Hiệu quả truyền thông của chuyên mục “Tham vấn và Phản biện”

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả truyền thông của chuyên mục Tham vấn và phản biện trên báo Đại đoàn kết (Trang 72)

7. Kết cấu luận văn

3.1. Hiệu quả truyền thông của chuyên mục “Tham vấn và Phản biện”

3.1. Hiệu quả truyền thông của chuyên mục “Tham vấn và Phản biện” biện”

Xuất hiện từ giữa năm 2009, chuyên mục Tham vấn và Phản biện của báo Đại Đoàn Kết đã đi được một chặng đường dài. Từ những định hướng ban đầu của Ban biên tập đến khi triển khai trong thực tiễn, xây dựng các bài cụ thể, đặc biệt là các tuyến bài dài hơi nhân một sự kiện cụ thể, có ảnh hưởng sâu rộng đối với mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội, chuyên mục đã có những thay đổi nhất định về cả hình thức và nội dung bài viết để tăng hiệu quả truyền thông đến độc giả cũng như đến vấn đề mà bài viết lựa chọn phản biện.

Với chủ trương phản biện xã hội để nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng môi trường xã hội dân chủ, tiến bộ, có thể thấy ngoài việc lựa chọn các vấn đề chính trị để phản biện xã hội đúng với chức năng, nhiệm vụ của một tờ báo chính trị, chuyên mục Tham vấn và Phản biện còn dành một dung lượng khá lớn cho việc phản biện các vấn đề, hiện tượng mới phát sinh trong xã hội. Điều này vừa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết đặt ra cho một tờ nhật báo là phải bám sát vào thực tiễn đời sống, xã hội, không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động mà còn phải định hướng dư luận. Bên cạnh đó, việc mở rộng đề tài, lĩnh vực phản biện không chỉ giới hạn trong các vấn đề chính trị mang tầm vĩ mô của đất nước cũng khiến một chuyên mục mang đậm tính chính luận như Tham vấn và Phản biện thu hút được đông đảo độc giả hơn, nhất là những người trẻ tuổi.

Xác định chuyên mục Tham vấn và Phản biện là đặc sản riêng có và được chú trọng đầu tư nhất trong mỗi số báo Đại Đoàn Kết hàng ngày, Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết luôn bám sát thông tin hàng ngày và lựa chọn vấn đề, tác giả để đặt hàng các bài viết cho chuyên mục. Ngay sau khi báo ra, Ban biên tập mỗi ngày đều có họp để tổng kết, rút kinh nghiệm cho từng số báo. Không chỉ đặt bài viết, vấn đề dưới con mắt nhà nghề, Ban biên tập còn chủ trương xem xét hiệu quả truyền thông của chuyên mục Tham vấn và Phản biện đối với độc giả cũng như tác động của bài viết đến chính sách, chủ trương, vấn đề... mà nó phản biện. Có 4 “kênh” cơ bản, thường xuyên được Ban Biên tập xem xét để đánh giá hiệu quả truyền thông của chuyên mục Tham vấn và Phản biện nói riêng cũng như báo Đại Đoàn Kết nói chung, bao gồm: ý kiến trong các bức thư điện tử gửi về hộp thư tòa soạn (địa chỉ

toasoan@baodaidoanket.com.vn); ý kiến trong các bức thư viết tay hoặc đánh máy gửi đến trụ sở báo (ở địa chỉ 66 Bà Triệu, Hà Nội); các cuộc điện thoại gọi đến đường dây nóng được Ban bạn đọc của báo Đại Đoàn Kết tổng hợp lại và lượng truy cập từng bài cụ thể do Ban Kỹ thuật quản trị mạng thống kê hàng tuần. Các kết quả này được công khai báo cáo trong cuộc họp toàn thể cơ quan vào mỗi thứ 6 hàng tuần để không chỉ Ban biên tập xem xét mà chính các phóng viên, biên tập viên của tờ báo cũng được nhận thức rõ ràng và có hướng theo đuổi đề tài hợp lý, sát với tôn chỉ mục đích của báo nhưng cũng hợp ý Đảng, lòng dân.

