp tác với đồng minh và chia sẻ trách nhiệm. Tuy nhiên, Tổng thống G.H.W. Bush và Clinton đã đi tiếp một bước, coi sự ủng hộ và đóng góp của đồng minh là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự can thiệp của Mỹ vào một cuộc xung đột. Một mặt ý thức được khả năng không cho phép, mặt khác hợp tác và chia sẻ trách nhiệm nhằm xoa dịu dư luận Mỹ đặc biệt trường phái chủ trương biệt lập luôn chỉ trích việc Mỹ phải gánh vác trách nhiệm bảo vệ an ninh cho những nước là đồng minh quân sự nhưng lại là những đối thủ cạnh tranh quyết liệt về kinh tế như Nhật Bản và Tây Âu. Hơn nữa, trong bối cảnh những bất đồng ngày càng sâu sắc giữa Mỹ một bên, Nga và Trung Quốc một bên, khả năng sử dụng cơ chế Liên Hợp Quốc để đảm bảo tính hợp pháp quốc tế cho các hoạt động can thiệp của Mỹ trở nên rất hạn chế. Vì vậy, xu hướng Mỹ duy trì và nâng cấp các dàn xếp an ninh song phương và đa phương nằm trong ý đồ lâu dài của Mỹ thực hiện tham vọng lãnh đạo thế giới với sự hỗ trợ vật chất cũng như tinh thần của các đồng minh phương Tây của Mỹ.
Đến thời Tổng thống G.W.Bush, quá trình điều chỉnh chiến lược của tổng thống chưa hoàn chỉnh thì xảy ra cuộc tấn công ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, nó cũng không làm thay đổi các mục tiêu cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ như duy trì địa vị số một trên thế giới, thiết lập một trật tự thế giới mới do Mỹ lãnh đạo, bảo đảm không có một cường quốc thù địch nào nổi lên đe dọa vị trí số một của Mỹ, thúc đẩy một nền kinh tế mở toàn cầu, tự do hóa thương mại và dân chủ nhân quyền trên toàn thế giới.
Chính quyền tổng thống G.W.Bush cam kết can dự với thế giới về lợi ích và trên thế mạnh của Mỹ chính là cơ sở của chính sách đối ngoại của chính quyền mới. Mỹ rút khỏi nhiều cam kết quốc tế như: Hiệp ước cấm thử toàn diện vũ khí hạt nhân- CTBT, Nghị định thư Kyoto về môi trường, Hiệp ước cấm vũ khí sinh học, Hiệp định về toà án hình sự quốc tế, tuyên bố rút khỏi hiệp định ABM… đồng thời, chính quyền Mỹ tuyên bố sử dụng mọi phương tiện và biện pháp để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Tổng thống G.W.Bush đã phát biểu tại Quốc hội Mỹ ngày 20/9/2001 như sau: “Chúng ta sẽ sử dụng mọi nguồn lực có được, mọi biện pháp về ngoại giao, mọi công cụ tình báo, mọi phương tiện hành pháp, mọi ảnh hưởng về tài chính và mọi vũ khí chiến tranh cần thiết…”
Một vấn đề hết sức quan trọng khác trong chính sách đối ngoại của Mỹ là việc chính quyền Mỹ tích cực tiến tới xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia NMD, mà mục đích của nó là tạo nên một hệ thống phòng thủ loại bỏ được mọi khả năng uy hiếp nước Mỹ từ bên ngoài, hay nói cách khác, vô hiệu hóa hoàn toàn các lực lượng hạt nhân chiến lược của tất cả các nước khác ngoài Mỹ. Đây là vần đề có từ thời chính quyền trước, nhưng rất được Đảng Cộng hoà và Tổng thống G.W.Bush ủng hộ.
