Quá trình du nhập, phát triển của Phật giáo ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 41)

Phật giáo là một tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ ra đời từ thế kỷ VI trước công nguyên với nội dung cơ bản là triết lý nhân sinh về nỗi khổ của con người và cách tu luyện diệt khổ, giải thoát. Cốt lõi của triết lý đó là tứ diệu đế: khổ đế, diệt đế, tập đế và đạo đế. Phật giáo chủ trương bình đẳng giữa các giai tầng xã hội và đề cao lòng từ bi bác ái. Từ rất sớm, Phật giáo đã lan toả hoà bình đến các miền đất rộng lớn, nhất là ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Theo Nguyễn Quang Ngọc trong “Tiến trình lịch sử Việt Nam” nhà nước đầu tiên ở Việt Nam được xác định niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ II trước công nguyên với 18 đời vua Hùng. Thế kỷ II - TCN Thục Phán vị thủ lĩnh nước Âu Việt hợp nhất với nước Văn Lang xưng An Dương Vương, đặt quốc hiệu là nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa. Năm 176 - TCN, nước ta bị Triệu Đà, nhà Hán xâm lược, mở đầu sự xâm lược và đô hộ của các thế lực phong kiến phương Bắc, kéo dài cho đến thế kỷ X với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938. Đây là thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, gồm nội thuộc các triều đại phong kiến phương Bắc: Hán, Đông Ngô, Lương, Tuỳ, Nam Hán. Thời kỳ Bắc thuộc các triều đại phong kiến phương Bắc dùng chính sách cai trị tàn bạo, nhằm đồng hoá Việt Nam theo văn hoá Phương Bắc. Thời kỳ đó chưa bao giờ nhân dân ta chịu khuất phục, nhân dân ta không ngừng vùng lên chống xâm lược nên thời kỳ này còn gọi là thời kỳ chống Bắc thuộc. Theo nhiều công trình nghiên cứ lịch sử Phật giáo Việt Nam thì chính trong điều kiện đó Phật giáo du nhập vào nước ta (từ đầu công nguyên). Theo sử Trung Quốc cũng đã nghi

nhận rằng vào những năm đầu thế kỷ II, trong khi Thương Ngô vùng Nam Trung Quốc chưa biết đến Phật giáo thì ở Luy Lâu đã có một trung tâm Phật giáo và Phật học khá phồn thịnh, tương đương với trung tâm Lạc Dương - Kinh đô của Đông Hán và Bành Thành của nước Sở [11, tr.123].

Đáng chú ý trong thời kỳ đầu chủ yếu sự truyền bá Phật giáo vào Việt Nam trực tiếp từ Ấn Độ sang bằng đường biển. Một số tăng sỹ Ấn độ và Trung Á sang truyền giáo ở Việt Nam như: Marajavaka, K’sudara đến Việt Nam, sau đó là Khương Tăng Hội, Lương Cương, tiếp đó Dharmadeva, dưới thời vua Asoka đã có những tăng đoàn truyền giáo từ Ấn Độ sang Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam…Tuy nhiên, đây là vấn đề vẫn còn được tiếp tục nghiên cứu.

Đến thế kỷ V, tại Việt Nam Phật giáo đã được truyền đến nhiều nơi. Đã xuất hiện những nhà sư Việt Nam có danh tiếng như: Huệ Thắng, Đạo Thiền, Đạo Cao và Pháp Minh.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, từ thế kỷ VI đến đến thế kỷ X đa số các công trình vẫn coi là giai đoạn truyền giáo. Tuy nhiên, có thể thấy từ thế kỷ VI, ảnh hưởng của các nhà truyền giáo Ấn Độ giảm dần, trong khi đó các nhà truyền giáo Trung Quốc tăng lên, nhất là một số thiền phái trung Quốc du nhập ảnh hưởng rõ nét tại Việt Nam như: Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi với 18 đời và 29 vị sư tổ, kể từ người đầu tiên là Pháp Hiền (626) đến người cuối cùng là Y Sơn (1216), Thiền phái Vô Ngôn Thông với 15 đời và 40 vị sư tổ, kể từ người đầu tiên là Cảm Thành (860) đến người cuối cùng là Ứng Vương (1287) [58].