Ngoài ra, do báo Đại Đoàn Kết chủ yếu được phát hành trong hệ thống Mặt trận các cấp từ Trung ương đến địa phương, ở khắp các vùng miền của đất nước nên đối tượng độc giả của tờ báo in khá khu biệt, đa số là các cán bộ mặt trận. Khi các tờ báo in đến tay bạn đọc, đồng thời các bài viết sẽ được đăng tải trên website của báo Đại Đoàn Kết tại địa chỉ www.daidoanket.vn. Với ưu thế của internet, mọi người đều có thể truy cập và tìm kiếm thông tin

hoàn toàn miễn phí, trong đó có các thông tin được đăng tải từ báo giấy của Đại Đoàn Kết (điều này khác với nền báo chí ở một số quốc gia khác, khi độc giả muốn đọc báo mạng thì có thể phải trả tiền cho tòa soạn, nếu đó là thông tin độc quyền hoặc các bài phân tích chuyên sâu mà chỉ báo, tạp chí đó mới có...). Tất nhiên, khi đó, đối tượng độc giả của báo Đại Đoàn Kết nói chung và chuyên mục Tham vấn và Phản biện nói riêng đã được mở rộng ra rất nhiều, có thể ở mọi thành phần, lứa tuổi, giới tính, trình độ và công việc... Vì vậy, không thể khẳng định đối tượng công chúng tiếp nhận của chuyên mục Tham vấn và Phản biện là một nhóm đối tượng đặc thù nào.

Chưa có một cuộc điều tra xã hội học nào được báo Đại Đoàn Kết cũng như tác giả luận văn tiến hành để khảo sát hiệu quả truyền thông của chuyên mục Tham vấn và Phản biện. Tuy nhiên, căn cứ vào 4 “kênh” cơ bản đã chỉ ra ở trên và 2 “kênh” không thường xuyên khác là phản hồi của các cán bộ mặt trận bày tỏ trong các cuộc họp do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hàng tháng, hàng quý và các cuộc phỏng vấn, lấy ý kiến trực tiếp hoặc qua điện thoại của phóng viên báo Đại Đoàn Kết đối với một số loạt bài lớn của chuyên mục Tham vấn và Phản biện, chúng tôi đưa ra một số nhận xét bước đầu như sau về sự quan tâm của độc giả đối với chuyên mục Tham vấn và Phản biện:

- Phản biện xã hội về vấn đề biển Đông nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả và đồng nghiệp

Trong số các vệt bài lớn của chuyên mục Tham vấn và Phản biện thực hiện trong năm 2011 và nửa đầu năm 2012, sự phản hồi của công chúng đối với loạt bài “Những chứng cứ Lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” là vô cùng mạnh mẽ. Không chỉ thường xuyên nhận được thư, điện thoại bày tỏ sự đồng tình với loạt bài này của Đại Đoàn Kết mà nhiều độc giả còn gợi ý, hiến kế cho tòa soạn thực hiện

một số bài chưa có. Chẳng hạn, độc giả Bùi Xuân Trường, nguyên Giảng viên Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã viết thư đề xuất với tòa soạn về việc nên tập hợp loạt bài này thành sách để làm nguồn tư liệu quý giá; “tập hợp và mời những nhà sử học có uy tín, những chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, những nhà ngoại giao kỳ cựu với Trung Quốc, những chính khách đã nghỉ hưu hiểu rõ vấn đề quan hệ Việt Nam- Trung Quốc để cung cấp cho bạn đọc cái nhìn nhiều chiều hơn về quan hệ Việt- Trung; giúp bạn đọc có cái nhìn đúng đắn về quan hệ Việt Trung, kể cả sự giúp đỡ to lớn của bạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đến những bất đồng còn tồn tại và cả cái nhìn về tương lai trong mối quan hệ này”...

