Đặc điểm của Phật giáo ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 45)

Trên bước đường truyền bá và hội nhập, Phật giáo trải qua nhiều biến động, lúc thịnh, lúc suy, nhưng đã tự khẳng định như một thành tố không thể tách rời của văn hoá dân tộc. Phật giáo Việt Nam đã xây dựng cho mình

truyền thống yêu nước, gắn bó dân tộc trong tư tưởng đạo đức, tâm hồn, lối sống của nhân dân. Chính vì vậy, khi vào nước ta Phật giáo đã dược nhân dân ta tiếp nhận và phát triển tương đối rộng rãi, từ cái ngoại lai thành cái bản địa, từ cái xa lạ thành cái thân thuộc với mọi người. Đặc biệt, mặc dù Phật giáo được tiếp nhận hoà vào đời sống tinh thần và tâm linh của người Việt Nam nhưng Phật giáo lại tạo ra một nét thuần phong có những nét khác với tinh thần Phật giáo ở các nước Đông Á. Đặc điểm nổi bật của Phật giáo Việt Nam mang đậm sắc thái dân tộc dung nạp các tín ngưỡng dân gian, gắn bó với con người một nắng hai sương tạo ra những yếu tố tích cực trong phong cách của nền văn minh lúa nước.

Một ví dụ điển hình cho sự kết hợp này là truyền thuyết Tứ Pháp xuất hiện từ đầu công nguyên, ngay khi có sự du nhập Phật giáo, được nuôi dưỡng suốt thời Bắc thuộc, đến kỷ nguyên độc lập. “Truyền thuyết kể rằng Phật Mẫu Man Nương là người con gái rất sùng đạo, năm 12 tuổi đến theo học đạo ở chùa Linh Quang, Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tại chùa có thiền sư Khâu Đà La là một vị cao tăng đầu tiên sang Việt Nam truyền đạo tại đây. Một hôm Man Nương ngủ ở thềm, Khâu - Đà - La bước qua người, sau đó bà thụ thai. Cha mẹ Man Nương trách cứ thì Khâu - Đà - La dặn rằng đó là con Phật, không phải lo phiền. Mười bốn tháng sau, Man Nương sinh hạ một người con vào ngày 8 tháng 4, đem đến chùa trả lại Thiền sư, ông gõ gậy tích trượng vào cây dung thụ (cây đa) ở cạnh chùa, cây đa tách ra, thiền sư để đứa trẻ vào trong, cây lại khép lại. Khâu - Đà - La trao cho Man Nương cây gậy và dặn khi nào hạn hán thì đem gậy cắm xuống đất để cứu nhân dân. Khi vùng Dâu bị hạn hán ba năm liền, nhớ đến lời dặn của ông, Man Nương đã đem cây gậy thần cắm xuống đất. Ngay lập tức nước phun lên, cây cối, ruộng đồng lại tươi tốt và chúng sinh thoát nạn hạn hán. Tiếp đó có trận mưa to, cây dung thụ bị gió bão quật đổ xuống sông Thiên Đức - sông Dâu rồi trôi về Luy Lâu. Khi đó, Thái thú Sĩ Nhiếp cho quân lính vớt lên đã để làm nóc điện Kính Thiên,

nhưng không ai lay chuyển nổi. Man Nương đi qua liền xuống sông, buộc dải yếm vào thì kéo cây lên dễ dàng. Sĩ Nhiếp thấy thế kính sợ, tuyển mười người họ Đào tạc tượng Tứ pháp là Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện tượng trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp để thờ. Khi thợ tạc tượng gặp trong thân cây một khối đá bèn vứt xuống sông. Đến đêm thấy lòng sông rực sáng, Sĩ Nhiếp cho người vớt nhưng không tài nào vớt được. Man Nương liền đi thuyền ra giữa sông thì khì khối đá tự nhiên nhảy vào lòng. Khối đá ấy được gọi là Thạch Quang Phật (Phật đá tỏa sáng). Bốn pho tượng Tứ Pháp được thờ ở bốn chùa Dâu, Đậu, Tướng, Dàn ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Làng Mãn Xá lập chùa Phúc Nghiêm thờ Man Nương, gọi là Phật Mẫu, nên gọi chùa này là chùa Tổ. Hàng năm vào ngày hội chùa Dâu, thì ba làng Đậu, Tướng, Dàn rước tượng Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện về chùa Dâu gặp Pháp Vân rồi bốn chị em về chùa Tổ thăm Mẹ. Thời Pháp, chùa Đậu bị phá nên tượng Pháp Vũ để ở chùa Dâu. Thạch Quang Phật cũng được thờ ở đây” [21, tr.278].

Tóm lại, Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã tiếp xúc ngay với các tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, và do vậy đã được tổng hợp chặt chẽ ngay với chúng. Hệ thống chùa “Tứ pháp” thực ra vẫn chỉ là những đền miếu dân gian thờ các vị thần tự nhiên Mây - Mưa - Sấm - Chớp và thờ đá. Lối kiến trúc phổ biến của chùa Việt Nam là “tiền Phật, hậu Thần” với việc đưa các thần, thánh, các thành hoàng, thổ địa, các anh hùng dân tộc vào thờ trong chùa. Có những chùa còn có cả bàn thờ cụ Hồ Chí Minh ở Hậu đường. Hầu như không chùa nào là không để bia hậu, bát nhang cho các vong linh hồn.