Trong gần mười thế kỷ đầu truyền bá vào Việt Nam mặc dù trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược và đô hộ nhưng do điều kiện hiện thực tương hợp, Phật giáo đã du nhập một cách hoà bình vào xã hội Việt Nam. Bước đầu Phật giáo đã tạo ảnh hưởng trong nhân dân và có những chuẩn bị cho sự phát triển mới trong giai đoạn đất nước độc lập tự chủ.

Việc nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự chủ sau một ngàn năm Bắc thuộc đã tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển một bước mới. Từ thế kỷ X Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Tuy vậy nó vẫn mang đậm yếu tố dân gian. Ở kinh đô Hoa Lư chùa chiền xuất hiện nhiều chùa như chùa Bà Ngô, chùa Tháp… và nhiều cột kinh Phật, hình tượng Phật đã quen thuộc với người Việt Nam.

Từ thế Kỷ X - XIV dưới thời Lý - Trần, Phật giáo phát triển đến mức cực thịnh, hầu hết các đời vua đều sùng Phật, xây dựng chùa tháp, tô tượng, đúc chuông, dịch kinh phật. Đông đảo quần chúng nô nức theo Phật giáo, dân chúng quá nửa là sư. Rất nhiều chùa, tháp có quy mô lớn với kiến trúc độc đáo như chùa Phật Tích, chùa Diên Hựu, chùa Phổ Minh, chùa Quỳnh Lâm… Giai đoạn này Phật giáo có vai trò rất lớn đối với văn hoá (như thơ ca, kiến trúc, điêu khắc), đối với đường lối đối ngoại, đặc biệt Phật giáo có vai trò lớn đối với những thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược chống Tống thời Lý và ba lần chống quân Nguyên Mông thời Trần.

Sang thế kỷ XV, cùng với sự xác lập của triều đình phong kiến nhà Lê đã tuyên bố lấy Nho giáo làm quốc giáo. Mất vị trí quốc giáo nhưng Phật giáo vẫn lan toả trong tầng lớp bình dân và những làng quê.

Thời kỳ biến động thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII cũng là thời kỳ hậu Nho, Phật giáo lại được sùng mộ. Thế kỷ XVII, vua Quang Trung có quan tâm chấn hưng Phật giáo, đã xuống chiếu xây cất chỉnh đốn các chùa lớn như chùa Bút Tháp, Tây Phương, Kim Liên, Keo, Hương Tích, Trấn Quốc…

Sang thế kỷ XIX, thời Nguyễn Phật giáo vẫn được phát triển nhưng dưới sự kiểm soát của nhà nước. Đầu thế kỷ XX, đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Trước trào lưu ảnh hưởng phương Tây đến cả phương Đông trong đó có Việt Nam. Đã dẫn đến phong trào chấn hưng Phật giáo, Phật giáo từ đó mới bắt đầu khởi sắc. Cũng từ đây Phật giáo đi vào hoạt động có tổ chức khác với sự rời rạc, lỏng lẻo trước đó. Một loạt tổ chức Phật giáo ra đời trong thời

kỳ này ở ba miền, nhưng trong đó có 6 tổ chức quan trọng của tăng ni và cư sỹ, đó là:

Ở Miền Nam có hai tổ chức: Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học do nhà sư Khánh Hòa lập năm 1930 và Hội Tăng già Nam Việt lập tháng 6 năm 1951.

Ở Miền Trung có hai tổ chức: An Nam Phật Học Hội do ông Lê Đình Thám lập năm 1932 và Hội Tăng già Trung Việt thành lập năm 1949.

