6. Cấu trúc luận văn
2.2.3. Ngôn ngữ
Theo Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong Từ điển thuật ngữ văn học thì “ngôn ngữ văn học là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn” [22; 215]. Đối với tất cả các tác giả văn học trung đại nói chung, đặt vấn đề cá tính sáng tạo, theo đúng cái nghĩa ban sơ, cội nguồn, khắt khe của từ này, có lẽ chưa hẳn đã khả thể. Bởi trong một nền văn học mà yếu tố “phi ngã” nhiều khi nổi bật lên như một định đề trung tâm, thì không phải tác giả nào cũng có ý thức về hoạt động sáng tạo nghệ thuật của mình. Mà ngay cả khi đã có ý thức, thì cũng không mấy ai đạt đến tầm như Nguyễn Du, để rồi được đặt hẳn vấn đề nghiên cứu “phong cách Nguyễn Du” qua một sáng tác cụ thể - Truyện Kiều - như Phan Ngọc đã làm. Đối với những truyện Nôm bác học ở thời kỳ đầu của sự hình thành thể loại như Song Tinh Bất Dạ, khi mà các yếu tố của văn học bình dân vẫn còn “xâm thực”, thì đặt vấn đề tìm hiểu cá tính sáng tạo sẽ là một yêu cầu nan giải cho người nghiên cứu. Dẫu vậy, Song Tinh Bất Dạ cũng không nằm ngoài quy luật chung của sáng tạo văn học; nghĩa là ngôn ngữ văn học, dù ở giai đoạn sơ khai của một thể loại bác học, vẫn thể hiện tài năng của tác giả. Do vậy, tìm hiểu ngôn ngữ của Song Tinh Bất Dạ, ít nhiều sẽ giúp chúng ta nhận diện được trong sự năng văn, năng ý của Nguyễn Hữu Hào, đâu là yếu tố kế thừa, phát huy truyền thống ngôn ngữ dân gian, đâu là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa bác cổ và đâu là sắc diện riêng của tác giả. Bởi cũng giống như những truyện Nôm bác học khác, trong ngôn ngữ của Song Tinh Bất Dạ có sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ ước lệ tượng trưng mang tính điển nhã và ngôn ngữ bình dân mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần mặn mà, duyên dáng. So sánh tương quan tỷ lệ và sự mật tập của ngôn ngữ bình dân so với ngôn ngữ bác học, chúng ta dễ dàng nhận thấy mức độ ảnh hưởng của truyền thống dân gian và kế thừa tinh hoa văn chương cổ trong Song Tinh Bất Dạ là tương
đương nhau. Đây chính là một trong những dấu hiệu chứng tỏ sự “khởi đầu” của thể loại, bởi càng về sau, các tác giả truyện Nôm bác học càng thoát ly ảnh hưởng của truyện Nôm bình dân. Tuy không phải tác phẩm nào cũng đạt đến giá trị kinh điển và tỏ rõ ưu thế văn chương phong nhã so với truyện Nôm bình dân hay những sáng tác của văn nhân thời kỳ đầu, song sự đậm đặc hơn hẳn và thuần thục hơn hẳn của ngôn ngữ “thành văn” là điều không dễ gì phủ nhận.
