Phật giáo là học thuyết triết học được xếp vào trường phái không chính thống cùng với phái Lokayata và Jaina ở Ấn Độ lúc bấy giờ, vì có những phần không thừa nhận tư tưởng Veda, Upanisad và phát triển các tư tưởng từ bên ngoài. Khác với một số trường phái chính thống, ngay từ bản thể luận tính vô thần đã thể hiện qua quan niệm về nhân quả khi giải thích về sự khởi sinh, biến chuyển của thế giới. Các trường phái khác nói chung đều đã viện đến vai trò của thần thánh còn Phật giáo lại nhất quán quan điểm vô thần. Phật giáo khẳng định bản chất của vũ trụ là Không và mọi vật sinh thành, phát triển và tiêu diệt theo quy luật vô thường. Tức là trong sự vận động biến đổi không ngừng, ngay cả con người cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Không có cái gì có thể tồn tại được mãi mãi và bất biến. Vô thường là tính cơ bản của mọi tồn tại hữu hình và bị quy định. Do vậy bản chất đích thực, tối hậu của vũ trụ vạn vật là Không (còn gọi là Tính không). Mọi sự vật hiện tượng đều biến đổi theo quy luật: sinh - trụ - dị (hoại) - diệt - không và con người thì theo quy luật: sinh - lão - bệnh - tử [xem 56, tr.38].
Trong tư tưởng Phật giáo, giáo lý Duyên khởi được coi là thành tựu giác ngộ tối thượng của đức Phật và các sử liệu đều khẳng định điều này2. Đây là vấn đề bản thể luận của Phật giáo đóng vai trò nền móng để Phật giáo xây
2 Kinh Tương ưng nhân duyên (Tương ưng bộ kinh II; tập 12,16, đại 2, 85ª), Kinh Phật tự thuyết (Tiểu bộ kinh I, bản dịch của HT.Minh Châu 19 2), Kinh Đại bổn (Trường bộ kinh III) và Kinh Đại duyên (Trường bộ kinh I, bản dịch của HT.Minh Châu 19 2), Kinh Đại bổn (Trường bộ kinh III) và Kinh Đại duyên (Trường bộ kinh III) là các kinh bàn rõ về giáo lý duyên khởi
40
dựng các quan điểm Tứ Diệu Đế, Thập nhị nhân duyên. Bát Chính Đạo... trên đó. Và vì Duyên khởi khái quát được bản chất và quy luật tất yếu của thế giới nên nó có giá trị làm nền tảng để phát triển nhân quả hoàn bị hơn các quan niệm khác.
Duyên khởi là gì? Đức Phật định nghĩa: “Do vô minh có hành sinh; do hành có thức sinh, do thức có danh sắc sinh; do danh sắc có lục nhập sinh; do lục nhập có xúc sinh; do xúc có thọ sinh; do thọ có ái sinh; do ái có thủ sinh; do thủ có hữu sinh; do hữu có sinh sinh; do sinh có lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh hay toàn bộ Khổ uẩn sinh. Đây gọi là duyên khởi (hay duyên sinh)”. (Tương ưng bộ kinh II, tr. 1 – 2). [58, tr.166]. Khi định nghĩa về Duyên khởi Đức Phật muốn giải thích nguồn gốc khổ từ các nhân, các duyên và quả thành chuỗi liên tiếp của 12 nhân duyên nhưng bên cạnh định nghĩa thì các nội dung được trình bày trong giáo lý Duyên khởi còn hàm chứa rất nhiều ý nghĩa sâu sắc
Giáo lý Duyên khởi của Phật giáo khẳng định nguyên lý phụ thuộc của mọi sự tồn tại. Theo nguyên lý này mọi sự vật đều nhờ/nương vào cái khác (duyên/điều kiện) mà nảy sinh, mà vận động, mà phát triển và trở thành cái khác. “Gọi là duyên sinh pháp là các pháp được tác thành, hữu vi, biến hoại, tan rã, đoạn diệt, vô thường” [58, tr.167].
Do nhân duyên, nhờ nhân duyên mà thành nên mọi vật đều không có tự tính (riêng), do vậy mà không thường hằng (có nghĩa là vô thường – không tồn tại mãi). “Cái này có nên cái kia có, cái này không có nên cái kia không có. Cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt”. (Kinh Phật Tự Thuyết, Tiểu Bộ I, tr.291) [58, tr.167].
