Trần thuật theo điểm nhìn chủ quan

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Nam Cao trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 (Trang 25)

6. Cấu trúc luận

1.1.2.Trần thuật theo điểm nhìn chủ quan

Điểm nhìn chủ quan trong truyện ngắn Nam Cao xuất hiện ở nhiều hình thức đa dạng. Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, hiện diện trong truyện, đồng nhất với một nhân vật trong cốt truyện mà anh ta kể.

Theo M.Jahn, trong trần thuật ngôi thứ nhất, đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất chỉ cả người kể chuyện (cái tôi kể chuyện) và một nhân vật trong câu chuyện (cái tôi trải nghiệm). Nếu người kể chuyện là một nhân vật chính của câu chuyện thì anh/cô ta là một cái tôi - vai chính, nếu anh/cô ta là nhân vật phụ thì anh/cô ta là cái tôi - chứng nhân. Ta có thể khảo sát điểm nhìn chủ quan trong truyện ngắn Nam Cao trước Cách mạng theo hai dạng đó.

Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Nam Cao...

24

1.1.2.1. Cái tôi - vai chính

Khá nhiều truyện ngắn xuất hiện điểm nhìn chủ quan ở ngôi thứ nhất dưới dạng tự truyện, trong đó người kể chuyện là vai chính trong câu chuyện của anh ta. Cách kể này phá vỡ khoảng cách người trần thuật với câu chuyện được kể, làm tăng độ tin cậy của câu chuyện.

"Tôi" trong Những truyện không muốn viết đã viết lại chuyện của mình và tự thú nhận rằng: "Đó chỉ là những chuyện mà thật ra tôi không muốn viết. Bởi chuyện tôi thì bao giờ nghe cũng buồn". Cái nguyên nhân mà "tôi" đem chuyện mình ra viết là "tôi" đã viết về nhiều cái khác nhưng toàn bị người ra vơ lấy nhận là chuyện của người ta và bị người ta trách mắng.

"Thoạt tiên tôi viết chuyện một người đàn ông đã có vợ rồi. Đó chỉ là người đàn ông rất vô danh. Hắn có thể là tôi, là anh, hay bất cứ một anh nào có vợ. Nhưng một anh bạn tôi vơ chằng ngay lấy. Ông ta bảo tôi định nói về ông. Ông hục hặc với tôi. Ông khuyên tôi chớ đem in. Đem in thì vỡ mặt. Tôi chót dại chưa học võ. Thôi thì đành chiều ông.

Tôi viết chuyện một con chó mực. Tôi thề rằng quả thật đó chỉ là truyện một con chó mực. Nhưng chuyện vừa in ra thì tôi gặp một thằng say. Hắn trợn mắt lên. Mắt hắn đỏ ngàu ngàu. Hắn lè nhè hỏi tôi: Sao lại bảo hắn là chó? Rồi hắn chửi cho tôi một mẻ, vuốt mặt không kịp. Tôi ức quá. Nhưng rồi tôi lại cười. Tôi lẳng lặng về nhà, lấy giấy bút viết chuyện một thằng say rượu.

Thằng say này say lắm. Nó uống rượu vào rồi nó chửi. Chửi lung tung cả. Thằng say nào chẳng vậy? Ấy thế mà có một bọn người rất tỉnh kêu bù lu bù loa lên rằng: Tôi mượn rượu để chửi cả làng nhà họ. Và họ doạ tôi đủ thứ. Trời đất ơi !...

Vậy thì tôi còn biết viết cái gì? Một anh bạn khuyên tôi đừng đả động đến một người nào. Cứ viết chuyện buồng cau cây chuối, cục đất, buổi hoàng hôn hay con lợn. Nhưng biết đâu đấy? Tôi vẫn sợ. Tôi sợ có người nhận mình

Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Nam Cao...

25

là buồng cau, cây chuối, cục đất, buổi hoàng hôn, hay là con lợn để mà không bằng lòng. Bởi thế, tuy chẳng muốn, tôi đành lại lấy tôi ra mà viết để cho yên chuyện".

Tâm sự này của "tôi" quả là cũng giống với tâm sự nhà văn ngoài đời. Một bạn văn cùng thời Nam Cao là Nguyễn Công Hoan cũng thấy "mình kể chuyện mình, xưng là tôi, thì dù ai cũng xấu, ngốc dại như người trong truyện, có bị chạm nọc, họ cũng không giận tác giả đã lật tẩy họ" (Đời viết văn của tôi).