Mặt khác, Song Tinh Bất Dạ cũng là một trong số ít những tác phẩm hiếm hoi của văn học trung đại đề cập đến vấn đề tình dục một cách hết sức táo bạo. Điều lạ là, ngỡ chừng khi viết về những chuyện “nóng” ấy, văn chương sẽ sống sượng, thô ráp, sẽ khiến người đọc có lúc phải đỏ mặt tía tai vì thẹn thùng, nhưng ở Song Tinh Bất Dạ, chuyện phòng the tuy được viết khá tỉ mỉ mà ngôn ngữ sắc dục vẫn thấm đượm cái trang nhã, kín đáo, e ấp của thơ cổ. Đây quả là một sự hấp dẫn tuyệt thú của ngôn ngữ thi ca, mà chúng tôi nhận thấy cần phải được tìm hiểu, đánh giá một cách nghiêm túc. Bởi vậy, với Song Tinh Bất Dạ, chúng tôi không chỉ đơn thuần tìm hiểu nét đẹp của ngôn ngữ ước lệ tượng trưng và ngôn ngữ bình dân, một thao tác khá phổ biến khi nghiên cứu thi pháp văn học trung đại, mà còn dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngôn ngữ sắc dục, diễm tình của tác phẩm. Đó cũng là những lý do để chúng tôi dành một dung lượng khá lớn của bản luận văn này vào việc tái hiện ngôn ngữ tác phẩm.
2.2.3.1. Ngôn ngữ ước lệ tượng trưng
Văn chương bác học coi trọng tính điển nhã, uyên thâm. Các tác giả - nhà nho tin rằng mọi “lời hay ý đẹp” đều là phát ngôn của thánh nhân hay hiền giả; vậy nên mới có câu:
Thánh nhân sở chế viết Kinh Hiền giả sở tác viết Truyện
Cũng theo luân lý đó mà mọi phát ngôn của thánh nhân hay hiền giả đều được coi là chuẩn mực, hoàn mỹ. Chữ “văn chương”, trong quan niệm của Nho gia, không gắn liền với “nghệ thuật”; thế nên mới có câu “thuật nhi bất tác”, tức là tác giả chỉ đơn thuần thuật lại lời của tiền bối chứ không phải sáng tạo nghệ thuật. Điều này dẫn đến một sự xác tín trong giới Nho học xưa là sùng bái những gì vốn là sản phẩm tạo tác của cổ nhân. Bởi vậy, tập cổ đã trở thành một đặc trưng mỹ học của văn chương trung đại. Trong giới văn nhân, thi nhân hình thành tập quán tư duy nghệ thuật thông qua những kiểu mẫu có sẵn đã thành công thức. Có những thi liệu, văn liệu đã trở nên quen thuộc, ứng dụng cho mọi loại hình nghệ thuật, như: tùng, cúc, trúc, mai; long, ly, quy, phụng; phong, hoa, tuyết, nguyệt; cầm, kỳ, thi, họa… Hầu hết các tác giả tuân thủ nghiêm ngặt lối kết cấu đã được định hình, niêm luật chặt chẽ và thống nhất của thể loại…
Thực ra, bản chất nghệ thuật vốn đã mang tính ước lệ. Đặc biệt trong môi trường phong kiến đầy những lễ nghi, hình thức mà giới quý tộc đã tạo ra một kiểu ước lệ mang đặc trưng riêng của văn học trung đại: nghệ thuật thiên về công thức, có tính chất uyên bác và cách điệu hóa, tính sùng cổ và tính phi ngã.
Điều này dẫn đến một đặc trưng của hệ hình văn học trung đại là các nhà văn, nhà thơ đều chuộng sử dụng điển tích, điển cố. Một áng văn hay là phải dùng nhiều điển tích, điển cố chủ yếu rút ra từ sử sách, thư tịch của Trung Hoa như Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử, Đường thi, Tống thi… Trong lịch sử mấy nghìn năm tựu thành của tinh hoa văn hóa chữ Hán, các thể loại mang sắc màu Trung Quốc như triết học, sử ký, thơ ca, tiểu thuyết trường thiên…
đều có những tác phẩm đạt đến trình độ kinh điển. Gửi gắm trong đó là biết bao tư tưởng, tình cảm, tâm sự, kinh nghiệm sống… Bởi vậy, người xưa quan niệm việc dùng điển đắt chẳng những làm tăng tính hàm súc của thơ ca mà còn thể hiện sự uyên bác và tầm vóc văn hóa của người sử dụng.
