b. Nguyên nhân khách quan
3.3.3. Kiến nghị với ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam
3.3.3.1. Tiếp tục hoàn thiện quy trình tín dụng
Agribank nên tách bạch hơn nữa khâu đề xuất, thẩm định, phê duyệt và giải ngân. Hiện tại theo quy trình tín dụng đang áp dụng tại Agribank, đầu mối chính trong phê duyệt cho vay đối với khách hàng vẫn nằm ở trong phòng Quan hệ khách hàng. Đối với một số đối tượng khách hàng nhất định Phòng quan hệ khách hàng vẫn được ủy quyền trong việc phê duyệt cho vay.
Tuy nhiên, khâu thẩm định phê duyệt cho vay nên được tách rời hoàn toàn khỏi khâu đề xuất tín dụng. Phòng quan hệ khách hàng chỉ nên tập trung chủ yếu vào hoạt động tiếp thị, tiếp xúc khách hàng, khởi tạo tín dụng. Phòng quản lý rủi ro thực thi chức năng thực hiên thẩm định tín dụng độc lập và ra các ý kiến về cấp tín dụng cũng như giám sát quá trình thực hiện các quyết định tín dụng của bộ phận quan hệ khách hàng. Phòng quản trị tín dụng sẽ thực thi chức năng quản lý nợ, thực hiện lưu trữ hồ sơ, nhập hệ thống máy tính và quản lý khoản vay đóng vai trò là khâu kiểm soát cuối cùng trước khi tiền đến tay khách hàng.
Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm pháp lý của bộ phận quan hệ khách hàng, quản lý rủi ro tín dụng và quản lý nợ. Sự rạch ròi trong phân định trách nhiệm sẽ đảm bảo tính công bằng trong đánh giá chất lượng công việc là điều kiện để quá trình xử lý các dấu hiệu rủi ro tín dụng được nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời cũng như tạo sự yên tâm trong suy nghĩ cũng như cách thức hoạt động của các bộ phận.
3.3.3.2.Đầu tư hơn nữa về trang thiết bị, công nghệ thông tin hiện đại
Củng cố và đổi mới công nghệ không những đưa ra được những sản phẩm mới, nhiều tiện ích trên một sản phẩm mà còn tạo điều kiện cho công tác quản lý điều
hành theo phương pháp hiện đại như hoạt động, kinh doanh phân tán nhưng quản trị điều hành tập trung tại Hội sở chính. Điều này giúp Hội sở chính có thể giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình nghiệp vụ tại từng chi nhánh. Tập trung nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm tra, kiểm soát, quản trị rủi ro, bảo mật và an ninh thông tin, dữ liệu. Các nghiệp vụ quản lý rủi ro tín dụng, quản lý rủi ro tác nghiệp và thị trường tiếp tục được nghiên cứu, tìm kiếm nhằm mua những chương trình phần mềm hiện đại để theo dõi, kiểm soát rủi ro. Trong quá trình đầu tư Agribank cần có kế hoạch triển khai cụ thể,
Đầu tư theo chiều sâu vào các mảng thiết bị như hệ thống mạng nội bộ, các phần mềm tin học, đặc biệt là các phần mềm hỗ trợ xử lý cho công tác thẩm định dự án. Cập nhật những công nghệ ngân hàng mới, hiện đại trên thế giới đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập.
Song song với việc đầu tư công nghệ, đòi hỏi ngân hàng phải thường xuyên tập huấn cho các cán bộ quan hệ khách hàng để có khả năng sử dụng các công nghệ mới của ngân hàng.
Ngân hàng nên thực hiện từng bước, không nên đầu tư một cách dàn trải. Bởi lẽ cần phải có thời gian thích ứng, phù hợp với sự phát triển hiện đại của hệ thống.
3.3.3.3. Hoàn thiện hệ thống thông tin
Thực hiện việc quản lý dữ liệu tập trung, đảm bảo có sẵn thông tin cho cấp có thẩm quyền khi ra quyết định cho vay.
Tạo ra một bộ phận chuyên nghiên cứu và xử lý thông tin: Để giúp phân loại và sắp xếp thông tin một cách khoa học, có chất lượng góp phần đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Triển khai việc xếp hạng tín dụng với khách hàng: nâng cấp đảm bảo chính xác và kịp thời hệ thống thông tin báo cáo và quản trị rủi ro.
Ngoài ra, Agribank cần tăng cường hợp tác, liên kết trao đổi chia sẻ với các NHTM khác về khách hàng góp phần hỗ trợ lẫn nhau trong việc quyết định
tín dụng chính xác đồng thời sẽ làm giảm thiểu rủi ro tín dụng, nâng cao hiệu quả của công tác quản nợ.
