b. Đặc điểm thủy văn
2.3.1. Tài nguyên đất (Phụ lụ c Sơ đồ thổ nhưỡng)
Khu kinh tế thương mại Lao Bảo có các nhóm đất sau:
- Nhóm đất phù sa tập trung ở khu vực ven sông Sê Pôn thuộc thị trấn Lao Bảo và xã Tân Lập, có ý nghĩa lớn về sản xuất lương thực, thực phẩm.
- Nhóm đất đỏ ba zan hình thành trên đá ba zan, nằm trên địa hình gò đồi, dốc nhẹ, tập trung ở thị trấn Khe Sanh và các xã Tân Lập, Tân Liên, Tân Hợp. Với đặc điểm tầng dày trên 100 cm, thành phần cơ giới thịt nặng, hàm lượng mùn khá (2,5-3%), lân và kali dễ tiêu trung bình (10-15 mg/100 g đất), hơi chua (pHKCl: 4,5-5). Với đặc tính đó thích hợp cho phát triển cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả...
- Nhóm đất vàng trên phiến đá sét phân bố trên dạng địa hình đồi núi ở xã Tân Lập và thị trấn Lao Bảo. Với đặc tính thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến sét nặng, hàm lượng mùn trung bình (1,5-2%), lân dễ nghèo (3,5 mg/100 g đất), kali dễ tiêu trung bình (7-10 mg/100 g đất), phản ứng chua, tầng dày 50-100 cm, phù hợp với nhiều loại cây.
- Đất vàng nhạt trên đá cát phân bố ở hầu hết các xã. Đặc tính tầng đất dày chủ yếu từ 50-70 cm, thành phần cơ giới từ cát pha đến thịt nhẹ, hàm lượng mùn nghèo (1-1,5%), lân và kali dễ tiêu nghèo (3-5 mg/100 g đất), đất chua (pHKCl: 3,5-4). Đây là loại thích hợp cho trồng cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả,...
- Nhóm đất dốc tụ: chiếm tỷ trọng diện tích nhỏ, phân bố rải rác ở các chân đồi, khe suối hẹp và là sản phẩm của quá trình bào mòn, rửa trôi. Với đặc tính có hàm lượng mùn khá (trên 2%), lân và kali dễ tiêu trung bình (10- 15 mg/100 g đất), đất chua vừa (pHKCl: 5-5,5). Với đặc tính đó, thích hợp cho việc trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày.
- Nhóm đất nâu đỏ vàng trên núi cao phân bố trên các đỉnh núi cao thuộc các xã. Với đặc tính hàm lượng mùn khá (2,5-3%), tầng đất dày (70-100 cm), thành phần cơ giới nhẹ, đất chua (pHKCl: 3,5-4), thích hợp phát triển rừng [43].