Trước sự kiện ngày 11/9/2001, trong một thời gian, nước Mỹ không có trọng điểm chiến lược đối ngoại mà chỉ có chung một đường hướng đối ngoại chung là “cam kết và mở rộng”. Sự kiện 11/9/2001 đã tạo ra một mục tiêu mới cho Mỹ. Để loại bỏ mối đe dọa mới, Mỹ đã điều chỉnh chiến lược toàn cầu, coi tấn công chủ nghĩa khủng bố là nhiệm vụ cấp bách và trong điểm chiến lược hiện nay. Một trong những biện pháp quan trọng của Mỹ là cải thiện quan hệ với các nước lớn, cùng nhau đối phó với mối đe dọa phi truyền thồng. Mỹ cần phải xác định một nghị trình tích cực để hợp tác với Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Tại khu vực Nam Á, Mỹ đang từng bước cải thiện và đẩy
mạnh quan hệ với Ấn Độ. Từ lâu Mỹ cho rằng Ấn Độ rất phù hợp với mô hình phát triển phương Tây [10,tr.25]. Nhưng trước đây, do nhu cầu chống Liên Xô tại khu vực này, Mỹ vẫn coi trọng Pakistan hơn. Sau Chiến tranh lạnh, Mỹ đã thay đổi chính sách đối với khu vực Nam Á. Cho dù Ấn Độ đang cố gắng khẳng định vai trò nước lớn của mình, có lúc phê phán Mỹ, nhưng Mỹ vẫn xác định, mục tiêu mà Ấn Độ theo đuổi không có gì đối lập với lợi ích của Mỹ tại lục địa Á-Âu. Sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ tuy lại tăng cường quan hệ với Pakistan, đồng thời cũng coi Ấn Độ đã mạnh mẽ chống chủ nghĩa Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố cho nên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ. Hợp tác quân sự song phương cũng được đẩy mạnh. Có thể thấy, Mỹ đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ là nhằm mục đích tăng cường vai trò của họ tại khu vực Nam Á. Ngoài ra, Mỹ cũng xác định, địa bàn chống khủng bố không chỉ ở Ìraq, Afganishtan mà còn có ở cả Nam Á. Do đó, tìm kiếm một đồng minh chống khủng bố trong khu vực này là điều Mỹ không thể bỏ qua.
Ngoài nguyên nhân chống khủng bố, chính sách đối ngoại của Mỹ với Ấn Độ thay đổi dựa trên yếu tố chính trị và kinh tế. Sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, nhất là sau 11/9/2001, tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ dương đòi hỏi Mỹ phải cải thiện quan hệ với Ấn Độ; cải cách kinh tế và sự tăng trưởng của Ấn Độ từ những năm 1990 khiến nước đó trở thành đối tác thương mại và đầu tư lớn của Hoa Kỳ; cộng đồng người Mỹ gốc Ấn trong xã hội Hoa Kỳ ngày càng có ảnh hưởng lớn; Ấn Độ được xem là một cường quốc đang xuất hiện với tiềm lực kinh tế đáng kể; Ấn Độ được xem là đối trọng tiềm tàng với Trung Hoa đang mạnh lên trong tương lai; cuối cùng, cả Trung Quốc và Nga cùng có bất đồng với Hoa Kỳ về các vấn đề chiến lược hệ trọng nên Hoa Kỳ thấy cải thiện quan hệ với Ấn Độ có ngăn cản sự ra đời tam giác quan hệ Trung Quốc-Nga-Ấn Độ [6,tr.47] .
Chính quyền mới Obama hiện đang thực hiện chính sách cởi mở với các nước, các khu vực bằng áp dụng phương thức “quyền lực khôn ngoan”. Như đã phân tích ở trên, vị trí nước Mỹ hiện nay không còn như trong Chiến tranh lạnh hay thời gian đầu sau thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, Mỹ không thể dùng thái độ lãnh đạo thế giới để cư xử với các quốc gia khác. Mỹ đã biết kết hợp “sức mạnh mềm” và “ngoại giao thông minh” để là phương thức ngoại giao của mình. Chính quyền Obama thực hiện chính sách “sẵn sàng chìa tay ra đối với các nước từ bỏ nắm đấm của họ” [6,tr.41]. Ngoài ra, nếu như trước đây, Mỹ chỉ quan hệ đồng minh chiến lược với một số quốc gia (Nhật Bản, Israel, các nước NATO…) thì hiện nay Mỹ đang xây dựng, phát triển liên minh với nhiều quốc gia ở mọi khu vực trên thế giới, trong đó đẩy mạnh hợp tác kinh tế và khoa học, công nghệ với Ấn Độ.