Có những bức thư giản dị mà cảm động độc giả gửi đến tòa soạn như bạn đọc ở địa chỉ 468dung@gmail.com (địa chỉ nhà: 44h2 Lê Phụng Hiểu, P.Bình Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) bày tỏ: “Tôi chỉ là một người thích được báo hơn là phải viết gì gửi cho báo, nhưng hôm nay tôi phải cố gắng viết về những suy nghĩ của tôi... Vào những ngày tháng 7 tôi được đọc loạt bài này trên báo Đại Đoàn Kết. Vậy là từ nay báo Đại Đoàn Kết sẽ là người bạn cùng tôi trong suốt quãng đường còn lại vì tờ báo này đang đồng hành cùng nhân dân, Tổ quốc và dân tộc. Các anh, các chị đã lên tiếng về những vấn đề nóng của đất nước, của dân tộc trong thời gian gần đây...”.

Lại có những độc giả gọi điện hỏi địa chỉ rồi đi xe đến tận tòa soạn báo Đại Đoàn Kết để mua trọn bộ những số báo đăng tải loạt bài này vì rất tâm đắc mà không thể mua được báo Đại Đoàn Kết trên sạp báo. Họ cho biết sẽ giữ lại làm tư liệu nghiên cứu. Chính vì vậy, khi loạt bài này được tập hợp và xuất bản thành sách đã nhận được rất nhiều yêu cầu đặt mua từ độc giả và cả các nhà nghiên cứu, đồng nghiệp ở các báo khác. Đặc biệt, theo con số thống kê về lượng truy cập trên website thì các bài viết trong loạt bài này đạt mức kỷ lục so với tất cả các bài báo trước đây của Đại Đoàn Kết đã từng đăng tải.

Đây thực sự là nguồn động viên lớn đối với những người làm báo Đại Đoàn Kết.

Xét trong tổng thể mặt bằng chung thì rất nhiều tờ báo đề cập đến vấn đề biển Đông cũng như chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt nam với nhiều cách thể hiện, ở nhiều phương diện khác nhau. Song triển khai thành vệt bài dài kỳ, có lớp lang với các chứng cứ xác đáng, các ý kiến của các học giả trong nước, quốc tế và chính các học giả Trung Quốc trong sự mâu thuẫn về quan điểm... như Đại Đoàn Kết đã làm thì không có. Chính vì vậy, rất nhiều độc giả dành sự quan tâm đến vấn đề nóng này đều tìm đến Đại Đoàn Kết, dù có thể trước đây chưa từng đọc báo Đại Đoàn Kết. Còn những độc giả trung thành của báo thì đặc biệt hoan nghênh và đón đọc loạt bài này cũng là điều dễ hiểu vì mọi người dân Việt Nam, dù ít dù nhiều đều quan tâm đến những biến động trên biển Đông.

- Phản biện xã hội về các vấn đề bầu cử Quốc hội khoá XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 nhận được đánh giá và sự phản hồi tích cực của các cán bộ Mặt trận.

Điều này hoàn toàn phù hợp với đối tượng độc giả chính mà tờ báo hướng tới là các cán bộ mặt trận. Bởi vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội là rất lớn: Tổ chức các hội nghị hiệp thương để thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội; lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội; lập danh sách sơ bộ và danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác (nếu có) về những người ứng cử đại biểu Quốc hội; tổ chức để những người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri và vận động bầu cử; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội...

Chính vì thế, trong các ý kiến phản biện xã hội đăng tải trong chuyên mục Tham vấn và Phản biện về vấn đề này có sự tham gia của rất nhiều cán bộ mặt trận từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, nhiều bài báo trong loạt bài này nhận được sự khen ngợi, đồng tình của các thành viên trong mặt trận...

Xét về hiệu quả truyền thông của chuyên mục Tham vấn và Phản biện ở hai khía cạnh là về mặt tinh thần và biểu hiện về mặt thực tiễn, có thể bước đầu nhận định:

- Một số loạt bài lớn trong chuyên mục Tham vấn và Phản biện đã góp phần làm thay đổi trong nhận thức, cách ứng xử của công chúng đối với vấn đề mà bài báo thực hiện phản biện xã hội.