3.3.3.4. Thường xuyên đổi mới, nâng cao thực tiễn và khả năng đánh giá chính xác của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.
Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cần phải thực hiện sửa đổi, bổ sung, cải thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ định kỳ, để cho hệ thống xếp hạng tín dụng phù hợp với điều kiện thực tế, từ đó có thể đánh giá chính xác tình hình khách hàng, khoản vay, làm cơ sở trong xây dựng chính sách khách hàng về giới hạn tín dụng, để áp dụng hình thức bảo đảm tiền vay thích hợp, các định hướng tín dụng với từng khách hàng. Do đó, hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đang và sẽ là một trong những công việc trọng tâm để nâng cao chất lượng tín dụng.
Bên cạnh đó, Agribank cũng cần chú trọng đến từng bước triền khai đánh giá, xếp hạng tín dụng tại từng chi nhánh trong hệ thống ngân hàng cho hợp lý. Bởi đặc thù của mỗi vùng kinh tế là khác nhau dẫn đến việc hoạt động của mỗi chi nhánh cũng khác nhau nên việc áp dụng được các chỉ tiêu xếp hạng tín dụng đến mức như thế nào là không đồng bộ. Nên cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu chi tiết nhất để dễ áp dụng phổ biến, kể cả với những chi nhánh thường xuyên phải làm việc với các doanh nghiệp nhỏ lẻ, hộ gia đình.
Ngoài ra, trong hệ thống chỉ tiêu đánh giá xếp hạng tín dụng cũng cần chú ý cập nhật các yếu tố kinh tế như biến động thị trường, lạm phát, tốc độ tăng trưởng...., vì thực tế đây là nhân tố cũng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của bất cứ ngành nghề nào trong nền kinh tế. Nếu ngân hàng không lường trước những tác động của nó thì sẽ rất khó xoay sở khi có biến động theo chiều hướng xấu.
Tóm tắt chương III
Từ thực trạng hoạt động, đặc biệt là hoạt động tín dụng, cũng như thực trạng quản lý nợ xấu của chi nhánh, chuyên đề đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý nợ xấu tại NHNo&PTNT Hoàng Mai. Trong các giải pháp đó, tập trung xử lý những điều mà công tác quản lý nợ xấu hiện nay của chi nhánh còn gặp khó khăn hay hạn chế. Đồng thời, chuyên đề cũng đã đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ, với Ngân hàng Nhà nước, với NHNo&PTNT Việt Nam nhằm đưa việc quản lý nợ xấu trở nên hiệu quả hơn. Sự chung tay góp sức của các bên liên quan trong quá trình quản lý nợ xấu sẽ làm cho công tác quản lý đạt hiệu quả cao và góp phần giúp hệ thống tài chính nước ta an toàn và phát triển.
KẾT LUẬN
Quản lý nợ xấu trong hoạt động ngân hàng nhằm làm tăng chất lượng các dự án vay,các khoản vay, tăng tính thanh khoản,giảm chi phí hoạt động, tăng thu nhập, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng trong điều kiện ngành ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung hội nhập ngày càng sâu với nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa có điểm dừng, thì công tác quản lý nợ xấu lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, trở thành vấn đề cấp thiết, xuyên suốt trong mục tiêu hoạt động quản lý ngân hàng nói chung và Agribank Hoàng Mai nói riêng. Trong thời gian qua, Chính phủ mà trực tiếp là Ngân hàng Nhà Nước đã có những chủ trương, đường lối, giải pháp đúng đắn phù hợp với diễn biến nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế thế giới, góp phần làm hạn chế, giảm thiểu nợ xấu trong toàn ngành, đảm bảo tính thanh khoản của ngành và từng bước vực dậy nền kinh tế đang gặp phải rất nhiều thử thách, khó khăn trước mắt .
Chuyên đề : “ Giải pháp nâng cao công tác quản lý nợ xấu tại Chi nhánh
Hoàng Mai – Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam” về cơ
bản đã hoàn thành được các nhiệm vụ sau:
- Khái quát những vấn đề cơ bản về quản lý nợ xấu của Ngân hàng thương mại - Tìm hiều, nghiên cứu thực trạng công tác quản lý nợ xấu tại Chi nhánh Hoàng Mai – Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Những thành tựu mà chi nhánh đã đạt được, những hạn chế và nguyên nhân. Sau đó, đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý nợ xấu.
- Chuyên đề đã đưa ra những kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, NHNo&PTNT Việt Nam về giải pháp nhằm phòng ngừa và hạn chế rủi ro phát sinh nợ xấu.
Trong quá trình làm bài hẳn còn nhiều sai sót, em rất mong Quý thầy cô bổ sung để bài chuyên đề của em có thể hoàn thiện hơn.