Ở Miền Bắc có hai tổ chức: Hội phật giáo bắc kỳ do ông Nguyễn Năng Quốc lập năm 1934 và Hội chỉnh lý Tăng ni Bắc Việt do nhà sư Tố Liên lập năm 1949, sau nay năm 1950 đổi thành hội Tăng già Bắc Việt

Một sự kiện quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và là kết quả của phong trào chấn hưng Phật giáo năm 1951 tại Huế các tổ chức Phật giáo nói trên đã họp lại để lập ra Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Đây được coi là cuộc vận động thống nhất đầu tiên của Phật giáo ở Việt Nam về mặt tổ chức. Đặc biệt ở Nam Bộ tổ chức Phật giáo cứu quốc thu hút nhiều Phật tử tham gia hoạt động yêu nước.

Phong trào chấn hưng Phật giáo đã xây dựng được một số cơ sở đào tạo tăng ni có quy củ. Đặc biệt sau khi các tổ chức Phật giáo ra đời, các kinh sách được sưu tầm, biên dịch, ấn tống rộng rãi; các tạp chí Phật học ra đời làm phương tiện chấn chỉnh về phương diện giáo lý, giáo luật,... Năm 1931, Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học xuất bản tờ Từ Bi Âm; Năm 1932, An Nam Phật Học Hội xuất bản tờ Viên Âm; Năm 1934, Hội Phật học Bắc kỳ xuất bản tờ Đuốc Tuệ; Năm 1931, Hội Thiền Giáo Tông xuất bản tờ Bát Nhã Âm; Lương Xuyên Phật học xuất bản tờ Duy Tâm Phật Học.

Sau 1954, đất nước bị chia cắt, tình hình Phật giáo ở hai miền có sự khác nhau. Ở miền Bắc, tháng 3 năm 1958, “Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam” ra đời đã quy tụ giới Phật giáo miền Bắc trong một tổ chức duy nhất, vừa hoạt động tôn giáo, vừa hoạt động yêu nước. Có thể nói đây là bước chuyển quan

trọng trong tiến trình gắn bó với dân tộc của giới phật tử miền Bắc, Phật giáo có điều kiện chuyển mình.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước hòa bình độc lập thống nhất đã tạo cơ duyên rất thuận lợi cho giới Phật giáo thực hiện một Phật sự lớn đã đặt ra từ lâu. Sau hai năm chuẩn bị, tháng 11 năm 1981, Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo đã tổ chức tại thủ đô Hà Nội với 165 đại biểu tăng ni, cư sỹ trong cả nước đã về dự. Đại hội đã tổ chức ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông qua Hiến chương và chương trình hoạt động của giáo hội với đường lối "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" và bầu ra Hội đồng Chứng minh gồm 50 vị hòa thượng; Hội đồng Trị sự gồm 50 vị tăng ni và cư sỹ tiêu biểu là cơ quan lãnh đạo của Giáo hội. Sự kiện này cực kỳ trọng đại trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Thống nhất Phật giáo và việc ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của tuyệt đại đa số tăng ni, phật tử, lại được đảm bảo bằng chính sách tôn trọng tự do tin ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng trưởng thành ngày càng khẳng định vị trí của mình trong lòng dân tộc. Đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 6 kỳ đại hội. Đại hội lần thứ nhất năm 1981, Đại hội lần thứ hai năm 1987; Đại hội lần thứ ba năm 1992; Đại hội lần thứ tư năm 1997; Đại hội lần thứ năm năm 2002; Đại hội lần thứ sáu năm 2007 [34].

Hiện nay tổ chức Giáo hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được xây dựng theo cơ cấu gồm cấp trung ương, cấp tỉnh, huyện và cơ sở, trong đó cấp trung ương và cấp tỉnh giữ vài trò chủ chốt, ở cấp trung ương có Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự.

Một phần của tài liệu Vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 41)