Hơn nữa, cũng cần phải thấy rằng, do điều kiện lịch sử - xã hội và mối quan hệ lân bang giữa Việt Nam - Trung Hoa, cũng như do quan niệm đề cao chữ Hán và văn chương Hán của giai cấp phong kiến thống trị, văn hóa Việt Nam đã tiếp nhận khá nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa. Không ít điển tích, điển cố và hình ảnh nghệ thuật từ sử sách, văn học Trung Quốc đã đi vào đời sống văn hóa dân gian Việt Nam một cách tự nhiên và trở thành những biểu tượng hết sức phổ biến, gần gũi, quen thuộc. Những biểu tượng cặp đôi như rồng - mây, cá - nước, liễu - đào, vàng - đá, hoa - bướm, Châu - Trần, Tấn - Tần… đã có một đời sống sôi động trong ca dao dân ca Việt. Vậy nên, lẽ hiển nhiên là, khi sử dụng những biểu tượng này của ca dao dân ca, một mặt các tác giả đã chứng tỏ sự gần gũi và hứng khởi tiếp nhận “dòng sữa” ngọt ngào của mạch nguồn dân gian, một mặt đã tạo được tính chất ước lệ, uyên bác cho hình tượng văn học - đúng theo phong cách và quan niệm thẩm mỹ của tầng lớp trí thức đương thời.
Nguyễn Hữu Hào, tuy chưa được gọi là một cá nhân lỗi lạc, hay một nhà văn, nhà thơ xuất chúng, nhưng cũng từng được đánh giá là một trong những nhân vật “trí thức hiếm” của xứ Đàng Trong một thời kỳ. Với một xuất thân dòng dõi như thế, thụ hưởng một sự đào tạo nghiêm ngặt như thế, một vốn kiến thức uyên thâm như thế, Nguyễn Hữu Hào không thể không chịu ảnh hưởng bởi thói quen tư duy, xúc cảm của thời đại. Và kết quả là, Song Tinh Bất Dạ cũng như hầu hết các truyện Nôm bác học đương thời, đều nằm trong khuôn khổ “quy phạm” điển nhã và uyên bác ấy.
Trong Song Tinh Bất Dạ, các điển tích điển cố xuất hiện hết sức tự nhiên, nhuần nhị. Nói đến duyên tình, sẵn có điển tơ hồng, xích thằng, Trăng già, Nguyệt lão xe tơ, phượng loan, sắt cầm. Nói đến sự cách trở sơn xuyên của hai kẻ yêu nhau, không thể không nhắc chuyện tình Ngưu Lang, Chức Nữ
và niềm ước vọng Ô thước bắc cầu Ngân Giang. Nói đến sự vùn vụt của thời gian miên viễn, đã có bóng ngựa qua song. Nói đến ước vọng vinh hiển, đỗ đạt quan cao lộc hậu, phải có điển cửa Vũ hóa rồng. Nói chiêm phượng cầu huỳnh, nhắc chuyện Tử Bình, Đậu Nghị, Tú Uyên là ẩn ý nhắc việc cầu hôn, đính ước… Việc sử dụng điển tích, điển cố làm cho lời thơ ngắn gọn, hàm súc, đậm đà tính bác học. Ẩn trong đó là biết bao câu chuyện, biết bao tích cổ đã đi vào tiềm thức, làm cho lời thơ đẹp, hoa mỹ và đầy những ẩn ý sâu xa. Một người có thể làu thông, quyền biến trong thuật dùng điển, không thể là kẻ thất phu. Do vậy, Nguyễn Hữu Hào cũng như các tác giả trung đại khác, đã coi văn chương là nơi thi triển tài năng, chứng tỏ trình độ am tường, hiểu biết, sở học và tài năng của mình. Người đọc, cũng qua việc trải lòng cùng những điển xưa tích cũ mà thêm phần tâm đắc.