Trong một số truyện, "tôi" không chỉ trải nghiệm với những câu chuyện của bản thân mà còn trải nghiệm với cả những cảm xúc của người khác - những người mà cảnh ngộ số phận của họ còn khổ hơn "tôi" nữa.

"Tôi" trong truyện ngắn Mua nhà luôn cảm thấy mặc cảm trước bạn bè khi họ tới thăm nhà mình. Khi đến nhà bạn thì bạn có điều kiện đón tiếp thoải mái nhưng bạn đến nhà "tôi" thì... “tôi bực tức vô cùng” vì “đến nhà tôi, các anh phải cúi lom khom người để chui vào một cái lều tối om om. Nền nhà bằng đất nên ẩm ẩm dưới chân. Một mùi mốc khăng khẳng làm các anh nhăn mũi”. Rồi mưa bão đến, căn nhà bị đổ và vườn tược cũng mất. Một thời gian sau, "tôi" làm lụng khổ sở ki cóp để mua nhà mới, đó là nhà của "kẻ nhiều công nợ. Anh ta goá vợ, anh ra phải nuôi hai đứa con thơ dại. Anh ta lại mới thua xóc đĩa ba, bốn canh mất tất cả đến hai trăm đồng bạc".

Người bán nhà là người bố đang nuôi hai đứa con nhưng anh ta bán nhà không phải để lo cho con cái hay làm ăn mà để nướng vào anh bạc. Khi vừa bán nhà xong, bọn chủ sòng biết mùi tiền từ anh ta thì lập tức không để thoát. Đứa bé con anh ngồi đó và nhìn người ta dỡ ngôi nhà. "Tôi" ngồi đó xem người ta dỡ và trông đứa trẻ. Nó nghe tiếng dùi đục mà sợ hãi, nó bừng mắt, môi bụm lại, má phình ra và chạy sang nhà hàng xóm, rồi "tôi" nghe thấy tiếng trẻ con khóc và hờ mẹ. Lúc đó "tim tôi động một cái giống như bước

Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Nam Cao...

26

hụt. Rồi nó đập loạng choạng. Tôi hơi lảo đảo. Bây giờ thì tôi không lẩn trốn những ý nghĩ của tôi được nữa. Tôi ác quá! Tôi phải thú với tôi nhiều rồi…".

Chính sự trải nghiệm qua nỗi mặc cảm của mình "tôi" thấy rằng nỗi khổ của mình chưa thấm tháp gì so với nỗi khổ của người khác. "Tôi" đã có những khoảnh khắc cùng chia sẻ, thấu lòng tới tận tâm can với khổ đau của đứa trẻ, nó đã mất mẹ, mất nhà, mái ấm chở che và giờ đây người cha đã không quan tâm tới nó nữa. Hạnh phúc như bị giành giật lấy trên tay nó nhanh đến nỗi khiến lòng "tôi" thấy: hạnh phúc là điều gì đó vô cùng mong manh, dễ mất, khó đến được với mọi người: “Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở. Đâu phải tôi muốn tệ? Nhưng biết làm sao được? Ai bảo đời cứ khắt khe vậy? Giá người ta vẫn có thể nghĩ đến mình mà chẳng thiệt đến ai!”...

Trong truyện Cái mặt không chơi được, "tôi" luôn phải đi tìm một tiếng đồng lòng với mình nhưng sao thật khó, tất cả chỉ vì tôi có "cái mặt không chơi được". Bất cứ ai gặp "tôi" lại thấy không thể gần gũi được lâu dài. Con người đôi khi rất kỳ lạ là đã lấy hình thức, vẻ bên ngoài làm thước đo cho việc xem xét anh ta có thể là bạn mình hay không. "Tôi" rất buồn, buồn vì không ai muốn tìm hiểu mình, "tôi" rất muốn được chia sẻ với người khác nhưng họ cứ lánh xa. Trong cuộc hành trình vào Nam "tôi" mong muốn tìm được bạn nhưng điều ấy cũng không thể. Cuối cùng "tôi" cũng tìm thấy được người có thể chia sẻ với mình, gặp một cách giản dị không ai ngờ sau bao lâu tìm kiếm. Có thể thấy nhân vật "tôi" trong truyện ngắn luôn phải cố gắng, nỗ lực và trăn trở để vượt qua khỏi những ranh giới nhất định để gần người khác, để được chứng tỏ mình và muốn họ hiểu được mình. Ranh giới đó chỉ là "cái mặt không chơi được" của anh ta, mà bao người xa lánh. Ai cũng biết rằng cuộc sống luôn có những ranh giới, giới hạn, có những điều trong giới hạn đó hết

Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Nam Cao...