Phật giáo Việt Nam có khuynh hướng dung nạp cổ tích, thần thoại dân gian và “dân tộc hoá” nghi lễ tập tục Phật giáo, có nghĩa là hoà quyện hình thức nghi lễ giữa đạo và đời, điển hình như một lễ trai đàn, lúc nào cũng theo nguyên tắc “trong chay, ngoài hội”, tức bên trong lễ thì tụng kinh cầu quốc thái dân an và siêu độ cô hồn tử sĩ, bên ngoài hội thì có sân khấu hát tuồng về tích Phật (thay cho trước đó là hát bội tuồng Tàu- theo lệ của triều đình phong

kiến). Chính khuynh hướng “dân tộc hoá” này đã làm nhân dân thích thú vì họ không có bóng dáng chế độ phong kiến trong các mặt đời sống tinh thần ở vùng đất mới này.

Một đặc điểm nổi bật khác của Phật giáo Việt Nam là sự phối hợp và kết tinh của Phật giáo với Nho giáo và Đạo giáo, được các vua thời Lý công khai hoá và hợp pháp hoá. Chính vì đặc tính dung hoà giữa Nho - Phật - Đạo nên Phật giáo việt Nam đã trở thành một tôn giáo truyền thống của dân tộc Việt. Phật giáo Việt Nam không phải Phật giáo Trung Hoa hay Phật giáo Ấn Độ, mà nó là tất cả những khuynh hướng tâm linh của người dân Việt. Chính tinh thần khai phóng của Phật giáo Việt Nam đã kết tinh lấy Chân, Thiện, Mỹ làm cứu cánh để thực hiện. Trong nhiều thế kỷ hình ảnh tam giáo tổ sư với Phật Thích Ca ở giữa, Lão Tử bên trái, Khổng Tử bên phải đã in sâu vào trong tâm thức của người dân Việt Nam như: chùa Châu Đài (Hà Nội) chùa Nam Nhã (Cần Thơ) chùa Đất Sét (Sóc Trăng)...

Một nét đặc trưng rất riêng của Phật giáo Việt Nam so với các quốc gia Phật Giáo láng giềng là sự dung hoà giữa các tông phái Phật giáo. Nếu như ở Thái Lan, Lào, Campuchia chỉ có Phật giáo Nam Tông còn ở Tây Tạng, Nhật Bản thuần tuý chỉ có Bắc Tông. Còn ở Việt Nam lại dung hoà và điều hợp cả Bắc Tông và Nam Tông. Chính vì tinh thần khế lý, khế cơ của Phật giáo cộng với tinh thần khai phóng của Phật giáo Việt Nam mới có kết quả như vậy.

Trong khi khai triển Phật giáo Việt Nam, các thiền sư đã không theo thiền kiểu mẫu của các thiền sư mà mở lấy con đường riêng, phù hợp với dân tộc. Khi tiếp nhận với hai luồng ảnh hưởng ấy, các thiền sư Việt Nam đã khéo léo kết hợp, điều chỉnh tính hai cực Ấn Độ - Trung Hoa, một bên thì quá ham chuộng sự bay bổng, thần bí còn một bên quá thực tiễn duy lý. Điều này được thể hiện trên pháp đàn tư tưởng thời Lý cũng như thời Trần, thời kỳ vàng son của Phật giáo Việt Nam và các thời kỳ sau này không có những mâu thuẫn đối lập mà tất cả đều quy về một mục đích chính là tu hành giải thoát.

Bên cạnh đó, Phật giáo Việt Nam luôn có sự dung hoà với các thế hệ chính trị xã hội. Phật giáo tuy là một tôn giáo xuất thế, nhưng Phật giáo Việt Nam có chủ trương nhập thế, tinh thần nhập thế sinh động nàu nổi bật nhất là thời Đinh, Lý, Trần. Trong các thời kỳ này các vị cao tăng có học thức, có giới hạnh đều được mời tham gia vào việc triều chính hoặc làm cố vấn trong những việc trọng đại của quốc gia như: Thiền sư Ngô Chân Lưu thời vua Đinh Tiên Hoàng, Tiền Lê có ngài Vạn Hạnh, thời Trần có các Thiền sư Đa Bảo, Viên Thông… đều được các vua tin dùng trong bàn bạc quốc sự và cố vấn triều đình. Đến thế kỷ XX trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phật tử Việt Nam rất hăng hái tham gia các hoạt động đấu tranh đòi hoà bình và độc lập dân tộc.

Tóm lại, Phật giáo có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, trên cơ sở tiếp thu ảnh hưởng từ cả hai phía Ấn Độ và Trung Hoa, hoặc là trực tiếp hoặc là gián tiếp Phật giáo Việt Nam hội tụ cả hai dòng Phật giáo Bắc và Nam tông chính là Đại thừa và Tiểu thừa và chịu ảnh hưởng của ba tông phái lớn: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Trong đó Thiền tông là sâu sắc hơn cả, đồng thời Phật giáo Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Đạo giáo, những phong tục tập quán và những tín ngưỡng dân gian, tạo ra những nét riêng biệt.

Một phần của tài liệu Vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 45)