Đồng thời, điều này cũng lý giải vì sao nhân vật trong Song Tinh Bất Dạ thường hay nói chữ. Những cách nói khai khẩu lưỡng nan, thức thì kiến cơ, phượng lữ duyên hài, đài phượng xuy tiêu… khá phổ biến. Nguyễn Hữu Hào, dù sáng tác truyện Nôm, tức là tái hiện câu chuyện trên cái nền của một thể chữ “nôm na là cha mách qué”, song vẫn không đặt tác phẩm ngoài điển phạm và hệ thống quan niệm của con người trung đại. Theo đó, nếu như tiếng Nôm chỉ biểu đạt được cái thông tục, hằng ngày thì tiếng Hán, chữ Hán là để biểu đạt cái cao cả, tao nhã. Mà văn chương trung đại lại đặc biệt đề cao tính trang nhã, uyên bác của tác phẩm. Bởi vậy, các bậc học thức, học giả đều xem trọng việc dùng từ Hán - Việt, mượn câu, mượn ý, mượn hình ảnh từ những tác phẩm nổi tiếng của thơ ca Trung Quốc xưa. Tất nhiên, xuất hiện trong xu
thế Nôm hóa các thể loại văn học, tác phẩm của Nguyễn Hữu Hào đã giảm đi phần nào mức độ mật tập của những điển tích, điển cố và từ ngữ Hán Việt, để thay vào đó là những lời nói mang khẩu khí dân gian.
Tính công thức, ước lệ thể hiện trên mọi phương diện của tác phẩm: từ miêu tả thiên nhiên, con người, giới thiệu nhân vật, nêu sự kiện, cho đến lời kể chuyện, phẩm bình của tác giả. Mặt khác, ngôn ngữ ước lệ không chỉ chi phối phương thức sáng tác của tác giả, tức là những lựa chọn “kỹ thuật” từ phía chủ thể sáng tạo, mà còn chi phối đến cả ngôn ngữ độc thoại và đối thoại của nhân vật. Nhân vật trong Song Tinh Bất Dạ thường dùng một thứ ngôn ngữ cách điệu hóa cao. Hầu như ai, ở bất cứ đâu, với bất cứ ai cũng có thể nói năng văn chương, kiểu cách và sử dụng ngôn từ ước lệ. Nhìn trong tổng thể truyện Nôm bác học nói riêng và văn chương bác học nói chung, như Truyện Hoa tiên, Truyện Kiều, Sơ kính tân trang, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc…, có thể thấy sự phổ quát của hiện tượng này. Từ những chàng văn nhân hay nàng tiểu thư khuê các, từ các quan lại hay những bậc anh hùng trượng phu… cho đến đám người hầu kẻ hạ, đều dùng lời lẽ rất văn hoa. Thậm chí, trong một số truyện Nôm bình dân như Quan Âm Thị Kính, Trinh thử… nhân vật cũng nói ra những lời hoa mỹ.
Trước hết, chúng tôi nhận thấy, tính công thức, ước lệ của văn chương trung đại được thể hiện rõ nhất ở quan niệm và nghệ thuật miêu tả con người. Con người gắn liền với cái bản thể vũ trụ. Con người là chung đúc khí sắc của đất, trời, non, nước, được hình dung qua các hình tượng thiên nhiên tươi đẹp như mây, núi, trăng, ngọc, tuyết, mai, lan, trúc, tùng… Vậy nên hình ảnh nàng Nhụy Châu của Song Tinh mới là sự kết tinh vẻ đẹp của mây, tuyết, khói, sương, của chim phượng, sen hồng:
Dầy dầy da ngọc tuyết ken
Mày ngài khói dạm, tóc choang mây lồng Gót sen đua nở bạch hồng
Sóng ngời mắt phượng, ráng phong má đào
Sau này, nàng Dao Tiên trong Truyện Hoa tiên cũng:
Gió đông dờn dợn sóng tình, Trăm hoa lộng lẫy một cành mẫu đơn.