Theo giáo lý duyên khởi, vạn vật trong cùng một lúc nó vừa là nó, vừa không còn là nó. Phật giáo không phủ định thế giới hiện có, song thế giới hiện thực đó không tĩnh mà động, không thật mà hư hư thực thực, mờ mờ ảo ảo (sắc sắc, không không) [xem 58, tr.165 - 178].
Giáo lý Duyên khởi còn nhấn mạnh, cái gì có sinh thì ắt có diệt. Mọi sự vật hiện tượng chỉ là sự kết hợp động của các yếu tố động. Do đó
41
chúng luôn luôn biến đổi. Thế giới là trùng trùng duyên khởi. Sự hủy diệt thế giới này là sự hình thành thế giới khác. Trong vũ trụ bao la, thế giới con người chỉ như một hạt cát của sông Hằng. Phật giáo tiếp thu mô hình thế giới vĩ mô của Ấn Độ cổ, gọi Thế giới ta sống là một đơn vị thế giới và:
1000 thế giới = 1 tiểu thiên thế giới;
1000 tiểu thiên thế giới = 1 trung thiên thế giới
1000 trung thiên thế giới = 1 đại thiên thế giới [xem 32, tr.52]. Bản thân con người cũng là vô ngã (cái tôi, cái cá nhân, cái riêng không tồn tại) đó là sự kết hợp tạm thời của ngũ uẩn (5 yếu tố: sắc – thân thể; thọ - cảm xúc; tưởng – tưởng tượng; hành – hành động, hành vi; thức – nhận thức, ý thức). Khi những yếu tố này tan rã thì con người cũng không còn tồn tại [xem 58, tr.214 - 216].
Khi bàn về nguyên nhân, quá trình và cách chấm dứt nỗi khổ cho con người đức Phật đã thông qua mối liên hệ chuyển hóa liên tiếp của 12 nhân duyên (Thập nhị nhân duyên) để chứng minh rằng nguyên nhân của sự đau khổ cũng chính là do sự sinh khởi hay đoạn diệt của 12 yếu tố có liên quan với nhau. Vô minh – hành – thức – danh sắc – lục nhập - xúc – thọ – ái – thủ – hữu – sinh – lão tử. Cái trước là nguyên nhân sinh ra cái sau, sự chuyển hóa diễn ra liên tục. Chính vì các yếu tố này đều nương vào cái khác mà tồn tại, nên sẽ mất đi khi cái sinh ra nó không còn. Tư tưởng về Thập nhị nhân duyên
có một ý nghĩa lớn trong việc chỉ ra phương pháp đoạn khổ, diệt khổ cho con người. Do 12 chi phần này sinh khởi mà con người khổ, vậy chỉ cần chấm dứt sự tồn tại của một, một vài hoặc tất cả các yếu tố trong chuỗi 12 chi phần này thì sự sản sinh ra Khổ không diễn ra được nữa. Như vậy cái trước không còn sinh khởi thì cái sau, cái sau nữa... cũng không thể sinh khởi. Và như vậy khổ hoàn toàn bị đoạn diệt. “Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn, hành diệt; do hành diệt nên thức diệt; vv ... lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Này các Tỷ kheo, như vậy là đoạn diệt” [58, tr.166]. Trong chuỗi 12 nhân duyên trên thì tất cả sự chuyển hóa bắt đầu từ Vô minh. Khi đưa ra tư tưởng về Thập nhị nhân duyên Phật giáo không quan niệm Vô minh là nguyên nhân
42
đầu tiên nhưng nó là nguyên nhân chính dẫn đến khổ, là suối nguồn của sinh tử và khổ đau. Chính nó cũng không có một thực thể mà là do duyên mà sinh. Không biết khổ, sự sinh khởi của khổ... có nghĩa là không biết rõ Tứ diệu đế, Nhân quả và Duyên khởi... đây gọi là Vô minh. Khi Vô minh che lấp ở con người xuất hiện lòng tham ái và chấp thủ vì không nhận rõ chân tướng sự vật chỉ là giả tạm, vô thường mà kéo theo hàng loạt sự chuyển hóa sau đó trong 12 chi phần nhân duyên. Vì vậy xuất hiện Vô minh sẽ xuất hiện sự chuyển hóa 12 chi phần và khổ xuất hiện, diệt được Vô minh sẽ không có 12 chi phần xuất hiện và chuyển hóa đồng nghĩa với việc khổ bị đoạn diệt hoặc không bị khởi sinh nữa.