Một trong những khâu quan trọng để đánh giá hiệu quả truyền thông của báo chí chính là xem xét báo chí thực hiện chức năng hình thành nhận thức và hướng dẫn hành động cho công chúng như thế nào, đạt kết quả ra sao. Với chủ trương thực hiện các vệt bài phản biện xã hội dài kỳ, tập trung vào các vấn đề lớn của đất nước, các chủ trương chính sách lớn có ảnh hưởng sâu rộng đến nhân dân, Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết muốn tạo ra những tác động to lớn, sâu rộng đến công chúng tiếp nhận bài báo. 5 vệt bài lớn mà chuyên mục Tham vấn và Phản biện thực hiện trong năm 2011 và nửa đầu năm 2012 đã nhận được sự quan tâm, phản hồi của độc giả, đặc biệt là 2 vệt bài như đã phân tích ở trên. Như đánh giá của GS. Tương Lai, một cộng tác viên quen thuộc của chuyên mục Tham vấn và Phản biện của báo Đại Đoàn Kết: “Loạt bài trên Đại Đoàn Kết vừa rồi về "Những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” cùng với nhiều tờ báo khác là những đóng góp có ý nghĩa vào sứ mệnh tỉnh thức tâm hồn Việt Nam”. Bằng các phân tích đa chiều, hàm lượng thông tin cao, lập luận chặt chẽ, sắc bén mà linh hoạt, các bài báo không chỉ cung cấp cho

độc giả những thông tin chính thống, chính xác mà còn góp phần hình thành nhận thức và hướng dẫn hành động cho công chúng. Cụ thể, thông qua việc phản bác lại các luận điệu sai trái của Trung Quốc bằng các thông tin lý lẽ, dẫn chứng cụ thể, có sức thuyết phục, báo Đại Đoàn Kết đã giúp độc giả tin tưởng và ủng hộ Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Hay những thông tin về cuộc bầu cử cũng góp phần hình thành nhận thức đúng đắn, hướng dẫn hành động cho công chúng, góp phần tạo nên sự thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử..

- Về mặt thực tiễn, nghĩa là xem xét các bài viết của chuyên mục Tham vấn và Phản biện làm thay đổi tính cách, quan niệm, lối sống, nhân sinh quan, thế giới quan, phong phục tập quán... của công chúng ở mức độ như thế nào là một việc khó. Bởi không thể một sớm một chiều có thể thay đổi cá tính, nếp sống, phong tục nhận thức của nhân dân được mà đòi hỏi một quá trình lâu dài, kiên trì và bền bỉ. Chẳng hạn, khi phản biện về các biện pháp giảm tải ùn tắc giao thông, phản biện về vấn đề sử dụng tiền công đức trong các đình chùa, miếu thờ, phản biện về chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế ... đều đòi hỏi một quá trình lâu dài để độc giả thay đổi suy nghĩ và trong hành động. Bởi kể từ khi có nhận thức đúng đắn thì việc triển khai trong thực tế cũng cần một lộ trình, thời gian thích hợp... Chẳng hạn, trong bài Sông Hồng, đến hẹn lại... ô nhiễm (03/04/2012), tác giả khẳng định đây là vấn đề không mới và đã được bàn thảo nhiều lần nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Trong đó, nguyên nhân khách quan đã rõ nhưng nguyên nhân chủ quan là tình trạng "một quả trứng gà bảy bộ quản lý” từ xưa đến nay chưa được khắc phục. Mặc dù, đã có hẳn một Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông Hồng-Thái Bình (Bộ NN&PTNT); lại cũng có cả một Uỷ ban Bảo vệ môi trường các lưu vực sông (Bộ TN&MT) nhưng hoạt động không hiệu quả, mờ nhạt, tình trạng làm việc theo kiểu “chủ tịch luân phiên”... Chỉ ra một loạt nguyên nhân như vậy, vấn

đề là bao giờ khắc phục được thì chính tác giả cũng phải thốt lên “là câu hỏi bỏ ngỏ cho các nhà quản lý”...

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả truyền thông của chuyên mục Tham vấn và phản biện trên báo Đại đoàn kết (Trang 72)