Mặn mà chim cá rơi nhàn
Nguyệt ghen gương khép, hoa hờn thắm bay. Thiên nhiên sẵn đúc dầy dầy
Càng tươi tắn nét càng say sưa tình Bụi phàm chẳng bợn dinh dinh Dưới tùng trong quýt âu đành là đây
Hay như cái vẻ mong manh sương khói của nàng Trương Quỳnh Thư trong Sơ kính tân trang:
Lam pha mày liễu, mỡ đong da ngà Chiều cá nhảy vẻ nhạn sa, Mắt long lanh nguyệt, tóc rà rà mây
Hay vẻ đẹp đài các khiến “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” của Thúy Vân và vẻ đẹp chim sa cá lặn làm “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” của Thúy Kiều… Tất cả đều phải gắn với một vận khí nào đó của thiên nhiên, vũ trụ.
Điều đáng nói là sự ước lệ mang tầm vóc vũ trụ này chỉ gắn với những nhân vật lý tưởng - chính diện. Còn nhân vật phản diện luôn được miêu tả như
những con người có thật trong hiện thực. Vậy nên mới có một tên đô đốc kệch cỡm, hợm đời trong Sơ kính tân trang:
Sắm sanh tử tế lạ đời
Lọng xanh buông chỉ, võng mai ngáng ngà Rỡ ràng bộ đãy cẩm hoa
Xênh xang áo thắm, nhởn nhơ quần điều Giáo ngù gươm bạc dập dìu
Đôi khiên đủng đỉnh, cặp hèo nghênh ngang Luân thêu thắm vấn hoang mang
Phập phèo thuốc giấy, ngó càng đẹp trai Ống nhổ bạc, tráp ngà voi
Lò hương đồng bạch, nón quai đồi mồi
một gã buôn thịt bán người thô lỗ, thất học như Mã Giám Sinh, dù “Quá niên trạc ngoại tứ tuần” nhưng “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”; một tên Sở Khanh tráo trở, lường gạt niềm tin của những cô gái bất hạnh, “tay sai” ở chốn hồng lầu mà cái “Hình dong chải chuốt áo khăn dịu dàng” đã đủ lột trần bản chất; một mụ Tú Bà “Thoắt trông lờn lợt màu da” khiến người ta mỗi lần nghĩ đến đều cảm thấy gai gai toàn thân (Truyện Kiều).
Tính chất ước lệ trong miêu tả nhân vật của truyện Nôm bác học còn được thể hiện ở một yếu tố thi pháp mà GS. Trần Đình Sử từng gọi là “lối tỏ lòng”. Căn nguyên của lối tỏ lòng này xuất phát từ quan niệm phẩm chất con người phải được biểu hiện qua màu sắc tương phản gay gắt, hành vi khác thường. Thế nên mới có chuyện Nguyệt Nga lúc nào cũng kè kè bức hình Lục Vân Tiên do nàng tự họa để bày tỏ tấm tình chung thủy. Kiều phải bán mình chuộc cha, đó cũng là một hành động tỏ lòng. Đặc biệt nhất là hành vi tự tử. Nhụy Châu (Song Tinh Bất Dạ), Ngọc Khanh (Truyện Hoa tiên), Quỳnh Thư
(Sơ kính tân trang), Thúy Kiều (Truyện Kiều), Kiều Nguyệt Nga (Truyện Lục Vân Tiên)… đều có lần tự tử để tỏ lòng son. Ốm tương tư như Song Tinh (Song Tinh Bất Dạ), si mê ngơ ngẩn như Lương Sinh (Truyện Hoa tiên), khóc ngất như Kim Trọng (Truyện Kiều)… cũng là biểu hiện của tỏ lòng. Đã gọi là “tỏ lòng”, theo Trần Đình Sử, thì phải có dấu hiệu ngoại hiện rõ rệt. Chẳng