Nội dung giáo lý Duyên khởi phản ánh chân lý tất yếu của vũ trụ thế giới. Sự khởi lên hay đoạn diệt của các pháp trong giáo lý duyên khởi là mang tính khách quan, vốn có, chi phối trong vũ trụ thế giới, con người có nhận thấy hay không nó vẫn cứ tồn tại. Điều này được Đức Phật xác nhận “Pháp duyên khởi ấy dù có Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt định lý ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt, Như Lai tuyên bố tuyên thuyết, khai triển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị” [58, tr.167]. Tính vô thần được thể hiện rõ trong Thập nhị nhân duyên bởi sự sinh khởi của Vô minh dẫn đến sự xuất hiện và chuyển hóa của các chi phần tiếp theo là mang tính tự thân, không do thần thánh nào tạo ra hay chi phối. Mỗi yếu tố trong 12 chi phần có liên quan mật thiết đến nhau, cái trước sinh ra cái sau, cái sau xuất hiện là nhờ có cái trước tạo tác. Chặt đứt bất kì yếu tố nào trong 12 nhân duyên đều khiến cho toàn bộ chuỗi tiếp sau bị đoạn diệt, không thể được sinh ra và chuyển hóa được nữa. Như vậy nếu xóa bỏ yếu tố đầu tiên là Vô minh thì có nghĩa đã chặn đứng sự sinh khởi và chuyển hóa của 12 chi phần và khổ không thể tạo tác. Vậy không có thượng đế thần linh nào sinh ra hay xóa bỏ được 12 nhân duyên, cũng không có thánh thần nào can thiệp khiến cho 12 nhân duyên xuất hiện, chuyển hóa hay dừng lại.
43
Từ lập trường vô thần này của giáo lý Duyên khởi mà tư tưởng nhân quả cũng được triển khai trên tinh thần đó. Phật giáo cũng quan niệm các sự vật nằm trong mối liên hệ nhân quả vô tận. Cái trước là nguyên nhân của cái sau, cái sau là kết quả đồng thời là nguyên nhân của cái sau nữa... Như vậy cái nào cũng là nhân và cái nào cũng là quả, sự sản sinh diễn ra vô tận. Tuy nhiên nguyên nhân sinh ra kết quả là quá trình phức tạp. Giữa nguyên nhân và kết quả là vai trò chi phối của yếu tố duyên. Chính duyên là yếu tố quyết định kết quả có được tạo thành hay không và tạo thành như thế nào... Tất cả là do sự vận động biến đổi của chính bản thân sự vật, bởi sự vật là vô thường không tự sinh ra cũng không tự mất đi, bởi sự vật nằm trong mối liên hệ duyên khởi trùng điệp.
Như vậy Phật giáo đứng trên lập trường của thuyết Thập nhị nhân duyên thừa nhận thế giới hình thành là do bản thân nhân quả nối tiếp nhau vô tận. Sự biến hóa ra thế giới vũ trụ là một hoạt động dĩ nhiên do các công năng tự nó làm nhân duyên nhân quả lẫn cho nhau mà sinh hóa. trong thế giới các sự vật hiện tượng thì sự vật có sinh có diệt, có thủy có chung, chuyển biến vô thường nhưng nếu xét toàn bộ vũ trụ đứng về bản thể thực tại thì lại vượt ra ngoài sinh diệt, thủy chung, mà trở thành thường trụ, trong chuỗi nhân quả nối tiếp nhau không ngừng ở khắp mọi nơi từ quá khứ đến hiện tại đến tương lai. Vậy trong Phật giáo vũ trụ là một khối thống nhất duy nhất, nhịp nhàng và Phật giáo hiển nhiên không thừa nhận có thượng đế sáng tạo, không chấp nhận có đại ngã và nguyên nhân đầu tiên.