Cạnh tranh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Đà Lạt (Trang 26)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2.1.Cạnh tranh

Ngày nay, hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải thừa nhận trong mọi hoạt động kinh tế đều phải có cạnh tranh và coi cạnh tranh không những là môi trường, động lực của sự phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động, hiệu quả của các doanh nghiệp, là yếu tố quan trọng làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.

Các nhà nghiên cứu kinh tế thuộc trường phái kinh tế học tư sản cổ điển với đại diện tiêu biểu là Adam Smith, miêu tả cạnh tranh như là một cách thức chống lại các đối thủ hay là “một quá trình bao gồm các hành vi phản ứng”. Quá trình này tạo ra cho mỗi thành viên trong thị trường một phạm vi hoạt động nhất định và mang lại cho mỗi thành viên này một phần lợi ích xứng đáng so với khả năng của chính họ. Adam Smith cổ vũ cho sự tự do cạnh tranh vì theo ông quá trình này có thể kết hợp một cách nhịp nhàng các hoạt động của nền kinh tế, nâng cao khả năng người lao động, điều tiết các yếu tố tư bản một cách hợp lý.

23

Trong khi đó Các Mác lại đề cập nhiều đến cạnh tranh giữa những người sản xuất và cạnh tranh đó ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Theo ông, cạnh tranh của các nhà sản xuất diễn ra trên ba phương diện: cạnh tranh giá thành, cạnh tranh chất lượng và cạnh tranh giữa các ngành.

Lý luận cạnh tranh hoàn hảo của trường phái Tân cổ điển lại cổ vũ cho cạnh tranh tự do với mô hình cạnh tranh hoàn hảo. Trong đó, sản xuất do thị hiếu người tiêu dùng điều khiển thông qua cơ chế thị trường. Muốn đạt lợi ích tối đa, doanh nghiệp phải tiến hành sản xuất theo nguyên tắc sao cho chi phí biên (MC) ngang bằng với lợi ích cận biên của người tiêu dùng (MU). Mô hình thị trường cạnh tranh hoàn hảo đề cao lựa chọn người tiêu dùng (thị trường) vì nó thúc đẩy các công ty điều chỉnh quy mô sản xuất tới tối ưu (MR=MC).

Các trường phái của kinh tế học hiện đại thì phân tích cạnh tranh dưới nhiều cấp độ khác nhau từ cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh ngành, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hay giữa các sản phẩm. Tuy nhiên, dù tiếp cận dưới góc độ nào thì cạnh tranh cũng bao gồm các đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, cạnh tranh là một quá trình tất yếu của hoạt động kinh tế, về cơ bản, cạnh tranh lành mạnh là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả xã hội.

Thứ hai, nói đến cạnh tranh là nói đến sự ganh đua giữa các chủ thể cạnh tranh. Cạnh tranh chỉ diễn ra khi có nhiều chủ thể cùng tham gia vào một quá trình/hoạt động kinh tế.

Thứ ba, trong một thời gian nhất định, các chủ thể tham gia cạnh tranh nhằm hướng tới một mục tiêu cụ thể. Các mục tiêu này có thể giống hoặc khác nhau giữa các chủ thể cũng như có tác động rất khác nhau tới các chủ thể cạnh tranh nhưng mục đích chung vẫn là tìm kiếm hoặc tối ưu hóa lợi ích trong ngắn hoặc dài hạn.

24

Thứ tư, các hoạt động cạnh tranh được diễn ra trong một bối cảnh cụ thể với các ràng buộc về luật pháp, cam kết, thông lệ, văn hóa... mà các chủ thể cạnh tranh đều phải thực hiện. Về mặt lý thuyết, cạnh tranh lành mạnh sẽ có được khi tất cả các chủ thể cạnh tranh đều tuân thủ các ràng buộc này.

Thứ năm, xu thế của cạnh tranh hiện đại là chuyển từ đối kháng sang việc tạo ra sự khác biệt. Với sự mở rộng không ngừng của thị trường và sự tham gia ngày càng nhiều của các chủ thể cạnh tranh nên việc cạnh tranh đối kháng, tiêu diệt đối thủ đang dần mất đi ý nghĩa. Việc cạnh tranh đối kháng có thể làm suy giảm nguồn lực trong ngắn hạn và tạo cơ hội cho các đối thủ khác. Do vậy, các chủ thể cạnh tranh đang có xu hướng giảm hoặc né tránh cách thức cạnh tranh này. Cạnh tranh đối kháng thường xuất hiện nhiều hơn tại các thị trường có ít chủ thể cạnh tranh như thị trường độc quyền nhóm. Các chủ thể cạnh tranh có thể sử dụng nhiều công cụ, biện pháp khác nhau nhằm tạo ra sự khác biệt được thị trường chấp nhận để đạt được các mục tiêu đã đề ra. [19, 12-14]

Dưới góc độ một điểm đến du lịch, cạnh tranh là việc phấn đấu thu hút du khách đến với địa phương mình nhiều hơn trong bối cảnh cũng có nhiều điểm đến du lịch khác muốn chia sẻ và thu hút nguồn khách đó.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Đà Lạt (Trang 26)