27

sức bình thường, nhưng lại không mấy ai biết vượt qua những rào cản không đáng có đó để hiểu nhau hơn.

Ngoài những truyện kể từ điểm nhìn của cái "tôi"- nhân vật chính, nhiều truyện ngắn Nam Cao là những truyện kể từ điểm nhìn của cái "tôi"- chứng nhân, như là một nhân vật phụ chứng kiến câu chuyện và kể lại.

1.1.2.2. Cái tôi - Chứng nhân

Trong những truyện này, "tôi" vừa là nhân vật phụ, vừa là người kể chuyện đã chứng kiến trung thực, khách quan mọi chi tiết, sự kiện diễn ra. Chẳng hạn, khi "tôi" là người thấy cảnh sống cam chịu khổ sở của anh chàng Phúc (Điếu văn), khi "tôi" chứng kiến một anh chàng viết về truyện tình của mình (Truyện tình), hay lúc "tôi" là khách mời nhậu bất đắc dĩ của một anh chàng vất vả kiếm tiền nhưng tiêu tiền trong phút chốc (Thôi đi về).

Khi đặt điểm nhìn từ cái "tôi" kể chuyện, câu chuyện chắc chắn ít nhiều vẫn mang bản sắc, thái độ, đánh giá của "tôi" về sự kiện. Tính chủ quan thể hiện ở việc người kể chuyện xen kể, tả và lời bình luận...với giọng chủ quan của mình, mọi hành động truyện cuối cùng vẫn là được lý giải, soi sáng từ điểm nhìn chủ quan này.

Trong truyện ngắn Nam Cao, đây có thể là một người kể chuyện cùng đồng cảm hoặc lạnh lùng trong cách nhìn nhận về câu chuyện. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ví dụ, để kết luận về cuộc đời, cái chết của một con người đầy khổ sở cam chịu, người kể chuyện xưng "tôi" gửi gắm nỗi niềm đồng cảm: “Bây giờ thì sự im lặng bất tuyệt đã bịt chặt đôi tai anh, chán nghe những lời mỉa mai của đời rồi. Bóng tối đời đã phủ kín đôi mắt anh, mở thao láo nhiều đêm để tìm trong bóng tối những cảnh nó làm anh nhục nhã. Anh đã có thể dửng dưng đối với những chuyện của loài người. Vậy thì anh Phúc ơi! Anh hãy nghỉ cho yên! Những chuyện đời này bây giờ chỉ còn là của chúng tôi. Chúng tôi, những kẻ đã đau khổ, đã uất ức, đã ước ao, đã khát thèm, đã thất vọng và

Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Nam Cao...

28

vẫn còn hy vọng mãi và phải hy vọng mãi. Sự đời không thể cứ mù tịt mãi thế này đâu. Tương lai phải sáng sủa hơn. Một rạng đông đã báo rồi. Một mặt trời mới sẽ mọc lên trên nấm mồ anh và bên trên đầu hai đưa con côi anh để lại. Một bàn tay bạn bè sẽ nắm lấy bàn tay chúng ta cùng đi tới một cuộc đời đẹp hơn"(Điếu văn).

Tuy "tôi" không phải là nhân vật chính nhưng điểm nhìn của anh ta luôn là trung tâm định hướng cho độc giả. Dù "tôi" không kể chuyện mình, hoặc không trực tiếp tham dự vào câu chuyện thì cũng không thể nói rằng câu chuyện được kể không có chút gì liên quan đến "tôi". Bởi lẽ, khi câu chuyện được kể ra có nghĩa là nó không tách rời ý thức của người kể. Đứng ở vị trí người kể chuyện "tôi" không bị các nhân vật khác nhìn, chỉ có các nhân vật khác bị nhìn theo quan điểm của "tôi". Vì vậy, điểm nhìn chủ quan cũng thể hiện rất rõ nét.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Nam Cao trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 (Trang 25)